Khi nói đến cà phê, chúng ta thường nhắc đến hạt, nơi trồng mà chúng ta quên đề cập đến một yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất của cây cà phê. Đó là hoa.
Như ở bài viết này, tôi có đề cập đến hai mùa vụ quan trọng bậc nhất đối với những người làm cà phê: một là mùa tưới, hai là mùa thu hoạch.
Những năm gần đây, mùa hoa cà phê được nhiều người nhắc đến hơn vì hương thơm ngào ngạt cùng với màu trắng như tuyết. Nhưng chúng ta chỉ nhắc đến hoa vì vẻ đẹp của nó mà quên mất rằng, đây chính là thời điểm quan trọng quyết định năng suất của mùa vụ sắp tới. Người nông dân có thể dự đoán được năm đó năng suất cao hay thấp dựa vào tỷ lệ đậu hoa.
Nếu bạn đang tìm hiểu về cà phê, mong bạn dừng chân ở bài viết này vài phút để tìm hiểu nguyên nhân vì sao hoa cà phê lại đóng vai trò quan trọng như thế. Bài viết này tôi sẽ nói nhiều hơn về mùa tưới tiêu, về hoa cà phê – yếu tố then chốt quyết định năng suất, chất lượng của hạt cà phê.

Hoa cà phê nở khi nào?

Kể từ ngày ươm mầm, trồng cây cà phê non đến khi trưởng thành, lứa hoa đầu tiên xuất hiện sau ba đến bốn năm. Thời điểm ra hoa kéo dài từ hai đến ba tháng. Đối với khu vực Tây Nguyên, mùa hoa cà phê thường bắt đầu khoảng vào đầu tháng giêng kéo dài đến tháng tư.
Một trong những yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến khả năng nở hoa của cây cà phê là lượng mưa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, khí hậu thay đổi làm ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian xảy ra mùa mưa dẫn đến khó kiểm soát lượng nước kích thích ra hoa.
Để có thể bung nở, cây cà phê cần một trận mưa lớn và đủ. Vài tuần sau cơn mưa, cành cây bắt đầu xuất hiện nụ hoa. Mỗi nụ hoa có thể phát triển thành 4 bông hoa và mọc thành chùm dọc theo cành cà phê. Khi nở, hoa có mùi thơm ngào ngạt gần giống như hoa nhài. Tùy vào giống cây, giai đoạn ra hoa sẽ khác nhau. Trong khi Arabica có thể tự thụ phấn thì Robusta dựa vào thụ phấn chéo để phát triển. Hoa của Robusta lớn hơn và số lượng nhiều hơn (khoảng 8-20 cụm trên một cành so với 2-12 cụm trên một cành ở Arabica). Điều này cũng giải thích vì sao Robusta cho năng suất cao hơn Arabica.
Trong thời gian này, người nông dân sẽ không tác động gì đến vườn cà phê, hoa sẽ tự nở và tự rụng. Sau khoảng 4 tuần, hoa cà phê bắt đầu rụng xuống, chúng để lại một cái vòi nhỏ hình tròn được gọi là “lá noãn”, sau đó phát triển thành quả trong vài tháng tới. Quả cà phê tạo ra trong các mô mới hình thành trong các lá noãn.
Ở một số đất nước, vì việc thu hoạch hoa không ảnh hưởng đến sự phát triển của quả nên người nông dân đã sử dụng hoa cà phê để đa dạng hóa thu nhập của họ. Họ thu hoạch để sản xuất trà và đồ uống khác, chẳng hạn như kombucha. Ở Việt Nam, tôi vẫn chưa thấy loại trà này xuất hiện trên thị trường, nhưng biết đâu tương lai trà từ hoa cà phê sẽ dần dần xuất hiện và phổ biến như trà cascara thì sao.

Hoa cà phê quan trọng như thế nào đối với năng suất cây cà phê?

Nếu hoa cà phê có thể bung nở cùng một lúc, quả sẽ chín đồng đều, kéo theo chất lượng hạt cà phê đồng đều. Để làm điều đó, lượng nước cần cung cấp cho cây cà phê phải đồng đều, lượng mưa phải nhất quán và có thể dự đoán được. Hiện tại, lượng mưa ở các nước trồng cà phê đang trở nên thất thường hơn, phần lớn là do biến đổi khí hậu. Và điều này đang gây cản trở cho không ít những người làm cà phê, đặc biệt nông dân ở các tỉnh Tây Nguyên.
Với lượng mưa thất thường, hoa cà phê cũng sẽ bung nở thất thường. Hoa từ một cây hoặc một cành có thể được thụ phấn vào thời điểm khác nhau, dẫn đến thời điểm trưởng thành của quả cà phê khác nhau. Mặt khác, mưa lớn thường xuyên có thể gây ra hiện tượng thối hoa, hoa không có khả năng đậu quả.
Tính nhất quán rất quan trọng đối với việc chăm sóc và thu hoạch cà phê. Nếu một cây cà phê quả chín không đồng đều, người dân cần phải thu hoạch nhiều lần, đòi hỏi nhiều thời gian và công sức hơn. Cũng giống như lượng mưa, nhiệt độ là một yếu tố cần thiết cho sự phát triển của cây cà phê. Các nhà khoa học đồng ý rằng nhiệt độ từ 19 đến 24º C là hoàn hảo để bắt đầu quá trình ra hoa, bất kể vị trí của trang trại cà phê. Nhưng hiện nay, nhiệt độ trung bình tăng kéo theo hoa cà phê giai đoạn ra hoa có thể trở nên kém đồng đều hơn và khó dự đoán hơn.
Khi nhiệt độ trở nên quá cao, người nông dân bắt buộc phải tìm kiếm địa hình đồi núi cao hơn để trồng trọt canh tác cà phê. Nhưng địa hình càng dốc, càng có ít không gian hơn để trồng cà phê và việc thu hoạch trở nên khó khăn hơn.
Tôi còn nhớ những năm bỗng nhiên có một đợt sương muối xuất hiện vào mùa hoa cà phê nở, ai ai cũng đều lo lắng. Mọi người lo vì sương nhiều như vậy sẽ ảnh hưởng đến quá trình ra hoa kết trái của cây. Rồi có những năm bỗng dưng xuất hiện cơn mưa không báo trước và lượng mưa không đủ nhiều để hoa có thể bung nở nhưng đủ để làm thối hoa khiến nguyên một làng ăn nghỉ không yên, đành phải tức tốc chuẩn bị dụng cụ bơm tưới và lên đường ngay lúc đó.

Người dân bơm tưới cà phê như thế nào?

Trông chờ lượng nước đều đặn vào mỗi mùa ra hoa là điều bất khả thi đối với người nông dân, đặc biệt ở các tỉnh Đăk Lăk, Đăk Nông…- vùng đất phân chia thành hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Trong khi mùa hoa cà phê rơi vào mùa khô. Do đó, tưới tiêu là điều duy nhất người dân có thể làm và đây cũng là cách để người ta kiểm soát lượng nước cần cung cấp cho cây cà phê.
Một số hình thức bơm tới được người dân áp dụng nhiều nhất hiện nay:
Tưới mặt: là quá trình phân phối nước trên cánh đồng bằng dòng chảy tràn trên bề mặt ruộng.
Tưới cục bộ: Chỉ tưới trực tiếp xung quanh mỗi cây.
Tưới phun mưa: là phương pháp dùng hệ thống đường ống và bơm áp lực cung cấp nước tưới dạng phun mưa.
Mỗi đợt tưới tiêu, người ta sẽ bơm tưới liên tục vài tiếng, tùy vào mức độ khát nước của cây. Do đó, để đảm bảo đúng tiến độ, việc thức trắng đêm bơm tưới là chuyện rất bình thường. Trước đây, khi kỹ thuật chưa phát triển, người ta chỉ áp dụng phương pháp tưới cục bộ, phương pháp này đòi hỏi rất nhiều thời gian và sức lực của người dân. Chưa kể phương pháp này cồng kềnh vì cần một lượng lớn đường ống nếu nông trại lớn và xa nguồn nước. Khi phát triển hơn, người ta áp dụng tưới phun mưa. Phương pháp này cho phép người dân có thể tận dụng thời gian để nghỉ ngơi hoặc tỉa lá bẻ cành, bón phân cho cây cà phê trong lúc tưới.

Kiểm soát vấn đề stress nước ở cây cà phê

Trong những năm gần đây, các nhà sản xuất cà phê đã bắt đầu thử nghiệm một phương pháp tưới gọi là “kiểm soát stress nước”.
Quá trình này liên quan đến việc hạn chế tưới cây để tạo ra sự ra hoa đồng đều hơn. Phương pháp này đã trở nên phổ biến trong thập kỷ qua. Bằng cách tạm ngừng tưới trong một thời gian dài (lên đến hai tháng), người nông dân sẽ kiểm soát sự ra hoa dễ dàng hơn. Kết quả là quả cà phê phát triển đồng đều hơn, đảm bảo chất lượng và sự đồng đều khi thu hoạch.
Theo nghiên cứu được thực hiện bởi Embrapa, quy trình tưới này sẽ hiệu quả khi được thực hiện đúng cách và có thể hỗ trợ người sản xuất thu được kết quả đồng nhất khi thu mua cà phê.
Các nghiên cứu còn cho thấy cây cà phê chịu sự kiểm soát stress nước không chỉ ra hoa và phát triển quả một cách đồng đều hơn, mà còn cho năng suất cao hơn trong mùa vụ tiếp theo.
Tóm lại, việc kiểm soát giai đoạn ra hoa có thể làm được, và điều này được thực hiện rất tốt ở các nông trại tại các tỉnh Tây Nguyên. Mặc dù vậy, để làm điều đó, người dân cũng phải biết được đâu là thời điểm thích hợp để tiến hành tưới để tránh cây dễ mắc một số bệnh về nấm hoặc gỉ sắt. Đi kèm với tưới tiêu, kiểm soát về chất dinh dưỡng, cỏ dại, sâu bệnh cũng được các nhà khoa học khuyến nghị để đảm bảo hoa cà phê nở đồng đều.
Mặc dù thu hoạch có thể là bước mang lại nhiều lợi nhuận nhất cho người nông dân, nhưng việc nở hoa là một dấu mốc quan trọng trong chu kỳ sản xuất cà phê. Sự biến đổi khí hậu làm cho việc kiểm soát mùa mưa trở nên khó khăn hơn buộc người dân phải học cách thích nghi, cải tiến các phương pháp tưới tiêu. Sự hiểu biết về mối quan hệ giữa sự nở hoa đồng loạt và năng suất của nông trại là rất quan trọng đối với người sản xuất cà phê. Hy vọng bài viết này đã giúp bạn hiểu hơn về cây cà phê, những khó khăn mà người nông dân phải đối mặt để tạo ra hạt cà phê chất lượng.