Với tiếp cận lợi ích kinh tế gắn liền với chiến lược của từng nước, Mỹ và Trung Quốc đều có những hành động mang tính đối đầu quyết liệt. Sự cạnh tranh ban đầu mang tính thức thời, nhưng dần tiến đến quy mô cục diện ở toàn khu vực. Điều này ảnh hưởng đến tiến trình hội nhập của các quốc gia trong khu vực và bên ngoài, khi Mỹ và Trung Quốc lần lượt xếp hạng hàng đầu về hợp tác kinh tế, và ngược lại là đầu tư vốn không hoàn lại. Cuộc đối đầu về kinh tế là nguyên nhân thay đổi lớn về địa chính trị khu vực, nó là điểm nóng trong quan hệ quốc tế. Tại sao Mỹ và Trung Quốc lại hành động ngày càng quyết liệt hơn? Hơn hết là kịch bản nào mà Đông Nam Á sẽ phải đối diện trong cuộc đua quyền lực kinh tế?
Chúng tôi sử dụng góc nhìn chủ nghĩa hiện thực trong khoa học chính trị để xem xét khía cạnh lợi ích và quyền lực. Trong lý thuyết, trường phái này nhấn mạnh tới lợi ích đằng sau mọi hành động của chủ thể. Tổng số bằng không, chủ thể A tước đi lợi ích của chủ thể B mang tính loại trừ, không thể cùng tăng hay cùng giảm mà chỉ một tăng - còn lại giảm xuống. Bài viết sẽ giải mã phần nào những hoạt động cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc, từ đó khai thác những hướng đi mới của hai nước tại khu vực Đông Nam Á.

Cạnh tranh quyền lực  

Cuộc cạnh tranh kinh tế của Mỹ và Trung Quốc diễn ra trực tiếp và toàn diện trong quan hệ song phương. Cuộc chiến này ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ tới các khía cạnh, và các điểm nóng xung đột cục diện. Hai bên đã lựa chọn chuyển hướng cạnh tranh sang khu vực địa chính trị có ý nghĩa tái thiết quyền lực kinh tế của họ - Đông Nam Á. Khi cạnh tranh Mỹ - Trung ngày càng trở nên có tổng bằng không, các quốc gia Đông Nam Á, khu vực phụ thuộc nhiều về kinh tế đối với cả Mỹ và Trung Quốc, nơi mà Mỹ và Trung Quốc tăng cường các chính sách kinh tế quyết liệt để tăng cường quyền lực, là sự tiếp nối cho những cạnh tranh đó cũng phải lên tiếng trước cuộc chiến này bằng khẩu hiệu “đừng bắt chúng tôi [các nước Đông Nam Á] phải chọn phe” (Ann Marie Murphy 2023).
Trên lĩnh vực thương mại và đầu tư trong khu vực Đông Nam Á. Mỹ là nhà đầu tư vốn FDI số một đối với ASEAN. Theo báo cáo đầu tư ASEAN năm 2022, các khoản đầu tư của Mỹ vào khu vực trong năm 2022 là 40 tỉ USD, trong khi của Trung Quốc là xấp xỉ 14 tỉ USD (Dương Khang 2023). Đối với Trung Quốc, và cả ASEAN vị trí hợp tác thương mại song phương đều ở vị trí hàng đầu. Theo các chuyên gia, khối lượng thương mại và đầu tư song phương giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ đạt mức cao hơn vào năm 2030, khiến quan hệ kinh tế song phương trở nên năng động và cạnh tranh nhất ở châu Á - Thái Bình Dương. Khu vực Thương mại Tự do Trung Quốc-ASEAN được nâng cấp sẽ thiết lập các tiêu chuẩn mới cho các chương trình thương mại đa phương toàn cầu. Trung Quốc sẽ nỗ lực hỗ trợ các nước ASEAN tăng cường xuất khẩu sang Trung Quốc nhằm hiện thực hóa sự cân bằng năng động trong thương mại giữa hai bên (Yanjun Guo 2018). Điều này cho thấy cả Mỹ và Trung Quốc đều có những chính sách thương mại vô cùng đặc biệt, ưu tiên trong hợp tác với các nước ASEAN.
Biểu đồ 1.1: Định lượng hợp tác thương mại - kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đối với ASEAN từ năm 2022 - 2030
Biểu đồ 1.1: Định lượng hợp tác thương mại - kinh tế của Mỹ và Trung Quốc đối với ASEAN từ năm 2022 - 2030
Mỹ thường tập trung vào việc thúc đẩy các quan hệ thương mại tự do và công bằng, cũng như đầu tư vào các ngành công nghiệp chiến lược như công nghệ thông tin, y tế và cơ sở hạ tầng. Điển hình là việc ưu tiên đến Singapore và Việt Nam với trọng tâm là đẩy mạnh hợp tác và được thể hiện trong “Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời” của Tổng thống Joe Biden. Mỹ và Trung Quốc đều mong muốn tận dụng cơ hội kịp thời để tiếp cận ảnh hưởng tại “quốc đảo kinh tế” – Singapore, trở thành “vệ tinh kinh tế” tác động đến các nước xung quanh và đặc biệt là tổ chức ASEAN. 
Trong đầu tư, tương tự Mỹ, Trung Quốc tập trung đầu tư vào các ngành sản xuất, hạ tầng và xuất khẩu hàng hóa, cũng như thúc đẩy việc hợp tác kinh tế thông qua các dự án hạ tầng lớn. Trung Quốc đã thay đổi vai trò của mình từ chỉ đơn thuần là một điểm đến của đầu tư nước ngoài, đến trở thành một nhà đầu tư lớn ở nhiều khu vực trên thế giới. Chẳng hạn tại Đông Nam Á, các tập đoàn và công ty Trung Quốc đã đã mua nhiều tập đoàn nước ngoài đang gặp khó khăn (Ligang Song 2011). Phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc về kinh tế là mối nguy hại lâu dài đối với các quyết định chính trị của các nước Đông Nam Á. Năm 2016, Trung Quốc hứa cho Campuchia vay 600 triệu USD và viện trợ sau khi nước này bỏ phiếu buộc khối ASEAN rút lại tuyên bố lên án các hoạt động sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Vào năm 2017, Bắc Kinh tăng cường hành động quân sự tại biển Đông toan tính gây sức ép yêu cầu gián tiếp Việt Nam loại bỏ dự án khoan dầu Repsol của Tây Ban Nha (Murray Hiebert 2020). Đây là cách mà Trung Quốc đang cố gắng chuyển sự hiện diện kinh tế ngày càng tăng của mình thành ảnh hưởng chính trị trong khu vực. Tuy nhiên, sự chuyển hóa quyền lực từ kinh tế sang chính trị của Trung Quốc ở Đông Nam Á bị lu mờ hơn so với những thập kỷ trước đó, vì các hành động quân sự quyết liệt đã gây ra những ấn tượng xấu trong quan hệ ngoại giao với ASEAN (Gong 2018).
Bên cạnh đó, cả Mỹ và Trung Quốc đều tìm kiếm cơ hội hợp tác đa phương với các quốc gia ASEAN thông qua các hiệp định thương mại tự do và các tổ chức kinh tế quốc tế. Cả hai quốc gia cũng đang cạnh tranh để đạt được ảnh hưởng lớn nhất trong việc đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại quan trọng, nhằm mở rộng thị trường và tăng cường quan hệ thương mại với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Trên thực tế, Trung Quốc và Mỹ đã đẩy mạnh các sáng kiến khu vực của riêng họ bên ngoài các cơ chế đã được thiết lập của ASEAN: một bên là Sáng kiến vành đai con đường (BRI), xoay trục sang châu Á và TPP dưới thời Obama cũng như chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP), Đối thoại An ninh Tứ giác (Bộ tứ) dưới thời Trump, Liên minh quân sự Úc-Anh-Mỹ (AUKUS) dưới thời Biden. Điều đáng chú ý là bất chấp thách thức chiến lược đối với vai trò trung tâm của mình, ASEAN hiếm khi đề cập đích danh BRI trong các thông cáo của họ. Các thông cáo của ASEAN đề cập đến các dự án đường sắt, đường bộ, cầu và cảng cụ thể là ở các dự án BRI chính thức ở các quốc gia thành viên. ASEAN nhấn mạnh rằng “các sáng kiến kết nối hiện tại và tương lai ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ bổ sung và hỗ trợ” Kế hoạch tổng thể kết nối ASEAN (MPAC) 2025. MPAC cũng sẽ trở thành nền tảng để “kết nối các kết nối,” do các đối tác đối thoại lớn đề xuất. Thông qua cách làm đó, tầm quan trọng của BRI đã bị ASEAN cố tình hạ thấp bằng lời nói. Chẳng hạn, ASEAN công khai không đề cập đến khía cạnh chiến lược của Con đường Tơ lụa Mới. Thay vào đó, ASEAN tập trung vào mục tiêu cơ bản, cụ thể là cải thiện cơ sở hạ tầng và khả năng kết nối ở các quốc gia đối tác của BRI (Alfred Gerstl 2022).
Joe Biden trong chuyến công du nhằm làm sâu sắc hơn chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Joe Biden trong chuyến công du nhằm làm sâu sắc hơn chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
Cạnh tranh của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực còn xuất phát từ chính toan tính vị thế hàng đầu của mỗi nước. Vì thế, trong năm thứ hai tại vị, chính quyền Trump đã áp đặt mức thuế trừng phạt lên tới 250 tỷ USD lên sản phẩm của Trung Quốc, cùng với những hạn chế lớn hơn được đặt ra đối với đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ, cũng như xuất khẩu công nghệ của Mỹ sang Trung Quốc. Một số chuyên gia tin rằng chính quyền Trump không tìm kiếm điều gì khác hơn ngoài việc tách Trung Quốc ra khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Sự hoài nghi của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với các hiệp định thương mại là nguyên nhân Mỹ rút khỏi Hiệp định TPP. Điều này làm phức tạp thêm nỗ lực giải quyết sự mất cân bằng thương mại của Mỹ với Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á. Chính quyền Trump không đầu tư thỏa đáng vào chính sách ngoại giao đa phương với khu vực, khiến các quốc gia tại khu vực ASEAN bị thu hút bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung Quốc. Vai trò mạnh mẽ của Trung Quốc tại RCEP có khả năng sẽ biến Đông Nam Á trở thành bước đệm cạnh tranh toàn cầu, đồng thời đây được xem là nền tảng kiên cố hướng tới hội nhập toàn diện hơn ở châu Á và Thái Bình Dương, giống như TPP mà Mỹ đã rời khỏi (Cyn-Young Park - Peter A. Petri 2021). Hơn nữa vào năm 2020, khi Trung Quốc trở thành đối tác thương mại lớn nhất đối với ASEAN, thì Mỹ chỉ xếp thứ tư. Rõ ràng, Mỹ đã tụt hậu so với Trung Quốc trong phát triển các khuôn khổ để tăng cường quan hệ đối tác kinh tế ở Đông Nam Á. Mỹ chỉ duy trì một hiệp định thương mại tự do (FTA) với Singapore và một số các hiệp định liên quan đến thương mại khác với ASEAN hoặc bất kỳ thành viên nào của ASEAN (Foundation 2021).
Từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung nổ ra, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu chip từ Đông Nam Á và chuyển cơ sở sản xuất sang khu vực này để né thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc. ASEAN vẫn có tầm quan trọng ngang nhau với tư cách là nguồn nhập khẩu và điểm đến xuất khẩu của Trung Quốc. Năm 2019, khu vực này lần lượt chiếm 14,4%, 13,6% và 14,1% xuất khẩu, nhập khẩu và tổng thị phần thương mại của Trung Quốc. Cụ thể, cường độ hội nhập của Trung Quốc với ASEAN đã gia tăng với Việt Nam, Campuchia và Malaysia trong thập kỷ qua. Theo đó, cường độ thương mại giữa Trung Quốc và ASEAN lớn hơn dự kiến do tầm quan trọng của hai nước này trong thương mại thế giới, với chỉ số cường độ thương mại tăng từ 1,49 năm 1990 lên 1,82 vào năm 2019 (Raghavan - Khan - Devadason 2021). Xung đột thương mại phù hợp với mô hình và nỗ lực lâu dài của Hoa Kỳ nhằm yêu cầu các quốc gia khác thực hiện các điều chỉnh về tiền tệ và quy định để giải quyết sự mất cân bằng đối với Hoa Kỳ. Nó có thể dẫn đến việc tái cơ cấu hơn nữa, thúc đẩy xu hướng sản xuất điện tử và dệt may hiện tại chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Tuy nhiên, điều này cũng có những hạn chế vì không nơi nào khác có đủ năng lực để đóng vai trò là trung tâm sản xuất toàn cầu theo cách mà Trung Quốc đã làm trong ba thập kỷ qua. (Robert Yates 2019)
Tập Cận Bình trong chuyến công du tại Đông Nam Á vào năm 2013
Tập Cận Bình trong chuyến công du tại Đông Nam Á vào năm 2013
Cuộc cạnh tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á diễn ra qua nhiều khía cạnh của thương mại và đầu tư. Điều này tạo ra một bức tranh phức tạp và đa chiều, ảnh hưởng đến sự phát triển và ổn định của khu vực và có thể có tác động to lớn đến hòa bình và an ninh toàn cầu. 

Kịch bản nào?

Kịch bản cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á phản ánh sự phức tạp và nhạy cảm của mối quan hệ địa chính trị trong khu vực này. Dưới đây là một phân tích tổng quan về các kịch bản có thể xảy ra trong cuộc cạnh tranh này:
Kịch bản thứ nhất: Trung Quốc tiếp tục mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chiến lược
Trung Quốc đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc củng cố quan hệ kinh tế với các quốc gia ASEAN thông qua các chương trình như Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Kịch bản này có thể tiếp tục theo các hướng sau:
Về kinh tế: Trung Quốc gia tăng đầu tư FDI và thương mại với các nước Đông Nam Á, tập trung vào hạ tầng, công nghệ, và năng lượng. Mục tiêu là đưa Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế không thể thiếu của ASEAN. Dự án Đường sắt Cao tốc Trung Quốc-Lào, dài 414 km, được khánh thành vào tháng 12 năm 2021, là một phần của BRI. Dự án này giúp kết nối Lào với mạng lưới đường sắt Trung Quốc, tăng cường thương mại và đầu tư giữa hai nước.
Về quân sự và chính trị: Trung Quốc có thể mở rộng hiện diện quân sự ở Biển Đông và xây dựng quan hệ quân sự với các nước ASEAN thông qua các hiệp định hợp tác quốc phòng và viện trợ quân sự. Điều này nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đặc biệt trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông.
Điều này sẽ tác động tới Trung Quốc trong việc nắm quyền kiểm soát nhiều hơn trong việc định hình các tiêu chuẩn khu vực về thương mại và công nghệ, khiến ASEAN phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc về cả kinh tế và an ninh.
Kịch bản thứ 2: Mỹ tái khẳng định ảnh hưởng và tạo đối trọng với Trung Quốc
Trong những năm gần đây, Mỹ đã tăng cường các sáng kiến nhằm củng cố mối quan hệ với ASEAN, bao gồm việc khuyến khích hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thương mại và chống biến đổi khí hậu.
Về kinh tế: Mỹ thúc đẩy các sáng kiến thương mại và đầu tư mới, chẳng hạn như Đạo luật Đối tác Hạ tầng Khu vực Đông Nam Á hoặc các hiệp định tự do thương mại song phương. Điều này có thể giúp Mỹ tăng cường đầu tư FDI vào ASEAN, giữ vững vị trí dẫn đầu trước Trung Quốc.
Về quân sự: Mỹ tiếp tục mở rộng hiện diện quân sự thông qua việc tổ chức các cuộc tập trận chung, hỗ trợ quốc phòng, và củng cố các liên minh truyền thống như với Philippines, Singapore, và Thái Lan. Ngoài ra, Mỹ sẽ hợp tác với các nước ASEAN trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông. Trung Quốc đã xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, điều mà Mỹ phản đối thông qua các cuộc tuần tra tự do hàng hải (FONOP) của Hải quân Mỹ.
Nguy cơ rằng ASEAN có thể sẽ trở thành khu vực cạnh tranh địa chiến lược, với một số quốc gia ủng hộ Mỹ (như Singapore và Philippines), trong khi những quốc gia khác tiếp tục phát triển quan hệ với Trung Quốc (như Campuchia và Lào). Sự phân chia này có thể làm phức tạp quá trình ra quyết định của ASEAN.
Kịch bản thứ 3: ASEAN tìm kiếm sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc
Trong kịch bản này, ASEAN s ẽ đóng vai trò như một "trung gian chiến lược", cố gắng duy trì mối quan hệ cân bằng với cả Mỹ và Trung Quốc nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia mà không phải chọn phe. Các nước trong khu vực sẽ tìm cách:
Về kinh tế, ASEAN tiếp tục thúc đẩy thương mại với cả Trung Quốc và Mỹ, nhưng sẽ cố gắng duy trì các quan hệ đa phương và đa dạng hóa nguồn đầu tư để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một trong hai cường quốc.
Về chính trị, các quốc gia ASEAN có thể giữ vững nguyên tắc không liên kết, tránh nghiêng về bên nào quá nhiều. ASEAN sẽ tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong các hội nghị quốc tế như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), để đảm bảo tiếng nói của mình không bị lấn át bởi Mỹ hay Trung Quốc.
Nếu ASEAN thành công trong việc duy trì cân bằng chiến lược, khu vực sẽ trở thành trung tâm hòa giải và hợp tác kinh tế, giúp giảm căng thẳng địa chính trị. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận, ASEAN có thể rơi vào tình trạng chia rẽ nội bộ hoặc mất ảnh hưởng nếu một số quốc gia bị lôi kéo quá mạnh về một trong hai bên.
Có thể thấy, tính chất cạnh tranh quyền lực giữa Mỹ và Trung Quốc tại Đông Nam Á là một cuộc chơi phức tạp và có nhiều kịch bản phát triển khác nhau. Kết quả của cuộc cạnh tranh này sẽ phụ thuộc vào khả năng của các bên trong việc cân bằng lợi ích và ngăn chặn các mâu thuẫn leo thang thành xung đột trực tiếp. Đông Nam Á sẽ tiếp tục là trung tâm của sự cạnh tranh, và ASEAN sẽ phải điều hướng một cách cẩn trọng để bảo vệ sự độc lập và ổn định của mình.

Kết luận

Cạnh tranh quyền lực kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc ở Đông Nam Á đang trở nên rõ nét. Đây là hiện tượng chính trị quốc tế với những biểu hiện ngày càng rắc rối trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế càng sâu rộng và toàn diện. Chính vì thế cuộc cạnh tranh có tổng bằng không này càng trở nên khó đoán và khó cân bằng. Điều đó được biểu hiện qua các tranh chấp kinh tế mà không có nước nào nhường bước. Mỹ và Trung Quốc đều tham gia các tranh chấp kinh tế đa tầng tại khu vực Đông Nam Á. Trung Quốc thì trở thành thị trường kinh tế dẫn dắt ASEAN, còn Mỹ thì tham gia sâu rộng hơn với các khoản đầu tư song phương tại các nước trong khu vực.
Nhìn chung, hành động của m ỗi bên sau đó đều nhận được sự đáp trả quyết liệt và toàn diện hơn. Do đó, Đông Nam Á trở thành chiến trường trực tiếp cho cuộc cạnh tranh ngày càng gia tăng và không có hồi kết giữa hai cường quốc này. Với vị trí địa chiến lược trong khu vực, Việt Nam muốn đảm bảo cho sự phát triển bền vững và hài hòa thì cần đặc biệt chú trọng vào việc duy trì sự cân bằng và linh hoạt trong mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ, cũng như biết khéo léo tận dụng các cơ hội hợp tác kinh tế để thúc đẩy sự phát triển và thịnh vượng chung trong khu vực./.