Năm nay mùa cau úa, người nông dân lại cười. 
Năm nay lúa được mùa, từng bông trĩu nặng gục đầu trên thân nhỏ, đứng kiên cường trước những cơn gió Lào. Bác Đào năm nay cườ nhiều, lúa nhà năm nay tốt nhất cánh, lúa cứ mơn mởn, bông to hạt mẩy trông thích mắt. 
Vậy là sau bao những tháng ngày tần tảo, mùa lúa năm nay lại được, đám cưới có bớt buồng cau đẹp cũng chả sao, chỉ cần thóc đầy bồ, lúa đầy chum là cô dâu chú rể, rồi bác Đào đều cười hết. 
Nhà bác Đào trồng có ba sào lúa, mảnh ruộng đi vài đường cấy là hết, nhưng đó là cái nôi nuôi bác Đào, bác Bằng trong cả nửa năm, là lương thực đưa những chú mê con lớn phổng phao, nuôi Tâm trong những tháng ngày sống tạm bợ nơi Hà thành tấp nập. 
Ngày Tâm về thăm quê, cánh đồng thơm mùi lúa ương làm Tâm ngây ngất. Mùi hương kỳ diệu ấy đánh bật những bụi bặm, xô bồ của thị thành ra khỏi tâm hồn Tâm, ra khỏi tâm trí Tâm. Những bông lúa trĩu hạt, cứ đung đưa đung đưa trong những cơn gió chiều nhè nhẹ, làm lòng Tâm bâng khuâng. Ngồi giữa cánh đồng chiều một lúc, Tâm hít thật sâu cái mùi lúa ương khó mà nhận ra, rồi mùi cỏ xanh, mùi của đồng nội, lẫn với mùi của bùn sâu, tất cả cứ quện vào nhau, rồi lại tách ra, chúng dấy lên một điệu làm rung rinh tâm hồn, chúng đùa vui với khứu giác, rồi lại trở về sau làn cỏ, sau lớp bùn để lại mình Tâm kiếm tìm mãi chẳng thấy mùi hương.
Cái mùi ấy, chả dám quên, mà cũng chả dám nhớ, chỉ sợ da diết quá, lại bỏ tất cả lại Hà Nội, rồi về với bác Đào, về với quê, với hương đồng gió nội. 
Người ta bảo, làm gì có cái mùi lúa ương, có chăng là mùi rơm khô cháy nắng, hay mùi lúa hạt mới vò xong, mùi rơm tươi, mùi rơm mất nắng, chứ cái mùi lúa ương, làm gì dễ nhận ra. Nhưng mà Tâm ngửi thấy, giữa những tia nắng vàng nhẹ dịu của vùng đồng quê còn xanh màu cỏ, Tâm thấy cái mùi lúa ương sao mà da diết thế, cái mùi ngửi thấy đã thấy mát hết cả lòng. Nó đâu có vương mùi mồ hôi như rơm, như thóc, chỉ còn vương chút nhọc nhằn của bác Đào, đong đầy sự mơn mởn của niềm vui và sự trẻ trung. 
Ngửi thấy mùi lúa ương, là biết đã sắp vào vụ rồi, sắp được quần trong đống rơm khô được nắng, sắp được sấp mặt chạy lúa trước mỗi cơn giông, sắp được đổ mồ hôi mồ kê để đổi lại những bao lúa đầy, nặng. 
Rồi, lại một mùa nữa cau úa, thôi, lúa không đau là được rồi!!!