Tiền nong là một vấn đề muôn thủa của cuộc sống chúng ta. Nó như máu, giúp chúng ta sống một cách tốt đẹp và đầy đủ. Cơ mà than ôi, người Việt mình là rất ngại khi nói về tiền, nghĩ về tiền. Nhưng ở đời nó có vài cái nghịch lý, bạn càng không nói về tiền, bạn càng khó kiếm được tiền. Nêu tôi sẽ nói với bạn vài điều về tiền mà tôi tự đúc kết ra được.

A/ Bàn về tiền

1. Bản chất của tiền là máu:

Bản chất của tiền là vật định giá, trao đổi giữa các hàng hóa, dịch vụ (theo chủ nghĩa mác - lenin). Trước đây khi chưa xuất hiện hệ thống tiền tệ, người ta thường trao đổi hàng hóa dựa trên sự hài lòng và thỏa thuận với nhau, nhưng kiểu trao đổi này dẫn tới việc đôi lúc sẽ có những vật phẩm không đồng giá với nhau, hoặc những vật phẩm có giá quá cao sẽ không thể trao đổi theo cách thông thường được, từ đó mới xuất hiện hệ thống tiền tệ. Từ đó người ta có thể trao đổi hàng hóa dễ hơn bởi đã có một đơn vị đo trung gian, hình thành nên một nền kinh tế lưu thông hàng hóa và tiền trở thành máu của nền kinh tế này.

2. Tiền không vạn năng nhưng công năng thì nhiều vô số kể:

Người ta có câu "Tiền không mua được hạnh phúc", tôi thấy câu này vẫn đúng nhưng chưa chắc đã đủ mà câu này có lẽ phải nói như thế này:
Tiền là nền tảng của hạnh phúc
- Đối với học tập: tiền giúp bạn tham gia các môi trường học tập tốt hơn, mua sắm được nhiều dụng cụ hỗ trợ học tập hơn,... từ đó gia tăng được hiệu quả học tập
- Đối với công việc: Tiền giúp bạn đầu tư vào các mối quan hệ, sắm sửa các công cụ làm việc, tìm kiếm các kiến thức mới phục vụ cho công việc,... từ đó gia tăng giá trị bạn tạo ra trong công việc
- Đối với tình yêu: tiền giúp bạn chăm chút vẻ bề ngoài (quần áo, mỹ phẩm,...), giúp bạn chăm lo cho những người yêu thương, từ đó gia tăng hạnh phúc gia đình
- Đối với sức khỏe: Tiền giúp bạn sử dụng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn, khám bệnh ở những cơ sở y tế tân tiến hơn,... từ đó gia tăng tuổi thọ của bản thân và những người ta yêu thương
Bên cạnh đó là vô số chức năng khác mà chúng ta có thể liệt kê trong chục tờ A4
(Nổi bật có lẽ là chức năng mua bán hàng hóa sức lao động. Phần này là phần rất hay trong triết học mác - lê nin, nó nói về bản chất của tư sản và vô sản trong nền kinh tế, mối liên hệ này cực kỳ thú vị, bạn có thể tra cứu để biết thêm chi tiết hoặc có thể comment vào bài viết nếu bạn muốn tôi viết về vấn đề này)

B/ Bàn về cách đối xử với tiền:

1. Muốn có tiền - bàn về tiền:

Người Việt mình rất hạn chế bàn về tiền, nhưng tiền chính là yếu tố cần thiết trong cuộc sống tương tự như máu trong cơ thể vậy. Vì thế chúng ta ít nhất của nên biết về nó như chúng ta tìm hiểu về nhóm máu của bản thân chẳng hạn (tuy nhiên trong một số trường hợp ứng xử, bạn vẫn không nên nói về tiền, hãy bàn về tiền với người mình tin tưởng và bàn vào các thời điểm thích hợp).

2. Muốn có tiền, phải học cách chi tiền:

Trước đây tôi là người có bệnh ngắn hạn - một loại bệnh mà tôi tự xưng. Chủ yếu cái bệnh này khiến tôi tiêu tiền vào những thú vui trước mắt, những lúc nổi hứng chanh sả,... và khiến tôi viêm màng túi trong một khoảng thời gian khá lâu.
Sau này khi nhìn lại, tôi thấy mình đã chi vào những khoản mà đến cả mình còn thấy nó là không cần thiết. Và để không xảy ra trường hợp đấy, tôi chia những khoản mình có thể chi thành một bảng ưu tiên cố định như sau:
- Khoản phải chi: Chi phí nhà cửa, thuê trọ, trả nợ,.... Đây là khoản mà tháng nào cũng cần, đứt đoạn là sẽ gặp vấn đề ngay. Tuy không thể tiêu đồng nào trong khoản này nhưng chúng là thứ giúp tôi duy trì cuộc sống yên ổn mà không bị chủ trọ gõ cửa vào lúc 3h sáng để đòi tiền trọ như thời sinh viên
- Khoản phải chi nhưng chi có kiểm soát: Chi phí ăn uống, xăng cộ,... Đây là những khoản tôi cũng phải chi đều mỗi tháng nhưng chúng không cố định mà có thể kiểm soát, tăng giảm phù hợp với tình hình tài chính thực tế của tôi.
- Khoản sở thích: Ăn ngon, mặc đẹp, chơi vui,... Đây là những khoản mà tôi chi cho sở thích, đối với tôi là ăn uống ngon và vài ván Bida với bạn bè. Khi nào tôi có khoản này tôi sẽ chơi, không có tôi sẽ nhịn và tích lỹ đến khi nào có.
- Khoản tích lũy: Khoản này theo tôi là khoản quan trọng, không phải chỉ vì nó là phòng hờ trường hợp rủi ro mà còn là một sự đảm bảo cho các kế hoạch dài hạn của tôi trong tương lai sẽ có nguồn lực cần thiết.
Nếu bạn mới bắt đầu kiểm soát thu chi của bản thân, tôi đề nghị bạn nên dùng giấy và bút trước khi dùng các phần mềm hỗ trợ. Bởi khi dùng cách truyền thống, bạn sẽ cần tự tính toán và điều nay giúp tăng khả năng cộng trừ nhẩm và nâng cao ý thức về tiền của bạn.

3. Cuộc chơi về tiền có 2 luật lệ cơ bản : Kiểm soát được ngắn hạn và có kế hoạch về dài hạn

Kiểm soát ngắn hạn là kiểm soát những khoản thu - chi trong thời gian ngắn nhằm duy trì ổn định cuộc sống. Đây là tiền đề cho những kế hoạch dài hạn, khoản này tôi đã nói ở trên.
Kế hoạch dài hạn là kế hoạch mà bạn đưa ra nhằm tăng tiến thu nhập của mình theo từng bước, dần dần đạt được mức thu nhập mong muốn thông quá các kênh chính thống hoặc thông qua việc kinh doanh,...(chính thống thì như thăng chức - tăng lương, còn về kinh doanh thì chắc ta cũng không cần phải bàn tới rồi). Khoản dài hạn này thì cần dựa và tình huống thực tế mỗi người để xem xét sao cho phù hợp.
Cuối cùng thì bởi vì chỉ là một người cũng tính là tay mơ trong việc này nên kiến thức của tôi còn tính là cơ bản, chưa thể mang tính chuyên ngành và cũng khó chứng minh bằng toán học và số liệu một cách cụ thể nhưng tôi sẽ cố gắng update thêm những kiến thức mới và chia sẻ lên đây để chúng ta có thể bạn luận và học hỏi lẫn nhau.
Ps: Nếu bạn có kiến thức sâu hơn về tiền, đừng ngại ngần mà "ném gạch" người viết, người viết đang cần gạch để xây cái nhà cho vững trãi :>