***Cảnh báo: Bài viết có phần spoil nội dung cuốn Vết khắc hằn trên cát (Michel Bussi) 
Mùa hè năm 1944. Trên bờ biển Normandie thơ mộng đất Pháp. 188 lính biệt kích Mỹ nhận nhiệm vụ lần lượt mang thuốc nổ đặt quanh bức tường vây quanh pháo đài quân Đức. Thứ tự được quyết định bằng trò bốc thăm, và số 1 đến 20 xác định vào tay thần Chết. Lucky Marry số 148 lập một giao kèo táo bạo, hoán đổi cho Oscar Arlington số 4 lấy 1,44 triệu đô la. Khoản tiền sẽ được gửi về cho Alice, người yêu anh tại quê nhà. Một cái chết được quyết định chớp nhoáng. Dấu máu Lucky đã bị sóng gió cuốn đi, nhưng nỗi ám ảnh vô hình anh để lại vẫn bủa vây những con người liên quan đến bản giao kèo ấy cho đến hết cuộc đời, như một Vết khắc hằn trên cát mãi mãi không phai mờ.

Cuộc đời của Lucky, tuy ngắn ngủi, nhưng trớ trêu thay, lại có vẻ toàn vẹn hơn cả trong số các nhân vật. Anh được miêu tả bằng vài nét chấm phá hoàn hảo, với ngoại hình như diễn viên điện ảnh, tính cách vui vẻ, hòa đồng, sự may mắn đến khó tin, và một vị hôn thê xinh đẹp đáng khao khát. Ấy vậy mà Lucky đã từ chối cơ hội sống sót trở về bên người yêu. Anh lựa chọn con số tử để không phải cảm thấy hổ thẹn trước những đồng đội hy sinh, và để mang lại cho Alice một cuộc đời sung túc. Lucky dường như mãn nguyện với cái chết vì lý tưởng ấy. Không một thoáng giằng xé nội tâm, tự hỏi liệu Alice sẽ có thể sống hạnh phúc trong giàu sang mà không có anh. Lucky thực sự quá ngây thơ nên không hiểu Alice, hay anh có hiểu cô nhưng vẫn quyết theo đuổi niềm tin của mình, để mặc cô trơ trọi với nỗi u uất vô tận?
Sự tồn tại của Alice từ đầu cho đến cuối câu chuyện dường như không bao giờ tách khỏi Lucky và bóng ma của anh. Đôi trẻ gắn bó với nhau trong 5 năm niên thiếu, khi Alice đang là cô bé mồ côi vật lộn mưu sinh, còn Lucky là một anh hùng nhỏ được yêu mến trong làng. Lucky như một chàng hoàng tử biến địa ngục trần gian Alice đang chịu đựng thành ngôi làng trong truyện cổ tích. Sau cái chết của Lucky, Alice trở thành một góa phụ chết trong lòng ở tuổi 20, một chiếc vỏ rỗng không hồn. Cô bỏ sang nước ngoài cùng nỗi buồn nặng trĩu, khước từ mọi liên hệ với thế giới bên ngoài. Cứ khi nào những người hàng xóm mới bắt đầu hỏi chuyện, hay đồng nghiệp mới bắt đầu mời cô đến nhà ăn tối, Alice lại chạy trốn. Cô "muốn mình trong suốt, vì Lucky". Mãi đến 20 năm sau khi biết về bản giao kèo, Alice mới bắt đầu nhìn thấy mục đích sống cho mình. Cô dấn thân vào cuộc chiến với với Oscar và mẹ gã, Emilia, quyết tâm bắt nhà Arlington phải trả nợ, để Lucky "không chết uổng phí". Trong suốt hành trình lục lại quá khứ, hay cũng là hành trình tìm lại chính mình, không biết đã bao lần Alice mệt mỏi, đau khổ, tuyệt vọng, muốn bỏ cuộc và sống mãi như một bóng ma đau khổ. Nhờ có sự trợ giúp đắc lực của chàng thám tử Nick lạc quan, Alice cuối cùng đã tìm ra sự thật để gỡ bỏ những lớp vỏ bọc bao lấy trái tim, nhưng cô lại một lần nữa từ chối rời bỏ bóng ma Lucky để bước tiếp đến bên Nick. Cô kiên quyết sống đến hết đời với lý tưởng của mình, với tình yêu nguyên vẹn dành cho Lucky. 
Đối đầu với Alice trong vòng xoay công lý là Emilia Arlington, mẹ của Oscar. Bà thượng nghị sĩ lạnh lùng bước vào cuộc chiến với một mục tiêu duy nhất: bảo vệ danh dự cho dòng họ Arlington, thứ mà bà đã luôn được giao phó giữ gìn từ khi về nhà chồng.  Ngoài nhiệm vụ đó ra, Emilia chưa bao giờ cảm nhận bất kỳ điều gì ý nghĩa khác trong cuộc đời. Bà không có cái hạnh phúc được nuông chiều bản thân như một người phụ nữ. Bà ghét tiệm cắt tóc vì cảm thấy như chịu cực hình khi nhìn hình ảnh thô kệch của mình trong gương. Bà cũng không phải là một người mẹ yêu thương đối với Oscar, khi đẩy gã vào đội biệt kích chỉ để dòng họ Arlington có thêm một "anh hùng", dù biết rõ Oscar chỉ là một kẻ hèn nhát muốn an phận trong văn phòng. Đúng như bà mong đợi, Oscar đã được người ta trao huân chương chiến tranh. Rồi sau đó mới chết. Như một vụ tự sát. Trước tòa án lương tâm nhắm vào Oscar mà Alice khởi kiện, Emilia vẫn một mực phủ nhận sự tồn tại của bản giao kèo, dù biết rằng con trai bà đã trả món nợ, bởi "thừa nhận đã trả món nợ tức là thừa nhận nó có món nợ". Vấn đề Emilia e sợ không phải là 1,44 triệu đô la, hay con trai bà, mà là vết nhơ đe dọa sự trong sạch của cái họ Arlington cao quý. Chính sự bảo thủ vì cái lý tưởng cả đời ấy của Emilia mà Oscar, một kẻ hèn nhát đáng thương chẳng dám tự sát hay ra tay với bất kỳ ai, đã trở thành nơi cho bao người chuốc mọi tội danh - vô liêm sỉ, lừa đảo, giết người, để người ta phần nào nguôi ngoai vì "công lý" được thực thi. Đem một kẻ đã chết không còn khả năng biện hộ ra giơ đầu chịu báng, chắc hẳn là cách dễ dàng nhất để xoa dịu lòng người, để người ta thấy cuộc sống còn chút ý nghĩa cho mình bấu víu, sinh tồn.
Tham gia cùng Alice trong công cuộc truy tìm mục đích sống là Lison, một phụ nữ có số phận tương đồng, mà sau này đã trở thành bạn tri kỉ của Alice, gắn bó bên nhau như "hai bà điên" trông coi bảo tàng hoài niệm. Thời điểm ngay sau trận oanh tạc của đội biệt kích Mỹ vào căn cứ quân Đức, con gái người thợ xây nhỏ bé nhát gan vùng Normandie, oán giận "sự di truyền vớ vẩn" của cha dành cho mình, lao ra vách đá trên biển tìm kiếm những lính Mỹ còn sống sót. Cô cứu được Alan, bạn thân của Lucky. Họ yêu nhau say đắm và sống hạnh phúc tại ngôi làng Pháp bé nhỏ suốt 20 năm, như lý tưởng của Lison về cuộc đời một nữ anh hùng trong tiểu thuyết. Cũng như Alice, Lison dường như đã đặt toàn bộ ý nghĩa sự tồn tại của mình vào người bạn đời. Bởi vậy mà khi được tin Alan đã chết ở Mỹ trong hành trình tìm kiếm sự thật về giao kèo của Lucky, cô tuyệt vọng, mất phương hướng như một kẻ vô hồn. Cô muốn trở nên trong suốt như Alice. Lison lao vào công cuộc trả thù trong hàng chục năm đằng đẵng, đánh bại cả căn bệnh ung thư, chỉ để chờ đến ngày có cơ hội bắt kẻ đã hại người yêu cô phải trả giá. Và đó cũng là cái ngày bà góa phụ quyết định cái kết cho đời mình..
Rốt cuộc thì, người đáng thương không phải Lucky Marry, bởi tự anh lựa chọn chơi ván cược bằng tính mạng. Kẻ đáng trách cũng chẳng phải Oscar Arlington, bởi gã cũng chỉ có ước nguyện tối thiểu của một sinh vật trên đời, đó là được tồn tại. Nếu chẳng có Lucky nào tình nguyện bán cho Oscar tấm vé chạy trốn thần Chết, Oscar nhát cáy cũng chẳng có dũng khí mà ép buộc ai. Người thực sự đáng thương, đáng trách dường như là Emilia, là Alice, là Lison. Đáng thương vì họ không thể thoát khỏi cái bóng của lý tưởng về danh dự, tình yêu để mà đón nhận hạnh phúc mới. Đáng trách vì họ quá mù quáng với với nhiệm vụ trả thù mà họ tin rằng mình được "lập trình" để thực hiện, đến nỗi chẳng còn khả năng nhìn ra khe hở của sự thật. Người phát hiện chân lý bằng con mắt không thành kiến cuối cùng lại là Nick, nhân vật duy nhất trong truyện có tiếng nói riêng ở ngôi thứ nhất, một kẻ ngoài cuộc xả thân vì nghĩa, đơn thuần xuất phát từ sự cảm mến với Alice. 
Xuyên suốt tác phẩm, chiến tranh thực chất chỉ là phông nền cho cuộc vật lộn tìm kiếm mục đích sống của các nhân vật. Người bỏ tiền, người bỏ mạng, người bỏ cả cuộc đời vì cái lý tưởng mà mình cho là cao cả, để rồi quên mất cái ý nghĩa thực sự của cuộc đời mỗi con người, đó là hạnh phúc. Đáng buồn thay, cho đến hết cuộc đời, Alice, Lison, hay Emilia vẫn khó có thể đối diện với chính mình để mà trả lời câu hỏi: Mình là ai? Mình thực sự muốn gì? Phải chăng đó chính là nỗi ám ảnh vẫn luôn in hằn nơi đáy lòng mỗi nhân vật, như những vết khắc đau đớn trên cát mà cơn sóng hạnh phúc chẳng thể nào chạm tới và cuốn đi?