Hôm Trung Thu, mình tắt máy tính hơi trễ, kiếm cái gì đó ăn tối rồi tự nhiên thấy nhớ nhà, mình gọi điện về hỏi Ba đang làm gì đấy? Ba mình bảo khi chiều mới gọi mà sao giờ gọi nữa, có gì không thì nói nhanh cho Ba nằm xem Tiktok. Mình nghe Ba nói mà dở khóc, dở cười. Ba cho con gái ra rìa thật rồi. Mình đùa vậy rồi bảo Ba xem tiếp đi, con gọi về hỏi thăm tí thôi.
Cúp máy, nhận được tin chị Hà nhắn rủ “sang nhà chị chơi Trung Thu đi”, mình vẫn còn hơi tủi thân vì vụ bị Ba cho ra rìa, phần cũng vì muốn tận hưởng Trung Thu một mình giữa mùa giãn cách, nên nhắn chị là mình không sang. Ban đầu mình định đi xem phim, nhưng rồi lại không muốn xem nữa, mình bắc ghế ra ban công, ngồi ngắm sao trời.
Nhìn lên ông Trăng tròn vành vạnh, nhớ nhà, rồi nhớ lại câu nói lúc nãy của Ba, trong lòng mình là một cảm giác gì đó rất khó tả, vui buồn lẫn lộn.
Mình vui, vì Ba đã bắt đầu “làm bạn” với công nghệ, với mạng xã hội, đã phần nào có thể bắt kịp với những xu hướng mới, thậm chí còn cập nhật hơn cả con gái. Ba mình xem mục “learn on Tiktok”, chia sẻ rất nhiều tips hay giúp cải thiện chất lượng cuộc sống hàng ngày, có cả những cách tự học rất thú vị nữa. Ba gửi qua Zalo rất nhiều video tải về từ đó cho mình, trong khi mình còn chẳng biết là có mục đó trên Tiktok cho đến khi xem những video Ba gửi. Mình chỉ toàn nghĩ Tiktok là một mạng giải trí xem cho vui vẻ, đời mình đủ vui rồi thì cũng không cần thêm.
Thế tại sao lại buồn? mình cũng không rõ nữa, chắc vì nghĩ…Ba không nhớ mình chăng? Dù biết là không phải như vậy, Ba vẫn luôn là người nhớ, thương và bênh vực mình nhiều nhất nhà. Ba mình, tình cảm lắm.
Thực ra, điều khiến mình băn khoăn suy nghĩ là liệu Tết Trung Thu rồi có mai một đi trong tâm trí tụi mình không nhỉ? Từ mấy năm trước mình đã bắt đầu thấy Trung Thu tẻ nhạt dần, đến năm nay thì dường như chẳng còn thấy Trung Thu đâu nữa, rồi sang năm, sang năm nữa thì sao? Rồi một ngày nào đó, mình sẽ chẳng còn nhớ gì đến Trung Thu mất hoặc Trung Thu trong mình chỉ là vài chiếc bánh dẻo, bánh nướng được tặng, được cho, đem nhâm nhi với tách trà ấm, chỉ còn vậy thôi hở?
Nào đâu chiếc đèn ông sao năm cánh tươi màu, nào đâu những câu ca dao, câu hát vè về Trung Thu về chú Cuội, chị Hằng. Nào đâu những câu chuyện phá cỗ đêm Trăng Ngoại kể (Ngoại mình kể về mâm cỗ đêm Rằm với rất nhiều thơm thảo mà sao giờ trong đầu mình chả còn nhớ gì, ngoài gói cốm xanh và quả bưởi hồng huhu). Nào đâu những thức bánh, thức quà bình thường dành dụm mãi mới mua được để ăn, đến Trung Thu thì sẽ được các bà, các cô gói trong một chiếc túi với đầy đủ món, đưa lên so to bằng cả khuôn mặt, sướng rơn. Các anh chị  sẽ cho chơi những trò chơi tập thể rồi bắt xếp hàng ngay ngắn, phát quà cho từng đứa một. Thế đấy mà gợi lên bao sự háo hức, mong chờ đến Trung Thu trong lòng đám trẻ con tụi mình. Nào đâu buổi tối sáng Trăng nối đuôi nhau đi theo tiếng trống Lân khắp làng khắp xóm, đến nhà nào cũng chỉ múa một bài y hệt nhau mà đám trẻ con tụi mình đi theo không bỏ sót một nhà nào, chen chúc nhau đến cả lụt mồ hôi, ướt đẫm áo, vẫn cứ theo mãi đến tận khuya không chịu về. 
Mình muốn được hòa chung vào không khí đó một lần nữa…
Nghĩ vậy, mình đứng dậy đi tìm cái gì đó để làm lồng đèn, tự vui Trung Thu với chính mình. Mình lấy chiếc đèn xông tinh dầu đổi màu, buộc dây vào tạo thành chiếc lồng đèn, hơi “công nghiệp” một chút nhưng mùa này mà, có còn hơn không. Trong hương cam thoang thoảng, cùng chiếc lồng đèn bất đắc dĩ nhấp nháy ánh xanh ánh đỏ, vài múi bưởi, quả nho mình có trong nhà, cùng bài nhạc tùng dinh quen thuộc, dưới ánh Trăng vàng, mình đã có một đêm Trung Thu không mạng xã hội, không smart-phone, không bị quấy nhiễu bởi bất kỳ điều gì cả. Trọn vẹn.
Mình làm điều đó, để những ký ức về Trung Thu vẫn mang đến cho mình những rung động, để mình còn thấy yêu thích Trung Thu, để tiếp tục nuôi dưỡng tình cảm đó cho đến mãi sau này, và tiếp tục gieo vào lòng bé con của mình về niềm háo hức và yêu mến Tết Trung Thu, yêu mến những giá trị truyền thống, dù là giản đơn nhất. 
Dầu cho, mình cảm nhận được rằng Trung Thu qua từng thế hệ sẽ rất khác nhau, như thời của Ngoại mình thì sẽ là ngồi quây quần dưới cây đa, sân đình, bên chiếc mẹt tre làm mâm cỗ với nến, hoa và đủ loại bánh trái, dưới ánh Trăng, nghe Ông Bà kể chuyện chị Hằng…Đến thời của mình thì là những trò chơi tập thể cùng nhau trên chiếc sân rộng ở hội trường xã, những túi quà bánh trái mà ở thời điểm ấy là quý hơn cả vàng (mình đoán vậy, vì lúc ấy mình cũng đã biết vàng nó giá trị thế nào đâu), và sau đó lẽo đẽo đi theo lân đến tận khuya. Mình không biết là đến thời của con mình, Trung Thu sẽ khác đến như thế nào, nhưng mình mong sau này, các bạn ấy vẫn sẽ được tiếp cận với một Trung Thu gần với truyền thống nhất, vẫn cảm nhận được ý nghĩa của ngày Tết Trung Thu. 
Để được như vậy, có lẽ sẽ cần chính mình nuôi dưỡng, giữ gìn, ngay từ bây giờ, bằng những việc làm nhỏ bé nhất.
Ảnh chụp Tết Trung Thu năm 2015.
Ảnh chụp Tết Trung Thu năm 2015.