Ngày hôm nay đánh dấu tròn 1 năm kể từ ngày mình bắt đầu hành trình vượt qua những sự ám ảnh quá mức mà mình từng dành cho mạng xã hội và chiếc điện thoại.
Mình đã từng tiêu tốn rất nhiều thời gian chỉ để lướt mạng xã hội trên các thiết bị cá nhân. Mình đã để chúng kiểm soát cảm xúc, hành động và suýt nữa là cả cuộc đời của mình.
Mình không hề có ý phủ nhận những lợi ích to lớn mà các loại hình mạng xã hội đang đóng góp cho đời sống của chúng ta ngày nay.
Mình thậm chí rất vui vì nhờ mạng xã hội mà người ta có thể kết nối được với nhau, cha mẹ được gần gũi con cái, người yêu được dành tình cảm cho nhau, bạn bè được kết giao với nhau.
Người ta tìm được việc làm, học vấn và cả sự thành công nhờ các nền tảng mạng xã hội. Đó chắc chắn đều là những điều tuyệt vời.
Nhưng tiếc là cái gì cũng có hai mặt của nó. Những nền tảng và công cụ mạnh mẽ ấy cũng có thể bị lạm dụng, bị sử dụng sai mục đích hoặc bị sử dụng bởi những đối tượng chưa phù hợp với chúng.
Mình nhận ra rằng ngày nay mọi thứ đều đang diễn ra quá nhanh.
Với những công cụ phù hợp trong tay, con người ta có thể tạo ra content và tiêu thụ content trên mạng với những tốc độ nhanh đến chóng mặt. Và vì ta tiêu thụ quá nhanh nên ta cảm thấy có nhiều bao nhiêu cũng không bao giờ là đủ.
Ta cứ lướt, cứ lướt, cười vài câu, rồi lại lướt, và lại lướt. Bản thân các mạng xã hội thì cũng không mong chờ gì hơn những điều đó ở người dùng chúng ta; vậy nên ta còn lướt, họ sẽ còn đẩy tới thêm nhiều content hấp dẫn.
Đôi khi nghĩ lại cũng khiến mình cảm thấy rùng mình.
Chiếc điện thoại và những nội dung hấp dẫn của chúng khiến cho vài giờ đồng hồ trôi qua nhanh như thể mới có vài phút. Đôi khi mình cảm thấy như vừa tỉnh lại sau một cơn mơ vậy, mệt mỏi và hoàn toàn trống rỗng.
Những thiết bị công nghệ được cho là đỉnh cao của văn minh nhân loại, lại đang tước đoạt đi món quà quý giá nhất mà vũ trụ này ban tặng cho các sinh vật sống, chính khả năng nhận thức thời gian.
Cũng thật là hiếm khi được nghe những suy nghĩ nguyên bản (original thought) và ý kiến cá nhân (opinion) ngày nay.
Không, ý mình không muốn nói rằng cái gì bạn cũng nên đem ra nói trên mạng nha, đó có thể là một thói quen xấu đấy.
Ý mình muốn nói rằng ngày nay thông tin được lan truyền rất nhanh, rất rộng và thật khó để con người ta có thể chọn lọc được mọi thứ mà chúng ta tiếp nhận hằng ngày. Hậu quả hữu hình có thể sẽ không chỉ dừng lại ở những vụ lừa đảo, những vụ lan truyền thông tin sai sự thật đâu các bạn ạ.
Ngày nay thông tin được chúng ta tiếp thu quá nhanh, chúng vào đầu ta nhanh tới nỗi chúng ta có thể hiểu nhầm rằng đó chính là ý kiến của mình.
Đã bao giờ bạn tự hỏi bản thân thực sự suy nghĩ gì về một vấn đề A trên mạng xã hội? Nếu bạn đang có trong đầu một cái ý kiến B nào đó về A, mình muốn bạn thử tập trung tư tưởng để nhớ lại xem, ý kiến B này có phải là do bạn tự tư duy mà nghĩ ra? Hay là do bạn xem được ở đâu đó, đọc được ở một bình luận nào đó hoặc có ai đó bảo bạn là như thế?
Hãy thử nghĩ xem có bao nhiêu ý kiến về các vấn đề xã hội mà bạn tự dùng tư duy để phán xét, và bao nhiêu là bạn đang phán xét dựa trên ý kiến của người khác.
Đây chính là ý của mình khi mình muốn nói tới sự khan hiếm của suy nghĩ nguyên bản (original thought) và ý kiến cá nhân (opinion) ngày nay.
Phải chăng với mọi luồng thông tin khổng lồ đang được “bón” cho chúng ta mỗi ngày, chúng ta cũng đồng thời vì thế mà lười suy nghĩ hơn, ít tư duy hơn ư?
Mình thực sự mong là mình đã nhầm ở những dòng này. Cũng có thể sự khan hiếm kể trên là do người ta muốn bảo vệ bản thân khỏi những sự toxic và bắt nạt trên mạng xã hội thôi.
Cá nhân mình cho rằng suy nghĩ, ý kiến và cảm xúc của người khác cũng nên là những tham số để chúng ta tham khảo, nhưng đừng nên biến chúng thành những quyết định cuối cùng của bản thân mà không để chúng chảy qua tấm lưới lọc của lương tâm bên trong.
Sự thật là có lúc mình đã cảm thấy sợ hãi.
Có phải lý do khiến cho cuộc sống của chúng ta luôn vội vã đến chóng mặt là do sự tăng tốc của các thiết bị điện tử hay không?
Mình cũng thấy sợ mỗi khi bắt gặp các em nhỏ, chính những đứa em, đứa cháu của mình sử dụng các thiết bị công nghệ một cách thiếu lành mạnh khi còn ở những độ tuổi quá nhỏ.
Giữa những nỗi sợ bao đồng ấy, mình quyết định tìm kiếm sự bình yên và an toàn cho bản thân mình trước.
Mình đã tự cách ly với chiếc điện thoại trong một thời gian dài, và chao ôi, những ngày đầu tiên sao mà thật khó khăn. Nhưng mình cũng đã vượt qua được.
Mình kết nối lại với thế giới thực thông qua những môn thể dục thể thao, những buổi cà phê với người thân, những khóa học thêm kỹ năng mới và đặc biệt là thông qua những cuốn sách.
Đọc sách giúp mình trân trọng những phút giây quý báu nhiều hơn.
Những lần sang trang khiến mình phải tạm thời suy nghĩ chậm lại. Những con chữ trên trang giấy cũng khuyến khích mình tự tư duy và đưa ra những ý kiến riêng, đôi khi còn có cả những ý tưởng nữa.
Đọc sách cũng thường xuyên đem tới cho mình những kiến thức (knowledge), chứ không chỉ là những sự thật (fact).
Nếu có sự thật nào đó mà mình biết, thì đó là phần lớn các sự thật đều chỉ để đọc cho biết, hoặc cho vui, đó cũng là lý do người ta hay gắn chữ “fact” với chữ “fun”.
Ngày nay ai trong chúng ta cũng rất “well informed”, chuyện gì vừa mới xảy ra chúng ta cũng đều nhanh chóng được biết, nhưng không biết là trong số đó có bao nhiêu dòng chữ là bổ ích và có tính thực hành?
Mình biết rằng có thể sẽ có nhiều bạn đọc nghĩ rằng mình là người quá nhạy cảm, thích chuyện bé xé ra to hoặc là người đang tin vào thuyết âm mưu nào đó trên mạng xã hội.
Mình chỉ mong rằng khi bạn nghĩ như vậy thì đó sẽ là ý kiến của bạn, do bạn tự tư duy để nghĩ ra, chứ không phải là của một người khác.
Và không, mình cũng không hề có ý định tách bản thân khỏi thế giới hiện đại đâu.
Công nghệ đã trở thành một phần không thể thiếu của con người kể từ ngày tổ tiên chúng ta đục đẽo ra những món đồ đá đầu tiên rồi.
Mình sẽ không quay lưng với những chiếc điện thoại, nhưng cũng sẽ không để chúng khiến cho lưng mình gù thêm nữa.
Mình muốn dùng công nghệ như những công cụ tìm kiếm tự do, chứ không muốn để bản thân bị cầm tù sau những chiếc màn hình đó.
"Keep Moving Forward"
Chấp bút: Tom.