Theo Thông tư số 01/2021/TT-BYT của Bộ Y tế, phụ nữ sinh đủ hai con trước 35 tuổi ở 21 tỉnh, thành sẽ được thưởng tiền hoặc hiện vật. Đây là nội dung đáng chú ý do Bộ Y tế ban hành mới đây để hướng dẫn địa phương thực hiện các chính sách khen thưởng, hỗ trợ đối với tập thể, cá nhân làm tốt công tác dân số. Tại Điểm b Khoản 2 Điều 3 của Thông tư này nêu rõ một số nội dung khuyến khích duy trì vững chắc mức sinh thay thế tại các tỉnh thuộc vùng mức sinh thấp theo Quyết định 588/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với cá nhân. Cụ thể, tại những vùng có mức sinh thấp, xã 3 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con cũng sẽ được đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật. Xã 5 năm liên tục đạt và vượt tỷ lệ 60% cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sinh đủ hai con được đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khen thưởng kèm theo hỗ trợ bằng tiền hoặc hiện vật.
Duy trì mức sinh thay thế là một mục tiêu quan trọng mà cả bộ máy Chính phủ đã phải vào cuộc tuyên truyền, khuyến khích và kể cả ra các văn bản dưới luật để hướng dẫn cụ thể. Cuộc chiến để duy trì và phát triển nòi giống Việt Nam chưa bao giờ được quan tâm nhiều như hiện nay. Tuy nhiên, có thể hướng tiếp cận vẫn chưa rõ ràng và biện pháp cũng chưa đủ triệt để, kể cả cái Thông tư mới đây của Bộ Y tế cũng vậy.

Hãy nhìn nhận theo hướng này, nếu tính đến việc cái Thông tư kia được quán triệt và mức sinh thay thế được đẩy lên đúng như mục tiêu của Chính phủ thì bài toán kiểm soát mức sinh không thể chỉ nhìn vào một con số bình quân chung của cả nước để hài lòng về mức sinh tốt mà phải đánh giá tổng thể.  Nghịch lý những vùng có mức sống cao thì mức sinh lại xuống thấp còn những vùng chất lượng sống thấp thì mức sinh lại tăng cao. Như vậy, tỷ lệ chất lượng dân số không tốt sẽ ngày càng cao hơn. Nguyên nhân sâu xa chắc không cần phải nhắc lại nhiều nữa, dân trí cao hơn, mức sống cao hơn, nhu cầu hưởng thụ và chăm sóc bản thân nhiều hơn, sự bình đẳng nam nữ được đẩy cao giúp cho các chị em được toàn quyền quyết định hơn với cái tử cung của mình. Còn với những người dân trí và thu nhập chưa cao, có lẽ việc hưởng thụ cái quá trình sinh sản nó quan trọng hơn việc nuôi dưỡng thành quả của quá trình đó.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, muốn giữ cho tỷ lệ sinh thay thế ổn định và cũng song song giữ cho chất lượng dân số giữ ở mức cao, hãy có những chính sách riêng cho từng nhóm dân cư, đừng đánh đồng dân cư của vùng này, tỉnh này là cứ gắn với những giải pháp tổng thể chung. Tuy nhiên, trong xã hội hiện thực và cụ thể là ở Việt Nam sẽ khó có thể triển khai được những phương pháp tôi nêu ra dưới đây. Vậy xin mạn phép đưa trí tưởng tượng vào một thế giới khác, Utopia hay Distopia tuỳ mọi người nhận định.
Ở thế giới giả tưởng đó, cùng với việc các điều kiện an sinh xã hội được đảm bảo đầy đủ như trường học không phải xếp hàng nộp hồ sơ, bệnh viện không phải nằm ghép, giao thông không phải tắc đường, môi trường không bị ô nhiễm – nói chung là những điều kiện cơ bản của cuộc sống để người dân muốn con mình được ra đời thì cần những giải pháp chuyên biệt như:
– Với tầng lớp dân cư có dân trí cao và thu nhập cũng cao, hãy nới lỏng giới hạn tỷ lệ sinh ở nhóm này bằng những chính sách như sinh 1 con thì bố mẹ được giảm thuế 10%, sinh con thứ hai, thứ ba được giảm thêm 5%/cháu… Những đứa trẻ này khi trưởng thành nếu vẫn tiếp tục duy trì và giữ được mức thu nhập như bố mẹ thì giữ nguyên chế độ đãi ngộ, nếu không thì chuyển xuống các nhóm dưới.
– Với tầng lớp dân cư có dân trí và thu nhập chưa cao, hãy xác định một mức chi phí để nuôi dưỡng một đứa trẻ đến năm 18 tuổi, sau đó đưa ra những quy định cho các cặp vợ chồng này muốn sinh thêm con phải chứng minh được khả năng tài chính như lương, thu nhập ngoài lương… (bao gồm cả dòng tiền tương lai cho đứa trẻ trong trường hợp cha mẹ ly dị). Nếu đáp ứng được những điều kiện này thì mới được cấp hồ sơ dự sinh. Chưa kể những điều kiện ràng buộc khác như đảm bảo số giờ chơi cùng con, tâm sự với con mỗi tuần.
Những giải pháp tôi nêu trên có lẽ phần nào hơi cực đoan, nhưng tôi không thể chấp nhận được sự dễ dãi trong việc tạo ra một sinh mệnh nhưng lại không đảm bảo rằng sinh mệnh đó sẽ được hưởng những điều kiện tốt nhất để phát triển và trưởng thành. Tuy nhiên, tất cả có lẽ chỉ được thực hiện trong thế giới giả tưởng mà thôi, còn ở thế giới thực, cái thế giới của tự do và dân chủ, việc sinh con là chuyện cá nhân, Chính phủ chỉ có thể khuyến khích chứ chẳng can thiệp được quái gì. Và như vậy, giới trí thực cứ đẻ ít dần đi, còn những người khác thì cứ đẻ phứa ra, và bối cảnh dần đi đến từa tựa như bộ phim hài của Mỹ về một thế giới tương lai nơi loài người cực kỳ ngu đần vì người thông mình do ngại đẻ đã tuyệt chủng (tôi quên tên phim rồi).
Minh Hiếu
27/01/2021.