Phim của đạo diễn Ozu luôn có những khoảng nghỉ nhất định, sau một đoạn đối thoại giữa các nhân vật, thường thấy cảnh một bầu trời, một cái cây, sào phơi đồ, hay bất kỳ cảnh tượng im ắng nào đó của cảnh vật, ở những khoảng lặng này, người xem thấy được suy nghĩ của chính mình, giống như cách mà người kể chuyện dừng lại để người nghe ngẫm lại những chuyện mà mình vừa được biết. Từng khung hình đều chỉnh chu và mọi sự sắp xếp đều không phải vô tình, mọi thứ lên phim đều được vị đạo diễn cẩn thận sắp đặt cẩn thận tỉ mỉ, như “một người làm đậu hũ” đó là cách mà Ozu nói về mình và cách mà ông biến những thứ tốt nhất của mình thành sự thuần thục đỉnh cao và để những việc khác cho những người khác giỏi về chúng. 
Hình ảnh xe lửa
Không lạ gì hình ảnh đoàn tàu chạy ngang qua khung hình trong phim của đạo diễn Ozu. Một minh chứng của đô thị hóa và quan trọng hơn là tốc độ nhanh chóng của nó, một biểu tượng của dòng chảy thời gian, đoàn tàu lửa chạy qua đó là hiện tại đang hối hả tiến lên phía trước, hướng đến tương lai và bỏ lại quá khứ đằng sau nó. Tuy nhiên, cần chú ý hơn đó là thái độ của vị đạo diễn với hiện tượng này. Dù khoảng cách thế hệ là một điều không tránh khỏi, nó gây ra sự mâu thuẫn trong mỗi cá nhân trong sự tồn tại của mình, nhưng mỗi cuộc đời đều có một vị trí và ý nghĩa trong phim của đạo diễn Ozu. Một cảnh phim trong Early Summer mô tả khá rõ, đó là khi bố của Noriko, ông Shukichi ngồi đợi xe lửa chạy qua để qua phía bên kia đường, lúc này ông đã biết Noriko sẽ kết hôn theo ước muốn gia đình nhưng là với người cô con gái mong muốn và cô tự một mình đưa ra quyết định đó cho mình mà không để cho thành viên nào trong gia đình biết trước đã khiến cả nhà lo lắng và buồn rầu, ở đó bố của Noriko ngồi bên vệ đường ngắm đoàn tàu qua, nhưng khi nó đã đi qua ông cũng không vội đứng lên đi tiếp. Cảnh phim được cắt từ đoàn tàu chạy qua, đến khuôn mặt mãn nguyện của ông Shukichi và dừng lại ở một bầu trời xanh mây trắng, vừa cho thấy tâm lý của nhân vật và cũng vừa thể hiện lên triết lý thường thấy trong phim của đạo diễn Ozu, đó là mono no aware một triết lý Phật giáo, quan sát sự vật theo cách nó vốn là như thế, hài hòa với hiện hữu của mình trong Vũ Trụ. 
Late Spring, Early summer, Tokyo’s story: Noriko Trilogy.
Trong cả ba bộ phim đều xuất hiện nhân vật nữ tên Noriko do diễn viên Setsuko Hara thủ vai, tuy ở ba bộ phim khác nhau nhưng Noriko đều ở trong tình thế chung đó là sự lo lắng thái quá của những người thân xung quanh về tình trạng độc thân của cô, và thái độ phản đối của Noriko với việc kết hôn. Được gọi là “Noriko Trilogy”, diễn viên Setsuko Hara đã làm Noriko trở thành một ấn tượng nữ tính khó quên sau khi xem phim của đạo diễn Ozu, với nụ cười rạng rỡ và đằm thắm của cô trước một thực tế thất vọng khó tránh khỏi của một xã hội Nhật Bản bước vào hiện đại hóa với tốc độ nhanh chóng sau thế chiến thứ hai. 
Theo trình tự thời gian ra mắt Late Spring (1949), Early summer (1951) và Tokyo’s story (1953) là sự thay đổi vai trò của người phụ nữ trong xã hội Nhật Bản, giữa những giá trị truyền thống và hiện đại, người phụ nữ được giải phóng khỏi những tục lệ cũ xưa, bước vào thị trường lao động và có được khả năng độc lập, tự chủ trong cuộc sống của họ, nhưng bên cạnh đó là sự thay đổi ít nhiều những giá trị truyền thống gia đình, giữa con cái với cha mẹ, giữa vợ và chồng, và rõ ràng nhất ở Noriko là việc kết hôn.
 Mở đầu phim khi Noriko xuất hiện, ở Late Spring và Early Summer, cô luôn được hỏi về tuổi của mình, câu trả lời “hai mươi tám” như một tiếng chuông hay cái cớ để mọi người xung quanh tiếp tục “chẳng phải đến tuổi kết hôn rồi sao ?” và rồi ta thấy một Noriko cười cho qua chuyện để lẻn đi chỗ khác. Dường như Noriko không chủ đích phản đối việc kết hôn nhưng là cô chưa tìm thấy ý nghĩa gì trong việc đó, cô hẳn đã đặt rất nhiều câu hỏi và suy tư nhiều về nó và cũng đã nói lên trong Late Spring rằng mình hoàn toàn hạnh phúc với tình trạng hiện tại, khi được kề bên chăm sóc cho cha và câu hỏi liệu kết hôn có khiến mình hạnh phúc hơn không ? Hình ảnh của một người phụ nữ hiện đại với sự độc lập trong suy nghĩ, suy tư chín chắn của Noriko khiến khán giả yên tâm trước sự phản kháng của cô, và cả quyết định tưởng chừng như vội vàng trong Early Summer khi đồng ý cưới bác sĩ Yabe là một người góa vợ đang ở với mẹ và đứa con gái nhỏ, đoạn thoại giữa Noriko và người chị dâu trên bãi biển cho thấy cô đã suy nghĩ nhiều về hoàn cảnh để rồi đi đến quyết định đó. Người chị dâu cũng nói một câu thể hiện sự an tâm của mình đối với lựa chọn của Noriko, cô thấy bản thân mình thua Noriko vì chẳng biết gì về đời sống hôn nhân trước khi kết hôn cả. 
Ở Early Summer, nhân vật Noriko cuối cùng đã kết hôn theo ý muốn của mình, với người mình thật sự tin tưởng và tự đưa ra lựa chọn. Khác với Noriko ở Late Spring, sau khi phục hồi sức khỏe sau chiến tranh, tức chiến tranh chỉ vừa đi qua ít lâu, cả hai cha con đều rất thoải mái với tình trạng hiện tại của mình, sự xuất hiện của người dì mà cũng có thể hiểu là con người của truyền thống và lễ nghi, cùng với sự thúc ép Noriko đến đời sống hôn nhân đã khiến mâu thuẫn bên trong Noriko ngày càng gay gắt, cô phản đối quyết liệt đến mức cha Noriko đã phải nói dối rằng mình cũng sẽ tái hôn và có thể bỏ cô lại một mình nếu cô không chịu kết hôn, cuối cùng Noriko đã chấp nhận sẽ kết hôn với người mà dì giới thiệu, người này không xuất hiện trong phim mà chỉ được mô tả là có vẻ ngoài điển trai, công việc ổn định. Mặc dù đã chấp nhận, nhưng mâu thuẫn của Nariko cuối cùng chỉ được giải quyết sau đêm nói chuyện với cha, người cha giải thích rằng cô chỉ đang sợ bước ra khỏi vùng an toàn của mình và ban đầu ai cũng trải qua điều đó, nhưng mong chờ hạnh phúc ngay lập tức sau kết hôn là sai lầm và hạnh phúc là thứ được tạo ra, khi hai người cùng chia sẻ cuộc sống với nhau và nỗ lực xây dựng nên cuộc sống mới, người ta cần can đảm và vững tin ban đầu dù có thể tốn một năm, hay mười năm đi chăng nữa. Vậy là trong Late Spring, tuy Noriko cuối cùng đồng ý kết hôn, nhưng vẫn là một cuộc hôn nhân được sắp đặt, tuy nhiên đã có một thay đổi lớn trong lòng Noriko trong đêm nói chuyện với cha và bao nhiêu đó là đủ sau toàn bộ phim. Câu chuyện và hoàn cảnh lại rất khác ở Tokyo’ story, Noriko là một góa phụ kết hôn sớm và chồng mất trong chiến tranh, cô đã sống độc thân nhiều năm sau đó mà không tái hôn, nhưng chính sự nồng nhiệt và ân cần mà cô dành cho ba mẹ chồng làm sáng lên tính cách ở nhân vật này. Dưới sự thúc đẩy với ý tốt của ba mẹ chồng, họ mong muốn cô tái hôn để có cuộc sống ổn định và hạnh phúc hơn và kết thúc phim ta vẫn không biết liệu sau này Noriko có tái hôn hay không, nhưng ở đoạn đối thoại với cha chồng sau đám tang của mẹ chồng cho thấy cô có suy nghĩ về việc đó. Ở đây, ta thấy theo thời gian, vị thế hay vai trò của người phụ nữ thay đổi, hôn nhân không còn là một tấm vé chắc chắn cho sự ổn định hay yên ổn hơn cuộc sống độc thân, hôn nhân vẫn có những khó khăn bất ổn của nó, lấy lại thế cân bằng để người phụ nữ không bị ép vào con đường hôn nhân như một cánh cửa cuộc đời duy nhất. 
Cá nhân và hành trình biểu hiện chính mình trong xã hội
Có thể nói tư tưởng về nữ quyền của đạo diễn Ozu vào những năm 50s sau thế chiến thứ hai là khá hiếm lúc đó, ông cũng cho thấy vai trò của điện ảnh trong việc nói lên tư tưởng của thời đại đi trước nhận thức của xã hội như thế nào. Như Simone De Beauvoir từng viết phái tính là một “ý niệm lịch sử”, mà lịch sử thì tồn tại trước một cá nhân, khi cá nhân đến với khả năng hành động của mình, thì cá nhân đó vừa ở trong vai trò thể hiện lịch sử nhưng đồng thời cũng có khả năng mở rộng nó. Câu hỏi của người con gái út Kyoko: “Chẳng phải cuộc đời này thật đáng thất vọng sao ?”, đây không phải một sự phàn nàn hay than trách về số phận mà nó cho thấy mâu thuẫn khó tránh khỏi mà chỉ những người dám đặt ra câu hỏi đó sẽ gặp phải trong việc biểu hiện mình ra bên ngoài. Con người không thể trở thành người nếu không được nuôi dưỡng bằng những giá trị cốt lõi, và cũng không thể được là chính mình nếu không vượt qua những sự lặp lại của quá khứ. Chỉ có những mâu thuẫn, trong mâu thuẫn người ta nhìn thấy rõ nút thắt của việc được là chính mình trong những đa dạng lựa chọn mà một người có thể thực hiện, dưới áp lực một sự giới hạn khả năng của một truyền thống, một lịch sử, những điều mà không gì đánh đổi được mà ta thấy mình có nhiệm vụ giữ gìn.