Giữa một loạt làn sóng tin tức không mấy tích cực ngày nay, mở mắt ra chúng ta tiếp xúc với điện thoại, chúng ta phải đối mặt với nhiều xu hướng thay đổi liên tục trong cuộc sống, liệu sự thay đổi ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?

1, Ảnh hưởng đến sự thân mật

Ngày nay, chúng ta sẽ dễ dàng tìm kiếm đến những cuộc tình một đêm, những màn hẹn hò chóng vánh được thách thức bởi cái tôi cá nhân, hay thậm chí có nhiều dịch vụ người yêu theo vụ mùa.
Có quá nhiều hình thức có thể tiếp cận và gặp gỡ, thông qua Omegle có thể chat với người lạ mà mở đầu màn chào hỏi là những câu gạ tình, Tinder, Bumble được điều hướng sang Zalo để hạn chế đi những sự soi xét vào cuộc sống cá nhân vì sự vô trách nhiệm trong các mối quan hệ, vô vàn các ứng dụng hẹn hò toàn muốn ôm, hôn vồ vập trong khi chưa biết mặt nhau như thế nào, chưa có màn giới thiệu, chào hỏi ra sao.
Chat trên Shopee để ngoại tình, dùng X (Twitter) để mua dâm, dùng OnlyFan để xem nội dung khoả thân trả tiền, Telegram để trèo kéo vào hội nhóm xem ảnh nú dè. Đa phần những ứng dụng này đều bị ảnh hưởng bởi làn sóng thay đổi của công nghệ tới cuộc sống hiện đại.
Khi mọi thứ chúng ta tiếp cận quá dễ dàng chỉ qua tin nhắn hay vài cú lướt trên màn hình điện thoại, sự thay đổi của làn sóng công nghệ vô tình ảnh hưởng nặng nề tới sự thân mật thuần tuý của con người. 
Nếu bạn có đọc các tiểu thuyết như "Pride and Prejudice", "Jane Eyre", "Little Women" vào thế kỷ XVI, XVII con người ta phải trải qua muôn vàn những định kiến giai cấp mời dám chạm tay nhau, phải qua nhà hỏi thăm chính thức và được sự đồng ý của cha mẹ mới được phép hẹn hò.
Sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ đã khiến cho sự thân mật dễ dàng hơn, nhưng gần như chúng ta chẳng hề có những sự kết nối sâu sắc dành cho nhau nhiều như trước nữa. Xã hội từ đó tạo ra những cá thể hướng nội, chui dần vào trong chiếc kén của mình vì sợ hãi tiếp xúc. 
Tôi tự hỏi, liệu sự thay đổi nhanh chóng mặt của làn sóng công nghệ có khiến cho con người ta hời hợt trong cảm xúc, ngày càng trở nên vô cảm hay không. Còn nỗi sợ FOMO (fear of missing out) vì không kịp sử dụng những công nghệ mới nhất cho thấy dấu hiệu bản thân thụt lùi.

2, Ảnh hưởng tới công việc

Theo một số báo cáo, gen Z được cho là thế hệ gắn kết trong công việc thấp nhất trong các thế hệ đi trước, thời gian gắn bó của họ chỉ lên tới 1,5 năm. Nhìn lại thế hệ ông bà cha mẹ ta, có những người đi làm 40 năm rồi về hưu, điều đó dễ dàng cho thấy khoảng cách thời gian và sự gắn bó trong thế hệ trẻ ngày nay càng ngày càng thưa thớt hơn.
Họ sẵn sàng dành nhiều thời gian tương tác trên mạng xã hội nhiều hơn là ở ngoài đời thật, tạo ra một số thói quen ngại tiếp xúc, ít va chạm. Họ cũng sẵn sàng tạo ra ít nhất hai nhân cách, một là đời thường, hai là trên mạng xã hội.
Sự thay đổi mỗi ngày trong nhận thức đã khiến cho thế hệ trẻ nhìn ra được nhiều mặt mà thế hệ đi trước không nhìn ra được. Họ cũng chỉ coi đồng nghiệp là những đồng nghiệp thông thường trong thời gian đi làm, không có sự gắn bó về mặt cảm xúc, hết giờ làm việc là đóng máy và đi về.
Hết nghĩa vụ là không trả lời sếp, không muốn lên leader vì phải gánh thêm nhiều áp lực. Nhìn chung, điều đó sẽ không thể xây dựng được mối quan hệ thân thiết với đồng nghiệp trong công việc, dẫn tới chán việc, nhảy việc, thay đổi công việc được hình thành. Hệ luỵ là cả doanh nghiệp lẫn người lao động đều mất lòng tin ở nhau, khiến cho kết cấu xã hội bị phá vỡ, bị đứt gãy. Dẫn tới các phong trào "quiet firing", "quiet quitting".

3, Ảnh hưởng đến tinh thần

Như đã viết ở trên, sự thay đổi trong công việc sẽ đặc biệt ảnh hưởng tới tinh thần. Sự tiện ích của các trang mạng xã hội dễ kết nối hơn nên sẽ tìm được người mới thay thế nhanh thôi sau khi chia tay, chúng ta chán nản công việc hiện tại vì biết rằng bây giờ sự lựa chọn công việc cũng đa dạng hơn, cũng dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm. Nhưng mỗi sự thay đổi đều đi kèm theo một sự đánh đổi, những suy nghĩ bên trong vô tình ảnh hưởng trầm trọng đến khía cạnh tinh thần.
Làm quen chỗ làm mới, làm quen đồng nghiệp mới, làm quen người yêu mới, mọi thứ cứ liên tục lặp đi lặp lại như một vòng lặp khiến cho con người ta ngày càng khô khốc hơn trong mặt cảm xúc, bế tắc trong những hy vọng, từ đó tạo ra vỏ bọc lạnh lùng để bảo vệ cho những lần thay đổi liên tục. Nhiều lúc vì điều kiện môi trường làm việc kém chất lượng khiến người ta sợ hãi mỗi lần phải nghĩ tới đi làm.
Về lâu dài, dẫn tới suy kiệt trong sức khoẻ tinh thần, dẫn tới trạng thái sợ hãi khi phải chạm vào màn hình điện thoại, trong phim “Chút nắng ấm mỗi ngày" mới ra mắt Netflix có nói đặc biệt đến vấn đề tâm lí. Nhân vật Song Yu Chan mắc chứng bệnh rối loạn hoảng sợ khi xuất hiện những tin nhắn liên tục từ sếp và đồng nghiệp được giao việc, Song Yu Chan sợ năng lực mình không đủ tốt nên luôn nhận hết tất cả phần việc về mình, điều đó ảnh hưởng y hệt như cú sang chấn tâm lý gần đây của tôi. Nhìn tin nhắn từ Zalo của sếp mà tôi phát hoảng mỗi khi cầm điện thoại.
Sự thay đổi đúng là cần có, nhưng càng về lâu về dài, càng lớn tuổi hơn, tôi dần hiểu rằng sự thay đổi trong tôi ngày một khó khăn hơn, tôi không còn nhiệt huyết trong việc muốn thay đổi nữa, tôi muốn ổn định, đặc biệt là ổn định ở mặt cảm xúc, kéo dần khoảng cách của hai thái cực tiêu cực và tích cực gần nhau hơn để đạt tới trạng thái cân bằng, để học cách đủ hài lòng với những gì mình có.
Trên đây là một số nhận định tôi nhìn ra được, nếu trong thời gian có phát sinh thêm những ảnh hưởng nào khác, tôi sẽ cập nhập trong bài viết hoặc sẽ có phần 2, hi vọng một số góc nhìn hữu hạn của tôi có thể khiến cho bạn đọc dễ dàng nhận thức được việc phải thay đổi trong cuộc sống ảnh hưởng đến đời sống chúng ta như thế nào.
11:18pm - 20/11/2023