Từ Việt Nam, Mumbai không khó để đi
Năm tiếng bay, visa cực kỳ đơn giản chỉ tốn 45 phút để điền hoàn chỉnh và giá vé máy bay có khi rớt xuống đến gần hai triệu nếu bạn đặt sớm, Mumbai là một thành phố dễ đi cho những người lần đầu tiếp cận văn hoá Ấn Độ. 
Là một đại đô thị quy tụ người tứ phương, mà lại còn là tứ phương trên mảnh đất đậm màu tôn giáo, Mumbai vô tình trở thành một bảo tàng quy mô lớn, nơi lưu giữ dấu ấn của rất nhiều tôn giáo. Không sùng kính như các thánh địa, song bạn hoàn toàn có thể trải nghiệm nét đặc trưng của từng đức tin một khi dạo qua các địa điểm tôn giáo rải rác khắp thành phố này.
Đó là điều người viết đã làm, trong bốn ngày ít ỏi đi bộ, đi taxi, đi tàu lửa và đi hành lễ khắp thành phố Mumbai.
Cộng đồng Parsi và Hoả Giáo
Đêm đầu tiên đến Mumbai, mình lấy xe về khách sạn ở tầng trên của Cafe Leopold. 
Mang tiếng Cafe, nhưng địa điểm này bán đủ mọi món nước và món ăn đặc trưng của ẩm thực Ấn Độ. Trong vụ khủng bố Mumbai 2008, Cafe Leopold cũng là một địa bị tấn công bên cạnh khách sạn Taj Mahal ở bên cạnh. 
Nhưng điểm thú vị nhất của Cafe Leopold là gốc tích Parsi của nó. 
Khoảng những năm 600 AD, khi đội quân Hồi Giáo chinh phạt Ba Tư, người Ba Tư buộc phải tháo chạy khỏi quê hương của mình. Họ men về phía Nam, định cư ở những khu vực phía Bắc lục địa Ấn Độ như Gujarat rồi xuôi dần về phía Nam, tạo nên một cộng đồng Parsi - Farsi - Ba Tư lớn ở khu vực thành phố Mumbai.
Theo dòng di cư, người Parsi cũng mang theo Hoả Giáo (Zoroastrians) - tôn giáo thờ Lửa với hàng nghìn năm tuổi của mình - đến những vùng đất mới. Hiện có khoảng 60-100.000 người theo Hoả Giáo sống trên khắp Tiểu lục địa Ấn Độ, phần lớn tập trung ở Mumbai.
Banaji Limji Agiary - Đền Hoả Giáo cổ nhất tại Mumbai, được xây dựng vào năm 1709. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy biểu tượng của Ahura Mazda ngay phần cổng vào.
Banaji Limji Agiary - Đền Hoả Giáo cổ nhất tại Mumbai, được xây dựng vào năm 1709. Bạn có thể dễ dàng nhìn thấy biểu tượng của Ahura Mazda ngay phần cổng vào.
Quay trở lại với Cafe Leopold. Khi bước vào bên trong, nổi bật ở cánh trái của tiệm là bức phù điêu lớn miêu tả một vị thần với thân người đang giang rộng hai cánh chim. Đó là biểu tượng của Ahura Mazda, vị thần tối cao của Hoả Giáo. 
Đây cũng là dấu hiệu để nhận biết các công trinh kiến trúc của cộng đồng Parsi khi dạo quanh thành phố Mumbai. 
Tuy vậy, cộng đồng Parsi đang dần trở thành một cộng đồng thiểu số khép mình hơn bao giờ hết. Một trong những nguyên nhân là do quy tắc cưới hỏi nghiêm ngặt, chỉ cho phép kết hôn giữa những người Parsi với nhau. 
“Muggle” sẽ ngay lập tức bị loại khỏi cộng đồng và bị cấm sử dụng tất cả những tiện ích từ lớn đến nhỏ, từ nhà ở, khu vực sinh hoạt chung đến phòng gym.
Thực tế, khi dạo quanh thành phố Mumbai, bạn có thể cảm thấy sự tồn tại bí ẩn, ma mị của cộng đồng Hoả Giáo, tương tự cảm giác của một hội kín chính trị giàu có như Hội Tam Điểm trên đất Hoa Kỳ. Công trình Roman, một biểu tượng kỳ bí và cánh cửa luôn khoá chặt.
Ở Iran hay thậm chí ở thành phố láng giềng Navi Mumbai (New Mumbai - thành phố vệ tinh nằm ở phía Đông Mumbai0 vẫn có những ngôi đền Hoả Giáo mở, mở tới mức du lịch được bước vào ngắm nhìn ngọn lửa thiêng cấu thành từ 7 nguồn lửa khác nhau đang bập bùng cháy - ngọn lửa có mức độ thiêng liêng tối cao mà ngày nay không nhiều giáo sĩ Hoả Giáo có thể tạo ra nữa. 
Một ngôi đền Hoả Giáo vô tình nhìn thấy ở trung tâm Mumbai.
Một ngôi đền Hoả Giáo vô tình nhìn thấy ở trung tâm Mumbai.
Song ở Mumbai, “nếu chúng tôi mở cửa, chúng tôi sẽ chết" - một giáo sĩ chia sẻ trong bài phỏng vấn với báo chí.
Lửa là thành tố thiêng liêng trong Hoả Giáo, nên người Parsi đặc biệt hạn chế vấy bẩn lửa. Họ không bao giờ hoả táng. Họ cũng không đồng ý địa táng hay thuỷ táng để tránh tổn hại tới thiên nhiên. 
Thay vào đó, người Hoả Giáo thiên táng bằng cách đặt xác chết lên các tháp Dakhma - Tower of Silence - phơi giữa trời để mời gọi những con kền kền hoàn thành nhiệm vụ còn lại.
Giữa trung tâm Mumbai, trên ngọn đồi Malabar tập trung nhiều dinh thự giàu có, là hai tháp Dakhma của cộng đồng Parsi. 
Một tháp chuông tưởng niệm của người Parsi trên đường phố Mumbai.
Một tháp chuông tưởng niệm của người Parsi trên đường phố Mumbai.
Việc thiên táng vẫn diễn ra ở thành phố phát triển nhất Ấn Độ như một phần của nhịp sống. Cho đến cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21, số lượng kền kền ở Ấn Độ giảm mạnh cho sự tác động của các loại thuộc kiểm soát vật nuôi. Sự biến mất của kền kền đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nghi thức mai táng đặc biệt này của cộng đồng Parsi.
Một vài nguồn tin còn cho biết khoảng năm 2010, cộng đồng Hoả Giáo ở Mumbai đã quyên tiền cho một dự án kỳ lạ: Gây giống kền kền trong thành phố. Tính xác thực vẫn còn là câu hỏi, nhưng sự nghiêm túc dành cho truyền thống và nghi lễ là điều có thể thấy được ở Mumbai.
Mình bước đến chân đồi Malabar vào khoảng 4 giờ chiều. Đón đầu ở lối đi chính dẫn lên tháp Dakhma là bảng thông báo “Đây là đất tư nhân của cộng đồng Parsi". Người bảo vệ lập tức chặn lại. Không bước vào. Không chụp ảnh. Không có gì bất ngờ.
Đường lên Dakhma trên đồi Malabar được kiểm soát nghiêm ngặt
Đường lên Dakhma trên đồi Malabar được kiểm soát nghiêm ngặt
Nếu thực sự tò mò, bạn vẫn có thể nhìn thấy tháp Dakhma màu xám đen lọt giữa nền xanh thẳm của đồi Malabar nếu nhìn từ một toà cao tầng nào đó trong khu vực. 
Do Thái Giáo
So với người Hoả Giáo, Do Thái Giáo rõ ràng là một cộng đồng cởi mở hơn. Giữa khu Fort - trung tâm Mumbai thời thuộc địa (mình có nói điều này ở phía trên chưa nhỉ?) - có ít nhất hai đến ba Giáo đường Do Thái khác nhau. 
300 rupee (khoảng 150 nghìn), viết xuống họ tên, quốc tịch và đặc biệt là tôn giáo, bạn sẽ được dắt vào gian hành lễ chính của Giáo đường Do Thái Knesset Eliyahoo. Nhưng không được chụp ảnh. 
Bên ngoài Giáo đường Knesset Eliyahoo phủ màu xanh - đây cũng là màu sắc nhiều Giáo đường Do Thái khác tại Mumbai lựa chọn.
Bên ngoài Giáo đường Knesset Eliyahoo phủ màu xanh - đây cũng là màu sắc nhiều Giáo đường Do Thái khác tại Mumbai lựa chọn.
Lớn lên với đức tin Ki-tô Giáo, được kể không biết bao nhiêu lần chuyện Chúa Giê-su đứng giữa hội đường, tranh luận cùng các thầy giảng và các thầy Lê-vi, đây là lần đầu tiên mình được bước vào không gian của một Giáo đường Do Thái, dẫu đây chỉ là phiên bản hiện đại của tôn giáo cổ xưa này, sau rất nhiều va chạm và đổi thay suốt hàng thế kỷ dân của Chúa lưu vong khắp thế giới. 
Nhắm mắt lại, bạn có thể mô tả Giáo đường Do Thái là một sân khấu thực nghiệm với khu vực diễn xuất nằm ở giữa, vây quanh bởi những hàng ghế gỗ bốn bên. Nam giới ngồi ở dưới, phụ nữ lên gác ngồi vì sự xuất hiện của họ gây xao nhãng đến việc cầu nguyện - cô bé Hindi tầm 17 tuổi nhận nhiệm vụ hướng dẫn du khách giải thích như thế - và đến tận bây giờ, việc phân chia chỗ ngồi dựa trên giới tính vẫn đang diễn ra. 
Các Rabbi sẽ là người đọc và giảng nghĩa Thánh Kinh, trong khi thầy Lê-vi nhận nhiệm vụ chúc lành và cử hành các nghi lễ. Vây quanh chiếc bục gỗ ở giữa Giáo đường là hàng loạt sách tiếng Hebrew được đóng gáy cẩn thận, nhìn rất mới. “Cuộn kinh quan trọng nằm trong hộc đằng kia, chỉ được mang ra đọc vào một ngày trong tuần”, cô hướng dẫn chỉ về phía bức tường phủ khăn thiêu  nơi đáng lẽ là Cung Thánh, nếu đây là một nhà thờ Công Giáo. 
Cô hướng dẫn còn nói nhanh về luật ăn Kosher, về nghi thức làm phép rửa, về việc cộng đồng này đang muốn mở mình ra hết mức để không bị nhịp sống của một siêu đô thị nuốt chửng.. Nhưng cô nói rất nhanh  thôi. Một đoàn khách mới vừa tới. 
Bên ngoài, hàng rào của cảnh sát vây khắp tứ phía.
Bên ngoài, hàng rào của cảnh sát vây khắp tứ phía.
Bước ra ngoài Giáo đường, cảnh sát Mumbai đã lắp sẵn một hàng rào bảo vệ với những anh lính tuần tra qua lại. Cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas đã tạo nên bầu không khí cảnh giác nhất định trong thành phố Mumbai, nơi ít nhất một lần xảy ra đánh bom cũng vì lý do mâu thuẫn tôn giáo. 
Rất mỉa mai, màu cam “nguy hiểm” của hàng rào cảnh sát tương phản mạnh mẽ với màu sơn xanh biển dịu dàng trên bức tường Giáo đường Knesset Eliyahoo.
Ki-tô Giáo
Nếu có đọc Thánh Kinh Ki-tô Giáo, bạn sẽ biết đến Thánh Tô-ma (St. Thomas). 
Trong sự kiện Chúa Giê-su hiện xuống để trấn an các môn đệ sau khi Người chết và Phục Sinh, Tô-ma là nhân vật vắng mặt. “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin" - ông nói vậy. Cầu được ước thấy, Chúa hiện lên, nói “Phúc cho ai không thấy mà tin". Và ông tin. 
Điều quan trọng là sau đó, Tô-ma lên đường đến thẳng phía Bắc Ấn Độ để truyền giáo. Do đó, truyền thống Ki-tô Giáo đã có mặt tại tiểu lục địa từ rất sớm.
Suốt dòng lịch sử, đất nước này tiếp tục mở mình cho đa dạng những Giáo hội Ki-tô Giáo khác nhau bước vào cuộc đời mình như Công Giáo La Mã, Chính thống giáo Đông phương, Giáo hội Syria,... tua nhanh đến thời thuộc địa có thêm Anh Giáo của hoàng gia và đủ nhánh Tin Lành (Protestant). 
Ngày đầu tiên mình ở Ấn Độ là thứ Tư Lễ Tro, mở đầu Mùa Chay theo lịch phụng vụ Ki-tô Giáo. Là một con chiên (có vẻ) ngoan đạo, việc mình làm là tìm một nhà thờ đi lễ. 
Sáu giờ chiều, mình đi bộ từ khách sạn sang Nhà thờ Thánh Danh - Nhà thờ Chính toà Giáo phận Bombay - cách đó chưa đến một cây số. Nhà thờ có quy mô vừa phải, với điểm nhấn đặc biệt là kiến trúc Gothic và hệ thống tranh trần ấn tượng. 
Nhà thờ Thánh Danh trong ngày Lễ Tro. Lễ tiếng Anh buổi chiều lúc 6 giờ.
Nhà thờ Thánh Danh trong ngày Lễ Tro. Lễ tiếng Anh buổi chiều lúc 6 giờ.
Thánh Lễ diễn ra nhanh và không đau. Mỗi lần mình dự lễ bằng một ngôn ngữ khác, khái niệm “Giáo Hội hoàn vũ” lại hiện ra trong đầu: Nếu bạn là người Công Giáo ở bất kỳ đâu, bạn sẽ luôn hiểu được ít nhất 60% ý nghĩa Thánh Lễ dù được cử hành bằng một ngôn ngữ bạn chưa từng nghe tới. 
Trước đó khoảng bốn tiếng, mình đi bộ sang Nhà thờ thánh Thomas, vị Thánh đã được kể chuyện phía trên. Chỉ có điểm khác rằng đây là một nhà thờ Anh Giáo.
Nếu chưa biết chuyện li kỳ về vua Henry VII “dỗi" nhà thờ Công Giáo vì không cho phép ly hôn đến mức ly khai thành Giáo hội Anh, bạn có thể tìm đọc thêm về cuộc đời của ông vua kỳ lạ này. 
Vấn đề là từ giây phút ly khai đó, Giáo hội Anh cũng trở thành bộ mặt của Hoàng gia Anh. Vua và Nữ hoàng luôn cáng thêm task  "Người Quản trị Tối thượng (Supreme Governor) của Giáo hội Anh”.
Ở một thành phố thuộc địa quan trọng như Bombay, chuyện xuất hiện một Nhà thờ Anh Giáo hiển nhiên phải là điều được ưu tiên. 
Sau khi được xây cất, Nhà thờ Thánh Thomas trở thành “Ground Zero” của Mumbai. Tất cả mọi địa điểm trong thành phố đều được tính cự ly từ nhà thờ này trở đi. Ga tàu lửa quan trọng nhất Mumbai về mặt vận hành - ga Churchgate - cũng đi từ chiếc cổng của nhà thờ này mà ra. 
Gian cung thánh Nhà thờ Thánh Thomas. Có chút flahback tới những cảnh trong The Crown vì cấu trúc cũng na ná Nhà thờ Canterbury.
Gian cung thánh Nhà thờ Thánh Thomas. Có chút flahback tới những cảnh trong The Crown vì cấu trúc cũng na ná Nhà thờ Canterbury.
Vậy có gì thú vị trong Nhà thờ Thánh Thomas? Có hai điều tâm niệm. 
Một. Là một con nghiện series phim The Crown, mình có một “fanboy moment” nho nhỏ khi nhìn thấy hai tấm bảng đồng ghi dấu nơi Vua George V và Hoàng hậu Mary - ông bà nội của Nữ hoàng Elizabeth II - đã ngồi cầu nguyện trong chuyến thăm thuộc địa năm 1911. 
Đường giữa của Nhà thờ Thánh Thomas.
Đường giữa của Nhà thờ Thánh Thomas.
Hai. Cũng một tấm bảng đồng khác, nhưng ghi rằng “Mẹ Theresa Calcutta đã ngồi cầu chuyện tại đây. Vị này đã được nâng lên hàng Hiển Thánh”. Mẹ Theresa là một nữ tu Công Giáo, và chưa từng được nâng lên bậc Thánh trong hệ thống của Giáo hội Anh.
Với mình, dù các Giáo hội Ki-tô Giáo luôn khác nhau một chút về truyền thống phụng vụ hoặc diễn giải Thần học, vào cuối ngày, tất cả đều đang đặt niềm tin của mình vào cùng một Chúa. Mở rộng ra, những tôn giáo thuộc nhánh Abrahamic (Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo và Hồi Giáo), nhận Abraham làm tổ phụ đều đang thờ phụng cùng một vị Thiên Chúa, theo một cách nào đó. 
Ở một thành phố mà tôn giáo là một phần hơi thở, và thở rất mạnh, bạn có thể cảm nhận được sự mạnh mẽ của từng tôn giáo và của những nhánh nhỏ trong cùng một hệ thống đức tin. Song song, bạn cũng nhìn thấy sự khoan dung tôn giáo trong đô thị nơi trên một chuyến tàu, giữa một con đường, trong một khu xóm, luôn là sự xuất hiện của nhiều đức tin khác nhau. 
Ở một ngã tư Mumbai.
Ở một ngã tư Mumbai.
Bài đã dài, nhưng đạo còn nhiều. Hẹn gặp ở chuyện kể Mumbai lần sau với cú va chạm Hồi Giáo, Kỳ Na Giáo, đạo Sikh, Phật Giáo và Hindu Giáo trên đất mẹ của mình. 
Xin chào tạm biệt.