Đúng vậy các bạn không đọc nhầm đâu, một cuốn tiểu thuyết khác hoàn toàn với các motip sách thông thường, một cuốn sách với 50 câu chuyện và 50 nhân vật chính khác nhau.
Lần đầu đọc được lời giới thiệu về cuốn sách khiến mình khá ngạc nhiên và một chút nghi ngờ nữa, tiểu thuyết gì mà có tận 50 nhân vật chính vậy phải đọc kiểu gì đây? Nhưng tính con người cũng kì cục cái gì càng khó hiểu thì lại càng thích đâm đầu vào, và quả thật cuốn sách đã khiến cho mình rơi vào khá nhiều cung bậc của cảm xúc.
“Năm mươi người” là một cuốn tiểu thuyết kể về 50 câu chuyện khác biệt, về một khoảnh khắc nào đó trong cuộc đời của họ. Mới đầu khi đọc, mình thực sự thấy nhẹ đầu vì không phải suy nghĩ quá nhiều hay phải tò mò xem cái diễn biến tiếp theo của nhân vật đó ra sao. Vì mọi thứ đều được kể lại một cách chóng vánh nhưng vẫn đủ để mình cảm nhận được cảm xúc của nhân vật khi đó. Cảm giác giống như việc bạn đang được xem một bộ phim truyền hình của Hàn Quốc vậy, mọi sự vật, sự việc về cuộc sống, về cách hành xử cũ kỹ và lạc hậu của xứ sở kim chi. Những khó khăn và suy nghĩ qua góc nhìn của từng nhân vật đều được tác giả lột tả một cách rõ nét.
Mình đã từng cảm nhận rằng đây thực sự là những câu chuyện buồn. Buồn về cách hành xử của những con người với nhau nhưng ở đâu đó trong họ vẫn xen lẫn một chút tình người cứu vớt lại. Câu chuyện về 50 con người nhưng phải đọc đến lần thứ 2 thật nghiền ngẫm mới khiến mình nhận ra một sự thật rằng những câu chuyện đó đều có một chút liên kết với  nhau, họ đều vô tình lọt vào khung hình cuộc đời nhau bằng một cách tình cờ nào đó. Điểm đặc biệt thứ 2 trong cuốn sách này mà mình đã cảm nhận được là nó hoàn toàn cho mình cảm nhận được nhiều góc nhìn khác nhau mà bối cảnh chủ yếu ở đây là những con người ở trong bệnh viện. Từ  góc nhìn bất lực của những vị y bác sĩ cho đến cảm giác cuộc sống này thật chân quý đến mức độ nào qua những con người chỉ còn 1,2 ngày để sống. Khi cận kề với sinh tử bệnh tật, dù bạn là ai thì bạn sẽ đều cảm nhận được sự lo lắng và nuối tiếc trong từng câu chuyện.
“Năm mươi người” đem đến cho mình nhiều nhất là sự thở dài đồng cảm nhưng đồng thời cũng đem lại một thông điệp khá là tích cực đến cho người đọc. Phải chăng đó là dụng ý mà tác giả muốn đem lại cho người đọc? Không quan trọng bạn là người nổi tiếng hay quyền cao chức trọng, bạn chỉ là một người nội trợ hay một cô bé học sinh, bạn vẫn là chủ của cuộc đời mình đang sinh sống và chỉ có bạn mới có khả năng chịu trách nhiệm cho những gì đang xảy ra trong cuộc sống này. Dù cho có khó khăn trắc trở, thì dù thế nào bạn cũng sẽ có thể vượt qua nó cũng giống như những con người được xuất hiện qua giọng đọc của Chung Serang.
Hãy thử nghĩ xem, một ngày nào đó câu chuyện của bạn cũng sẽ được một nhà văn nào đó để ý đến và xuất hiện trong cuốn tiểu thuyết như vậy, nghe thật tuyệt phải không? Vậy nên hãy sống thật tốt nhé, và dù có thế nào thì cũng sẽ không phải hối tiếc về nó.