NĂM SỰ THẬT VỀ TỆ NẠN DIỄN GIẢ
1. Nếu chịu khó đọc đủ nhiều và nghiên cứu sách tỉ mỉ, bạn sẽ không cần và không thích nghe bất cứ diễn giả nào chia sẻ. Nói cách...
1. Nếu chịu khó đọc đủ nhiều và nghiên cứu sách tỉ mỉ, bạn sẽ không cần và không thích nghe bất cứ diễn giả nào chia sẻ. Nói cách khác, tất cả những gì một diễn giả, một nhà đào tạo nói với bạn đều có sẵn trong sách.
2. Diễn giả, nhà đào tạo ở ta là những kẻ nói lại sách của người khác để trục lợi. Có thể họ nói hùng hồn và dễ hiểu hơn nhưng phần lớn không sâu sắc và không đủ ý. Kiến thức mà thiếu ý là thứ kiến thức nguy hại. Giống như thầy lang đọc sách đau bụng uống nhân sâm.
3. Diễn giả đẳng cấp là kẻ phải ham đọc và ham viết. Họ thường là tác giả có tầm cỡ. Đương nhiên, diễn giả rởm cũng tỏ ra vẻ như mình đọc nhiều sách và khoe mình hay đọc sách. Chết là ở đó. Nhưng tinh ý, bạn sẽ biết họ đọc nhiều thật hay đang nói dối. Ngồi cạnh người đọc sách nhiều và đúng cách, bạn sẽ học được ít nhiều chỉ sau 5 phút. Kẻ đọc sách nhiều không đay nghiến và kì thị ai quá đáng. Họ ghét ai cũng là cái ghét từ bi. Yêu ai cũng không vồ vập.
4. Diễn giả có nhiều fan chưa chắc đã là diễn giả cao cấp. Nhà chung cư tỷ mốt thì đông khách nhưng biệt thự 35 tỷ thì ít khách. Nhạc Beethoven ít kẻ nghe nhưng băng đĩa nhạc nhẹ bình dân thì bán chạy như tôm tươi.
5. Tại sao diễn giả, nhà đào tạo rởm hoành hành bá đạo ở Việt Nam? Vì người dân Việt Nam, đa phần lười đọc sách một cách nghiêm túc. Cuốn gối đầu giường của chúng ta, đa phần là VĂN KHẤN NÔM và LỊCH VẠN NIÊN. Ngoài việc cầu xin và xem tuổi, ngày giờ xuất hành, dựng nhà, gả chồng cho con, chúng ta không biết dùng sách vào việc gì.
Người ta, công dân Âu Mỹ và người Israel gối đầu giường bằng Lão tử, Trang tử, Harari, Greene, Daniel Pink, chúng ta gối đầu giường bằng lịch vạn niên và văn khấn nôm. Chỉ như vậy đã đủ lý giải tại sao diễn giả Việt Nam có thể thu nhập trăm tỷ mỗi năm.
Diễn giả rởm lừa được chúng ta không vì họ giỏi mà vì chúng ta quá cả tin.
Một người có lương tâm thì mỗi khi hành động luôn phải tự hỏi mình có đang gây tội ác hay không.
Nhiều người hỏi tôi tại sao không kiểm đếm xem mình làm việc tốt gì (theo kiểu dân NLP) mà lại điểm đếm việc ác. Tôi sẽ trả lời vào một dịp khác vì câu trả lời rất dài.
Đại khái là việc ác thì dễ mắc hơn và khó nhận ra hơn việc thiện. Thường ngày chúng ta luôn nghĩ mình đang OK lắm nhưng thực tế chẳng hề đơn giản vậy.
Tôi quen một ông diễn giả nổi tiếng, nóng đến khét lẹt ở Sài Gòn. Trong một buổi họp nhân sự marketing nội bộ, ông ta nói:
- Cái ngu của các bệnh viên (tư nhân) là họ coi bệnh nhân là bệnh nhân. Thực tế muốn kiếm ăn được thì phải coi bệnh nhân là những con bò sữa. Phải học cách vắt sữa. Vắt sao cho êm ái và bò không kêu rống lên. Ta sẽ chỉ cho họ cách vắt sữa. Mục đích của bệnh viện tư là Tiền. Mục đích của chúng ta cũng là TIỀN. Tiền từ đâu? Từ những con bò sữa!
BỐN DẤU HIỆU NHẬN DIỆN DIỄN GIẢ RỞM
1. Diễn giả rởm sẽ tuyên bố hoặc ngầm tuyên bố rằng làm giàu, kiếm tiền là dấu hiệu duy nhất để khẳng định thương hiệu cá nhân, rằng tiền là tấm vé duy nhất chứng minh giá trị của một con người.
Thực ra giá trị của con người nằm ở rất nhiều phương diện. Hai phần ba thế giới cúi đầu trước Bill Gates. Nhưng chính Bill Gates lại luôn cúi đầu trước các nhà khoa học và tư tưởng gia như Harari, một người không có nhiều tài sản.
Còn nữa, Mẹ Teresa ở Ấn Độ không biết chữ với hai bàn tay trắng. Mẹ cũng chẳng biết nói lý luận và triết học như thầy Thích Nhất Hạnh. Mẹ Teresa chỉ có tình yêu thương nhân loại vô bờ. Và mẹ đã thành vĩ nhân được giải Nobel hòa bình. Cả thế giới cúi đầu trước mẹ. Khi mẹ bước vào hội trường LHQ, tất cả các nguyên thủ và các thống chế đều chết lặng vì ngưỡng mộ và cảm phục. Có người òa khóc ôm lấy chân mẹ.
2. Diễn giả rởm còn đem lại cho bạn sự khát khao tiền bạc đến cháy bỏng. Kẻ làm giáo dục thực sự sẽ tin vào sức mạnh của tri thức và giác ngộ. Diễn giả rởm học đạo chưa đến tầm nên tự họ thấy tiền là duy nhất vĩ đại. Họ đánh vào lòng tham lam hoang dại của chúng sinh để trục lợi. Đương nhiên, với những kẻ ít lòng tham thì họ bất lực. Nhưng thử hỏi nhân sinh, mấy ai lại không tham vật chất và dục lạc?
3. Diễn giả rởm thường ăn mặc sang chảnh. Nên nhớ kim cương không cần trang trí. Giá trị bức tranh nằm ở tranh chứ không nằm ở khung. Khi tranh giả, tranh chép thì người ta mới làm cái khung cầu kỳ. Diễn giả hay giáo viên chỉ cần ăn mặc chỉn chu đúng mực. Không cần hàng hiệu đắt tiền và sang chảnh.
Viên kim cương tự nó
Đẹp lạnh lùng uy nghi
Những nhân cách vĩ đại
Ăn mặc không cầu kỳ.
Tôi có một anh bạn làm diễn giả. Anh ta thường nhờ tôi chụp ảnh hai bàn tay anh ta đặt trên vô lăng, cố tình để lộ cái logo BMW hoặc Lexus. Rồi anh ta quẳng ảnh đó lên FB với status: “Cuộc đời là những chuyến đi.” Có lẽ trên thế giới, chỉ vài người biết xe đó anh ta đi mượn. Và anh ta chẳng đi đâu cả.
4. Diễn giả rởm thường nhấn mạnh về các mẹo và các công thức. Ví dụ như, bảy bước huy động tài chính, năm cách bán hàng tuyệt đỉnh, tuyệt chiêu độc vị đối thủ, năm tuyệt chiêu giao tiếp hoàn hảo. Thực ra nếu coi đây là cách giật tít rùng rợn để thu hút sự chú ý thì cũng không có tội. Nhưng nếu diễn giả bám chấp và thần thánh hóa các công thức thì đó là biểu hiện của người học chưa đến tầm. Tôi nghe nói: Sự thành hoại của một sự vật, hiện tượng là trùng trùng nhân duyên đan xen phức tạp Viết thành công thức thì cũng chỉ là tương đối mà thôi.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất