Bên cạnh bài viết trên Spiderum, tôi còn đăng nội dung dưới dạng podcastvideo youtube. Các bạn có thể nghe trong lúc rảnh thay vì đọc. Rất mong các bạn ủng hộ.
Thành công là kết quả của 1% may mắn và 99% nỗ lực
Một câu nói giàu ý nghĩa và có tác dụng khích lệ lớn. Bảo sao mà nhiều người thích trích dẫn nó đến vậy. Ngày trước tôi cũng hay hô hào những khẩu hiệu thế này. Nhưng rồi, từ trải nghiệm cuộc sống, tôi nhận ra rằng cách hiểu của bản thân mình và của nhiều người khác về câu nói đó dường như không phù hợp. Có lẽ trước khi hô hào nó, chúng ta cần hiểu thế nào là thật sự thành công, và thế nào là thật sự cố gắng. Giờ đây, tôi nhận ra rằng muốn thành công thì đừng cố gắng.
Hãy bắt đầu bằng câu chuyện của chính tôi trước. Các bạn có thể gọi tôi là một youtuber, một người xây dựng nội dung, hoặc một người làm giáo dục. Nhưng trước tiên, và quan trọng nhất, tôi là một ông bố.
Kênh youtube HAM HỌC cùng với kênh podcast HAM HỌC và cả trang Spiderum này là hệ quả từ hành trình mà tôi đồng hành cùng các con của mình. Vì mong muốn dành cho con những điều tốt đẹp nhất, tôi đã dấn thân vào hành trình học tập không ngừng nghỉ. Tôi nhận ra rằng nuôi dạy một đứa trẻ là trải nghiệm khó khăn nhất, và vì thế cũng là quý giá nhất cuộc đời. Chỉ khi đối diện với một đứa trẻ, bạn mới thật sự biết bản lĩnh của mình đến đâu, và liệu bạn đã thật sự thấm lời nói của các bậc thánh hiền mà bạn đọc trong sách hay chưa.
Hãy hình dung hiện tại là 5 giờ sáng giữa mùa đông rét cắt da cắt thịt. Ngoài trời gió rít từng hồi như muốn nghiền nát ý chí của những người chăm chỉ nhất. Thò ra khỏi chăn, và bạn sẽ cảm thấy như bị rơi xuống 18 tầng địa ngục. Vậy mà ai đó đạp bạn dậy, lật tung chăng rủ bạn đi chạy thể dục, liên tục réo vào tai bạn những âm thanh chói tai lọng óc. Bạn cảm thấy thế nào? Hẳn là vùng vằng khó chịu và sẵn sàng dành tặng cho kẻ phá bĩnh kia 1 cái đấm. Giờ thì hãy nhân cảm giác khó chịu ấy lên 5 lần, chào mừng bạn đến với trải nghiệm làm cha làm mẹ. Vẫn mùa đông giá rét, nhưng không phải 5 giờ sáng mà là 1 giờ đêm. Không phải ai đó gọi bạn dậy chạy bộ. Mà là con bạn ị ra giường và bạn buộc phải dậy để dọn chăn đệm trong lúc mùi thối xộc thẳng vào tận óc. Cơn bực tức tựa như một ngọn núi lửa cuồng nộ chuẩn bị phun trào. Trong khoảnh khắc ấy, những cuốn sách thánh hiền về sự tĩnh tâm chỉ còn là giấy lộn trong sọt rác. Trong khoảnh khắc ấy, bạn sẽ bộc lộ bản lĩnh thật của mình. Liệu bạn có thật sự tĩnh tâm như những lời bạn hay đem ra để giảng mọi người?
Nuôi con đẩy mọi trạng thái cảm xúc đến giới hạn. Hạnh phúc tột đỉnh, phẫn nộ tột cùng. Nó đòi hỏi người làm cha làm mẹ phải dành một tâm huyết cực lớn. Nó là trải nghiệm vĩ đại để rèn luyện bản lĩnh con người. Bởi vậy, tôi từng nhiều lần nói với mọi người rằng để đồng hành cùng con một cách trọn vẹn, bạn phải hy sinh rất nhiều, rất rất nhiều.
Nhưng tôi đã nhầm.
Hai chữ “hy sinh” hàm ý rằng tôi đã nhận phần thiệt thòi về mình. Rằng lựa chọn mà tôi đưa ra không phải là tự nguyện. Rằng tôi đã phải đánh đổi nhiều thứ quan trọng hơn cho lựa chọn ấy. Nhưng sự thực thì hoàn toàn ngược lại. Khi tôi đồng hành cùng các con, hóa ra người được lợi nhiều nhất không phải các con, mà là chính tôi.
Từ những trải nghiệm tột cùng kia, tôi trở thành một con người khác, trưởng thành hơn, sâu sắc hơn. Nhờ có các con, tôi mới là tôi của ngày hôm nay. Các con đã cho tôi cơ hội trưởng thành, cơ hội để biết thế nào là yêu vô điều kiện.
Không có thứ tình yêu nào vĩ đại bằng tình yêu mà chúng ta dành cho con mình. Và đó là thứ tình yêu vô điều kiện duy nhất trên đời. Có thể bạn đang còn trẻ, đang say đắm mới một cô gái hoặc chàng trai mà bạn cho rằng là định mệnh của đời mình. Bạn nghĩ rằng tình yêu đó thật thuần khiết và mãi mãi trường tồn, rằng đó là tình yêu đích thực vô điều kiện. Nhưng thật ra tình yêu đó đính kèm rất nhiều điều kiện. Bạn nói rằng người ấy mang đến cho bạn cảm giác bình yên. Vậy nếu điều kiện bình yên kia biến mất thì bạn còn yêu người ta không? Bạn nói rằng khi ở bên người ấy, bạn được là chính mình. Vậy khi người ấy không cho bạn được là chính mình, bạn còn yêu họ nữa hay không? Có quá nhiều điều kiện cho một tình yêu giữa những người đã từng là xa lạ. Chỉ là họ không nhận ra mà thôi.
Duy nhất tình yêu mà bố mẹ dành cho con mới có thể chạm tới ngưỡng vô điều kiện. Đứa con có thể tật nguyền, có thể ích kỷ, có thể khiến bố mẹ phát điên, có thể sa ngã vào tệ nạn, hoặc phạm những tội lỗi tày trời. Nhưng sau tất cả, chỉ cần nó hối cải quay đầu, bố mẹ nó sẽ luôn dang rộng vòng tay chào đón. Bạn không thể tìm được một tình yêu nào khác như thế từ những người không phải cha mẹ đẻ của bạn.
Liệu cô ấy có tha thứ nếu anh ta 5 lần 7 lượt ngoại tình rồi sau đó hối cải như cách mà cha mẹ tha thứ cho con sau nhiều lần sa ngã?
Liệu cô ấy có tha thứ nếu anh ta 5 lần 7 lượt ngoại tình rồi sau đó hối cải như cách mà cha mẹ tha thứ cho con sau nhiều lần sa ngã?
Cho nên, khi nhìn lại cuộc hành trình đi cùng con, tôi nhận ra rằng mình chẳng hề hi sinh gì cả. Tôi chịu ơn các con vì đã giúp tôi trưởng thành, giúp tôi biết yêu thật sự. Chính chúng mới phải hy sinh cho những lần nóng giận ích kỷ của tôi, và luôn trao cho tôi cơ hội sửa sai hết lần này đến lần khác để tôi hoàn thiện con người mình.
Trước kia tôi nói rằng mình đã phải hy sinh những buổi tối tụ tập bạn bè, mở rộng quan hệ để ở nhà cùng con. Giờ đây tôi nói rằng đó không phải một sự hy sinh, mà là một sự tận hưởng. Tôi thích ra ngoài gặp gỡ bạn bè, nhưng tôi còn thích ở nhà với con hơn. Tôi đã và sẽ luôn chọn ở bên con, không phải vì tôi hy sinh, mà vì đó là việc tôi thật sự muốn làm. Sao lại có thể gọi là hy sinh khi bạn chọn việc mà bạn yêu thích nhất? Đối với tôi, để vợ con ở nhà và ra ngoài nhậu với bạn bè mới là một sự hy sinh.
Và khi nhìn sang nhiều phụ huynh khác, tôi nhận thấy một điều quan trọng. Họ không thể vui chơi cùng con theo cách của tôi. Những việc mà tôi coi là tận hưởng thì họ phải cố gắng. Những việc mà tôi tự nguyện làm thì với họ là ép buộc. Những việc mà tôi ưu tiên lựa chọn thì họ gọi là hy sinh. Đó là khoảnh khắc tôi nhận ra rằng con người ta chỉ đạt được thành tựu lớn lao khi họ làm công việc mà họ cảm thấy yêu thích. Làm mà như không làm. Làm với sự say mê, với tâm huyết lớn lao. Làm mà không cần cố gắng. Chừng nào bạn còn phải cố gắng thì bạn đang ở nhầm chỗ.
Bạn có thể cố gắng 1 lần, 2 lần, nhưng không thể cố gắng cả đời. Khi tham gia vào một cuộc hành trình dài, bạn cần phải ở trong trạng thái thoải mái nhất của mình. Nếu không, sớm muộn gì bạn cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi và muốn từ bỏ. Trên mạng có một câu chuyện ngụ ngôn về chiếc cốc nước kèm theo thông điệp về sự buông bỏ. Bạn có thể dễ dàng nâng nó lên, nhưng bạn không thể giữ nó quá 10 phút, bất kể nó nhẹ đến đâu. Nhưng tôi nhận thấy rằng ngay cả khi không có cốc nước trong tay thì bạn cũng sẽ nhanh chóng cảm thấy mỏi và phải hạ tay xuống. Thật vậy, khi không ở trong trạng thái tự nhiên nhất thì một sự kém thoải mái dù là rất nhỏ cũng sẽ gây đau đớn và khiến bạn phải từ bỏ. Chừng nào bạn còn phải cố gắng thì bạn đang ở nhầm chỗ.
Trong thể thao người ta thường lấy Cristiano Ronaldo và Djokovic như hai tấm gương về sự nỗ lực. Không ai tập luyện nhiều như họ, không ai đổ mồ hôi nhiều như họ, không ai thúc đẩy bản thân đến giới hạn nhiều như họ. Đấy chẳng phải tấm gương thành công nhờ sự cố gắng hay sao? Nhưng ta hãy xem xét kỹ một chút.
Theo bạn, một người như Ronaldo hoặc Djokovic liệu có chịu ngồi yên khi thấy ai đó đạt thành tựu lớn hơn mình hay không? Họ muốn trở thành người giỏi nhất, người vĩ đại nhất. Đó là động lực, là nỗi ám ảnh thúc đẩy họ tiến lên. Khi làm vậy, họ đang là chính mình, đang được thỏa mãn nỗi khát khao của bản thân. Đối với Ronaldo, để mặc Messi gặt hái thành công mà không hành động mới là cố gắng. Đối với Djokovic, anh ta sẽ phát điên nếu ngồi im một chỗ nhìn Federer và Nadal thống trị thế giới. Khi lao vào khổ luyện, họ không phải đang cố gắng, mà họ đang hành động theo niềm khát khao bên trong mình, họ đang đặt bản thân ở trạng thái tự nhiên nhất.
Với cầu thủ vĩ đại này, dừng lại và từ bỏ mới là một sự cố gắng
Với cầu thủ vĩ đại này, dừng lại và từ bỏ mới là một sự cố gắng
Gần đây tôi có nói chuyện với một người bạn rất chú trọng việc xây dựng hình ảnh trên mạng xã hội và cũng gặt hái được nhiều thành công từ đấy. Hãy tạm gọi bạn ấy là Leo. Bạn ấy khuyên tôi cũng nên làm vậy nếu muốn kênh HAM HỌC được nhiều người biết đến. Nhưng tôi lại không thích sống ảo. Tôi cảm thấy không thoải mái khi phải mang đời tư của mình ra trước bàn dân thiên hạ. Tôi cảm thấy không thoải mái khi phải gồng lên ra vẻ thành đạt, hạnh phúc với những người hoàn toàn xa lạ. Leo động viên rằng cần phải cố gắng, và tôi sẽ sớm quen với việc đó giống như bạn. Nhưng tôi nhận ra rằng đối với Leo thì đây không phải một sự cố gắng. Từ trước khi làm công việc hiện tại, bạn ấy đã ham mê sống ảo rồi. Leo thèm khát được mọi người chú ý, được ngợi khen, được khoe về bản thân trên mạng. Đối với bạn ấy, từ bỏ mạng xã hội mới là cố gắng, cả ngày không đăng cái gì lên facebook mới là cố gắng. Công việc hiện tại phù hợp với Leo một cách hoàn hảo. Khi theo đuổi nó, bạn ấy được là chính mình. Còn tôi, nếu theo đuổi nó thì sẽ sớm từ bỏ thôi. Tôi có thể cố sống ảo 1 lần, 2 lần, nhưng hàng tháng hàng năm thì không thể.
Ở chiều ngược lại, bạn ấy sẽ phải cố gắng rất nhiều nếu dành thời gian bên con, mặc kệ thiên hạ khoe nhà khoe xe trên facebook. Leo từng kể với tôi rằng bạn ấy rất khó chịu khi thấy ai đó hơn mình; và khi chụp ảnh tập thể, bạn ấy phải tìm mọi cách để chen vào đứng giữa. Đối với Leo, lao ra ngoài làm giàu để hơn người khác, để được là trung tâm chú ý chính là trạng thái tự nhiên. Ở nhà dành thời gian bên con mới là cố gắng.
Đến đây, một số người có thể đặt ra câu hỏi rằng:
”Vậy nếu tôi không cảm thấy khó chịu khi thua kém người khác thì tôi sẽ chẳng bao giờ vươn tới đỉnh cao như Ronaldo hay Djokovic hay sao?”
Đúng vậy. Tại sao phải trở thành số 1 khi bạn không thật sự muốn điều đó? Tại sao phải chạy theo thứ chuẩn mực thành công do người khác đặt ra? Bạn có thể thành công theo cách của riêng bạn, trong trạng thái tự nhiên của riêng bạn. Nếu có cố gắng thì hãy cố gắng trong trạng thái tự nhiên ấy thay vì cố gắng chịu đựng một trạng thái không phù hợp với mình. Cuộc sống là như vậy, muôn hình vạn trạng, không ai giống ai. Hãy cứ theo đuổi trạng thái tự nhiên của riêng bạn và để mặc mọi người theo đuổi trạng thái tự nhiên của riêng họ.
Muốn thành công, ĐỪNG cố gắng