Người công chúa được biết đến bởi sự vô hình của mình

Ai học qua chương trình phổ thông ở Việt Nam, hẳn phải từng một lần nghe đến truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh, được giảng dạy trong sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 6, tập 1. Bên cạnh phiên bản phổ thông, câu chuyện này còn được ghi chép dưới nhiều phiên bản khác như Tản Viên Hựu Thánh Khuông Quốc Hiển Linh Ứng vương trong sách Việt điện u linh tập – một tập hợp truyền thuyết về các vị thần Việt, Tản Viên sơn truyện trong Lĩnh Nam trích quái, và được coi như một phần lịch sử thời Hồng Bàng trong Đại Việt sử ký toàn thư.

Cuộc chiến giữa Sơn Tinh với Thuỷ Tinh là phép ẩn dụ đại diện cho sự đụng độ giữa người dân thời cổ đại với thiên tai – đây là cách lý giải thường thấy về ý nghĩa biểu tượng của tác phẩm này ở các trường học. Trong khi Thuỷ Tinh đại diện cho sự hung bạo của thiên nhiên, thì Sơn Tinh đại diện có ý chí quật cường của người dân. Nước lũ dâng cao bao nhiêu, đê kè xây vững chắc bấy nhiêu.
Sơn Tinh, Thuỷ Tinh
Hai vị thần được gán với hai nguồn cơn sức mạnh đối lập, nhưng cứ hễ là sức mạnh thì phải mang hình hài và dáng dấp của người đàn ông. Thế người phụ nữ duy nhất trong câu chuyện – Mỵ nương – đại diện cho ai, cho thế lực nào, cho giá trị gì? Theo một số tài liệu, Mỵ nương chỉ là một danh xưng chỉ người con gái lớn nhất của vua Hùng. Mãi đến gần đây, truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh mới xuất hiện tên riêng Ngọc Hoa dành cho cô. Là một nhân vật chính trong câu chuyện, song Mỵ nương Ngọc Hoa chỉ được thụ động nhắc đến, thụ động nghe theo những quyết định của vua cha, và thụ động bị rước đi bởi Sơn Tinh khi anh ta thắng trận.
Tồn tại thuần tuý như một kèo đổi chác giữa đàn ông, Mỵ nương Ngọc Hoa gần như vô hình. Sự vô hình đó thật nổi tiếng vì nó xuất hiện trong không biết bao nhiêu bài học dành cho trẻ con, được biết đến nhiều đến nỗi sự vô hình đó được coi là hiển nhiên, là một phần của lịch sử.
Nhà xã hội học người Anh Kate Currie giải thích về sự vô hình của người phụ nữ qua Lý thuyết Ngoại biên (Subaltern theory) trong nghiên cứu Gender, Subaltern Studies and the Invisibility of Women[1]. Trong nghiên cứu, Currie chỉ ra rằng sự loại trừ hoặc tảng lờ vai trò và vị trí của người phụ nữ trong lịch sử là một vấn đề có tính hệ thống. Trước đây, những ghi chép lịch sử hoàn toàn gạt bỏ vai trò người phụ nữ khi mô tả những sự kiện chính trị quan trọng. Dưới sức ép của các phong trào nữ quyền, từ những năm 70 của thế kỷ trước, các công trình Nhân học mới bắt đầu mô tả người phụ nữ trong các thực hành, lễ nghi văn hoá. Tại đó, phụ nữ bị gom lại thành một nhóm vô danh, chỉ biết thực hiện bổn phận văn hoá của mình mà không hề được mô tả với bản sắc cá nhân. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi xem xét trường hợp của Mỵ nương Ngọc Hoa.

Người phụ nữ như một công cụ chính trị

Một chi tiết không được phiên bản phổ thông của truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh là lý do của việc nhà vua gả con gái cho một người rể có phép thuật. Trước Sơn Tinh và Thuỷ Tinh, người xin vua Hùng gả con gái cho là Thục vương Phán người Âu Việt. Được Lạc hầu khuyên rằng Thục Phán dùng lẽ đó vì nhòm ngó trị vì Văn Lang, nhà vua mới quyết định tìm kỳ tài dị thuật. Có chàng rể tài cao, nhà vua mới tự tin thiết lập quân kỵ để đối đầu với Âu Việt.
Mỵ nương Ngọc Hoa vì thế trở thành con bài chính trị của vua cha. Mưu cầu hạnh phúc cá nhân của cô ngay cả khi có tồn tại thì dĩ nhiên cũng sẽ không được nhắc đến. Giả sử Mỵ nương có tự nguyện hiến dâng cuộc đời mình như lời đáp trả trước mệnh lệnh chính trị cấp thiết của Văn Lang, thì sự hiến dâng của cô vẫn có khả năng bị lu mờ. Trong những xã hội phụ hệ, vị trí của người nữ nằm ở ngoại biên, đặc biệt là trong chuyện chính sự. Sự xuất hiện của họ dù rõ rệt, thì cũng bị ngầm coi là vắng mặt. Trong câu chuyện Sơn Tinh Thuỷ Tinh, Mỵ nương chỉ tồn tại như một cái tên, một lớp vỏ ngôn từ nhưng bên trong thì trống rỗng.
Trong bài tiểu luận có tầm ảnh hưởng lớn Can the subaltern speak?[2], học giả nữ quyền người Ấn Độ Gayatri Chakravorty Spivak phân tích trường hợp tương tự về người phụ nữ ngoại biên qua tục Sati của người Hindu. Trong tục Sati này, người phụ nữ bị thiêu sống cùng với giàn thiêu của chồng khi chồng họ qua đời trước. Khi người Anh chiếm đóng Ấn Độ, họ cho cấm thực hành Sati với mục đích sâu xa là bảo vệ quyền lực hành pháp của thực dân trên mảnh đất thuộc địa. Tuy vậy, họ lại tuyên ngôn việc cấm Sati thể hiện rằng “đàn ông da trắng đã cứu phụ nữ da nâu khỏi đàn ông da nâu”. Phụ nữ địa phương trở thành quân bài chính trị của thực dân Anh.
Khi các học giả chống chế độ thuộc địa phê phán tính chất hai mặt của tuyên ngôn trên, họ dễ dàng ủng hộ các phong trào dân tộc chủ nghĩa bài thực dân khôi phục các văn hoá bị người da trắng cấm đoán, bao gồm cả tục Sati. Những học giả này quên mất rằng người có tiếng nói trong các phong trào trên chủ yếu là đàn ông địa phương. Spivak phê phán kịch liệt: Phụ nữ địa phương lại một lần nữa bị tảng lờ. Quyền lợi vốn đã mất của người phụ nữ ngoại biên chỉ được cứu vãn chút ít khi nhóm thống trị thấy sự hiện diện của họ có giá trị. Nhóm thực sự có quyền lực chính trị luôn là đàn ông, dù là da trắng hay da nâu.
Điểm chung giữa Mỵ nương Ngọc Hoa và người phụ nữ Ấn Độ dưới tục Sati là tiếng nói của cả hai bên đều bị lệ thuộc vào đàn ông. Công chúa Văn Lang có cuộc hôn nhân tốt vì vua cha muốn vậy. Tương tự, goá bụa Ấn Độ thoát khỏi hủ tục là kết quả của một quyết định được đưa ra bởi đàn ông da trắng. Tính chất ngoại biên được thể hiện rõ ràng ở đây: phụ nữ trong lịch sử bị coi là “kẻ khác”, bị chi phối bởi đàn ông; đàn ông qua đó khẳng định bản sắc của chính mình bằng cách định nghĩa kẻ không phải là mình. Trong cặp nhị nguyên đàn ông-đàn bà, đàn ông được đặt ở trung tâm còn đàn bà bị gạt ra ngoài lề.

Bạo lực giới không tách rời khỏi những dạng thức bạo lực khác

Trải qua lịch sử, bất bình đẳng giới ngày càng phức tạp, với mối liên thông rõ rệt với bất bình đẳng sắc tộc, chủng tộc và giai cấp. Nếu như truyền thuyết Sơn Tinh Thuỷ Tinh gợi ra sự vô hình của người phụ nữ trên phương diện giới, thì câu chuyện bất bình đẳng của người phụ nữ Ấn Độ được nhìn trên cả phương diện chủng tộc. Tiếng nói chống lại bạo lực giới trong văn cảnh đương đại vì thế cần xem xét bất bình đẳng trên mọi chiều cạnh, chứ không chỉ phê phán dựa trên đơn nhất góc độ giới tính.
Xem xét lại vấn đề bất bình đẳng giữa người với người, các học giả cuối thế kỷ 20 đã quay về với câu hỏi cơ bản của ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn: “Thế nào là con người?” Trong cuốn Speculum of other women [3], nhà triết học người Pháp Luce Irigaray cho rằng hình ảnh lý tưởng về con người, xuất phát từ những phác thảo cơ thể kinh điển thời Phục Hưng, được xây dựng dựa trên hình ảnh và trải nghiệm của người đàn ông. Anh ta có da trắng, người châu Âu, đẹp mã, sống ở thành thị, nói giọng chuẩn mực, dị tính, có thể sinh sản, và được thừa nhận quyền công dân trong một thể chế.
Vitruvian man, tranh của hoạ sĩ Phục hưng Leonardo da Vinci
Bạo lực giới thường là thứ bạo lực cơ bản nhất, do giới tính gắn liền với thân thể. Trên góc độ toàn cầu, bạo lực về tính dục, màu da, tộc người, tôn giáo chồng lấn lên nhau. Sau thời kỳ thực dân, một kim tự tháp về quyền lực đã được gây dựng nên. Đứng ở vị trí cao nhất là nam giới thượng lưu phương Tây, nữ giới thượng lưu phương Tây, rồi đến nam giới da ngăm, nữ giới da ngăm… Ở đáy của kim tự tháp quyền lực này, ta thấy sự hiện diện của phụ nữ thuộc các nhóm sắc tộc thiểu số, di cư để thoát nghèo và bán sức cho các đồn điền hương liệu hoặc các nhà máy lắp ráp thiết bị điện tử của Foxconn. Ta sẽ không bao giờ thấy họ lên tiếng.
Cấu trúc quyền lực trên được kiến tạo nên bởi xã hội, chứ không được quy định bởi bản chất tự nhiên của con người. Tri thức về bản thể được mỗi cộng đồng kiến tạo nên thông qua ngôn ngữ và văn hoá đặc thù của họ. Tri thức về giới tính sinh học, xu hướng tính dục và bản dạng giới không nằm ngoài màng lọc của văn hoá và ngôn ngữ. Trong tác phẩm triết học về giới gây tiếng vang Gender Trouble[4], triết gia người Mỹ Judith Butler chỉ ra rằng một bào thai đã phát triển bộ phận sinh dục, ngay từ khi được chụp chiếu bởi máy siêu âm, đã bị gán vào những kỳ vọng xã hội mang tính giới. Xu hướng tính dục và bản dạng giới, đối với Butler, là sản phẩm của những hành động lặp lại mà xã hội gán cho là “nam tính” hoặc “nữ tính”. Những hành động đó không xuất phát từ một bản chất giới tính có sẵn trong cơ thể, mà chúng liên tục được tạo ra khi cơ thể tương tác với môi trường. Từ đó, chính các hành động mang tính giới thêu dệt nên đặc tính nội tâm của con người.
Tuy phức tạp và không tách rời khỏi đời sống xã hội, các vấn đề về giới thường bị quy giản về bản chất tự nhiên của con người. Trong tiểu luận đã nhắc tới ở phần trên, Gayatri Spivak viết, dù đa dạng về bản sắc và lợi ích, song những người ở ngoại biên lại thường bị gom lại thành một nhóm thống nhất, với cùng một đặc tính và bản chất. Trong trường hợp xảy ra ở Ấn Độ thời thuộc địa, người đàn ông và người phụ nữ cùng bị đàn áp bởi thực dân Anh, song không thể gom họ thành một nhóm thống nhất là dân bản xứ. Nội trong xã hội Ấn Độ, người phụ nữ vẫn đang chịu sự áp chế từ người đàn ông.
Sự gom nhóm và giản lược người ngoại biên về một bản chất thống nhất được Spivak gọi là “chủ nghĩa quy chất chiến lược” (strategic essentialism). Chiến thuật này được sử dụng phổ biến giữa những người có nhiều đặc quyền hơn trong nhóm yếu thế, vì những câu thúc chính trị trước mắt. Những cấu trúc tu từ như “Người phụ nữ có tính chất…” hay “Người dân bản xứ có tính chất…” có thể giúp đạt được những mục tiêu chính trị dễ dàng hơn, song chúng chỉ giải quyết vấn đề của một bộ phận tinh hoa nhỏ bé. Ta sẽ thấy nhóm ngoại biên lại một lần nữa trở thành công cụ, hoặc của nhóm phụ nữ thượng lưu, hoặc của đàn ông, đấu tranh chống lại một nhóm khác.
Quay lại với câu chuyện của Mỵ nương Ngọc Hoa, nếu chỉ nhìn câu chuyện này trên góc độ xử lý vấn đề về giới, các nhà đấu tranh theo chủ nghĩa quy chất chiến lược hoàn toàn chỉ đưa ra được những lời khuyên rằng công chúa hãy trở thành một người phụ nữ mạnh mẽ và theo đuổi những mong muốn cá nhân của mình. Họ quên mất rằng bất bình đẳng là một vấn đề có tính cấu trúc, và một người phụ nữ thuộc nhóm tinh hoa như công chúa sẽ dễ dàng thoát khỏi cấu trúc này hơn hằng hà sa số phụ nữ thuộc tầng lớp bình dân.
Mỵ nương Ngọc Hoa vô hình. Nhưng cô không phải người phụ nữ vô hình duy nhất.
C.
————————-
Tài liệu tham khảo
[1] Currie, K. (1998). Gender, Subaltern Studies and the Invisibility of Women. Journal of Social Sciences, 1(2), 1-8.
[2] Spivak, G. C. (2010). Can the subaltern speak? In pp. 21-80, Can the subaltern speak? Reflections on the history of an idea, Rosalind C. Morris (ed.). Columbia University Press.
[3] Irigaray, L. (1985). Speculum of other women. Cornell University Press.
[4] Butler, J. (1991). Gender trouble. Routledge.
————————-
Lưu ý: Bài viết do cộng tác viên thực hiện và không nhất thiết phản ánh quan điểm của CEPEW