Nhắc đến các ngành âm nhạc đại chúng, “emo” có lẽ là một trong những từ bị khinh bỉ và lánh xa nhất. Bắt nguồn từ những năm 80 nhưng nhạc emo phải đến khoảng thập niên 2000 thì mới thực sự gây đình đám dòng mainstream với mấy band nổi tiếng nhất như My Chemical Romance, Fall Out Boys, Panic! At The Disco. Những band có chất lượng ở một đẳng cấp khác ví dụ như Brand New, với cách cấu trúc bài nhạc phức tạp hơn thì lại không được đón nhận rộng rãi bởi số lượng đông người nghe.Chưa kể đám khán giả của họcòn bị gọi là “emo kids”.
Và chúng tôi hình như từng thuộc hội đó.

Chẳng biết có phải bệnh emo này nó dễ lây hay không mà cái tuổi trẻ ở lúc dậy thì, đứa nào cũng nhìn cuộc đời bằng con mắt tiêu cực và hầu như đều ở trạng thái buồn thảm. Chúng có đặc điểm nhận diện là luôn đầy tâm sự, thích rạch tay, hay nghĩ đến tự sát. Giới trẻ ở tây còn mặc mấy cái áo có ghi chữ “Sad As Fuck” để thể hiện quan điểm. 
Thế nên hội ban nhạc mà bị gán cái mác nhạc “emo” là đều thù ghét và chối đây đẩy. Vì nói cho cùng, chẳng ai muốn bị dây dưa với việc bị xã hội kết tội khuyến khích giới trẻ suy nghĩ tiêu cực và tìm đến cái chết cả.
Vậy nhưng không mấy ai để ý là từ “emo” này đúng ra là bắt nguồn từ từ “emotive” chứ không phải “emotional”. Với emotive, thì đúng ra âm nhạc được dùng để kích thích mọi sợi dây cảm xúc của người nghe qua nhạc và lời hát. Và dĩ nhiên cảm xúc này có cả vui sướng, chứ không phải chỉ có buồn và trầm cảm như ý nghĩa “emo” được hiểu như “emotional” bây giờ.
Sao cũng được, cái chính là bọn thanh niên ở những năm 2000 bắt đầu chán thứ “screamo” hay chửi bới trong nu-metal lúc đó, bỗng dưng lại tìm được đồng cảm khi nghe nhạc từ mấy band emo với phong cách chính là hardcore punk như My Chemical Romance (MCR)
Ở thời kỳ mà nhạc emo được tôn vinh những năm thập niên 2000 này, MCR đến với người nghe thật đúng lúc. Dĩ nhiên bọn MCR cũng căm ghét cái tên emo mà giới nghe nhạc xếp loại chúng vào, dù chúng quên rằng mấy thằng trong band đều kẻ mắt đen, đúng chất “emo” không lẫn đi đâu được.
Được thành lập bởi Gerard Way, ca sĩ, và Matt Pelissier, trống (sau đó được thay bằng Bob Bryar), ban nhạc sau đó phải tuyển thêm Ray Toro vào chơi guitar lead vì Gerard không biết vừa chơi đàn vừa hát thế nào. Sau này có thêm Frank Iero vào đánh rhythm guitar và thằng em của Gerard là Mikey Way vào đánh bass. 
Thực ra cũng chẳng có gì quá đáng nói nếu MCR chỉ có một album thuộc dạng hay là Three Cheers For Sweet Revenge sau đĩa đầu tạm ổn với cái tên khá dài như I Brought You My Bullets....
Theo thời gian, có lẽ MCR  tiên đoán được thứ nhạc emo - à không - thứ nhạc kích động chỉ có giai đoạn ngắn ngủi, vì rồi thì đám fan choai choai sớm muộn cũng qua tuổi dậy thì và trưởng thành hơn, thế nên mấy thằng trong MCR mới tính làm một đĩa nhạc trường tồn với thời gian. Vẫn đi theo hướng concept album, nhưng lần này Gerard Way còn mang thêm ảnh hưởng lớn từ nhạc của David Bowie, Queen và Pink Floyd. Kết quả MCR cho ra một sản phẩm tên là “The Black Parade” thuộc hàng top trong nhạc emo nói riêng (thứ nhạc mà Gerard coi là rác rưởi và không khác gì đống shit) và nhạc rock hiện đại nói chung (cụm từ mà bọn MCR tự nhận mình chơi cùng với những thể loại phức tạp khác như nhạc “pop bạo lực”).
Ok thế nào cũng được. Nhưng phải nói là “The Black Parade” nghe thực sự sướng màng nhĩ. Ngoài cái ý tưởng concept rất “emo” - khi kể về một nhân vật tạm gọi là “Bệnh Nhân” nằm chờ chết vì căn bệnh ung thư - thì đĩa này có một bộ công thức rất ổn bao gồm: giai điệu các đoạn điệp khúc đều cực “bắt tai”, nhịp điệu các bài hát có sự thay đổi xen kẽ không làm nhàm chán, phần guitar lead rất hay, giọng hát đầy năng lượng của Gerard và sự xuất hiện của bộ đàn phím keyboard, piano và synthesizer làm tăng màu sắc.
Gọi là tăng màu sắc nhưng giống như cái bìa đĩa hai màu đen trắng, câu chuyện buồn không lối thoát của nhân vật chính được miêu tả u ám qua các bài hát như sau.
1️⃣ Mở đầu là The End.
Tiếng máy đo nhịp tim mở đầu đĩa là đã thấy có vấn đề chẳng lành. 
Nằm trên giường bệnh, nhân vật chính của chúng ta đang trong cơn tuyệt vọng vì cái chết đang tới gần. Câu kết là tiếng gào thét của Gerard tượng trưng cho Bệnh Nhân đang cầu khẩn bác sĩ cứu hẳn hỏi tay thần chết.
Đoạn cuối này mang nặng ảnh hưởng của bài Five Years của David Bowie trong đĩa Ziggy Stardust khi David kết thúc bài bằng “five years” thảm thiết thì Gerard hát “save me”.
2️⃣ Dead. Chưa đủ emo, sau khi đập vào mặt người nghe The End ở ngay bài đầu, bài thứ hai đã có cái tên nghe không hay ho gì 
Tiếng máy đo nhịp tim lúc này kêu đúng một tiếng tít kéo dài. Bệnh Nhân chết rồi ư?
Trong bài hát là lời nói / suy nghĩ của nhiều tuyến nhân vật: từ người mẹ (mà có lập luận rằng đây là hình ảnh của Mẹ Chiến Tranh - Mother War, một luận điểm cũng hợp lý khi người mẹ đó hỏi “I’ll be here wondering / Did you get what you deserve?” có liên quan đến bài Mama sau đó), nhân vật Bệnh Nhân chán nản với cảm giác chờ đợi một cái kết thảm, và ông bác sĩ với kết luận Bệnh Nhân chỉ còn 2 tuần để sống.

Bài Dead này giới thiệu tới người nghe màn điệp khúc cực catchy mà hứa hẹn các bài khác sau đó cũng vậy. Tiết tấu nhanh và khá rộn ràng đối lập với tiêu đề Dead. 
Rồi ở đoạn bridge, lối hát lặp từ “in” ở câu “and in my observation” nghe có phong cách nhạc kịch mà mang mác ảnh hưởng từ nhạc Queen, rồi tiếp nối bằng màn solo guitar khá hay.
3️⃣ Khác với giọng trưởng tươi vui ở bài Dead, đến track này - This Is How I Disappear - những hợp âm thứ mới phản ảnh đúng cái theme của đĩa nhạc về sự chết chóc này.
Bài hát kể về nỗi buồn của Bệnh Nhân về mối tình cũ mà “without you is how I disappear / And live my life alone forever now”. Nằm trên giường bệnh, Bệnh Nhân chỉ thấy cái chết có lẽ không còn nghĩa lý gì khi chính mối tình của hắn cũng đã tan vỡ.
4️⃣ The Sharpest Lives là màn tiết tấu nhanh với phần điệp khúc thuộc top hay nhất trong album.
Trong bài này Bệnh Nhân nhớ về thời gian sống cuộc sống buông thả không màng hậu quả của tuổi trẻ.
Phần nhạc biến chuyển ở khúc trước điệp khúc ảo diệu như nhân vật chính của chúng ta đang say sưa với những buổi party. Cách phối bè hát trong bài này cũng là điểm sáng của album.
5️⃣ Giảm nhịp độ lại bằng màn trống diễu hành của bài Welcome To The Black Parade
Người ta nói trước khi chết, ký ức mạnh mẽ nhất sẽ ùa đến. Với nhân vật Bệnh Nhân, hắn còn ở độ tuổi quá trẻ nên ký ức hắn nhớ nhất chính là lần đi xem buổi diễu hành mà hắn được xem cùng với bố hồi nhỏ. 
6️⃣ Bài I Don’t Love You tiếp theo là một bản ballad về sự hối hận trong chuyện tình yêu của gã Bệnh Nhân như một sự cố gắng thay đổi nhịp độ, nhưng có vẻ cũng không phù hợp và hấp dẫn như mấy bản mạnh mẽ tốc độ nhanh của MCR.
7️⃣ Bài House Of Wolves này rất hay này, tiết tấu cực nhanh và âm thanh sôi sục, đặc biệt ở màn guitar solo. Cách dùng hiệu ứng của đàn guitar điện khiến cho đĩa này không bị nhàm chán bởi sự đơn thuần guitar đánh nhanh nhảu của dòng emo punk rock này.

8️⃣ Chậm hẳn lại bằng một bản ballad khác. Nhưng khác I Don’t Love You, bài Cancer lại có một giai điệu và hoà âm phức tạp như một bài hát của Queen cả trong tiếng hát bè nhoè tiếng đi. Chưa kể nội dung về chính cái nguyên căn dẫn đến cái chết của gã Bệnh Nhân, không sến sẩm về vụ tình yêu như track số 6.
9️⃣ Bài hay nhất đĩa đây rồi. Mama có nhịp điệu như nhạc chiến tranh thế chiến thứ Hai, khi mà chính Gerard còn cố tình hát với giọng accent Ý gốc gác của anh với âm “rrrrr” nghe rất ngộ. Cấu trúc bài hát biến đổi phức tạp hơn, giống progressive rock của Pink Floyd. 
Kể về lời thú tội của nhân vật chính và sự thất vọng của người mẹ - hay chính là Mẹ Chiến Tranh về những lỗi lầm mà nhân vật chính gây ra, mà chính hắn tin địa ngục là nơi hắn sẽ bị đày xuống sau khi chết.
🔟 Sleep - với một kẻ sắp chết như gã Bệnh Nhân, để ngủ và giữ lại những giấc mơ đẹp hay để quên đi những điều buồn và ám ảnh thì không biết có còn ý nghĩa không.
Bài này thuộc dạng emo nhất đĩa khi màn cuối lối hát luyến giữa những nốt quãng thứ và kết bằng loạt gào thét. Mặc dù vậy đây vẫn là bài hay trong đĩa. 
1️⃣1️⃣ Một cú rẽ ngoặt khi Teenagers bật lên. Khác hẳn phong cách nhạc của các bài khác, với giai điệu đơn giản nhưng vui tai, sự liều lĩnh của MCR khi nhét bài này vào đĩa phá mất không khí “chết chóc”. Ấy mà để cố liên quan thì bài này giống như nỗi sợ của nhân vật khi hồi tưởng về tuổi trẻ đáng sợ nông nổi và bạo lực.
1️⃣2️⃣ Disenchanted là một bài tạm được, không có gì đáng nói ngoại trừ nội dung lúc này đây, nhân vật Bệnh Nhân cố tìm những ý nghĩa của cuộc sống nhưng cái hắn thấy đều chỉ là sự thất vọng.
1️⃣3️⃣ Và trước khi ra đi, những lời cuối của gã Bệnh Nhân là gì? Famous Last Words là lời kết cho nhân vật của câu chuyện khi hắn đã chấp nhận số phận của hắn, và kỳ lạ là khi đó khát khao sống của hắn lại mạnh mẽ hơn, theo cái cách thay đổi những suy nghĩ tích cực về những chuyện buồn trong quá khứ
“I am not afraid to keep on living/ I am not afraid to walk this world, alone
Honey, if you stay, I'll be forgiven/ Nothing you can say can stop me going home”

Vậy là nhân vật chính chết hay quyết định sống nốt những ngày còn lại theo cái hắn muốn? Bài hidden track Blood hé lộ cái kết có hậu về gã Bệnh Nhân được làm lại cuộc đời.
Một số phân tích còn chỉ ra những lớp nghĩa liên quan đến ban nhạc MCR lúc đó.  Nhưng điều đó cũng không có gì đáng quan tâm lắm. Emo mà. Mọi vấn đề đều được phân tích mổ xẻ và quan trọng hoá vấn đề.
Những band như MCR, nói cho cùng, xuất hiện thực ra rất đúng lúc để thoả mãn suy nghĩ của giới trẻ. Dù sao thì thông điệp có hy vọng trong cuộc sống, dù là giấu diếm trong hidden track như bài Blood cũng đáng ca ngợi đấy chứ. 
Trùng hợp cái là vào thời điểm tung ra album The Black Parade này, nhạc emo sau đó cũng dần kết thúc thời kỳ đỉnh cao. Thế nên album này giống như lời chia tay cho nhạc emo với mainstream và lui vào phía sau. 
Nếu như với một kẻ sắp chết như Bệnh Nhân, hồi ức đáng nhớ nhất của hắn là buổi diễu hành màu đen thì với nhạc emo khi sắp lụi tàn, hồi ức mạnh mẽ nhất của người nghe cũng chính là đĩa The Black Parade. Hoàn toàn xứng đáng như là một sản phẩm trường tồn với thời gian nhờ sức sáng tạo và dày công xây dựng của Gerard và cả hội!
Ký tên
Emo Kidz