“Mười” chắc chắn là bộ phim kinh dị tuyệt vời nhất của Việt Nam đối với tôi và không ít người khác. Nhưng vẫn có một điều khiến tôi vẫn cảm thấy khá lấn cấn, phim kinh dị hay nhất của nước mình lại là một sản phẩm hợp tác Việt-Hàn, chứ không phải là một sản phẩm nhà làm 100%. Đầu năm 2021, phần tiếp theo của bộ phim, “Mười: Lời nguyền trở lại” xác nhận được thực hiện bởi đội ngũ làm phim nội địa. Đây là một cơ hội lớn để các nhà làm phim tại Việt Nam chứng minh thực lực của mình. Vậy thì phần tiếp nối của bộ phim có vượt qua được cái bóng quá lớn của phần đầu tiên? 
Bài viết sẽ có Spoil toàn bộ tình tiết của phim “Mười: Lời Nguyền Trở Lại”. Vì vậy mà tôi khuyến khích các bạn đi xem phim một lần trước khi tiếp tục. Nhưng nếu bạn không quan tâm tới Spoiler thì chúng ta cùng bắt đầu nào. 
Kỳ vọng trước khi xem
“Mười” là một bộ phim kinh dị có thể nói là hoàn mỹ ở mọi yếu tố. Thông điệp rõ ràng, kịch bản chắc chắn, quay dựng và biên tập âm thanh tuyệt vời. Sẽ là quá khó để phần tiếp theo có thể đạt tới chất lượng của phần đầu tiên, chứ chưa nói gì đến việc vượt qua nó. Xác định ngay từ ban đầu như vậy, nên kỳ vọng của tôi đối với bộ phim đã được giảm xuống khá đáng kể. Nhất là sau khi điện ảnh Việt vừa bị khủng bố bởi các tác phẩm kinh dị chất lượng quá thấp, đặc biệt là thảm hoạ “Xác Sống Miệt Vườn” chẳng hạn. Liệu tác phẩm thu được 8.2 tỷ Đồng sẽ đưa kì vọng của tôi đến đâu?
Tóm lược & Đánh giá cách triển khai cốt truyện
Để đánh giá, thì câu chuyện của “Lời Nguyền Trở Lại” có nhiều điểm khá tương đồng với bộ phim đầu tiên. Linh từng là một cô gái theo đuổi ngành hoạ sĩ, nhưng vì gặp nhiều khó khăn do mất cảm hứng nên đã chuyển sang làm việc ở phòng triển lãm tranh. Câu chuyện bắt đầu khi người yêu cũ của Linh đã qua đời vì một nguyên nhân bí ẩn. Trong lễ tang của anh ta, Linh đã gặp lại Hằng, một người bạn rất thân cũ của Linh. Vì một vài biến cố đã từng xảy ra, Hằng và Linh đã bị mất liên lạc cho tới lúc này mới gặp lại. Hằng mời Linh về nơi trọ hiện tại của cô để cả hai có thể nối lại được mối quan hệ như xưa. Những sự kiện kỳ quái liên tục xảy ra tại nơi đây, kèm theo đó là những bí ẩn liên quan tới quá khứ của hai người bạn thân, cũng như bí ẩn của lời nguyền của hồn ma oan khuất dần được hé lộ. 
Một điều tôi không thích lắm ở cách triển khai bối cảnh của bộ phim, “Mười: Lời Nguyền Trở Lại” đã cố tình chơi xấu để hướng câu chuyện về với motif “ngôi nhà ma ám” thường thấy. Để triển khai một bộ phim theo motif này sẽ dễ dàng hơn hẳn so với những cách thức khác. Tôi không nói những bộ phim “ngôi nhà ma ám” là nhàm chán. Vẫn có những tuyệt phẩm theo motif này khiến người ta phải nhớ mãi, như là “The Haunting of Hill House” chẳng hạn. Nhưng sẽ cần phải trau chuốt trong rất nhiều các yếu tố khác nhau mới có thể cho ra được một sản phẩm xuất sắc như thế, còn nếu không thì tôi cho rằng đó chỉ là một sự lười biếng để đạt được hiệu quả tầm trung, chứ không biến bộ phim trở thành một tác phẩm để đời.
Một điểm khác khiến tôi cảm thấy không hài lòng. “Mười: Lời Nguyền Trở Lại” gần như hoàn toàn gạt phăng tất cả những gì đã xảy ra ở phần phim trước, giống như mọi sự việc ở phần đầu chưa từng xảy ra. Phim như chỉ lấy một vài yếu tố về lời nguyền của Mười thôi vậy. Trong khi tôi có rất nhiều câu hỏi từ phần phim trước mà đến giờ vẫn chưa được giải đáp. Làm sao mà bức tranh của Mười lại có mặt ở tòa dinh thự, nếu bức tranh này mới là bức tranh bị ám thì bức Mười ở phần 1 là của ai và hiện đang ở đâu. Tại sao Mười lại quyết định quay về Việt Nam sau cái kết của phần đầu tiên, số phận của nữ chính phần trước như thế nào? Tại sao nhân vật Hồng lại còn sống để có thể hạ sát chồng mình và tự vẫn, trong khi ở phần 1 đã được xác nhận là Hồng bị Mười báo oán mà qua đời. Xong rồi còn một màn tẩy trắng trá hình cho nhân vật Nguyễn nữa. Nó khiến tôi, một người xem đi xem lại rất nhiều lần phần phim trước cảm thấy không được thoải mái. Phim còn có một vai Cameo của bà lão bị mù một bên mắt đã ngăn cản nhân vật chính người Hàn từ phần 1. Đến phần này chúng ta mới được biết rõ ràng mối quan hệ của bà lão với Mười. Nhưng đây chỉ là một trong số ít những sự bổ sung hiếm hoi khiến tôi cảm thấy phim có kết nối với phần phim trước một cách hợp lý. 
Nhưng thôi. Cứ coi như phần phim này là một phim độc lập và không có quá nhiều liên hệ gì với phần phim trước đó. Chúng ta bắt đầu với tòa dinh thự, bối cảnh chính của toàn bộ thời lượng phim. Đây là một ngôi nhà cổ nằm sâu trong một khu vực hẻo lánh và sặc mùi ma ám. Nếu là tôi thì chắc chắn tôi sẽ không đi vào một căn nhà như thế này mà ngủ qua đêm, vì mọi ngóc ngách của căn nhà đều thể hiện rõ ràng đây không phải một nơi bình thường. Cũng chính vì setup bối cảnh như thế mà khán giả cũng có thể biết rằng mình chuẩn bị phải đối mặt với những điều gì, giảm hẳn sức nặng cần có của những pha jumpscare để khiến chúng trở nên đáng nhớ. Tôi hoàn toàn có thể đoán được những gì sắp xảy ra, như phân cảnh nhân vật Linh lôi ra một sợi dây thừng, tôi chắc cú rằng nó sẽ là một cái thòng lọng treo cổ. Ngó mắt vào cái lỗ thì chắc chắn sẽ có một con mắt bí ẩn khác nhìn ra. Tuy vậy, điều làm tôi cảm thấy ổn đối với những pha jumpscare là chúng được thể hiện khá tốt về mặt hình ảnh và âm thanh, tôi sẽ phân tích kĩ hơn ở phần sau của Video. 
Về cách triển khai mạch truyện, công bằng mà nói thì phim đã làm rất tốt trong 70% khoảng thời gian đầu tiên. Nguyên do cũng như tôi đã đề cập ở trên, phim đã “chơi bẩn” và quay lại với motif ngôi nhà ma ám. Lợi dụng vòng lặp “doạ ma - phát triển tương tác giữa các nhân vật - rồi lại doạ ma”, cứ liên tục như vậy cho tới điểm cao trào của câu chuyện để đến giai đoạn gỡ bỏ nút thắt. Một cách triển khai tương đối an toàn, nhưng đối với tôi thì là nhàm chán bởi chưa có sự sáng tạo đáng kể nào cả. 
Đến lúc khi mạch phim bắt đầu bước ra khỏi vòng an toàn, tiến tới giai đoạn gỡ bỏ nút thắt, thì những hạn chế của kịch bản mới bắt đầu bị vỡ ra. Cú plot twist hồn ma ám Hằng là bà Hồng vừa có cái hay mà cũng có cái dở. Phải thừa nhận rằng pha bẻ lái ấy cũng mang lại cho tôi kha khá bất ngờ. Nhưng nó để lại quá nhiều lỗ hổng, trực tiếp mâu thuẫn với những gì đã xảy ra ở phần đầu tiên và không được giải đáp thoả đáng. Cho tới khi ra khỏi rạp chiếu, tôi vẫn băn khoăn không biết bà Hồng kiểm soát hồn ma của Mười kiểu gì. Cao trào của phim lại là trận chiến của bà Hồng, nay trong thân xác của Hằng, chiến đấu với Linh, hiện bị nhập bởi hồn ma của Mười. Nó giống như một trận chiến trong JoJo’s Bizarre Adventure vậy, 2 nhân vật gọi Stand lên để đấm nhau. Lệch tông hoàn toàn với bầu không khí và tông chủ đạo mà phim rất cố gắng để xây dựng từ đầu. 
Cái kết của phim cũng có vấn đề khi gây kha khá hoang mang đối với tôi. Tôi có thể hiểu dụng ý của biên kịch khi muốn truyền tải thông điệp tích cực về cách mà con người nên đối diện với những điều tội lỗi do bản thân gây nên. Chúng ta sẽ luôn nhận được sự tha thứ, miễn là có dũng khí để làm điều đó. Nhưng cách thể hiện thông điệp tương đối vụng về. Thông điệp đã được truyền tải, nhưng để đáp ứng được điều đó thì cái kết trở nên bị khiên cưỡng. Nhân vật Hằng quyết định nhảy lầu để cứu Linh, tha thứ mọi lỗi lầm cho cô gái. Nhưng sáng hôm sau đến khi Linh đi xuống dưới sân thì thấy Hằng mất xác, đứng trước mặt nay lại là một Hằng lành lặn và vui vẻ. Dắt tay Linh ra khỏi căn nhà ma ám. Tôi bị bối rối sau khi xem phân cảnh ấy, không biết rằng liệu nhân vật Hằng ấy có chết thật hay không. Đối với văn hóa phương Đông, ma thì thường không có bóng. Còn trong phân cảnh ấy thì khán giả vẫn có thể thấy được bóng của Hằng. Bởi những điểm này, tôi cảm thấy cái kết của phim là không thỏa đáng, được làm sơ sài và không có sự đầu tư chất xám. 
Diễn xuất
Tôi không có kỳ vọng cao vào dàn nhân vật của tuyến truyện mới trong phần phim này. Và kỳ vọng ấy đã được đáp ứng tương đối đầy đủ. Không chỉ với 3 nhân vật chính, mà là ở toàn bộ dàn diễn viên. Chi Pu đã thể hiện nhân vật của mình ở mức tròn vai, nhưng vẫn còn đó một vài khuyết điểm. “Mười” phần 2 lạm dụng khá nhiều các cảnh quay close-up cận mặt của nhân vật. Theo tôi, khả năng của Chi Pu là chưa đủ để có thể làm chủ được những cảnh quay như thế, khiến đây vô tình trở thành điểm trừ trong diễn xuất của cô. Tuy vậy, người thủ vai nhân vật Hằng, diễn viên Rima Thanh Vy là người khiến tôi ngạc nhiên bởi màn trình diễn quá xuất sắc của mình. Hằng là nhân vật có phần nội tâm phức tạp nên sẽ rất khó thuyết phục người xem nếu người hóa thân không đủ khả năng để truyền tải được cảm xúc của nhân vật tới khán giả. Nhưng Rima Thanh Vy đã làm được điều đó một cách không thể tốt hơn.
Các diễn viên từ phần phim trước vẫn giữ được phong độ vốn có của mình. Đặc biệt trong đó có nhân vật Hồng được thêm khá nhiều đất diễn do có sự mở rộng trong tuyến truyện về Mười. Nghệ sĩ Hồng Ánh đã có một màn trình diễn quá tốt. Thể hiện rõ rằng mọi hành động tàn ác với Mười cũng chỉ xuất phát từ tình yêu quá lớn của bà với người chồng. Phân cảnh ấn tượng nhất của mợ Hồng là khi bà đối chất với nhân vật Nguyễn, giọng nói tới biểu cảm của bà đều xuất sắc tới nỗi có thể khiến khán giả có thể đồng cảm được với một nhân vật đã làm nên bao điều không thể tha thứ. 
Diễn xuất của dàn diễn viên là không phải bàn. Nhưng tôi vẫn cảm giác kịch bản vẫn chưa giúp họ phát huy được hết khả năng của mình. Đặc biệt là ở trong những dòng thoại. Biên kịch của phim không thực sự trau chuốt, nên các đoạn hội thoại khá khiên cưỡng và không phải những điều mà chúng ta sẽ nói với nhau trong giao tiếp hàng ngày. Có những phân đoạn khi mà 2 nhân vật nói chuyện, họ chỉ đang cố gắng để tỏ ra tự nhiên, còn những đoạn hội thoại thì không cho phép họ làm như thế, gây gượng gạo cho cả diễn viên lẫn khán giả. 
Âm Thanh - Hình Ảnh
Ấn tượng ban đầu của tôi về yếu tố hình ảnh của bộ phim là tương đối tốt. Tôi thích cách sử dụng màu sắc và ánh sáng của phim. Có những góc quay toàn thể hiện được độ đầu tư kỹ càng cho bối cảnh, cũng có những góc quay cận để khán giả có thể thấy rõ cảm xúc của nhân vật. Gạt bỏ những yếu điểm về việc xây dựng không khí u ám một cách quá hiển nhiên, thì đội ngũ xử lý hình ảnh đã làm khá tốt công việc của mình trong việc tạo nên một bộ phim kinh dị tốt. 
Tôi không phải là người trong ngành quay dựng, nên góc nhìn của tôi có phần phiến diện, tới mức tôi không tìm được yếu điểm nào trong yếu tố hình ảnh của phim. Nhưng rõ ràng là có một vấn đề gì đó khiến tôi cảm thấy phim chỉ tốt về mảng hình ảnh thôi, chứ không phải là hoàn hảo. Bởi vậy nên tôi có mạo muội đi hỏi ý kiến của một vài người anh theo ngành để xem có vấn đề gì đối với bộ phim không. Hoá ra là có thật. Một vài góc máy của phim trong những phân cảnh được sử dụng không hợp lý, hay nói chính xác hơn là không sáng tạo và hoàn toàn có thể làm tốt hơn. Sau đó thì tôi có ngẫm nghĩ lại một chút, bỏ tiền túi ra đi xem phim thêm một lần nữa và để ý rằng những 
góc máy của phim được sử dụng đi sử dụng lại rất nhiều lần. Nếu là một khán giả đại chúng thì tôi nghĩ là họ sẽ không để ý nhiều. Nhưng đối với những người có chuyên môn, việc họ cảm thấy nhàm chán là một điều tất yếu. 
Khác với mặt hình ảnh, khoản âm thanh của phim được thực hiện tương đối chỉn chu. Thật hiếm để tìm được một phân cảnh mà phần âm thanh yên ắng một cách bất hợp lý. Vẫn sẽ có những âm thanh môi trường khá chân thật như là tiếng ve kêu vào giữa đêm chẳng hạn, đặc biệt là khi xem phim ở rạp chiếu với công nghệ âm thanh vòm. Những cảnh jumpscare sử dụng âm thanh lớn cũng khá tiết chế, nên tôi hoàn toàn không bị mất kiên nhẫn. 
Tổng kết
Về tổng quan, “Mười: Lời nguyền trở lại” không phải là một bộ phim thảm hoạ của điện ảnh Việt. Nhưng nếu để nói nó có thay thế được phần trước đó hay không thì câu trả lời sẽ là “còn xa mới bằng được”. Phim lựa chọn một hướng đi an toàn tới mức nhàm chán, không có giá trị xem lại cao. Để xem giải trí 1 lần thì tốt, nhưng đến khi xem lại thì bạn sẽ phát ngán. Bởi vậy, 6/10 điểm là một con số hợp lý mà tôi có thể đưa ra cho “Mười: Lời Nguyền trở lại”. Thông qua đó, tôi rất mong muốn các phim kinh dị Việt đi sau có dũng khí để bước ra khỏi vùng an toàn với những ý tưởng mới, những cách triển khai mới và những cách thể hiện mới lạ hơn.