Mục tiêu biện minh cho phương tiện?
Mục tiêu biện minh cho phương tiện. Nói một cách khác, nếu mục tiêu là đáng giá, thì bất kì phương tiện nào cần sử dụng để đạt được...
Mục tiêu biện minh cho phương tiện. Nói một cách khác, nếu mục tiêu là đáng giá, thì bất kì phương tiện nào cần sử dụng để đạt được mục tiêu đó đều là chính đáng.
(Đề bài luận được lấy từ đề thi học bổng ĐH FPT ngày 23/8/2020)
Em đang luyện viết luận và các kĩ năng lập luận, hi vọng mọi người có thể dành thời gian đọc và góp ý, hướng dẫn giúp em tiến bộ hơn. Em xin cám ơn!
Nhân loại đã trải qua chặng đường tiến hóa đầy kì diệu từ tổ tiên là loài vượn người cho đến chi Homo Sapiens, loài sinh vật có khả năng chế tạo ra hàng loạt thứ máy móc, thiết bị hiện đại thay đổi ngoạn mục toàn bộ sự sống trên hành tinh này. Tuy vậy, sự phát triển của loài người thực chất là một quá trình đánh đổi mà một khi đã chấp nhận tiến tới thì không còn đường lui. Cuộc cách mạng nông nghiệp đã mang đến cho loài người lượng thực phẩm dư giả hơn, dân số tăng nhanh hơn nhưng đồng thời cũng lấy đi tính chất tự do và sự đa dạng trong lối sống du mục trước kia. Cuộc cách mạng khoa học đã mang đến hàng loạt phát minh tiên tiến nhưng cũng cùng lúc gây thêm nhiều vấn đề xã hội cho nhân loại. Rõ nét nhất là chủ nghĩa tư bản hình thành dựa trên ý thức hệ của cách mạng khoa học, như một thứ tôn giáo mới phát sinh nhưng lớn mạnh nhanh chóng, đã càn quét lên từng ngõ ngách vùng quê hẻo lánh, yên bình. Những nhà tư bản thực hiện chế độ bóc lột tàn bạo đối với người dân thuộc địa và biện minh cho hành vi của mình là hành động ban phát nền văn minh, thúc đẩy kinh tế bản địa. Dù cho kết quả nhận được là sự tiến bộ không thể phủ nhận nhưng cách thức mà dân đế quốc thực hiện vẫn luôn là vết sẹo vĩnh hằng trong lòng dân cư bản xứ, nghiễm nhiên trở thành đề tài bị lên án khi nhắc nhớ về bài học lịch sử.
Đây chính là nhân chứng hiện thực đầu tiên để tôi phản đối luận điểm mục tiêu biện minh cho phương tiện. Phân tích sâu hơn ta cần làm rõ:
Thế nào là mục tiêu chính đáng?
Xét về định nghĩa cơ bản, mục tiêu chính đáng là kết quả mang lại lợi ích cho nhiều người. Nhưng thực chất, không tồn tại thứ gọi là mục-tiêu-chính-đáng-hoàn-hảo bởi nhân loại là một tập hợp đa dạng các cá thể khác nhau về tôn giáo, tín ngưỡng, chủng tộc, hệ giá trị,... thế nên bất cứ hành vi nào nhằm đảm bảo lợi ích cho một nhóm đa số nào đó vẫn luôn kèm theo bất cập đối với một nhóm thiểu số khác. Trong trường hợp này, chúng ta thường chấp nhận đánh đổi hoặc nhân nhượng. Dưới góc độ của một quốc gia, một cộng đồng lớn thì người quyết định đâu là mục đích và đâu là phương tiện để thực hiện lại chính là những người cầm quyền. Thật khó trong xã hội ngày nay để một nhà cầm quyền có thể cân bằng được cán cân giữa kinh tế và xã hội.
Xét về trường hợp các nhà cầm quyền tập trung đặt vấn đề phát triển kinh tế lên hàng đầu. Khi ấy, dĩ nhiên tầng lớp tinh hoa, thế lực mang lại lợi ích về kinh tế nhiều nhất, sẽ là người chi phối các cách thức để phát huy tối đa nguồn lợi mà họ nhận được. Nói cách khác, hàng loạt các phương tiện, chính sách được ban ra hòng thúc đẩy phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho chính quyền giúp họ nâng cao vị thế đất nước, mang lại tiền bạc của cải cho tầng lớp tinh hoa, kéo theo tiêu chuẩn sống của người dân được nâng cao. Tuy nhiên, ta tiếp tục đặt lên bàn cân giữa những gì người dân nhận được và công sức họ bỏ ra để chạy theo các chính sách được đưa ra. Nhìn chung, những gì người dân được hưởng không mấy khả quan hơn so với sự khốn khó mà họ vẫn chịu đựng và thực chất các phương tiện đi đến mục đích chỉ hòng phục vụ cho lợi ích tối cao của tầng lớp tinh hoa. Khi ấy, người dân sẽ bị buộc phải đánh đổi, nhưng thật khó để đòi hỏi điều ấy nếu như người đánh đổi không phải là mình. Lấy ví dụ về xã hội Nhật Bản trong những năm 50, với mục đích cải thiện nòi giống của mình, chính phủ đã thực hiện chính sách triệt sản đối với những người có mức IQ thấp, người tàn tật hay mang các gen mang bệnh, điều này thực tế đã mang lại kết quả khả quan khi người dân đã có sự cải thiện rõ rệt về tầm vóc, sức khỏe. Tuy nhiên, mặt trái của điều này là hàng vạn người bị tước đi quyền cơ bản của con người, họ không được phép sinh con chỉ vì những đặc tính tự nhiên. Cả xã hội trở thành một trò chơi xổ số đầy bất công.
Nhiều người có thể sẽ biện minh cho hành vi này là sự hi sinh vì lợi ích cộng đồng. Tuy nhiên, đây có thể lại là sự quy chụp ích kỉ và đầy định kiến. Chúng ta không có quyền bắt buộc ai phải đánh đổi lợi ích của chính họ vì một điều gì đó mà ta cho là đúng. Nhưng hệ giá trị, hay có thể nói là mục đích dẫn lối cuộc sống của mỗi người là mỗi khác. Việc bất chấp mọi hậu quả, đau thương xảy đến với một ai đó, một nhóm người nào đó cốt chỉ để đạt được mục đích của bản thân hay của nhóm lớn hơn là một điều ích kỉ và tàn nhẫn. Tất nhiên sau cùng thì tất cả những điều ấy vẫn sẽ giúp ta toại nguyện. Nhưng hãy nhớ, mục tiêu tối thượng nhất của loài người là mang lại cuộc sống tốt nhất cho từng cá thể. Thế nên việc bắt buộc hi sinh và đánh đổi bất kì một cá thể nào để biện minh cho mục tiêu cao cả đều đi ngược lại với đích đến.
Chúng ta có nhiều con đường khác nhau dẫn đến mục tiêu sau cuối của xã hội loài người là đảm bảo từng cá nhân được sống hạnh phúc. Chúng ta có thể lựa chọn những con đường tuy dài nhưng đảm bảo lợi ích cơ bản của từng cá nhân và ít tàn khốc nhất. Đừng bao giờ ép một ai đó vào vực thẳm chỉ để nâng cao chỗ đứng của mình. Bởi vì bạn sẽ không thể biết được ai sẽ là nhóm thiểu số tiếp theo, thật ngây thơ cho những kẻ nhân danh công lí luôn tự bảo nhau "chắc không phải là mình".
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất