Tròn 1 ngày mình biết đến chị Sương khi theo dõi lại chuỗi chương trình SHARKTANK Việt Nam mùa 3 2019, thì vào tối cùng ngày mình đã có một buổi nói chuyện với CEO của công ty gọi vốn thành công và là một trong số rất ít công ty được rót vốn sau thẩm định từ chương trình này.
Ảnh chụp cùng chị Sương
Cuộc gặp đã cho mình có cái nhìn trực quan hơn về chương trình thực tế rất hot hiện nay khi thu hút lượt xem không nhỏ từ rất nhiều tầng lớp trong xã hội. Chính vì có 2 chữ “Chương trình” cho nên những điều mà chúng ta – những người theo dõi qua màn hình, sẽ chỉ nhìn thấy vấn đề ở một khía cạnh dễ hiểu và rất màu hồng. Và đôi khi, mình cũng đã lầm tưởng việc gọi vốn thật sự không quá khó, chỉ là việc thuyết trình lưu loát về dự án cũng như trả lời vài ba câu hỏi đơn giản của các Shark thôi mà!
Thật sự không phải vậy, một lượt thuyết trình và chất vấn với nhà đầu tư thường mất không dưới 3 giờ đồng hồ liên tục trước khi có đi đến quyết định đầu tư hay không đầu tư. Trong đó phân nửa những cảnh quay được cắt để đảm bảo tính bảo mật kinh doanh của Start-up. Ngoài ra phần lớn thời lượng bị lọc là hàng chục câu hỏi xoáy sâu vào chuyên môn và con số của mỗi shark khi mà chỉ số ít người xem có thể hiểu. Chương trình truyền hình sẽ không còn là chương trình nếu không tạo ra tính giải trí và truyền đi thông điệp tích cực cho người xem. Vậy nên đừng nghĩ gọi vốn là việc dễ dàng khi bạn chưa thực sự tìm hiểu sâu và chuẩn bị kỹ, bởi chẳng nhà đầu tư nào xuống tiền khi chưa lật qua lật lại 1 start-up bằng hàng ngàn câu hỏi hóc búa đâu.
Cay Đắng Gì Bằng Mất Niềm Tin Nhưng Shark Việt Vẫn Đặt Niềm Tin Đầu Tư Cho Dalat  Foodie - YouTube
Ảnh chụp chị Sương và Shark Việt sau khi chốt deal đầu tư 
Gọi vốn có thành công hay không 90% nằm ở người CEO của công ty, nếu không bởi chị Sương bước vào chương trình hôm đó với tâm thế đặt sự chân thành lên hàng đầu thì sẽ chẳng có deal nào được đưa ra vào ngày hôm đó. Cái cách khi mà chị chia sẻ về Dalat Foodie chân thật và mở lòng trước các nhà đầu tư vẫn giống hệt như cái cách khi chị trò chuyện cùng mình. Ở chị là sự rõ ràng và nhất quán trong quan điểm kinh doanh, giữ chất lượng sản phẩm ở mức cao nhất đúng với định hướng từ những ngày đầu tiên khởi nghiệp. Chị tuyệt đối không thỏa hiệp hay bị tác động để thay đổi hướng đi kể cả khi nhận được những đồng vốn từ Shark Việt – Intracom. Chính vì giữ tinh thần như vậy, con đường trong những năm đầu tiên của chị chọn đi chậm mà chắc chắn, bởi vì một công ty nếu không vững từ gốc thì khi mở rộng chắc chắn sẽ không thể trụ được trong giông bão. Sự khó tính trong quản trị và đào tạo nhân sự cũng đã tạo nên đội ngũ hiểu rõ triết lý kinh doanh của công ty để phục vụ khách hàng được tốt nhất từ đó tạo nên một tập thể mạnh và gắn kết như những người trong gia đình.
Cái mình thấy được ở chị là khả năng quan sát và am hiểu rất sâu về trải nghiệm khách hàng, am hiểu về mong muốn của người tiêu dùng khi tìm mua thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ khi mà trên thị trường thật giả lẫn lộn, con người ta có thể vì đồng tiền mà bán rẻ lương tâm. Chị tuyệt đối say never - nói không với những sản phẩm đầu vào không đạt chuẩn hữu cơ, không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, bởi vì một thương hiệu nông sản có bền vững được hay không là ở niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu. Nếu chỉ một lần đánh mất đi niềm tin ở người tiêu dùng thì liệu doanh nghiệp có thể cạnh tranh và sống sót được hay không?
Thị trường Hà Nội thực sự là một nơi đi dễ khó về của các thương hiệu Bắc tiến khác với xu hướng Nam tiến của các doanh nghiệp thủ đô. Nhiều người nói chị thật dũng cảm, đã có người ngăn cản việc chị mở rộng chi nhánh cửa hàng ra Hà Nội bởi yếu tố rủi ro của thị trường khó tính bậc nhất cả nước. Nhưng không vì thế mà Đỗ Phan Hoàng Sương chùn bước trước thử thách, chị chia sẻ rằng: “Thị trường Hà Nội khó tính nhưng cũng rất trung thành với thương hiệu nếu chứng minh được cho họ chất lượng sản phẩm tốt và mang đến trải nghiệm khách hàng khác biệt.” Và thế là sau quá trình thẩm định và ký kết hợp đồng rót vốn chính thức thì cửa hàng đầu tiên của Dalat Foodie đã cắm cờ tại thủ đô Hà Nội trong tháng 11 vừa rồi. Chị ra Hà Nội với tâm thế để trao những thực phẩm sạch, chất lượng nhất đến tay người tiêu dùng, để chinh phục thị trường - nơi mà mọi thương hiệu đều phải tính toán rất kỹ càng trước khi gia nhập. Mọi chuyện sẽ không chỉ dừng ở Hà Nội mà còn là cuộc chơi global mà chị hướng đến, sẽ còn rất nhiều điều thú vị ở phía trước.
Dalat Foodie mở cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội sau khi gọi vốn thành công từ Shark  Tank
Dalat Foodie khai trương cửa hàng đầu tiên tại Hà Nội
Điều mình thích ở chị là tinh thần không ngừng học hỏi và cực kỳ cầu tiến. Sẽ có những người đến một độ tuổi nhất định sẽ muốn ổn định với cuộc sống và dừng cố gắng, nhưng chị chọn cách trưởng thành  nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn qua chặng đường 5 năm cùng với Dalat Foodie (Chị thành lập Dalat Foodie từ tuổi 22). Mình thích tôn chỉ: “Lên kế hoạch lớn, nhưng bước từng bước nhỏ và phải nhanh” – Nếu không nghĩ lớn thì không có những giải pháp lớn, không làm nhỏ thì sẽ không biết vấn đề thực sự nằm ở đâu, nếu không bước nhanh thì sẽ chẳng biết bao giờ mới đến đích. Lời khuyên của chị dành cho những người trẻ trong quá trình khởi nghiệp là hãy nắm rõ các con số, con số không nói dối, chỉ có con số mới giúp những nhà quản trị đưa ra quyết định chính xác nhất. Vậy nên hãy sớm trang bị cho bản thân tư duy về con số, tư duy về tài chính để kiểm soát được những thông số tài chính của doanh nghiệp, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Chị đã liên tục để bản thân vượt ra khỏi vùng an toàn của mình, sẽ chẳng có Dalat Foodie nếu chị vẫn yên vị với công việc lương cao 30-40tr/ tháng vào 6 năm về trước. Tại sao phải khởi nghiệp? Bởi chị kỳ vọng nhiều hơn hơn thế ở bản thân mình, chị muốn thử thách bản thân nhiều hơn để vượt qua bản thân mình mỗi ngày, làm được những việc mà ít ai dám làm và ở vị trí mà sẽ ít người dám ở. Đó là tinh thần mà những người trẻ nhiều hoài bão nên học hỏi từ chị. Đừng sợ không tìm thấy đam mê của bản thân ở tuổi trẻ, nên nhớ là làm rồi mới mê, không làm thì không mê rồi không biết bản thân thích gì cả. Còn trẻ thì hãy cứ thử, thử càng nhiều càng tốt nếu thực sự chưa biết bản thân muốn làm gì bởi rốt cuộc thứ quý giá nhất của tuổi trẻ chính là thời gian và năng lượng.
Rốt cuộc, làm gì thì làm, hãy làm bằng cái tâm nhưng phải luôn luôn thực tế và chuẩn chỉ. Bởi sẽ không có những thương hiệu cao cấp bên ngoài nhưng gần gũi bên trong với khách hàng như Dalat Foodie ở ngày hôm nay nếu như không có cái tâm cái tầm của người Founder tâm huyết và hết mình với thương hiệu thực phẩm xanh, sạch và an toàn với người tiêu dùng.
Một niềm vui phấn khích khi được học hỏi rất nhiều từ chị trong một buổi café, còn cực kỳ nhiều điều hay nữa nhưng mình sẽ chỉ chia sẻ 20% mà thôi, 80% còn lại là những điều mà số ít người có thể tiếp cận, giống như việc chúng ta luôn chỉ nhìn thấy bề nổi của tảng băng chìm trong phần lớn mọi việc mà thôi.
Chúc cho Dalat Foodie sẽ luôn giữ vững tinh thần tận tâm phục vụ với người tiêu dùng để sớm được khách hàng tại Hà Nội cũng như cả nước biết tới và tin dùng mỗi ngày trong mâm cơm gia đình. Mình tin khi chị Sương còn ở vị trí CEO thì không gì là không thể với Dalat Foodie. 
Respect!!!
Hình ảnh có thể có: 6 người, bao gồm Đỗ Phan Hoàng Sương, mọi người đang đứng
Lễ ký kết hợp tác chính thức giữa Intracom và Dalat Foodie