Đó là một buổi sáng trời đầy nắng, cái oi bức của buổi sớm mai khiến người ta cảm nhận được cái nóng gay gắt của tiết trời những ngày cuối tháng sáu. Lâu rồi tôi không bước chân ra khỏi nhà. Vì, để an toàn cho bản thân và giảm áp lực không cần thiết cho xã hội cùng chung tay dập dịch để quay lại cuộc sống bình thường nhanh nhất có thể. Tuy nhiên, hôm nay tôi ra khỏi nhà vì có việc cần phải ra ngoài.
     Con đường sớm mai quen thuộc trong mắt tôi ngày nào đông đúc bữa nay trở nên thưa thớt. Phố xá im lìm, cửa đóng kín trừ những thứ thiết yếu. Mấy bận đi từ bên này qua bên kia thì phải nhích từng chút chút một, mồ hôi nhễ nhại nhưng những ngày này đi cái vèo chớp mắt đã tới nơi.
Ngân hàng nơi tôi ghé qua, đo nhiệt độ, khai báo y tế những thủ tục sức khỏe đầu tiên cần thiết trong mùa dịch. Sảnh chờ vắng teo lạnh lạnh cảm giác như đang ở bệnh viện lúc nửa đêm. Thủ tục giao dịch nhanh chóng trừ cái việc phải mất quá nhiều thời gian khai báo y tế vì mạng internet quay mòng mòng.
      Đứng ở quầy đợi chờ xử lý giao dịch, cô nhân viên che kính kín mít nói chuyện tôi vui vẻ nghe mà tiếng được tiếng mất qua hai lớp kính. Chung quy là tình hình dịch bệnh sao thấy lo cho ở quê nhà quá. Vì cổ thấy tôi cùng quê với cổ nên đồng cảm tâm tình. Cuộc chuyện trò từ hai người xa lạ trở nên thân quen vì gốc gác cùng quê. Tôi ngó nghiêng ngó dọc hỏi:
- Gửi tiết kiệm một năm thì lãi suất bao nhiêu bạn?
Cô nhân viên bảo, gửi một năm kèm điều kiện mới được gửi chị. Giờ không nhận gửi một năm như trước. Tôi đứng giấu đôi mắt sau cái đít chai ừ, à! Vì tôi nào có tiền để gửi một năm, hỏi cho biết tình hình kinh tế này kia cho dui thôi.
Xong công việc chạy ngang con đường chợ quen thuộc toàn thấy băng rôn màu đỏ chóe chữ vàng ruộm. "Không đi lối này, để phòng dịch xin mời đi lối khác." Tiếng loa phát thanh vang vang khắp phố. “Gửi xe đi vào chợ khai báo y tế.” Nhìn thôi đã thấy lạnh cả người nên nào dám dô vọt xe chạy thẳng luôn. Dọc gần chợ những người bán trái cây ngày nào đã chuyển sang bán rau củ. Giá thì đắt gấp đôi thường ngày, có thể nói là giá cắt cổ thời buổi kinh tế khó khăn này. Tôi ghé vào lựa mua vội một kg chanh rồi thôi.
Tự nhiên, không biết đời sống mọi người như thế nào trong cảnh này. Có lẽ, người ảnh hưởng nhiều nhất chính là người ít tiền, người sản xuất và người tiêu dùng. Nỗi khổ giữa người mua và người sản xuất thấy rõ ràng nhất lúc này. Người nông dân không tiêu thụ được nông sản bán rẻ như cho. Người mua đang choáng váng với giá cả tăng phi mã. Và những người ít tiền thì chật vật để tồn tại giữa tình hình ai cũng có thể là F này F kia.

Hỏng biết vài năm tới sẽ sống thế nào? Hạnh phúc ra làm sao?...  Một bài toán khó muôn đời người ta luôn đi tìm lời giải. Mà bài toán cuộc đời rất khó giải, đáp án nào đúng đáp án nào sai. Mặc dù, một số người cứ bảo đáp án này là đúng và tán thành nhưng ai đó lại thấy sai sai ở đâu đấy. Làm gì có đáp án đúng sai tuyệt đối ở cuộc đời này, chỉ là… hợp tình hợp lý chưa thôi.
Người bán cũng vì miếng cơm manh áo. Người mua có người nhiều tiền và ít tiền. Dịch bệnh ở nhà thì lấy tiền đâu ra trả phí sinh hoạt, chi trả khi giá cả leo thang... Tôi đã ở nhà từ rất lâu vì may mắn tôi không bon chen ở bên ngoài để mưu sinh.

Hồi đó tôi nghĩ, ở nhà một thời gian ngắn cũng không sao? Tuy nhiên, chứng kiến chuyện của buổi xế trưa hôm nay khiến tôi giật mình. Mới nhận ra, xã hội này có nhiều hoàn cảnh không phải ai cũng giống ai… Tự nhiên, tôi thấy có những cái cấm chỉ mang tính chất gì đó mà tôi không diễn tả nổi. Người ta chưa chết vì dịch thì đã chết vì đói. Không phải người ta không sợ dịch bệnh mà vì không đi làm buôn bán thì lấy tiền đâu mà sống. Và nếu, hàng cung ít hơn hàng cầu thì giá cả leo thang người ta không đủ tiền thì sao mua nổi. Đâu phải ai cũng có điều kiện giống ai. Rau thường ngày mười lăm ngàn một kg là đã thấy cao rồi, bữa nay lên gần ba chục nghìn đồng, có khi lên cả năm chục nghìn đồng một kg nếu vào siêu thị. Trong khi nông dân thì đổ bỏ vì giá rẻ, không bán được. Quả là một bài toán khó, thật sự khó nếu tình trạng này kéo dài.

Chạy xe ngang chợ, đông đúc người nhưng sao cứ thấy bơ vơ, lạnh lòng, trống vắng dữ dội.

Tiếng xe trật tự, tiếng loa, dòng người thưa vắng của buổi chợ gần trưa hôm nay khác với mọi hôm kéo tôi trở lại. Tôi thấy cuộc sống này thật vô thường. Đời, từ khi khi sinh ra ta đã bắt đầu một kiếp khổ hạnh theo nhiều kiểu khác nhau.

Một anh chị bán rau dọc hiên nhà thường ngày phải dẹp dọn vì trật tự bắt, một anh bán dừa phải chạy thật xa vào con hẻm để bán hai trái dừa cho tôi. Phía sau là tiếng còi xe, tiếng loa oang oang. Tôi tự hỏi mình tình trạng này kéo dài bao lâu? Giải pháp thế nào để gỡ rối trong tình cảnh này... nhưng chẳng có câu trả lời.
Tôi buồn, tôi tìm kiếm cái gì đó hỏi cho vơi bớt những cái không vui:
- Mùa này bán được không anh?

Anh bán dừa nhăn mặt mà rằng:

- Cũng tạm mà bị dí quá!

Tôi cũng lắc đầu ngao ngán. Vì có lúc, tôi cần mua trái cây cần thiết cũng chẳng biết mua ở đâu. Siêu thị thì không phải loại nào cũng có mà giá cả mùa này cũng trên trời. Tự nhiên, nghĩ đến người không có tiền giữa mùa này phải sống làm sao… Nghĩ thôi đã thấy buồn và hoang mang. Tôi nói bâng quơ.
- Dịch bệnh thế này, bán cũng không được mà nghỉ bán cũng không xong...

Một câu nói bỏ dở. Vì tôi thấy, có cấm, có bắt người ta cũng phải tìm cách để đi bán. Bởi, xe nước dừa, rau củ, trái cây… là cần câu để họ kiếm cơm nuôi gia đình của họ. Không đi câu lấy cơm đâu ăn chẳng lẽ cả nhà chết đói. Chung quy lại là cần tiền để chi tiêu. Khi dịch bệnh tràn lan, đời sống khó khăn mà giá điện tăng, xăng tăng, chi phí sinh hoạt tăng thì làm sao sống nổi. Nếu không trong hoàn cảnh của họ sao biết họ phải vật vã như thế nào để mưu sinh. Dù có những quyết định có vẻ rất hợp lý nhưng về tình thì sao. Và trong hoàn cảnh của họ mới hiểu vì sao họ phải ra đường khi biết có nguy hiểm và đem lại nguy hiểm cho người khác.

Anh nhìn tôi vẻ mặt mệt mỏi, nói:

-Anh mệt mỏi quá rồi!

Tôi cầm hai trái dừa chỉ biết lặng im, tôi cũng mệt mỏi cũng buồn… nhưng tôi biết nói gì đây ngoài im lặng. Cảm xúc mệt mỏi trong anh bật thành câu nói và câu nói đó, nói hộ lòng của biết bao người trong đó cũng có tôi. Tôi trả tiền, cảm ơn anh và phóng xe về nhà. Tôi quên luôn mình cần đi siêu thị mua những đồ cần thiết khác vì lâu lâu tôi mới ra ngoài một lần.

      Có lẽ, những cảnh buồn hôm nay đã ảnh hưởng đến tôi theo một hướng nào đó. Tôi thấy mình may mắn, tôi không phải bon chen ra ngoài bán mặt cho nắng, bán lưng cho trời. Dịch này đa số ai ai cũng bị ảnh hưởng. Nhưng cấm buôn bán với xe đẩy, những người thường ngồi một góc đường liệu có hợp lý. Việc nông sản thu hoạch không tiêu thụ, không bán được đành vứt bỏ. Trong khi người cần mua lại mua với giá cao ngất ngưởng... Một bài toán lớn đi kèm nhiều bài toán nhỏ cần phải giải quyết. Tôi cũng chẳng biết bài toán đó trong thời gian tới sẽ được giải như thế nào? Nhưng tôi thấy buồn, hoang mang và tôi biết có nhiều người cũng có cảm xúc như tôi. 
Cuộc đời này nào có đáp án đúng sai tuyệt đối nhưng cần những giải pháp hợp tình, hợp lý vì nó rất cần trong cuộc sống này... Một ngày, cho tôi nhiều cảm xúc.

_Phú Trên Mây_