Murder on the Orient Express, bộ phim về trinh thám cuối cùng của năm 2017, với vụ án mạng điển hình và những cảnh quay xuất sắc.
(cảnh báo: Có thể sẽ tiết lộ nội dung phim)
Theo như những review mình đọc sau khi xem phim, bộ phim này được dựng theo cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh điển của Agatha Christie và đã được dựng phim một lần. Bản điện ảnh năm 2017 này, theo review của một trang khá tin cậy (không có những từ ngữ gây phản cảm và review đúng mực), bám rất sát với bản truyện, trừ vài yếu tố không liên quan.
Poster phim (nguồn: Internet)
Khi bắt đầu xem, mình đã tự nhủ phải chú ý, để ý những chi tiết nhỏ nhặt nhất, vì xem cũng phải có chính kiến của mình, xem để học tập, suy ngẫm, chứ không phải xem cho vui.
Mở đầu bộ phim là cảnh quay chẳng liên quan gì đến nội dung, nhưng cũng là mở đầu hoàn hảo để giới thiệu người thám tử đại tài nhưng cũng quái tính Hercule Poirot. Mình tự hỏi, liệu mọi thám tử có mắc chứng ám ảnh cưỡng chế hay không, vì theo mình, Hercule khá giống người mắc chứng này. Ông cũng tự nhận thấy bản thân khác người, và cũng tự nhận rằng, cái tính thích hoàn hảo đó rất khó chịu, nhưng trong phá án lại rất thích hợp. Ông nhìn thấy những mảnh vỡ, những khiếm khuyết không chỉ ở bối cảnh, ở những thứ con người ta có thể thấy được, mà cả trong tâm hồn con người. Mội người kỹ tính đến mức kì quặc, lại hoàn toàn phù hợp với nghề thám tử. Từ những hành động nhỏ nhặt nhất như dùng khăn tay để chạm vào chứng cứ, cho đến ghi chép những chi tiết nhỏ, kết nối các chứng cứ và suy luận, mọi thứ đều là minh chứng cho tài năng của ông.
Nguồn: Internet
Nói đến khung hình, điều lôi cuốn mình đi xem phim này chính là những cảnh quay đắt giá. Từ cảnh quay dọc lúc phát hiện ra nạn nhân, cố ý không để lộ cái xác, nét mặt diễn viên, cho đến cảnh quay qua tấm kính, từng nhân vật hiện lên 2 lần, giống như miêu tả 2 khuôn mặt của mỗi con người – thiện và ác chỉ cách nhau có một mặt gương. Bộ phim được làm cầu kì, chau chuốt từ quần áo, không khí, cả cái nóng bức của Jerusalem, đến cái giá băng của Belgrade, từng bông tuyết rơi xuống mỏm núi sắc cạnh, giữa cái lạnh ấy nổi bật lên tâm hồn con người, âm mưu, lo sợ, đau đớn, trả thù. Tất cả đều nổi lên giữa những lớp tuyết trắng. Chuyến tàu định mệnh ấy, cái xa hoa được quay rõ ràng, cả một đoàn tàu dài chỉ dùng để chở 13 con người. Những toa khách hạng nhất, đầu bếp thiên phú cùng những món ăn nóng hổi đẹp mắt, cho đến ứng xử của những hành khách trên tàu, quy củ nghiêm ngặt của chuyến tàu. Quý phái, sang trọng, cung cách ứng xử toát lên từ cách họ nói chuyện với nhau, đủ để ta thấy sự khác biệt giữa những năm 1920 và thời đại bây giờ. Những con người ở Istanbul ấy, kể cả những người dân lao động ngay trên đường ray cho tới những người sống trong tòa nhà cao tầng nhìn xuống, họ chẳng biết người ngồi trên tàu là ai mà họ vẫn vẫy tay niềm nở, nhìn con tàu nhả khói trong ánh hoàng hôn vàng rực. Ta cũng thấy cách nói chuyện của quý tộc thời bấy giờ, họ nhìn vào mặt tốt của mọi thứ, họ luôn hoàn mỹ hóa mọi thứ, uyển chuyển trong từ ngữ, kể cả miêu tả cơn đau.
“Chúa ban cho tôi cuộc sống trường thọ, nhưng lại đày đọa tôi với cái lưng đau đớn.”
Mỗi người đều có lý do của riêng mình để có mặt trên chuyến tàu ấy, mỗi người đều có lý do, để giấu đi danh tính thật của bản thân mình.
Có một review nói, ngoại trừ nhân vật chính, thám tử Poirot, thì tất cả các nhân vật đều khá nhạt nhòa. Nhưng theo bản thân mình thấy thì mọi nhân vật đều được đóng khá xuất sắc. Xem phim phải để ý từng chi tiết nhỏ nhặt mới thấy được tính cách của họ được miêu tả khá tinh tế. Mọi cử chỉ của họ đều nói lên tính cách nhân vật. Cũng có phần bởi vì đây là phim trinh thám, nên nhân vật thám tử được miêu tả khá sắc nét, tuy nhiên, nếu ta nhìn sâu vào các nhân vật khác, ta cũng thấy được diễn viên đã hoàn thành rất tốt vai diễn của mình. Từng cử chỉ như run rẩy, nhìn về phía người đối diện, phản ứng hay tương tác với nhân vật chính, mọi vai diễn đều được diễn rất đạt, đủ để ta cảm thán rằng, à, nhân vật này có vẻ rất giống tên giết người, hay nhân vật kia thật đáng nghi. Nếu diễn viên không thể khiến khán giả nghĩ như vậy, thì họ rõ ràng không làm tròn vai diễn của chính mình.
Nguồn: Internet
Nội dung, với một đứa xem phim mà ngắt đoạn những 2 lần (vì buồn tè) như mình thì cũng không quá hấp dẫn. Với mình, nó không có những tình tiết giật gân, không có những twist đủ để khiến mình nghi ngờ suy nghĩ của mình, dù rằng cái kết khá bất ngờ và đúng logic, nhưng nó vẫn chưa đủ gây nên cái hồi hộp mà phim trinh thám nên có. Mình không trông đợi những tình tiết như Conan sẽ có mặt trong một bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết từ thế kỷ 19, nhưng phần nào mình vẫn mong rằng, sẽ có những chuyển biến gây hồi hộp cho khán giả. Nếu hỏi bộ phim có nổi bật hay không, thì mình nghĩ so với các bộ phim khác cùng thời điểm, phim Murder on the Orient Express sẽ hơi nhạt nhòa. Điểm nhấn của phim, mình chắc chắn, sẽ là những cảnh quay tuyệt hảo cùng suy luận và bộ râu kì quái của ông thám tử. Phim vẫn có những điểm gây hài, lối nói của người Anh (cho những bạn nào nghe được lời thoại) thì vẫn có những điểm khá hài hước, nói vần tiếp nối câu chuyện, v.v.
Về tên giết người và bài học rút ra từ phim. Có những người mình khá chắc chắn là hung thủ (và cuối cùng thì đúng là hung thủ thật), nhưng cũng có người mình không nghĩ là hung thủ (từ lời khai và phản ứng của họ thì vẫn suy ra được) cuối cùng vẫn nhúng chàm. Cái cách mình thấy khá ấn tượng, đó là họ tụ lại với nhau trên cùng một chuyến tàu, cùng lên kế hoạch và cùng hành động vào một thời điểm, cũng với đó là trí nhớ và cái nhìn sắc bén của ngài thám tử, kết nối các sự kiện lại với nhau và cuối cùng kết luận được bản án cho vụ giết người. Điều ám ảnh chính là, nếu nợ máu phải trả bằng máu, nếu người vô tội giết kẻ có tội, vậy người ấy phải xử thế nào? Ta không thể cứ thế bỏ qua tội giết người của kẻ đó, nhưng cũng không thể phủ nhận họ đã thay luật pháp xử tử tên giết người. Có lời thoại rằng, luật pháp của con người vẫn còn quá thiếu sót, và lời cuối cùng của ngài thám tử trước khi xuống tàu cũng là mọi người đều xứng đáng có cơ hội được làm lại cuộc đời, tất cả đều vô tội. Đôi khi, bản án ác nghiệt nhất không phải là cái chết, mà chính là sự sống. Chết thì quá dễ dàng, nhưng để sống với tội ác của mình, đó mới là thứ giày vò tâm hồn nhất. Mọi người ở trên chuyến tàu đó, không có ai là kẻ xấu, họ đều phải trải qua nỗi đau tâm hồn, và giờ họ mang thêm cả máu trên tay đến suốt cuộc đời họ. Ai cũng vô tội, và ai cũng có tội. Để họ tự giày vò bản thân đến cuối đời, là hình phạt nhân từ nhất và cũng độc ác nhất mà ngài thám tử đưa ra.
Thật sự thì, xem phim này phải ngẫm, ngẫm lại những lời nói về tâm hồn con người. Tuy nói có thể hơi hoa mỹ, nhưng thật sự rất đúng. Thế nên không phải tự nhiên mà có những tử tù không bị phán chết, mà bị phán 150 năm tù giam hay 300 năm tù giam. Họ bị giam vì tội ác của mình, giam đến cuối đời để ngẫm lại những tội ác họ gây ra. Có thể họ vẫn sẽ ngủ ngon mỗi đêm, nhưng ai biết được đến một ngày, họ sẽ tự dằn vặt bản thân vì những bóng ma quá khứ, vì khuôn mặt những người đã chết trong tay họ.