Mua trước trả sau liệu có thể thay thế Thẻ tín dụng truyền thống?
Đại dịch Covid 19 là một trong những sự kiện “thiên nga đen” lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Bên cạnh những tác động nghiêm trọng...
Đại dịch Covid 19 là một trong những sự kiện “thiên nga đen” lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Bên cạnh những tác động nghiêm trọng mà nó gây ra, Covid 19 cũng giúp định hình những thói quen sinh hoạt mới sau thời gian dài chúng ta phải cách ly với xã hội, từ đó sinh ra rất nhiều những thị trường kinh doanh mới và những nền kinh tế mới. Ví dụ như cách chúng ta làm việc từ xa, cách chúng ta giao tiếp, hội họp hay mua sắm online. Và một trong những sản phẩm mới nổi của thị trường thương mại điện tử được hưởng lợi nhất từ sau đại dịch Covid phải kể đến là Mua trước trả sau (Buy now Pay later - BNPL).

Theo báo cáo từ Cục Bảo vệ Người tiêu dùng Mỹ, nền công nghiệp BNPL hiện đang trong giai đoạn bùng nổ. Số lượng thanh toán bằng BNPL tại Mỹ đã tăng trưởng đáng kinh ngạc gần 11 lần chỉ trong 2 năm, từ 2019 đến 2021. Còn tại thị trường Đông Nam Á, Singapore là quốc gia đầu tiên trong khu vực cung cấp tùy chọn thanh toán bằng BNPL. Đến năm 2022, Singapore này đã có 1,9 triệu người dùng BNPL, tương đương với ⅓ dân số của quốc gia này.
Nhờ những ưu điểm phù hợp với tệp khách hàng trẻ - tương lai của thị trường mua sắm online và thương mại điện tử, BNPL đang từng bước trở nên phổ biến và thay thế cho các dịch vụ thanh toán hiện hành như thẻ tín dụng hay vay trả góp. Vì vậy trong bài viết này, hãy cùng mình tìm hiểu xem BNPL là gì, những lợi ích mà nó đem lại cho người tiêu dùng cũng như nền kinh tế, và liệu nó có thể thay thế các dịch vụ thanh toán truyền thống hay không?
** Disclaimer: Đây là video nằm trong series về Ngân hàng và Tài chính do ngân hàng trách nhiệm hữu hạn một thành viên CIMB Việt Nam đồng hành cùng Spiderum hân hạnh đưa tới bạn đọc nhằm cung cấp những kiến thức liên quan đến tiền và tài chính cho giới trẻ. Thông tin trong bài viết hoàn toàn dựa trên kiến thức & trải nghiệm của tác giả, CIMB Bank không cung cấp thông tin hay định hướng nội dung bài viết để đảm bảo tính khách quan và trung lập.
1, BNPL là gì
- Định nghĩa
Mua trước trả sau, hay Buy Now, Pay Later (BNPL) là mô hình cho phép người tiêu dùng mua sản phẩm, dịch vụ mong muốn trước và thanh toán hóa đơn sau thành nhiều khoản nhỏ.
Nghe qua sẽ thấy nó gần giống với việc trả góp qua thẻ tín dụng, bao gồm 1 phần giá trị hàng hóa trả ngay lúc mua hàng và phần còn lại được chia thành các khoản bằng nhau, trả định kỳ mỗi tháng. Tuy nhiên, BNPL có nhiều ưu thế phù hợp với tệp khách hàng trẻ mà chúng ta sẽ thảo luận cụ thể ở phần sau.
- Lịch sử
Về lịch sử hình thành và phát triển, hình thức BNPL sớm nhất có nguồn gốc từ thế kỷ 19, khi các kế hoạch trả góp xuất hiện như một cách để người tiêu dùng mua những hàng hóa đắt tiền (ví dụ như đồ nội thất, đàn piano và thiết bị nông trại) mà họ không có đủ tiền để mua đứt. Vào đầu những năm 2000, BNPL bắt đầu xuất hiện phổ biến tại các nước phát triển như Mỹ và Anh, khi các công ty tài chính bắt đầu cung cấp giải pháp thanh toán cho phép khách hàng tách biệt việc mua hàng và thực hiện thanh toán thành nhiều kỳ hạn khác nhau. Sau đó, kỷ nguyên đại dịch COVID-19 đã tạo ra sự bùng nổ trong các giao dịch BNPL tại Hoa Kỳ, tăng từ 2 tỷ đô la vào năm 2019 lên 24,2 tỷ đô la vào năm 2021.
Tại Việt Nam, BNPL mới bắt đầu được biết đến rộng rãi từ khoảng năm 2015, khi thương mại điện tử bắt đầu bùng nổ và nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Ban đầu, các dịch vụ này thường được cung cấp thông qua các công ty tài chính đã có mặt lâu năm như Home Credit hay FE Credit, chủ yếu tập trung vào các sản phẩm điện tử và gia dụng. Tuy nhiên, sự phát triển của Internet và điện thoại thông minh đã mở rộng phạm vi của BNPL, lan tỏa sang các lĩnh vực khác như thời trang, du lịch, giáo dục và thậm chí là dịch vụ y tế.
Theo báo cáo của Reasearch & Markets, thị trường BNPL tại Việt Nam đã đạt 1.32 tỷ đô la Mỹ vào năm 2023, dự kiến tăng trưởng kép gần 30% mỗi năm trong giai đoạn 2024-2029 và sẽ tăng gấp gần 6 lần, đạt mức 6.89 tỷ đô la Mỹ vào năm 2029.

Và tiềm năng của BNPL vẫn còn rất lớn rất lớn, khi mà so với quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước tính đạt 20.5 tỉ USD năm 2023, dịch vụ BNPL chỉ đang chiếm chưa đến 6.5% trong tổng quy mô.
2, BNPL và vay trả góp thẻ tín dụng
Vì có cách thức hoạt động khá tương đồng nhau nên không ít người dùng vẫn nhầm lẫn giữa BNPL và hình thức vay trả góp bằng thẻ tín dụng. Do là sản phẩm sinh sau đẻ muộn nên BNPL có nhiều điểm cải tiến để tăng khả năng cạnh tranh hơn so với thẻ tín dụng bao gồm::
- (1) Thời gian và thủ tục đăng ký nhanh chóng, dễ dàng hơn
Để mở thẻ thẻ tín dụng, bạn sẽ cần 1 số thông tin về hồ sơ tín dụng cơ bản như: bảng lương, lịch sử vay. Nhưng với BNPL, bạn chỉ cần cung cấp số điện thoại và căn cước công dân là có thể mở online được rồi. Thời gian đăng ký BNPL vì thế mà cũng rất nhanh, nhiều sản phẩm BNPL thậm chí cam đoan thời gian mở chỉ dưới 1 phút.
- (2) Lãi suất và phí trả góp thường cạnh tranh hơn nhờ hạn mức cho vay ít và thời gian trả góp cũng ngắn hơn
- (3) Giảm chi phí
So với thẻ tín dụng, BNPL giảm được kha khá các loại chi phí như: phí phát hành thẻ, phí thường niên hay phí hủy thẻ.
- (4) Hạn chế bớt rủi ro liên quan đến thẻ vật lý
Nhờ loại bỏ thẻ cứng và các tác vụ liên quan đến thẻ, BNPL cũng giúp hạn chế bớt các rủi ro về tính bảo mật như lộ thông tin hay mất thẻ.
Trong 1 thống kê của CSR Research về việc thanh toán trong thời gian Covid cho thấy, trong hơn 2000 người được khảo sát thì ¾ trong số đó thừa nhận thích BNPL hơn so với thẻ tín dụng truyền thống vì các lý do: dịch vụ này dễ thanh toán hơn (45%), linh hoạt hơn so với thẻ tín dụng (44%), lãi suất thấp hoặc không tính lãi suất (36%) và quy trình phê duyệt dễ dàng (33%).
3, BNPL giúp kích thích phát triển nền kinh tế?
- Đẩy mạnh mua sắm online và thị trường thương mại điện tử
Về cơ chế hoạt động, BNPL sẽ bao gồm 3 thành phần tham gia: người mua, người bán hàng và bên thứ 3 cung cấp dịch vụ BNPL. Khi người mua mua hàng và chọn thanh toán bằng BNPL, bên thứ 3 sẽ thanh toán đủ chi phí món hàng cho người bán, sau đó mới đứng ra nhận các khoản thanh toán nhỏ từng kỳ từ phía người mua cho đến khi kết thúc kỳ hạn thanh toán.
Từ đó chúng ta có thể thấy, với người bán, BNPL giúp khách hàng giảm áp lực tài chính, do đó dễ đưa ra quyết định mua sắm hơn, giá trị đơn hàng vì thế cũng sẽ lớn hơn so với khi không dùng BNPL, và cuối cùng thì doanh thu của cửa hàng sẽ tăng trưởng. Thứ 2, người bán sẽ được hưởng lợi nhờ lượng dữ liệu lớn từ bên thứ 3 về thói quen thanh toán của người mua, từ đó có thể thiết kế quy trình thanh toán phù hợp với tệp khách hàng giúp tăng trải nghiệm cùng với đó là tỷ lệ chuyển đổi. Cuối cùng, nhờ rủi ro tín dụng được chuyển sang bên thứ 3, người bán vì thế có sức khỏe tài chính tốt hơn, dòng tiền ổn định và tất nhiên cũng mất 1 khoản phí cho việc này.
Với người mua, BNPL giúp họ giảm áp lực tài chính ban đầu và được sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngay khi có nhu cầu mặc dù chưa đủ khả năng chi trả. Thời gian thanh toán sau đó được kéo giãn thành các khoản nhỏ, không tính lãi hoặc lãi rất thấp, giúp người mua chủ động cân đối chi tiêu, quản lý dòng tiền.
Về phía bên thứ 3 cung cấp dịch vụ BNPL (mình sẽ gọi là công ty BNPL cho ngắn gọn), doanh thu của họ đến từ cả người mua (phí phạt trả muộn) và người bán (công ty BNPL thu % doanh thu trên mỗi đơn hàng - ví dụ người bán bán được 1 đơn hàng 100 đồng sẽ trả cho công ty BNPL 1 đồng vì công ty BNPL đã đứng ra chịu rủi ro trả muộn từ phía khách hàng cho bên bán). Điểm then chốt của mô hình BNPL là việc đảm bảo khách hàng thanh toán đúng kỳ hạn, vì công ty BNPL dùng nguồn vốn của chính mình để thanh toán trước cho người bán, sau đó mới thu lại số vốn đó từ người mua. Do đó nếu tất cả người mua đều thanh toán đúng hạn, tức dòng vốn của công ty BNPL được quay vòng liên tục, thì chỉ số Lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp BNPL có thể lên tới 46.5%, vì các kỳ thanh toán rất ngắn.
Cuối cùng, nhờ các lợi ích cho cả 3 bên tham gia, BNPL giống như 1 phương án tối ưu để kích thích hoạt động mua sắm ronline và đi cùng đó là sự bùng nổ thị trường thương mại điện tử. Nhờ đó mà trong 2 năm liên tiếp 2022 và 2023, Việt Nam đều là nước có tốc độ phát triển kinh tế số nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và được dự báo sẽ tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu trong năm 2025 với giá trị thị trường 45 tỷ USD cùng tỷ lệ tăng trưởng kép 20%/năm (theo Báo cáo Thương mại điện tử các nước Đông Nam Á năm 2023).
- Kích thích tiêu dùng và tăng trưởng kinh tế
Theo báo cáo của Oxford Economics về tác động của BNPL lên kinh tế Australia, trong năm 2021, BNPL đã tạo thêm 99.200 việc làm mới và đóng góp 14.3 tỉ USD vào GDP. Tác động tổng thể của BNPL lên nền kinh tế đạt mức 1.256 tỉ USD trong năm 2021 bao gồm tiết kiệm lãi suất và phí khi giao dịch cho khách hàng, tăng trưởng trong tiêu dùng và doanh thu, quản lý chi phí hiệu quả trong doanh nghiệp. Đây là minh chứng cho sự ảnh hưởng tích cực của BNPL đối với việc làm, tiêu dùng và tăng trưởng GDP.
Cải thiện tỉ lệ hoàn thành mua hàng và thúc đẩy chi tiêu tiêu dùng, dịch vụ BNPL đã tạo điều kiện cho người tiêu dùng tăng chi tiêu cá nhân, đặc biệt là trong và sau bối cảnh đại dịch Covid-19 khi nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao. Dữ liệu từ Affirm cho thấy, sử dụng BNPL tại các trang thương mại điện tử đã giúp nâng cao tỉ lệ hoàn thành mua hàng lên đến 20 - 30%. Điều này không chỉ làm tăng doanh thu cho các nhà bán lẻ, thúc đẩy chi tiêu mà còn cải thiện trải nghiệm mua sắm cho người tiêu dùng.
4, Một số lưu ý để sử dụng BNPL hiệu quả nhất
Bất kỳ 1 phát kiến mới nào cũng sẽ luôn có 2 mặt và BNPL cũng vậy. Vẫn theo thống kê của CSR Research mà chúng ta đã nhắc đến phía trên về việc thanh toán trong thời gian Covid, khá thú vị là hơn một nửa người dùng (57%) cho biết họ đã hối hận khi mua hàng bằng BNPL vì nó đắt hơn mức thu nhập của họ, và cũng khoảng ½ số người dùng cho biết họ đang chậm thanh toán và dính nợ xấu.
Vì vậy 1 số lưu ý sau đây sẽ rất hữu ích để bạn tránh những sai lầm khi sử dụng BNPL giống như hơn 1 nửa số người dùng phía trên:
- Theo dõi và quản lý kế hoạch chi tiêu để tránh “vung tay quá trán”
Rõ ràng việc mua mà không mất tiền ngay mang đến cho chúng ta 1 cảm giác thoải mái khi xuống tiền thanh toán. Và nếu không kiểm soát được sự “thoải mái” này, chúng ta sẽ dễ rơi vào trạng thái “vung tay quá trán”, mua sắm quá mức mà không kiểm soát được chi tiêu. Con số 57% khách hàng hối hận ngay phía trên có lẽ đã phần nào chứng m inh điều này. Và đừng nghĩ bạn chỉ mua các món đồ giá trị lớn thì mới dễ “vung tay quá trán”, vì ngay cả với các món đồ nhỏ nhưng bạn mua nhiều lần bằng BNPL mà không ghi chép lại thì cũng sẽ bất ngờ về số tiền phải trả cuối tháng đấy.
Để tránh tình trạng này, bạn sẽ cần lên 1 danh sách mua sắm cần thiết trước khi sử dụng BNPL và tự đánh giá xem khả năng trả nợ mỗi tháng của bạn là bao nhiêu. Phần lớn mọi người đều mua trước và tìm cách trả nợ sau, nhưng chúng ta sẽ nên đi ngược một chút, xem khả năng trả nợ trước rồi mới quyết định mua sau.
Ví dụ nếu bạn tính toán mỗi tháng để ra được 10 triệu tiền nhàn rỗi (sau khi thu nhập đã trừ hết các chi phí cần thiết), thì khoản trả góp hàng tháng của bạn chỉ nên thấp hơn, thậm chí chỉ bằng ½ hoặc ⅔ số tiền nhàn rỗi, vì ai biết được sẽ còn những khoản chi tiêu bất ngờ khác như hiếu hỷ, ốm đau, sửa chữa đồ đạc hỏng hóc. Điều này sẽ giúp bạn tối ưu được số tiền nhàn rỗi, không phải chịu áp lực cắt giảm các khoản chi tiêu quan trọng khác để mua hàng, trong khi vẫn có thể tận hưởng lợi ích tiêu dùng từ sản phẩm mà bạn đang trả góp.
- Tránh các khoản phí phạt vì thanh toán muộn
Các bạn có thắc mắc rằng, với các chức năng ưu việt như vậy thì tại sao các bên cung cấp BNPL lại không thu phí hoặc thu phí rất ít từ người mua là các bạn không? Bên cạnh việc có nguồn thu từ người bán, thì họ cũng khá tự tin rằng phần lớn các bạn sẽ rất dễ dính phạt và thế là họ có 1 nguồn kha khá từ đó. Thống kê từ 2 công ty BNPL lớn là AfterPay và Klarna cho thấy khoản phí phạt từ khách hàng thanh toán muộn chiếm 10% doanh thu của họ, 80-90% doanh thu đến từ các khoản hoa hồng mà người bán trả.
Do đó, hãy cố tránh nhất các khoản phí phạt này bằng cách: tìm hiểu kỹ thông tin sản phẩm BNPL, có kế hoạch chi tiêu và trả nợ, đặt lịch trả góp hàng tháng để không quá hạn. Như vậy thì bạn sẽ tận dụng tối đa được lợi ích của BNPL với mức phí rẻ nhất và các công ty BNPL cũng sẽ sợ bạn nhất :))
- Chọn đơn vị uy tín
Do là 1 sản phẩm mới nên ngay cả ở các thị trường quốc tế nói chung và tại Việt Nam nói riêng, các quy định, quy chế về BNPL vẫn còn chưa chặt chẽ và đang trong quá trình hoàn thiện. Các doanh nghiệp vì thế có thể tìm cách lách luật để trục lợi riêng như: tính lãi phạt cao, để nhiều chi phí ẩn,...
Do đó trước khi sử dụng dịch vụ bạn cần chọn các nhà cung cấp BNPL uy tín, đầy đủ giấy tờ, có danh tiếng trên thị trường, các thông tin được công khai, minh bạch.
** Mở rộng: Và nếu bạn đang có nhu cầu nhưng chưa tìm được 1 sản phẩm BNPL phù hợp và 1 nhà cung cấp uy tín, thì sản phẩm Tài khoản trả sau trên ứng dụng thanh toán Zalopay, kết hợp cùng Ngân hàng CIMB (nhà tài trợ của bài viết này) có thể sẽ là sự lựa chọn thích hợp dành cho bạn.
Nhờ lợi thế tích hợp trên nền tảng ứng dụng Zalopay, quy trình đăng ký và phê duyệt của người dùng sẽ được tối giản và thuận tiện nhất. Yếu tố bảo mật được nâng cao và nhiều loại chi phí được tiết kiệm so với các sản phẩm mua trước trả sau khác trên thị trường. Ngoài ra, hạn mức của Tài khoản trản sau trên Zalopay kết hợp cùng Ngân hàng CIMB lên đến 8 triệu đồng, được hưởng lãi suất 0% trong 37 ngày và có thể thanh toán tại hơn 800 cửa hàng, dịch vụ trên toàn quốc.
5, Thay lời kết
Với những lợi thế ưu việt của mình và sự đón nhận của người dùng, BNPL đang nhanh chóng trở nên phổ biến trên toàn cầu và đặc biệt ở các thị trường đang phát triển với tỷ lệ dân số vàng như Việt Nam. Tuy nhiên đi cùng đó cũng là những yêu cầu về mặt pháp lý và nhận thức của người tiêu dùng về thông tin sản phẩm, cách chọn sản phẩm BNPL phù hợp và cách chọn nhà cung cấp uy tín.
Rõ ràng, với bất kỳ sản phẩm vay nào (trong đó có BNPL), nếu bạn hiểu rõ nó và có 1 kế hoạch sử dụng thông minh, thì sẽ luôn có thể tận dụng tối đa những lợi ích đòn bẩy mà nó đem lại nhưng cũng tránh được những tổn thất không đáng có.

Tài chính
/tai-chinh
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất

Quân Đỗ
có phải giống trả góp ko ạ?
- Báo cáo

Anh Tuấn Vũ 

gần giống bạn ạ, nhưng mọi thứ nhanh gọn hơn vì đánh vào tệp khách hàng trẻ
- Báo cáo