Đám tang của mẹ...
Đám tang của mẹ...
Cảnh báo: 3 bài viết, đều lắm chữ; quá dài, nhưng mong bạn đọc.

Người duy nhất không dám "giải phóng" bản thân mình...

Ba đứa con nhà họ Yeom từ đầu bộ phim đến giờ, đều không ngừng kiếm tìm sự giải phóng cho bản thân mình, và tưởng chừng như cả ba đều đang đi những bước đầu tiên trên con đường kiếm tìm tự do cho tâm hồn mình. Khi cả ba đi tìm cho mình sự giải phóng ấy, họ đều vô tình cho rằng một trong rất nhiều điều trói buộc họ chính là Sanpo, mà nói chi tiết hơn chính là "gia đình". Có lẽ, họ đã vô tình quên mất rằng, gia đình không phải là gánh nặng, gia đình là chốn về có thể ủi an và bảo vệ họ khỏi tất cả bão giông cuộc đời. Sự lãng quên tạm thời này gợi nhắc mình nhớ đến chính bản thân mình, khi đã sống 25 năm với suy nghĩ rằng, chỉ vì sự gò ép của bố mẹ mà mình không được tự do theo đuổi đam mê. Nhưng mà, liệu có ai ngoài gia đình sẽ sẵn sàng giang vòng tay ôm lấy mình khi mình mắc những sai lầm lớn chẳng dễ dàng dung thứ chứ?
Những đứa con mải sống cuộc đời của mình, những đứa con mải tổn thương bởi thế giới xa lạ xung quanh, mà vô tình quên đi mất rằng phía sau họ luôn có một người yêu thương họ và dành tất cả cuộc đời của người ấy cho họ. Một người từ khi họ đến với nhân gian này, đã từ bỏ đi quyền được giải phóng bản thân của người đó. Một người có thể mắng mỏ họ mỗi lần gặp mặt, nhưng ở phía sau không thôi trằn trọc vì lo nghĩ cho họ. Một người biết mình sức khỏe có vấn đề, nhưng chưa từng dám đánh đổi thời gian cho họ để có được buổi thăm khám đúng nghĩa. Một người có thể nhìn họ từ phía sau và mỉm cười rạng ngời, nhưng không dám nói cho họ nghe người đó cảm thấy hạnh phúc khi họ hạnh phúc. Người đó chính là mẹ…
Có phải chúng ta cũng đã từng như vậy, thực sự rất giận rất ghét mẹ vì mẹ không biết được chúng ta đã trải qua những gì khi ra khỏi nhà? Cô út không nén được khóc ở ngoài đường nhưng khi trở về nhà lại là một dáng vẻ im lặng, vậy mà mẹ cũng không cảm nhận được sự xao động trong cảm xúc của con gái. Chị cả ồn ào bực dọc vì mái tóc không ưng ý, tràn ngập khao khát được yêu nhưng lại chẳng có nổi một ai đó, vậy mà mẹ chỉ cau mày trách cứ làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của bố. Anh hai gánh trên lưng áp lực của người con trai duy nhất trong gia đình, bị bạn gái ruồng rẫy bảo là toàn mùi nhà quê, vậy mà mẹ cũng chỉ suỵt suỵt ngăn con không nói chuyện vào bữa ăn gia đình. Mẹ là người đẻ mình ra, mẹ là người nuôi mình lớn, mẹ là người luôn thủ thỉ yêu mình thương mình, vậy mà mẹ cũng là người chẳng thể biết được thế giới ngoài kia đang xiết nghẹt mình ra sao, mẹ chỉ trách móc mình mà thôi. Nhưng mà, chẳng phải vì để nuôi mình lớn với đủ đầy cơm ăn áo mặc, nên mẹ mới lãng quên đi việc sẻ chia tâm sự cùng mình hay sao? Mẹ gánh trên vai áp lực về vật chất còn nhiều hơn cả những đứa con, bởi lẽ khi những đứa con chưa thể nuôi lấy mình, thì bố mẹ chính là người chăm bẵm. Bố mẹ càng hiểu hơn bất cứ ai, việc hoàn cảnh gia đình và xuất thân của một người sẽ ảnh hưởng ra sao tới cách cư xử của những người xung quanh với ta. Vậy nên, ròng rã cả cuộc đời, bố mẹ làm lụng không ngừng tới tận độ tuổi xế chiều, để mong có thể nuôi ta khôn lớn mà không phải tủi hổ vì nghèo đói, mong có thể thành chỗ dựa vững chắc đủ để gồng gánh sai lầm cùng ta. Tỷ như, khi Chang Hee khốn đốn vì khoản vay nợ, không ai khác ngoài bố mẹ cho cậu số tiền lớn để cậu có thể vượt qua chuyện ấy bắt đầu bước tiếp mà không nặng lòng. Cuộc sống giày xéo ta, nhưng cuộc sống cũng giày xéo bố mẹ hệt vậy, thậm chí còn nhiều hơn nữa. Vẫn nói sai lầm của mình thì mình phải trả giá, nhưng liệu có bao nhiêu người khi sai lầm không cần đến tấm lưng của bố đôi tay của mẹ? Áp lực cuộc sống, sự trưởng thành của con gái cùng với sự thay đổi không ngừng của xã hội, đã đẩy bố mẹ và con cái đi xa nhau hơn, đã khiến bố mẹ và con cái chẳng thể thực sự một lần giãi bày hết những điều chôn vùi trong thâm tâm.
Cảnh mẹ Yeom đau chân đã được quay đến vài lần, thậm chí Chang Hee cũng đã từng bắt gặp. Nhưng những xô bồ đã đẩy những đứa con quên đi mất phải quan tâm để ý bố mẹ nhiều đến như thế nào. Người mẹ chưa từng mong cả ba thành công vang dội, mẹ chỉ mong họ có thể tìm thấy hạnh phúc và sống một đời bình yên, bình thường. Giá như con cái có thể hiểu chuyện nhanh hơn bố mẹ già đi, thì có lẽ mẹ sẽ không ra đi khi ba đứa con còn chưa biết lo cho mẹ. Đâu đã kịp dẫn mẹ đi khám, đâu đã kịp mua cho mẹ chiếc áo mới, đâu đã kịp nấu mẹ ăn món ngon, đâu đã kịp cùng mẹ rong ruổi dạo chơi cả ngày dài, đâu đã kịp… biết thương biết quan tâm mẹ nhiều như mẹ đã trao cho mình. Mẹ Yeom giống như những người mẹ điển hình của xã hội châu Á, khi lấy chồng sinh con thì một lòng dốc sức cho chồng cho con cho gia đình. Mẹ không bỏ mặc chồng con, mẹ chỉ bỏ mặc chính mình. Thời gian mẹ dành cho gia đình đã kéo dài đến không đủ dư để mẹ quan tâm bản thân. Người không dám giải phóng, chính là mẹ. Ngay cả khi mẹ nghĩ sẽ thử một lần buông xuôi, mẹ bảo bán ruộng không làm nữa. Ngay cả khi cánh cửa dẫn lối đến tự do ấy, mẹ đã nắm lấy chìa khóa nhưng lại chẳng dám tra khóa mở cửa. Mẹ nghĩ mình cũng nên được tự do, nhưng mẹ lại phát hiện ra bản thân là một người mẹ thật tệ. Từ ngày đàn con lớn, mẹ chưa từng san sẻ trò chuyện với chúng, mẹ đã không còn là bến đỗ an toàn cho những đứa con của mình nữa rồi… Và vậy là, mẹ không cần "giải phóng" nữa, vì có lẽ với mẹ, "giải phóng" chẳng quan trọng bằng những đứa trẻ của mẹ. Hoặc là, "giải phóng" với mẹ chính là sự giải phóng của ba người con mình. Mẹ quyết định làm lại một lần nữa, muốn được đồng hành cùng trái tim âu sầu của con. Và, cũng chính lúc ấy, cuộc đời như một biến số không ai có thể đoán định, mẹ ra đi. Mẹ nhắm mắt trong khi vẫn còn vương vấn muôn ngàn nghĩ suy cho con. Mẹ từ biệt cõi hồng trần, trong nuối tiếc của mẹ, và cũng trong cả những xót xa cùng hối hận của ba đứa con.
Ngày mẹ còn sống ở bên cạnh, ta không thể hiểu cho nỗi lòng người làm mẹ, ta không thể chăm lo cho mẹ. Ngày mẹ chỉ còn sống trong hồi ức, ta chỉ hận chẳng quay ngược được thời gian, để mỗi giờ mỗi phút mỗi giây đều ôm mẹ nói lời yêu mẹ. Mẹ không cần tự do, vì tự do với mẹ, không gì khác ngoài gia đình.

Mẹ đã nói gì về cuộc đời của mẹ?

Có lẽ, mẹ Yeom cũng giống như người mẹ trong các gia đình truyền thống, sống một cuộc đời lẳng lặng quên đi phần mình để dành hết tất cả cho người chồng và những đứa con của mình. Có lẽ, rất nhiều người sẽ tự hỏi tại sao mẹ Yeom lại sống tiêu cực đến vậy, khi mà ba đứa con đều ngoan ngoãn, còn công việc của chồng vẫn đủ lo miếng ăn miếng mặc cho cả nhà? Không phải mẹ muốn tiêu cực vậy đâu, không phải mẹ không muốn là người bạn tâm giao của mỗi đứa con đâu, mà là cuộc sống của mẹ đã thay đổi rất nhiều kể từ ngày thành vợ thành mẹ. Cuộc đời của mẹ rẽ sang trang khác với những lựa chọn khác, mà một trong những lựa chọn ấy chính là từ bỏ đi niềm vui và ước mơ của bản thân, để ở phía sau chăm lo cho gia đình nhỏ bé của mình. Mẹ là trái tim của gia đình, nhưng trái tim của mẹ, phải chăng chẳng thể đập rộn ràng cho chính mẹ? Và có hay không cách suy nghĩ và tính cách của ba đứa con sẽ khác đi nếu mẹ không giống như bây giờ? Có thể có đấy, nhưng phải mạnh mẽ và kiên cường đến đâu mới có thể không bị u uất của việc làm vợ làm mẹ bóp nát? Mẹ hẳn là đã nghị lực lắm rồi, khi biến những u uất ấy trở thành tình thương vô ngần cho gia đình.
"Ông chỉ việc ăn, bỏ thìa xuống rồi quay lại ruộng hay nhà xưởng. Nhưng mà tôi phải đi theo ông từ trong nhà đến bên ngoài để nấu cho ông ăn. Tôi giống như chẳng có nổi một ngày nghỉ nào cả. Làm lụng suốt 365 ngày một năm."
Mẹ cũng từng là thiếu nữ và ôm ấp những giấc mộng của mình. Mẹ cũng từng là cô gái đi kiếm tìm tình yêu như chị cả. Mẹ cũng từng là cô gái chơi vơi trong cuộc đời để kiếm tìm mục tiêu như anh hai. Mẹ cũng từng muốn trở thành ai đó quan trọng tại cuộc đời của người khác như cô út.
Nhưng, tất cả đều đã thay đổi khi mẹ trở thành vợ của bố và trở thành mẹ của ba chị em. Mẹ làm nội trợ chăm lo cho gia đình, việc đó trong mắt thế hệ của mẹ là bình thường, đâu có ai nghĩ mỗi mấy việc nấu nướng dọn dẹp cũng có thể mệt mỏi tới vậy? Nhưng mà, những việc ấy thực sự mòn mỏi, mẹ quần quật cả ngày ngoài ruộng, rồi vội vã nấu cơm ngon, dọn dẹp mâm cơm, nuôi nấng những đứa con trưởng thành. Mẹ đã quên đi trước đây mình thế nào, mẹ chỉ còn nhớ ngày mai phải nấu món gì cho chồng đi làm sớm, hay đưa đón con đi học sao nếu trời mưa to. 365 ngày, cả một năm, ba đứa con có thể có ngày nghỉ, bố có thể có ngày nghỉ, nhưng mẹ không được phép nghỉ. Nếu mẹ "nghỉ", ai sẽ là người lo bữa cơm gia đình, ai sẽ là người kết nối chồng với con. Thậm chí, có phải đến cả việc ốm đau, mẹ cũng nghĩ mình không được phép hay không. Mẹ đau chân, mẹ không nói. Mẹ mệt mỏi, mẹ không nói. Đôi lúc mẹ bâng quơ trách cứ, nhưng đã bao giờ mẹ thực sự ngừng lại việc chăm lo cho mọi người đâu chứ…
"Nếu bạn lấy một người nghiện công việc, người phụ nữ có lẽ sẽ không thể làm gì khác ngoài chịu đựng."
Xã hội có thay đổi ít nhiều rồi, nhưng khi mẹ sống thì xã hội vẫn là xã hội phụ hệ. Người đàn ông trong gia đình có đôi phần quan trọng hơn người phụ nữ, và có nhiều khi người ta đề cao vai trò của đàn ông mà quên mất đi sự hy sinh của phụ nữ. Mẹ sống trong xã hội như vậy, không ai nói với mẹ một lời cảm ơn vì mẹ đã nhọc nhằn, không ai nói với mẹ rằng mẹ tuyệt vời thế nào khi đã cống hiến toàn bộ cuộc đời cho chồng con. Không ai nói với mẹ, kể cả những người thân thiết nhất với mẹ, là người chồng mẹ mỗi ngày bầu bạn, là ba đứa con mẹ chẳng thể ngừng lo lắng. Mẹ quá mệt mỏi, mỏi mệt tới độ quên đi mất việc làm bạn với con. Để rồi khi phát hiện ra mình đã không san sẻ với con, mẹ đau tới điếng người, lững thững đi qua những con đường trong ánh nắng nhạt màu. Để rồi kể cả khi mẹ say giấc ngàn thu, mẹ cũng chẳng thể buông xuống những nhọc lòng đã bủa vây mẹ hàng chục năm làm vợ làm mẹ. Để rồi mẹ ra đi, mọi người mới bàng hoàng nhận ra, mẹ đã gồng gánh bao nhiêu thứ. Gánh trên đôi vai già nua, là giấc mộng tuổi trẻ, là trách nhiệm với gia đình, là san sẻ với chồng, là hối hận với con, là dấu ấn của xã hội trong thế hệ của mẹ.
Xin hãy thông cảm cho mẹ, cho những thiếu xót của mẹ, cho những năm tháng mẹ trót lỡ để lạc mất kết nối với ba đứa con. Xin hãy ôm lấy mẹ, hãy để mẹ biết bạn cần mẹ, hãy để mẹ biết mẹ với bạn có biết bao quan trọng. Bạn là lần đầu tiên làm con của mẹ, nhưng mẹ cũng là lần đầu tiên làm mẹ của bạn. Mẹ có thể có chị cả, anh hai, cô út, nhưng mỗi một lần làm mẹ của một người con, mẹ lại phải thay đổi mình nhiều hơn. Mẹ vì bạn mà hoàn thiện mình, nhưng bạn ơi, mẹ chẳng thể sống giống như mong đợi của bạn được đâu. Vì mẹ đã được nuôi lớn trong một môi trường khác bạn, và vì mẹ cũng không biết phải làm sao mới có thể bước vào thế giới của bạn khi mẹ chẳng cùng bạn mỗi giờ mỗi phút trải qua đời người.
... lễ trưởng thành của con
... lễ trưởng thành của con

Sự yếu đuối của một người đàn ông

Liệu có ai từng thấy hình bóng của bố mình ở trong bố Yeom hay không? Một người đàn ông thuộc về thế hệ trước, không thích nói chuyện, chỉ đâm đầu vào làm việc kiếm tiền, không quản việc nhà để mặc vợ mình một tay lo liệu mà chưa từng nói lời cảm ơn, luôn nghiêm khắc với các con tới mức chúng không dám nói lên ý kiến của bản thân. Một người chồng có vẻ thờ ơ và vô tâm, một người bố có vẻ cộc cằn và không thấu hiểu.
Không phải tất cả, nhưng rất nhiều ông bố, đặc biệt là những người sinh ra trong thế hệ trước, họ thực sự không quen với việc bộc lộ tình thương yêu của mình, hay họ cũng không biết phải làm cách nào để chăm lo cho con cái ngoài sự nghiêm khắc và quần quật làm việc nuôi con. Có thể, khi bố Yeom ở bên cạnh ba chị em, bố sẽ không mỉm cười hiền dịu lắng nghe chuyện lông gà lông vịt hôm nay ba người gặp. Bởi vì, bố đã khoác lên mình cái vẻ cộc cằn khó tính từ rất lâu về trước rồi. Chính cái sự khắt khe của bố đã nuôi dạy nên sự lành tính của ba đứa con. Bố giam mình trong dáng vẻ đáng sợ ấy, dần dần cách xa với thế giới của những người con. Bố không biết phải làm gì để có thể ở gần các con hơn, bố chỉ biết dồn toàn bộ tình thương vào việc kiếm tiền để trở thành tấm ô thật lớn có thể che kín những đứa con khỏi giông tố. Là một người bố, bố mang trên mình trách nhiệm với cuộc đời của con, trách nhiệm ấy trĩu nặng đến độ bố cũng đánh mất đi cả giấc mơ của mình. Giữa một công việc kiếm được tiền nuôi con, và một công việc bố thích nhưng không ra tiền, bố sẽ luôn chọn công việc đầu tiên. Bởi lẽ, giấc mơ của bố kể từ ngày những đứa con ra đời đã không còn miễn phí nữa rồi. Giấc mơ của bố bị đánh thuế bởi vô vàn áp lực từ cuộc sống cùng xã hội, giấc mơ của bố phải gắn liền với số phận của cả gia đình.
Trong suốt những năm tháng chung sống với mẹ Yeom, bố Yeom không mấy khi để ý đến việc nhà, và bố chưa từng nói một lời an ủi với mẹ vì đã vất vả chăm lo cho việc nhà. Liệu có phải vì bố mặc định những điều ấy là dành cho người vợ trong gia đình hay không? Có lẽ không phải, có lẽ chỉ là bố quá vụng về để biết cách quan tâm đến mẹ. Bố để mẹ nấu nướng và phụ giúp bố trên đồng ruộng, nhưng bố chưa từng yêu cầu mẹ làm nhiều hơn nữa, hay vào nhà xưởng bồn rửa bát giúp bố. Mình nghĩ rằng, với bố, khi bố trở thành chồng của mẹ, bố đã xác định rằng bố sẽ báo đáp lại hi sinh của mẹ bằng chính hi sinh của mình. Mẹ ở nhà lao lực, thì bố đi kiếm tiền cũng lao lực nhiều vậy. Bố phải tranh đấu với người ngoài, bố phải giành giật từng đồng để yên bề gia đình. Mình không phủ nhận rằng việc bố không cùng mẹ chia sẻ việc nhà là điều chưa đúng, nhưng mình thực sự muốn chia sẻ rằng. Ngay cả khi công việc không suôn sẻ, hay ngay cả khi có khoản nợ lớn phải trả, thì bố chưa từng sa vào rượu chè đánh mắng chửi bới. Ấy chính là sự dịu dàng và quan tâm của bố dành cho gia đình của mình. Bố trân trọng người vợ đã cùng mình đồng cam cộng khổ, tới mức chỉ biết im lặng thần người lắng nghe lời vợ trách cứ. Tuy bố chưa giúp mẹ làm việc nhà, nhưng bố chưa từng thôi lắng nghe lời mẹ nói. Kể cả khi, lời nói ấy sẽ đóng lại những nỗ lực bố đã đổ mồ hôi gây dựng bấy lâu.
Sau biến cố của gia đình là việc mẹ ra đi mãi mãi, ba chị em nhà Yeom có thể gào khóc đến khản cổ, hay nức nở mãi chẳng ngừng. Còn bố thì không thể, bố không được phép giống như những đứa trẻ của mình. Bố cũng là người bị bỏ lại nhân gian này, nhưng bố vẫn phải mạnh mẽ như không có gì cả, vì bố là bố. Bố cũng có thể khóc thật nhiều, nhưng bố đã chọn không khóc. Dẫu trái tim bố bị ngàn con kiến cắn xé, nỗi đau rả rích trong trái tim, quằn quại trong mỗi hơi thở, bố vẫn phải là người đầu tiên vực dậy. Rõ ràng là người đau đớn nhất, nhưng lại phải là người gắng gượng nhất. Ngày hôm sau, bố làm việc nhà và đến xưởng làm. Bố giờ đây đã làm cả công việc của mình lẫn của mẹ khi bà còn sống. Với những đứa trẻ của mình, từ lúc này, bố phải trở thành cả bố lẫn mẹ, để đám nhóc của bố vẫn có thể sống một cuộc đời đón nhận được những niềm hạnh phúc.
Một người đàn ông cộc cằn, yên lặng, không có nghĩa là trái tim người đàn ông đó không biết đổ lệ.