Lưu Quang Vũ là nhà biên kịch nổi tiếng của Việt Nam. Cái chết của ông cùng vợ là nhà thơ Xuân Quỳnh và con trai Lưu Quỳnh Thơ vào những năm 80 của thế kỉ trước là sự đau xót và thương tiếc của văn đàn Việt Nam và những ai quan tâm. “Sự thật” chính là đề tài chủ yếu trong các tác phẩm của Lưu Quang Vũ, cùng với việc lên án những tiêu cực, thói quan liêu đối phó của một bộ phận con người trong xã hội đương thời. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến như: "Tôi và chúng ta", "Hồn Trương Ba da hàng thịt"… và một tác phẩm gần gũi với tuổi học trò, cũng lên án những tiêu cực trong lĩnh vực giáo dục cùng câu chuyện của những con người đấu tranh với những tiêu cực đó. Đó là vở kịch “Mùa hạ cuối cùng”. Khi tình tiết đề thi bị lộ trong vở kịch dần được tìm ra, có một câu nói của một nhân vật làm tôi trăn trở: “Mỗi chúng ta chẳng là gì hết. Cái thành phố nơi chúng ta đang ở chỉ là một chấm nhỏ xíu trên quả địa cầu. Mỗi chúng ta chỉ là con người bé nhỏ sống trong thành phố ấy mà quả địa cầu cũng chỉ là một chấm nhỏ trong vũ trụ vô tận. Chúng ta gắng sức mà làm gì? Mọi cái đến rồi đi. Tất cả mọi chuyện cũng chẳng là gì, rồi tan biến hết.” Như vậy, có phải những nỗ lực của con người là vô nghĩa, là nhỏ bé để rồi mọi thứ tan biến hết, ý nghĩa phấn đấu của đời người trở thành con số không hay không?
Trước tiên, phải xem lại câu nói của nhân vật là đồng nghiệp của thầy giáo Hiển - người tìm sự thật của việc lộ đề thi. Với góc nhìn của mình, thầy giáo này thấy được rằng, sự tồn tại và hiện diện của con người là quá nhỏ bé. Thật vậy, góc nhìn của khoa học cũng tương đồng. Loài người chỉ là một sinh vật nhỏ bé tiến hoá trong sinh quyển của tự nhiên, nơi mà hàng triệu năm trước được thống trị bởi khủng long. Khoảng thời gian con người có mặt trên Trái Đất bằng vài phần trăm thời gian ngự trị của khủng long, và chẳng thấm vào đâu so với nhiều tỷ năm tồn tại của Trái Đất. Mà Trái Đất là một phần của Hệ Mặt Trời, Hệ Mặt Trời lại là một phần của Dải Ngân Hà. Trong vũ trụ rộng lớn bao la, có vô số “Dải Ngân Hà” tương tự. Vũ trụ là vô tận, rộng lớn hơn khả năng tưởng tượng của con người rất nhiều. Chứng kiến sự rộng lớn bao la của vũ trụ, bằng cảm tính tự nhiên, con người ta dễ run sợ khi thấy sự nhỏ bé của mình cùng với sự phân vân: phải chăng mục đích sự tồn tại của con người là vô nghĩa, khi mà mọi thức có lúc sinh ra thì sẽ có lúc hoại diệt, ngay chính loài người cũng vậy? Loài người sống để làm gì, rồi mọi thứ cũng đến ngày kết thúc?
Khi đọc câu nói của thầy giáo ấy, tôi chợt nghĩ đến điều như vậy, khi mà tư tương của thầy là con người quá nhỏ bé, phấn đấu, điều tra sự thật, đòi sự minh bạch tốn công làm gì, khi mà rồi mọi thứ trên đời rồi cũng “tan biến hết”. Ý tưởng này đem lại câu hỏi còn là về mục đích tồn tại của con người. Tôi có thể hỏi lại: “Vậy thầy sống trên đời để làm gì? Khi mà ai sống rồi cũng chết, thế sao không chết trước luôn cho rồi?” Không! Đối với tôi, chính vì tất cả “rồi tan biến hết”, ai cũng sẽ chết, đời người chỉ sống được có một lần, nên tôi phải sống sao cho đáng sống, làm cho đáng làm những việc tôi muốn, bởi tôi chỉ sống có một lần thôi. Nguyễn Hiến Lê có một câu nói, đại ý là sự tồn tại của con người chỉ có ý nghĩa duy trí nói giống, tiếp tục sự sống trên đời; còn lại là vô nghĩa; cho nên chính con người phải đặt ra mục tiêu sống cho mình. Có thể điều đó đúng với tôi, những không đúng với người khác, rằng tôi phải làm gì đó là một sự nghiệp lớn để lại ích lợi cho loài người mai sau, và cái ơn tưởng nhớ đến bậc sinh thành, đó là mục đích, là cái đem lại cảm giác hạnh phúc cho tôi chẳng hạn. Còn với người khác, cuộc đời họ muốn yên bình, muốn im lặng sống an phận, thì đó là cách sống và là niềm hạnh phúc với cuộc đời của họ. Còn đối với tôi, sống như vậy là phí quá. Vì tôi chỉ sống có một lần, nên tôi phải sống sao cho đến khi cuối đời nhìn lại, tôi không cảm thấy hối tiếc vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí. Đó là niềm hạnh phúc của tôi trong cái vũ trụ rộng lớn, bao la đó. Đừng lấy lí do sự nhỏ bé của con người, sự rộng lớn của vũ trụ, sự vô thường biến đổi của cuộc đời mà nguỵ biện cho thái độ sống thụ động, tiêu cực. Chính vì thái độ sống đó là tiêu cực, nên trong hoàn cảnh của vở kịch cũng là một trường hợp đưa ra những hậu quả tiêu cực. Khi đề thi bị lộ bởi những thủ đoạn và “thế lực” can thiệp, thì liệu có công bằng không cho những ai học thật, thi thật? Khi người thầy chấp nhận bán rẻ lương tâm làm lộ đề thi thì chính là đang mở ra cho mình nhiều cơ hội mắc những sai lầm khác. Rồi mấy ai cố công học tập chân chính, hay cứ tà tà dùng “thủ thuật” đi thi, đậu tà tà, lên lớp tà tà, tốt nghiệp tà tà rồi sẽ trở thành những người chủ nhân tà tà trong một đất nước tà tà ở tương lai? Ý nghĩa vốn có của nghề giáo dục thiêng liêng trong sáng đâu còn gì nữa.
Chính vì lẽ đó, tôi không đồng tình với câu nói của thầy giáo ấy. Khi người ta còn tồn tại và cho phép mình tồn tại, thì người ta phải sống sao cho đáng với sự tồn tại của mình, đừng lấy lí do nguỵ biện cho thái độ tiêu cực, muốn an nhàn để sống tới cuối đời.
Cảnh trong vở kịch "Mùa hạ cuối cùng"
Chính vì việc lựa chọn lí tưởng sống quyết định thái độ của con người khi phải đối mặt với những hoàn cảnh mà sự thật bắt buộc người ta phải lựa chọn, nên điều này định hình ra những cách sống, những kiểu người khác nhau. Tiêu cực thì ở đâu cũng có cả, nhưng điều đáng lo ngại là một môi trường trù dập, làm khó người chống tiêu cực, thì môi trường đó cũng tiêu cực luôn rồi. Chính vì điều này, khi nhìn lại cái chết của gia đình nhà viết kịch Lưu Quang Vũ năm xưa, có ý kiến cho rằng, phải chăng vì ông viết thật quá, viết đúng quá, những tư tưởng quá mới và lên án cái tiêu cực đương thời nên hậu quả mới xảy ra? Phải chăng, việc ông tham gia hưởng ứng tích cực phong trào “Nói thẳng, nói thật” cũng giống phong trào “Trăm hoa đua nở” ở Trung Quốc, khả năng đó lại là cái bẫy của chính quyền làm lộ mặt những người bất đồng chính kiến? Nếu quả thật vậy, thì đâu khác gì những trường hợp người tố cáo tiêu cực bị trừ khử, trù dập, lấy gì làm điểm tựa cho niềm tin, cho ánh sáng nơi sự thật?
Đối với tôi, câu trả lời cho câu hỏi này nằm ở nội lực của bản thân mình. Khi đủ chín chắn và trưởng thành, con người đủ sức hiểu hoàn cảnh và vấn đề mình đang gặp là gì. Lúc đó, nếu biết vấn đề mà mình gặp và môi trường mình đang ở thật sự tiêu cực như vậy, người đó cũng tự hiểu rằng sẽ không thể phát triển cho bản thân và cho tổ chức hay làm lợi ích cho cộng đồng ở một môi trường như vậy. Tuỳ điều kiện và hoàn cảnh, người đó quyết định có ở lại môi trường đó hay không. Nếu chọn ở lại thì phải tạo sự thay đổi, giải quyết những tiêu cực thì mới phát triển được. Nếu chọn ra đi, đó là sự lựa chọn bất đắc dĩ khi hoàn cảnh bắt buộc. Và khi đó, nếu đủ thực lực, người ta sẽ có rất nhiều lựa chọn. Tôi tin rằng, trên đời này không thể không có nơi nào mà phù hợp cho sự phát triển. Gặp những tiêu cực ở trường học này thì có trường khác tốt hơn, ở tổ chức này thì có tổ chức khác tốt hơn, hay ở nơi này tiêu cực thì có nơi khác tốt hơn, phù hợp cho sự phát triển. Điều duy nhất phải đắn đo và xem xét chính là năng lực của bản thân. “Con chim bay giỏi không sợ cành cong”, bản thân có năng lực thì sợ gì không tìm được chỗ phù hợp? Chỉ có người kém năng lực mới phải sống chui rúc, chịu im lặng cúi đầu để đổi lại cuộc đời an nhàn.
Với sự tự tin và lòng kiên định, người quyết định ra đi sẽ có tinh thần mạnh hơn bao giờ hết. Những trường hợp buồn chán chỉ xảy ra ở những cá nhân vị kỉ. Khi người ta có lí tưởng tốt và trong sáng, phấn đấu vì lí tưởng vị tha, có thất bại phải ra đi người ta cũng không buồn. Nỗi buồn chỉ đến với sự vị kỉ, rằng những phấn đấu có mục đích đạt được trong thâm tâm là dành cho cá nhân mà thôi.
Như vậy, người đấu tranh vì sự thật phải có một cái tâm trong sáng, nói được thì làm được, và làm tới cùng, thì sẽ không có chuyện buông xuôi. Những trường hợp như Cù Huy Hà Vũ và Đỗ Việt Khoa từng đem tới cho dư luận những sự hi vọng đổi mới, khi những gì những người này nói có vẻ mới mẻ và được ủng hộ. Tuy nhiên, khi nói chuyện trực tiếp với những người này, người ta có cảm giác họ là những người đánh trống, tiếng trống lớn vang xa và họ ngồi trong thùng trống thưởng thức. Họ lên tiếng là vì cái tôi, vì bản ngã của họ, được mọi người chú ý, thích cái cảm giác được mọi người đề cao. Họ nói được mà đâu làm được. Kết quả của họ ra sao, mọi người đã rõ.
Tôi sống hết mình, vì tôi chỉ có một lần để sống mà thôi. Tôi tin cuộc sống rất công bằng, ánh sáng và sự thật sẽ đến với những người sống vì lí tưởng và bảo vệ ánh sáng, sự thật.
Bài dự thi S2 2018