Nói vậy, chứ không khí Tết đã ở khắp muôn nơi.
Gần nhà trọ tôi đêm qua, mấy nhà trong ngõ, người ta vác nồi luộc bánh chưng lớn ra chung đụng, nhóm lửa tanh tách giữa đường.
Cái bếp lửa cam cam nho nhỏ, cứ lép bép cháy dư lày không đốt dây điện trên đầu được đâu nên thôi đừng lo quá. Mất cả lãng mạn ra.
Tôi không biết tại sao người ta, bạn, tôi, chúng ta đều thích ngồi quanh đống lửa hay bếp lửa. Đôi khi không phải để sưởi ấm vì tiết trời Tết những năm gần đây đã đủ ấm. Đôi khi không phải chờ đợi thứ gì đang chín trong nồi vì nếu có được trông nồi bánh chưng, tôi cũng chẳng biết bao giờ nó chín.
Đôi khi chỉ là để lửa làm bừng sáng trên gương mặt mỗi người ngồi quanh những đường nét highline hiển hiện suy tư cuộc sống. Đôi khi chỉ để ngồi lại, dỏng tai lắng nghe từ nhau những câu chuyện vui chuyện buồn, chuyện Tết xưa, chuyện tiền Tết nay, hay chuyện than phiền cũng có. Có đôi khi, cũng chỉ là người ta rảnh rỗi cùng ngồi hứng sương đêm, trải chiếu khoanh chân làm mấy ván bài.
Ảnh trong trong Hà Nội tri thức - Connaissance De Hanoi
Ký ức của tôi về nồi luộc bánh chưng ngày Tết không mấy rõ ràng. Mà sự thực thì phần nào ro rõ cũng là được bố tôi kể lại, tôi đọc trong sách, tôi đọc Thạch Lam, tôi mang máng cách diễn đạt ví von khi viết về Tết miền Bắc và ẩm thực của Vũ Bằng. Còn lại thì mù tịt. Tôi thấy nhóm được lửa, đong được nước đã là tốt lắm rồi chứ đừng nói chuyện ngồi tỉ mẩn gói ghém bánh, học cách thả bánh, cách thêm nước, cách vớt bánh...
Đôi khi tôi nghĩ mình đã sống hai mươi mấy năm, dù lúc đi học hay đi làm cũng toàn là lý thuyết. Nhưng đâu đó cái mớ lý thuyết cũng làm tôi lay động, khiến tôi biết quan tâm hơn, biết bày tỏ hơn, biết giữ gìn trân quý những điều nhỏ nhặt làm nên văn hoá.
Có rất nhiều thứ làm chúng ta suy tư nhưng lại có ít thứ làm chúng ta cảm động. Bởi vì, cái cảm động chỉ khi là đồng cảm, chỉ khi là thấy mình trong đó, chỉ khi là phần ký ức mình đã từng trải qua. Mà không phải ai, cũng có một đời giông giống.
Vậy mà cớ làm sao, mình hay nói các bạn ở thành phố không có tuổi thơ. Ôi chả phải, cái tuổi thơ của họ chẳng giống của mình. Không phải cứ nhem nhuốc là có tuổi thơ, không phải nhảy ào ào tắm hồ tắm sông tắm đập là dữ dội, tắm bể bơi cũng sạch sẽ an toàn đấy thôi. Không phải tuổi thơ là đá banh ngoài đồng cỏ, bãi đất. Đôi khi tuổi thơ cũng là nhặt bóng sân tennis chơi chơi.
Tôi biết đôi khi mọi người chỉ muốn ám chỉ thứ gì đó đang mất, đang mai một và tiếc hụi. Có thể là tự nhiên được kiến thiết, có thể văn hoá được khai hoang trong mỗi người còn chưa biết tới thứ mới.
Bạn chỉ muốn cuộc đời của người khác khi bạn ngắm nhìn họ chứ không phải sống là họ. Nghe chuyện quá nhiều người muốn sang chảnh muốn giàu có như họ chưa từng. Cũng quá nhiều người muốn gần gũi với sự mộc mạc giản dị, với thiên nhiên hay nôm na là "muốn lên rừng sống" "muốn làm đồng nuôi cá trồng rau" "muốn đi tu". Bởi vì, ai cũng chỉ chập chờn cái viễn cảnh cuộc sống mình tưởng tượng ra khi ngắm nhìn người khác. Chứ không đủ tri thức tưởng tượng thứ khiến người khác suy tư trăn trở, trằn trọc ngán ngẩm mỗi đêm mỗi ngày.
Như những cơn đau lưng vì cuốc đất, ghẻ nước ngón chân vì cày ruộng, nám trên mặt dù quấn mấy vòng khăn bông khi trời nắng trời mưa vẫn phải phơi mặt ra đồng, bàn tay xây xước vì tự bốc gạch ba banh, tự đổ xi măng, tự xây nhà, muỗi rừng cắn, chó dại hú, xung quanh hoang vu...
Hay như người yêu việc, yêu kiếm tiền, yêu làm giàu và rất giàu mỗi đêm phải lốc liều thuốc ngủ, lo nọ lo chai, lo cống hiến thêm giá trị, lo mình còn nhỏ bé, lo lời ăn tiếng nói, lo ảnh hưởng của phát ngôn tới xã hội... Đến đây thôi, tôi đã yêu việc, yêu tiền và giàu đâu mà biết.
Viết dài vậy, nhưng tựu chung lại cũng chỉ muốn sống cuộc đời mình. Đôi khi vẫn là tìm kiếm hình mẫu cũng được. Đôi khi vẫn là ngắm nhìn ngưỡng mộ, đôi khi cũng là thương xót yêu đương.
Nhưng, vẫn là cuộc đời của mình. Không biện minh cho sự thay đổi, cho những phát triển hay lý tưởng theo đuổi để bỏ lại ký ức.
Ký ức đối với cá nhân tôi là phần rất rất quan trọng, như chuyện Tết bố kể, như cơm cỗ mẹ làm, như tiền lì xì của bạn, như tình yêu anh.