Mưa trên cánh bướm: Biểu tượng Nước, Phân tâm học và Nữ quyền sinh thái
Về một bộ phim Việt mình thích
(Bài viết có spoil nội dung phim)
Mưa trên cánh bướm xoay quanh câu chuyện của gia đình bà Tâm, ông Thành – chồng bà và con gái - Hà. Mọi thứ bắt đầu khi bà Tâm phát hiện ra chồng mình ngoại tình thông qua một khung hình trên sóng truyền hình. Để cứu vãn cuộc hôn nhân, bà tìm đến một thầy theo hướng dẫn trên mạng. Trong khi đó, Hà lại chọn hướng tiếp cận hợp thời hơn là manifest để có thể trúng học bổng đi du học, tránh được nỗi thất vọng về cha và gia đình.
Dưới nhãn quan phân tâm học và nữ quyền sinh thái, mình nghĩ có một số hình ảnh nổi bật có thể chia sẻ cùng với mọi người, xoay quanh việc lý giải biểu tượng Nước, vết dột, việc thực hành tâm linh, văn hóa…

Biểu tượng Nước trong phim
Một trong những “nhân vật” chiếm spotlight nhiều nhất trong phim là vết dột trên nóc nhà mà chỉ có những người nữ mới có thể nhìn thấy. Vết dột này bắt đầu xuất hiện trên trần nhà trong phòng ngủ của bà Tâm và chồng, nhưng sau đó cũng lan đến phòng của Hà và cả những nhà khác trong căn nhà tập thể.
Nước gắn với Tính nữ nguyên thủy, truyền thống
Xuyên suốt lịch sử văn học và các diễn ngôn truyền thông, nước luôn gắn với Người mẹ, Người nữ hay Tính nữ. Ta có thể thấy được mối liên hệ đó qua câu “Công cha như núi thái sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”, trong các ẩn dụ giữa nguồn sống của con người với sữa từ bầu vú hay nước trong tử cung (Odent, 1993) và thậm chí là hình ảnh chiếc váy nước quanh đường nét cơ thể người mẫu nữ trong các quảng cáo nước tinh khiết.
Việc gắn kết giữa Nước và Tính nữ hay người nữ tạo nên một biểu tượng được khóa chặt trong tâm trí của ta (Hayman, 2012). Giống như nước, bản năng của phụ nữ là chăm sóc và nuôi dưỡng sự sống, là bao bọc, ôm ấp và vun vén cho những mảnh đất, những người sống quanh nguồn nước ấy. Không chỉ vậy, sự chăm sóc và yêu thương này nếu ví như nước là một nguồn tài nguyên có thể tái tạo, không bao giờ cạn kiệt và không thể đo đếm.
Những biểu tượng này không xuất hiện rõ ràng mà len lỏi và được in vết trong vô thức tập thể của ta. Theo Carl Jung, Vô thức tập thể (Collective unconscious) là một phần của tâm trí được di truyền chung từ kinh nghiệm tổ tiên cho tất cả nhân loại. Vô thức tập thể có sẵn khi chúng ta sinh ra và được thể hiện thông qua các niềm tin văn hóa, biểu tượng, các mô thức suy nghĩ và khuynh hướng hành vi được thừa hưởng từ tổ tiên (Fritscher, 2023).
Quay lại với bộ phim, chính bà Tâm đang chìm ngập trong bể nước vô thức tập thể - nơi các niềm tin văn hóa và định kiến về người nữ in sâu mà chính bà cũng không ý thức được. Bởi “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, một khi không còn quản được chồng, không đẻ được con trai, không còn “gia đình văn hóa” nữa thì chính là lỗi, là thất bại của bà trong vai một người phụ nữ.
Vô thức, Cơ chế phòng vệ và Lối tắt tâm linh
Nước không chỉ được gắn với Tính nữ hay người mẹ, nước còn đại diện cho vô thức – tầng tâm trí khó nhìn thấy và bị che giấu. Trong lý thuyết phân tâm học, tầng Vô thức (Unconscious mind) thường chứa đựng những cảm xúc, nhu cầu và suy nghĩ bị chôn giấu mà ta không chấp nhận và lảng tránh (Cherry, 2023b). Việc từ chối các cảm xúc khó khăn này thường đi kèm với các Cơ chế phòng vệ (defense mechanisms) rất dễ thấy ở trong phim.
Bà Tâm tìm đến tâm linh như một cách hợp lý hóa (rationalization) hoàn cảnh, bà chối bỏ (denial) sự thật rằng: việc ngoại tình không xuất phát các đứt gãy trong mối quan hệ giữa 2 người mà là bởi một thế lực tối tăm nào đó đã bắt mất hồn chồng bà. Bà nỗ lực thỉnh “thầy” đến nhà để trừ tà, chịu đau để xăm mày xăm môi chứ nhất quyết không có một cuộc trò chuyện đàng hoàng nào với chồng với con.
Dù trải qua sang chấn tâm lý liên quan đến người bạn đời của mình, bà Tâm chỉ chọn dồn nén (suppression), chưa một lần bộc lộ sự tức giận hay thất vọng. Trong xã hội mà người nam không được yếu đuối, người nữ phải hiền lành, đức hạnh và tình cảm gia đình chỉ được thể hiện khéo léo không được bộc lộc trực tiếp, đó là những cảm xúc khó mà được chấp nhận và bày tỏ. Hay với Hà, cô cũng chọn đến thực hành tâm linh huyền bí như một cách để giải quyết các mâu thuẫn, bất đồng trong cô với mẹ, cha và gia đình.
Khác với mẹ, Hà là người trẻ tiếp cận với phong trào new age, cô dùng luật hấp dẫn (manifestation) để mong cầu những điều tích cực, mong năng lượng vũ trụ giúp cô có được ước nguyện du học để rời xa khỏi căn nhà này.
Các thực hành của bà Tâm hay Hà còn được gọi là “Lối tắt tâm linh” (Spiritual bypass) – xu hướng sử dụng các ý tưởng và thực hành tâm linh để né tránh việc đối mặt với các vất đề cảm xúc chưa được giải quyết, các vết thương tâm lý và các nhiệm vụ phát triển chưa hoàn thành, theo định nghĩa của Welwood trong cuốn sách Toward a Psychology of Awakening (Cherry, 2023a).
Mặc dù đây có thể là cách để bà Tâm và Hà bảo vệ bản thân khỏi việc khơi gợi những cảm xúc khó chịu khi đối diện vấn đề, nhưng chúng không thực sự giải quyết được điều gì cả. Các thực hành này không khác gì việc bà Tâm và Hà cố gắng lấy đống sơn chống thấm để lấp lại, che đậy lại vết dột.
Nước đại diện cho tầng Vô thức
Nhưng sẽ không một cảm xúc hay nỗi đau nào bị đẩy vào vô thức mà chịu nằm yên, như lời trích của Sigmund Freud: "những cảm xúc không được bày tỏ sẽ không bao giờ mất đi. Chúng bị chôn sống và sẽ quay lại theo những cách xấu xí hơn".
Hình ảnh bọng nước ập xuống mặt Hà hay con quái vật kết tinh từ vũng nước dột trên trần nhà nhầy nhụa ôm lấy bà Tâm chính là những cảm xúc, những tổn thương, những đứt gãy giữa các mối quan hệ mà hai người nữ này đã né tránh và chối bỏ giải quyết. Chúng không hình thành ngày một ngày hai mà tích tụ từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Dưới góc nhìn của Carl Jung, những cảm xúc bị chôn vùi này cũng đã từng len lỏi và kêu gọi được tầng ý thức nhìn thấy, ẩn dụ thông qua tiếng nước chảy lách tách trong đền người thầy tâm linh hay cảnh nước nhỏ giọt long tong xuống sàn nhà.
Cảnh nước cuối cùng trong phim là cảnh 2 mẹ con bà Tâm và Hà cùng trôi nổi trên biển rộng lớn với câu thoại của Hà về sự tự do. Tự do ở đây có thể là sự giải phóng của những người nữ khỏi chiếc “bể” văn hóa mà họ đã bị ném vào. Tự do ở đây có thể là tự do trong việc nhìn nhận, đối diện và giải quyết các nứt vỡ trong nội tâm bản thân và với những người khác trong gia đình. Hai chữ tự do cùng hình ảnh bể nước cũng là từ khóa đọng lại mình sâu sắc nhất sau khi xem bộ phim và sau bài viết này.
Thông qua bài viết này, mong rằng mọi người có thêm một câu trả lời cho câu hỏi “Ai bắt mẹ phải khổ?” của Hà dưới góc nhìn của phân tâm học và nữ quyền sinh thái.
𝐏/s: Mưa trên cánh bướm vẫn còn một số ít suất chiếu ngoài rạp. Mọi người nhớ ra rạp ủng hộ chị Linh, dàn diễn viên và toàn bộ ekip siêu tâm huyết đã làm nên bộ phim chất lượng như này nhó.

WTF
/wtf
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất