Năm mới nhiều người thường nghĩ đến việc đạt được những mục tiêu và kế hoạch nhất định. Ví dụ người béo thì đặt mục tiêu giảm cân, người không đô thì đặt mục tiêu tập thể dục thể thao cho đô con, vân vân và vân vân. Người Việt có trò nếu con sắp thi đại học thì bắt nó khai bút đầu xuân, coi như là hy vọng năm mới học hành giỏi giang đỗ đạt. Các nghiên cứu về kinh tế hành vi cho thấy cứ năm mới thì số người đến các phòng gym cao lên đột biến. Nghĩ cũng buồn cười khi người ta tự dưng chọn một ngày như bao ngày khác để bắt đầu làm việc mà đáng ra họ nên làm cả năm chỉ vì số nó tua lại thành số 1. Thế cho nên có một số chuyên gia kinh tế học hành vi họ nói muốn sinh viên chăm tập thể dục thì cứ đến cuối tháng, trường nên gửi email nhắc họ nên đi tập gym đầu tháng sau.
Dân làm phòng IT hay bảo nhau, nếu cái gì không chạy hay chạy chậm, thì trước tiên phải hỏi khách hàng rằng họ đã thử khởi động lại máy tính 3 lần chưa? Nếu hỏi mà khách hàng khai chưa khởi động lại máy tính 3 lần liên tiếp và mở lại thì dập mẹ nó máy không tiếp nữa. Ai hơi biết về máy tính thì bảo việc này là vô nghĩa vì việc khởi động lại máy trên lý thuyết không thay đổi được cái gì. Nhưng trên thực tế việc này không phải là không có lý. Hồi MS-DOS hay Uyn 95/98 ngày xưa, hệ điều hành chưa có cơ chế bảo vệ bộ nhớ ảo (virtual memory) tốt như bây giờ. Việc một chương trình hay driver ghi đè vào vùng bộ nhớ của chương trình khác làm lỗi lẫn nhau là chuyện có xảy ra. Việc khởi động lại máy làm những vùng nhớ bị ghi đè nhầm được ghi lại thông tin chính xác, nên máy tính lại chạy ngon ơ. Ngày xưa MS-DOS thì chỉ cần bấm Ctrl+Alt+Del là nó khởi động lại cái bụp. Tới thời Uyn 95/98 thì phải bấm tổ hợp đó 2 lần. Uyn XP trở đi thì có cơ chế virtual memory tốt rồi nên bấm Ctrl+Alt+Del đếch làm cho máy tính khởi động lại nữa. Thế là một truyền thống tốt đẹp đã đi vào dĩ vãng. Nhưng người ta vẫn reboot máy tính thường xuyên cho "nhẹ máy."
Tôi có số lần tốt nghiệp đại học nhiều hơn chắc 99% số người tôi biết. Lần đầu tiên là vào năm 2006, "tốt nghiệp" sớm hơn dự định tới tận 3 năm. Năm đó mẹ tôi phải đi rút hồ sơ ở trường Học viện Kỹ thuật Mật Mã sau khi tôi quyết định bỏ học. Lần tiếp theo là năm 2011, tôi tốt nghiệp bằng Cử nhân. Lần gần đây nhất là 2018 tôi tốt nghiệp bằng Lùi sĩ. Mỗi lần tốt nghiệp như vậy, tôi đều nghĩ mình đếch biết làm gì với những điều mình đã học.

Đọc thêm:

Có lẽ đó là tâm trạng không chỉ của riêng tôi mà còn của nhiều người khác nhất là sĩ tử đi thi. Thi đại học ở quê thì người ta hay khuyên trẻ con chọn học ngành nào có ông bà bô hoặc ông chú đang có vai vế đang làm để học về sau ô xin vào cho dễ. Ở thành phố thì mọi người sẽ bảo nên chọn ngành nào đang hot, mình có vẻ có thiên hướng và kiếm được tiền. Bọn học sinh cấp 3 trường Tây còn có cả bài trắc nghiệm để chọn ngành học đại học. Tóm lại, một bài trắc nghiệm làm trong 20 phút, hoặc lời khuyên của ông chú có vai vế trong 5 phút, sẽ quyết định cái nhiều triệu người đổ cả gia sản học trong 4 năm. Vấn đề của trường Việt Nam là thường nếu không phải là trường lớn thì một khi đã đậu vào một khoa một ngành thì chết cứng ở đấy, không thích cũng phải cắn răng làm cho hết. Trường Tây thường không có giới hạn đấy mà một trường thường đào tạo nhiều ngành, muốn nhảy thế nào thì nhảy. Ngày xưa đại học tôi định học ngành để kiếm tiền, năm thứ 2 lẹt đẹt mãi, đi nói chuyện với ông thầy dạy bộ môn. Ông ta nhìn thẳng vào mắt tôi, bảo: "Anh cần học cái gì anh sẽ làm được hàng ngày trong quãng 45 năm nữa mà không thấy chán." Hôm sau tôi lục tục chạy đi làm giấy tờ đổi ngành học.
Ngay cả sau này khi đã lớn và nghĩ mình có thể chọn được ngành học mình thích, tôi vẫn thích ý tưởng nhảy lung tung. Ngày tôi ra trường với bằng Lùi sĩ, ông thầy trưởng khoa hỏi anh tiếp theo định làm gì... hay vẫn đang xin việc? Tôi nói tôi sẽ đi làm lái xe Grab. Ông thầy văng tục luôn trên điện thoại: " Đ.M.! Tôi bảo anh lái xe thì anh sẽ hối hận đấy. Tôi có bao nhiêu học trò sau khi tốt nghiệp đi lái Grab, đều về sau than khổ với tôi. Tôi khuyên anh đừng bao giờ chơi với Grab, ít ra lái thì lái với Vinasun hay đi nghiên cứu đi, tôi viết thư giới thiệu cho." Tôi quyết định vẫn lái Grab, giờ vẫn thấy vui vẻ.
Tôi nhận ra là ông thầy trưởng khoa và bạn bè có kỳ vọng về việc tôi tiếp tục kế tục truyền thống nghiên cứu, ông già có kỳ vọng về việc tôi tiếp tục kế tục truyền thống gia đình, bác Hồ có kỳ vọng về việc tôi tiếp tục kế tục truyền thống Cách mạng. Nếu tôi không làm những việc đó, các ông sẽ rất thất vọng. Nhưng cuối cùng, quyết định tiếp tục truyền thống nào làm cho tôi sung sướng thì chỉ có tôi mới biết.
True story.

Đọc thêm:

Cuộc sống có một số thời điểm mà chuyện tiếp tục hay không sẽ quan trọng, đó là lúc mới bắt đầu hoặc sắp kết thúc một chặng đường, đó là năm mới, là Giao thừa, là sinh nhật của mình. Lúc đó tôi có thể quyết định tiếp tục làm những việc mọi người kỳ vọng mình làm, hoặc ấn Ctrl+Alt+Del để khởi động lại. Những thời điểm đó đáng lẽ ra là một thời điểm bình thường như bao thời điểm khác, nhưng vì tâm lý hành vi con người nên nó trở nên đặc biệt.
Nhưng điều tôi chắc chắn, việc bấm Ctrl+Alt+Del trên máy chạy Uyn là một việc không có gì đáng xấu hổ. Ngay cả cài lại, mất thời gian tí, cũng chẳng sao. Miễn là nhẹ máy.