Mỹ vs Mexico: Cuộc cạnh tranh thú vị ở khu vực CONCACAF
Bài viết này bao gồm các phần: [1] Giới thiệu về mối quan hệ kình địch trong bóng đá giữa Mỹ và Mexico [2] Nhìn từ trận chung kết...
Bài viết này bao gồm các phần:[1] Giới thiệu về mối quan hệ kình địch trong bóng đá giữa Mỹ và Mexico[2] Nhìn từ trận chung kết CONCACAF Champions League 2020 và bức tranh toàn cảnh để thấy sự thua kém của Mỹ so với Mexico[3] Nguyên nhân khiến Mỹ tụt lại so với Mexico[4] Tương lai của cặp kình địch nàyĐáng ra bài viết này đã phải được hoàn thành vào ngày 23/12/2020, sau khi mình xem hết trận chung kết CONCACAF Champions League. Nhưng mình lại... thiếu cảm hứng quá, rồi thì cứ vừa viết vừa tìm thêm tư liệu, giờ mới xong. Anw, hope u enjoy ^^
MỐI KÌNH ĐỊCH GIỮA MỸ VÀ MEXICO
Trong bóng đá ở cấp độ ĐTQG, sự đối đầu giữa những kình địch trong các khu vực là một hiện tượng thú vị. Và thường “những” ở đây là con số 2 - 2 đội bóng được công nhận là có sức mạnh hàng đầu khu vực.
Ở khu vực ASEAN (quản lý bởi AFF), Việt Nam và Thái Lan đã luôn là cặp kỳ phùng địch thủ so kè nhau qua từng giải đấu, từng cấp độ đội tuyển. Ở Đông Á (EAFF), Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chưa bao giờ muốn đội trời chung.
Tại Nam Mỹ (khu vực CONMEBOL), Brazil và Argentina thì khỏi nói rồi. Họ còn… tạo hẳn một trận tranh cúp nội bộ diễn ra thường niên. Khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribe (CONCACAF) cũng không nằm ngoài quy luật này: Mỹ và Mexico – 2 đầu tàu của bóng đá khu vực – cũng coi nhau là đối thủ truyền kiếp, đặc biệt là từ phía Mỹ.
Điểm đặc biệt là dù bóng đá nữ của Mỹ đã vươn tới đỉnh của thế giới, với bóng đá nam, họ vẫn còn thua ngay cả người hàng xóm và phải cay cú hết phen này tới phen khác. Trong khuôn khổ bài đăng này, ‘’bóng đá’’ được hiểu là bóng đá nam, vì với bóng đá nữ thì Mỹ quá mạnh so với phần còn lại.
--
Bóng đá Mỹ chắc chắn là đi sau so với Mexico.
Stars and Stripes trước nay vẫn luôn chịu lép vế so với El Tri: Trong 15 kỳ Gold Cup (Cúp vàng CONCACAF) được tổ chức từ năm 1991, Mexico vô địch 8 lần, Mỹ có 6. Mỗi kỳ World Cup, việc Mexico góp mặt, thậm chí vượt qua vòng đấu bảng đã là điều bình thường, trong khi đó giành một vé đến ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh lại chẳng là một nhiệm vụ dễ dàng với đội tuyển bóng đá nam xứ Cờ hoa.
Gần nhất, Mỹ thậm chí đã vắng mặt ở World Cup 2018, do để thua cả đội bóng được đánh giá thấp hơn hoàn toàn Trinidad và Tobago. Đừng quên rằng ngay cả Panama và Costa Rica còn giành được vé đến Nga, nên đó là nỗi hổ thẹn to lớn với ‘Captain America’ Christian Pulisic và các đồng đội.
Con gà tức nhau tiếng gáy, thua kém thì nảy sinh tâm lý ghen tị. NHM bóng đá Mỹ luôn mong mỏi một ngày mà đội bóng nam của họ sẽ vượt mặt Mexico trên mọi đấu trường. Và trước khi ngày đó đến trên thực địa, họ phải tìm được cái gì đó để “gáy”. Bạn có thể theo dõi các trang Instagram có hàng triệu lượt follow, chuyên về đội tuyển bóng đá nam của Mỹ như USMNTOnly để hiểu được “tâm tư” của các CĐV ở đất nước tự do.
USMNT = US Men National Team
Xin lấy ví dụ một content ‘’thù địch’’ đã trở thành thương hiệu trên các trang Insta như USMNTOnly: bài đăng gồm 3 hình ảnh.
Ảnh 1: Những cầu thủ Mỹ góp mặt tại vòng knock out UEFA Champions League 2020/21 – bao gồm Christian Pulisic (Chelsea), Weston McKenzie (Juventus), Sergino Dest (Barcelona),…
Ảnh 2: Những cầu thủ Mexico góp mặt tại vòng đấu này Hector Herrera và Hirving Lozano.
Ảnh 3: Quốc kỳ Mexico gắn trên quan tài với những người gắn cờ Mỹ xếp xung quanh đang tươi cười hạ thổ.
ĐT Mexico là cái gai trong mắt những NHM USMNT. Ở bất cứ cấp độ nào, từ CLB cho đến ĐTQG - cả các đội U và ĐT “lớn”, NHM Mỹ luôn khao khát đánh bại gã hàng xóm khó ưa (khó ưa theo cách nhìn của họ, xin không lạm bàn sai đúng).
Gần đây, NHM Mỹ đã rất tự hào và dõng dạc tuyên bố về những chiến thắng trong tương lai trước Mexico. Họ đang tạo ra một làn sóng xuất khẩu cầu thủ ồ ạt tới châu Âu, và đặc biệt, rất nhiều những cái tên cập bến các đội bóng hàng đầu Lục địa Già là các “măng non” U23, thậm chí trẻ hơn.
Nhưng thực tế, khi năm 2020 khép lại, bóng đá nam của Mỹ cho thấy họ sẽ còn phải theo đuôi… Mexico dài dài.
MỘT TRẬN CẦU, MỘT BỨC TRANH TOÀN CẢNH
Mùa giải 2020 của bóng đá CONCACAF khép lại với trận chung kết CONCACAF Champions League. Trận đấu diễn ra trên sân Orlando (Mỹ), giữa đại diện của MLS LAFC và đại diện của Liga MX (giải VĐQG Mexico), Tigres UANL.
Trước trận đấu, rất nhiều kỳ vọng được NHM Mỹ đặt vào LAFC.
Trong podcast hàng đầu về bóng đá Mỹ của chuyên gia Alexi Lalas, cả host và khách mời đều nhấn mạnh: LAFC đã đánh bại liền 3 đội bóng từ Liga MX (Club Leon, Cruz Azul, Club America) để góp mặt tại chung kết - lần đầu tiên một đội bóng MLS có mặt tại chung kết CCL.
Trên cơ sở đó, Alexi không ngần ngại mơ xa hơn: LAFC sẽ đánh bại Tigres để trở thành đội bóng đầu tiên của MLS đại diện cho khu vực CONCACAF đến với sân chơi FIFA Club World Cup.
Và LAFC tưởng như đã làm được. Phút 61, trong một thế trận cân bằng, ngôi sao Diego Rossi của họ mở tỷ số đầy bất ngờ.
Các BLV tiếng Anh của trận đấu (được phát trực tiếp trên YouTube) đã vội vàng khằng định chức vô địch này của LAFC sẽ không bớt phần ý nghĩa dù CCL năm nay phải thi đấu tập trung tại Mỹ do đại dịch, đừng nói rằng LAFC ‘ăn may’ khi không phải làm khách trên đất Mexico, blah blah…
Và rồi...
Phút 72, Hugo Ayala đánh đầu tung lưới thủ môn Kenneth Vermeer.
Phút 84, Vua phá lưới của giải đấu, Andre-Pierre Gignac đệm lòng chính xác, ấn định tỷ số 2-1.
Và thêm một lần đau cho người Mỹ. Ngay trên ‘land of the free and the home of the brave’.
Nhìn xa hơn, trận chung kết giữa LAFC và Tigres cũng phản ảnh bức tranh toàn cảnh cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Mexico.
Đội bóng Mỹ không hề thiếu tài năng. HLV Bob Bradley cũng là một nhà cầm quân có tố chất, ông đã giúp Nửa Đen thành LA trình diễn một lối chơi tấn công đẹp mắt. Họ chơi ngang ngửa với đội bóng số 1 Mexico, khác hẳn với hình ảnh bạc nhược mà cựu vô địch MLS Atlanta United thể hiện trong trận thua 0-3 sau 2 lượt trận tứ kết trước Club America.
Nhưng chơi ngang ngửa không có nghĩa là xứng đáng thắng.
Video live stream full trận LAFC vs Tigres, trên kênh chính thức của CONCACAF:
Nếu theo dõi trực tiếp 90 phút của trận chung kết, bỏ qua tất cả những thông số - kiểm soát bóng, số cú sút, tỷ lệ tranh chấp… - mà chỉ tập trung vào thế trận và những gì diễn ra trên sân, không khó để nhận thấy cái uy ‘cửa trên’ rõ rệt của Tigres.
Họ chơi bóng thong dong, đĩnh đạc, trong khi LAFC luôn ở trong tâm thế phải căng mình phòng ngự, cố gắng ào lên bất cứ khi nào có bóng. Ngay cả khi Tigres bị dẫn trước khi thời gian chỉ còn nửa giờ đồng hồ, họ vẫn không vội vàng, nao núng.
Trái lại, LAFC đã bộc lộ sự chủ quan, non nớt. Họ không cải thiện điều mình làm chưa tốt, trong khi chủ quan bỏ lỡ những cơ hội mười mươi như cú sút trống trải của Carlos Vela ở phút 65.
Xuyên suốt 90 phút, bất cứ quả phạt góc nào của Tigres cũng đều khiến fan LA phải thót tim. Phòng ngự bóng chết yếu kém chính là dấu hiệu của một đội bóng còn non nớt.
Rồi thì điều gì phải đến cũng đã đến: bàn thắng phút 71 của Hugo Ayala chính là một quả đánh đầu cắt mặt sau cú đá phạt góc. Đến đó thì LA gần như đã sụp đổ (thêm một dấu hiệu non nớt), và bàn ấn định chiến thắng sau đó chỉ là kết quả tất yếu.
--
Đó chính là cái thiếu của bóng đá Mỹ so với bóng đá Mexico.
Kinh nghiệm chinh chiến ở những sân chơi đẳng cấp quốc tế của các đội bóng Mexico - cả CLB và ĐTQG - đều vượt trội so với hàng xóm Mỹ - đất nước mà bóng đá còn ở trong giai đoạn ‘đang phát triển’, chưa vươn tới đẳng cấp hàng đầu trên bảng xếp hạng các môn thể thao phổ biến nhất.
Kinh nghiệm, tâm lý là những yếu tố vô hình, nhưng khi ở trên sân, hệ quả của nó hữu hình đến đáng kinh ngạc. Càng tham gia thi đấu (hay theo dõi thể thao) ở cấp độ càng cao, bạn sẽ càng thấy rõ sự khác biệt về độ dạn dày quyết định kết quả nhiều đến thế nào.
Chúng ta đã nói nhiều về cấp độ CLB, giờ hãy trở lại với cấp độ ĐTQG. Điều mà người Mỹ tự hào nhất là làn sóng xuất khẩu cầu thủ của họ rõ ràng vẫn chưa giúp ích quá nhiều cho đội tuyển của họ.
Lần gần nhất Mexico và Mỹ đối đầu trực tiếp với nhau là vào năm 2019, khi ấy Mexico đánh bại Mỹ 3-0 ngay trên sân khách. Nhìn xa hơn, 5 trận đấu gần nhất giữa Mỹ và Mexico ghi nhận 4 trận thắng cho El Tri và 1 trận hòa.
Nhiều người có thể lý luận rằng 1 năm rưỡi đã trôi qua, biết đâu Mỹ đã có thể đánh bại Mexico? Nhưng nếu bạn hiểu về 2 nền bóng đá này, bạn sẽ không nói như vậy. Ngay lúc này, nếu Mỹ đá với Mexico trên một sân bóng tại Mỹ, cũng chẳng ai dám nói chắc như đinh đóng cột là Mỹ sẽ thắng, huống hồ là “thắng dễ” như trang USMNTOnly “gáy”!
Đừng nói tới Mexico, ngay các nền bóng đá khác trong khu vực như Canada, Costa Rica, Jamaica hay Panama cũng đang bám đuổi Mỹ gắt gao. Đến tận bây giờ, NHM USMNT chắc chắn vẫn còn chưa hết ám ảnh với những giọt nước mắt của Christian Pulisic ngày 16/10/2019.
Phút 60, trong trận đấu với Canada tại bảng A CONCACAF Nations League, ngôi sao của Chelsea bị rút ra khỏi sân khi tỷ số là 0-0. Anh bật khóc trên băng ghế dự bị.
Kết thúc 90 phút, Canada có chiến thắng lịch sử với tỷ số 2-0, trong đó có một pha lập công của ngôi sao đang lên Alphonso Davies - người hứa hẹn sẽ giúp Xứ sở Lá phong đe dọa không ít tới vị thế của Mỹ trong tương lai.
Trong năm 2019 đó, trận thua Canada cũng là trận thua thứ 4 của Mỹ trước các đại diện CONCACAF! Không kể 2 thất bại trước Mexico thì họ còn để thua trước… Jamaica. Đó là thực tế rất khó chấp nhận với những NHM Mỹ hãnh tiến.
VÌ ĐÂU NÊN NỖI?
Đê giải thích cho sự tụt lại của bóng đá Mỹ so với Mexico, có nhiều nguyên nhân để phân tích.
Thứ nhất, một nền bóng đá nói riêng và nền thể thao nói chung muốn phát triển cần có những nhà quản lý đỉnh cao, đặt ra những chiến lược đặc sắc. Bóng đá Mỹ có chiến lược độc đáo, nhưng vẫn còn thiếu nhiều yếu tố.
Với bóng đá Mỹ, các nhà quản lý đang làm thương mại rất thành công theo mô hình của những NBA (bóng rổ) hay NFL (bóng bầu dục). Tuy nhiên, xét về chất lượng thi đấu, chưa thể nói MLS đã đảm bảo được sự phát triển chất lượng cầu thủ liên tục.
Mô hình Draft Pick, các giải đấu khép kín không có lên xuống hạng học tập theo NBA chưa từng tồn tại ở châu Âu hay Nam Mỹ, và còn cần thời gian để xem hiệu quả đến đâu. Gần đây, những mô hình khác như các chương trình đào tạo trẻ MLS Next, USL Academy đã gây tiếng vang. Tuy nhiên, đừng quên “thùng rỗng kêu to”, truyền thông đặc biệt tốt, chưa chắc chất lượng đã đảm bảo.
Dễ thấy nhất, các mô hình nói trên hầu hết đều hướng đến đào tạo cầu thủ trong ngắn hạn, còn với những “lò đào tạo” trẻ kiểu La Masia – mô hình đã thu được những thành tựu, các CLB Mỹ lại chưa mặn mà xây dựng. Ở cấp ĐT, hiện vẫn chưa có dự án nào của Liên đoàn tương tự như St. George của Anh hay Clairefontaine của Pháp.
Mỹ rõ ràng ưa thích đi con đường của riêng mình, nhưng có thể họ sẽ cần tham khảo những kinh nghiệm thành công của thế giới.
Thứ hai, bóng đá Mỹ chưa sở hữu những HLV đẳng cấp.
Gregg Berhalter, người đang nắm ghế nóng của ĐT Mỹ, có một bản CV không quá ấn tượng và kinh nghiệm khá hạn chế. Nhà cầm quân 47 tuổi cũng chưa cho thấy sự đột biến nào trong tư duy quản lý cầu thủ và sáng tạo chiến thuật.
Đó cũng là câu chuyện chung của các HLV Mỹ. Nhìn trên bình diện MLS, không nhiều nhà cầm quân chất lượng đang có mặt tại giải đấu này. MLS vẫn là sân chơi cho những HLV bản địa không gây mấy tiếng vang, hoặc những người nước ngoài có danh tiếng, nhưng là cái danh còn lại từ thời cầu thủ.
Bob Bradley, Greg Vanney, Freddy Juarez,… bạn biết ai trong số những HLV người Mỹ này? Bruce Arena, HLV đương nhiệm của New England Revolution, chính là người tiền nhiệm của Gregg Berhalter tại USMNT. Thời gian cầm quyền tại tuyển của ông này hoàn toàn chẳng có gì ấn tượng nếu so sánh với Jurgen Klinsmann trước đó.
Xin nói thêm, sau thời gian nắm ĐT Mỹ thì Klinsmann cũng đang khủng hoảng khi trở lại Lục địa Già. Gần nhất, mùa 2019/20, ông chỉ được cầm quân chưa đầy 3 tháng ở Hertha Berlin, và hiện tại vẫn đang thất nghiệp.
Ở Việt Nam có câu ‘’thầy giáo già, con hát trẻ’’, còn MLS thì… làm ngược lại. Giải đấu số 1 nước Mỹ có chính sách thu hút các ngôi sao tiếng tăm nhưng đã bước qua bên kia sườn dốc sự nghiệp. Trên băng ghế huấn luyện, nhiều CLB lại lựa chọn những HLV là các cựu danh thủ vừa giải nghệ hay chưa có nhiều kinh nghiệm huấn luyện đỉnh cao.
CF Montreal với Thierry Henry (mới chia tay do việc gia đình), Inter Miami bổ nhiệm Gary Neville, Atlanta United đặt niềm tin nơi Gabriel Heinze, FC Cincinnati chọn Jaap Stam. Khi còn thi đấu, những cái tên này có thể tung hoành ngang dọc trong màu áo những Manchester United, Arsenal,… nhưng ở vị trí huấn luyện, họ còn lâu mới tạo ra được tiếng vang tương tự. Và điều này tất nhiên sẽ tác động xấu đến chất lượng của MLS - giải đấu có tham vọng, có tiềm lực nhưng chưa thể thu hút các HLV hàng đầu.
Nói như vậy không có nghĩa Xứ sở Cờ hoa thiếu những nhà câm quân tài năng. Jesse Marsch - người đang ngồi ghế nóng ở Red Bull Salzburg – đã giúp gã nhà giàu nước Áo thi đấu hết sức ấn tượng tại UEFA Champions League trong 2 năm qua.
Marsch còn được so sánh với Jurgen Klopp ở nhiều điểm. Ông có sự nhiệt huyết, khả năng phát triển cầu thủ: những Hwang Hee Chan, Erling Haaland, Takumi Minamino đã tỏa sáng dưới sự dẫn dắt của Marsch, tương tự như cách Ilkay Guendogan, Mario Goetze hay Robert Lewandowski được Jurgen Klopp cho bước ra ánh sáng ở Dortmund. Cùng với đó là triết lý chơi bóng máu lửa, cuồng nhiệt, nhấn mạnh vào tấn công nhanh và pressing ngay trên phần sân đối phương.
Bóng đá Mỹ có những cá nhân như Jesse Marsch, nhưng họ còn cần nhiều hơn thế. Và quan trọng nhất: những chiến lược gia Mỹ phải đóng góp cho bóng đá Mỹ thì USMNT hay các CLB và cả giải đấu MLS mới khá lên được.
Thứ ba, hãy trở lại với làn sóng xuất ngoại cầu thủ của bóng đá Mỹ. Liệu điều đó có chứng tỏ USMNT đã mạnh lên đáng kể và có thể đánh bại những đối thủ như Mexico?
Nhìn vào đội hình USMNT khi được lắp ghép các vị trí ‘’ngôi sao từ châu Âu”, ta thấy rõ rằng line-up đó còn khuyết thiếu. Các ngôi sao tới châu Âu của Mỹ chủ yếu thi đấu tại những vị trí phụ công – Giovani Reyna, Josh Sargent, chạy cánh – Konrad de la Fuente, Serginho Dest, Tyler Adams, DeAndre Yedlin, Christian Pulisic, mới nhất là Jordan Morris và Brenden Arronson.
Còn tại những ví trí trục dọc xương sống như thủ môn, trung vệ, các tiền vệ (box to box hoặc đánh chặn) và tiền đạo cắm, những măng non của Mỹ chưa đủ khả năng cạnh tranh sòng phẳng. Zack Steffen (GK) ở Man City, Matthew Hoppe (ST) ở Schalke 04, Chris Richards (CB), đều không phải là những lựa chọn hàng đầu ở các CLB của họ. Khá nhất là Weston McKennie (CM) đang thăng hoa tại Juventus, nhưng như vậy là chưa đủ.
USMNT lúc này vẫn còn phải dựa không ít vào các cựu binh đang thi đấu trong nước như Michael Bradley (CM, sinh năm 1987, đang thi đấu cho Toronto FC), Gyasi Zardes (ST, 1991, Colombus Crew), Jozy Altidore (ST, 1989, Toronto FC), Brad Guzan (GK, 1984, Atlanta United),… Sẽ là rất khó để kết hợp những cầu thủ ở các thế hệ cách nhau khá xa, lại thi đấu ở các môi trường cao thấp khác biệt, mà mang lại hiệu quả tức thì.
Ở MLS hiện tại, các cầu thủ bản địa cũng chưa khẳng định được vị thế so với những ngôi sao ngoại (được giải đấu phân loại là designated players, mỗi đội có 3 suất).
Điển hình như LAFC, đội bóng vào đến chung kết Champions League cũng sống nhờ vào hơi thở của cầu thủ hết thời ở châu Âu là Carlos Vela (và anh này là người Mexico!). Inter Miami của chủ tịch Beckham làm cả giải đấu đang trẻ hóa ‘ngứa mắt’ với chính sách nhập khẩu những ngôi sao già cỗi từ Lục địa Già như Gonzalo Higuain, Blaise Matuidi,…
Với thực trạng cầu thủ như vậy, Mỹ chưa thể so sánh với Mexico là điều dễ hiểu. Liga MX là giải đấu có chất lượng, mức độ cạnh tranh vượt trội so với MLS, là cái nôi đã có truyền thống liên tục sản sinh ra nhân tài cho ĐTQG. Những phẩm chất bẩm sinh đậm chất Latin, rất “dị” và phù hợp với bóng đá cũng là điểm cộng của các cầu thủ Mexico so với những người đồng nghiệp Mỹ - thường tiếp xúc với trái bóng tròn khá muộn và bị phân tán bởi những bóng rổ, bóng bầu dục,…
TƯƠNG LAI ĐUỔI KỊP MEXICO CỦA USMNT?
Ở thời điểm hiện tại, nói USMNT sẽ đánh bại được Mexico quả là gáy xằng gáy bậy. Tuy nhiên, mọi chuyện hoàn toàn có thể thay đổi sau 4-5 năm nữa.
Nếu giữ được phong độ hứa hẹn hiện tại và có thêm thời gian, các măng non chào đời ở thế kỷ 21 như Hoppe (cầu thủ Mỹ đầu tiên ghi hat-trick tại Bundesliga), Chris Richards hay Arronson, Josh Sargent chắc chắn sẽ trưởng thành hơn nhiều. Pulisic, McKennie đang được nhắc đến như những ngôi sao hàng đầu đã khẳng định tên tuổi, nhưng đừng quên họ cũng còn rất trẻ - sinh năm 1998!
Không có gì để bàn cãi, tương lai của lứa cầu thủ xuất ngoại này của Xứ sở Cờ hoa là vô cùng xán lạn.
MLS cũng đang có những bước đi tích cực. Không phải ngẫu nhiên mà các tài năng trẻ từ giải đấu này đang ngày một thu hút nhiều sự chú ý từ châu Âu. Tiêu biểu như Alphonso Davies đã đi thẳng từ vị trí tài năng trẻ của Vancouver Whitecaps đến ngôi sao chạy cánh của Bayern Munich, đội bóng số 1 thế giới (chỉ tiếc anh là người Canada).
Cách làm khác biệt của bóng đá Mỹ có thể còn cần những cải biến, nhưng người Mỹ đã cho thấy trong suốt lịch sử rằng họ sẽ không bao giờ đứng im. Câu chuyện đào tạo HLV bản địa chắc chắn rồi cũng sẽ được triển khai rốt ráo.
--
Còn với Mexico, tương lai của họ dường như lại khó đoán định hơn.
Trang DW Kick Off từng làm một video phân tích về bóng đá Mexico, trong đó có những vấn đề khiến cho ĐTQG nước này luôn dư thừa tài năng nhưng chưa thể vươn tới đẳng cấp cao nhất.
Giải Liga MX hùng mạnh về kinh tế khiến các cầu thủ không còn động lực ra nước ngoài thử lửa, thái độ vô kỷ luật, tiệc tùng bất chấp của các ngôi sao (điều mà Mỹ rất ít khi mắc phải), những vấn đề từ thượng tầng Liên đoàn,… đó đều có thể sẽ là những nhân tố làm suy yếu El Tri từ bên trong.
Người Mexico dường như luôn giữ thái độ rất ngạo nghễ trước Mỹ trong bóng đá, nhưng họ nên coi chừng, vì gió có thể sẽ đổi chiều trong thập kỷ mới.
Đừng quên, World Cup 2026 sẽ được tổ chức tại 3 quốc gia Mỹ - Canada – Mexico. Ngày hội bóng đá thế giới ấy sẽ là chương quan trọng tiếp theo trong biên niên sử cạnh tranh Mỹ - Mexico.
Và dù kết quả có là Stars and Stripes vươn lên, hay El Tri tiếp tục lấn lướt, cuộc so kè này sẽ còn tiếp tục hấp dẫn.
Những link tham khảo:
Về trận derby giao hữu Nam Mỹ: https://en.wikipedia.org/wiki/Supercl%C3%A1sico_de_las_Am%C3%A9ricas
Về Cúp Vàng CONCACAF:
Số podcast của Alexi Lalas trước trận chung kết CONCACAF Champions League 2020:
The Other Bundesliga là podcast uy tín bằng tiếng Anh về bóng đá Áo. Ở đây, xin chia sẻ số podcast có khách mời là đại sứ Áo tại Mỹ, nội dung có nhiều thong tin về HLV Jesse Marsch và bóng đá Mỹ:
Danh sách các HLV đương nhiệm tại MLS:
_ Ảnh minh họa sưu tầm từ Internet _
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^: https://www.facebook.com/classof2000s
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình: https://www.facebook.com/bartholomewvu51628
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.
Bên cạnh Spiderum, mình còn chia sẻ các bài viết về bóng đá trên fanpage Facebook. Nếu các bạn quan tâm, xin hãy ghé qua địa chỉ này nhé ^^: https://www.facebook.com/classof2000s
Hoặc nếu các bạn muốn trao đổi, kết bạn với tư cách cá nhân thì đây là địa chỉ FB của mình: https://www.facebook.com/bartholomewvu51628
Rất cảm ơn các bạn đã đọc bài viết. Hy vọng đã mang lại cho các bạn điều gì đó có giá trị.
Thể thao
/the-thao
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất