Áo lụa Hà Đông (The White Silk Dress) là một bộ phim của đạo diễn Lưu Huỳnh và được công chiếu vào năm 2006. Bộ phim có các yếu tố về chiến tranh, tâm lý, tình cảm với sự tham gia của nữ diễn viên Trương Ngọc Ánh và nam diễn viên Quốc Khánh. Đây là bộ phim đã để lại cho mình rất nhiều cảm xúc và cho mình một cái nhìn hiện thực về cuộc sống xưa, sự tàn khốc của chiến tranh, tình cảm chân thành của đôi vợ chồng, tình mẫu tử thiêng liêng và sự hy sinh của người phụ nữ Việt Nam xưa. Sau đây là một vài cảm nhận một cô gái gen Z sau khi xem một bộ phim này.
Áo lụa Hà Đông
Áo lụa Hà Đông
Mở đầu bộ phim là bối cảnh Hà Đông năm 1954, hình ảnh một phú bà đang hành hạ một cô gái ở đợ do cô ấy làm hỏng nồi cám lợn. Hình ảnh này đã được chứng kiến bởi một chàng trai qua khung cửa, đó là chàng trai yêu cô gái đó và anh ấy đã khóc khi chứng kiến hình ảnh người mình yêu bị đánh như vậy. Anh bất lực trước tình cảnh đó bởi vì anh cũng chỉ là một người ở đợ, trong tay không có gì để hứa hẹn có thể lo cho cô một cuộc sống ấm no. Chàng trai ngồi dưới gốc cây cổ thụ to, dùng đất để nặn hình hài người anh thầm thương trộm nhớ, ngồi ngắm cô ấy đang mò cua bắt ốc với ánh mắt của một anh chàng si tình. Hai người hẹn nhau cùng ngồi tâm sự và chàng trai đã nói một câu làm mình rất cảm động “Nghèo như anh chỉ có đi ở đợ mà sống chứ làm cái gì. Có đi ăn xin, làm trâu làm chó để nuôi em thì anh cũng vui”. Đó là nỗi niềm của anh khi anh lo lắng cho người mình yêu, mong sao có thể nuôi được cô, để cô không phải bị bà đánh nữa. Nói về hiện thực bây giờ, nếu có ai nói những câu như vậy thì có vẻ rất sến súa hay nói cách khác là dẻo mỏ nhưng thời bấy giờ thì đó là hình ảnh tình yêu thực thụ, không cần trăng hoa hay vung tay mua mép. Đấy là những lời chân thành từ sâu trong đáy lòng chứng tỏ tình yêu mà chàng trai dành cho cô gái rất lớn.
Đôi lời tâm sự
Đôi lời tâm sự
Phân cảnh mình ấn tượng tiếp theo đó là anh chàng và cô gái đã trốn đi, cùng nhau đứng trước bàn thờ phật tổ để chứng giám cho tình yêu đôi lứa, chị đưa cho anh một quả cau tươi và nói với anh rằng khi nào anh trồng được quả cau này ra quả thì họ sẽ cưới nhau. Quả cau chính là minh chứng chứng giám cho tình yêu của anh dành cho chị. Nếu anh yêu chị thật lòng thì chắc chắn anh sẽ làm cho quả câu này ra quả. Và điều này đã được minh chứng ở giữa bộ phim. Sau khi họ đồng ý thành vợ chồng, phú ông nuôi anh chàng bị giết, hai người đã cùng nhau di tản vào Hội An và làm một túp lều nhỏ trong một khu sông nước. Tại đây hai người đã có đứa con đầu lòng của mình. Anh chàng ấy đã ươm được quả cau ra mầm và đem đi trồng nó. Thời gian sau, cây cau đã lớn và gia đình họ cũng có 3 người con gái. Họ cùng nhau mò cua bắt ốc, bán thúng bán mẹt để kiếm sống qua ngày.
Vào năm 1966, do bị ném bom nên họ đã phải sửa sang lại túp lều và họ lại đón thêm một thành viên mới trong gia đình. Cô con gái cả dạy cha mình đọc và viết tên của người vợ “DẦN”. Sự việc bắt đầu xảy ra khi hai cô chị đã đi học lớp cao hơn và cô giáo yêu cầu phải mặc áo dài, tuy nhiên vì nhà nghèo nên việc có một chiếc áo dài rất khó. Hai người con rất hiểu chuyện, hiểu hoàn cảnh gia đình khó có thể mua được áo dài và đã đòi nghỉ học. Tuy nhiên, người mẹ rất yêu thương các con, có một lối suy nghĩ rất hiện đại rằng con gái nên học cao, học giỏi. Đây là một tư tưởng rất mới bởi ở thời đó bởi thời bấy giờ, mọi người hay cho rằng con gái học cao sẽ không lấy được chồng hay là con gái thì cần gì phải đi học. Người mẹ đã từng trải qua những nỗi vất vả nên bà không muốn con mình sẽ phải chịu phận như vậy, bà đã củng cố suy nghĩ cho các con rằng con gái cũng phải học giỏi như bà Trưng, bà Triệu thời xưa.
Người mẹ khuyên con gái tiếp tục đi học
Người mẹ khuyên con gái tiếp tục đi học
Để có tiền lo cho cuộc sống, các con có cơm ăn, có áo mặc thì người mẹ đã phải nhẫn nhục hi sinh đi làm vú nuôi. Nếu như vú nuôi bình thường chỉ chăm cho các em bé thì người mẹ lại phải cho sữa một ông già, ông này có vẻ là một người Hoa. Và điều gì đến cũng đến, cuối cùng người chồng cũng biết chuyện, hai người đã xảy ra cãi vã nhưng vì tình yêu cao cả nên họ đã thấu hiểu lẫn nhau. Dù có khó khăn thế nào thì tình yêu cũng giúp con người ta vượt lên trên tất cả. Để có áo dài cho con, người mẹ đã lấy chiếc áo dài mà mình đã mặc trong ngày thề cưới, chiếc áo dài có giá trị và cô trân trọng nhất đi đến tiệm may sửa thành chiếc áo dài cho con đi học. Tuy nhiên trên đường về cô đã bị bắt và bị đánh. Chiếc áo dài vẫn chưa được sửa sang xong, về đến nhà cô đã tự mình khâu vá để thành một chiếc áo dài hoàn chỉnh. Cuối cùng cô con gái đã có áo dài mặc đi học hơn nữa còn mặc rất đẹp và khiến bao bạn bè khác phải ngưỡng mộ. Qua những hình ảnh đó, tôi cảm thấy rất khâm phục người mẹ ấy, hi sinh và làm mọi thứ để con cái của mình được đầy đủ. Đây cũng là hình ảnh người mẹ Việt Nam hi sinh tất cả vì con cái, sớm hôm tảo tần, lam lũ vất vả để nuôi con. Bên cạnh đó là hình ảnh một người chồng hết mực yêu thương vợ con, bỏ qua định kiến xã hội để cùng vợ nuôi nấng con ăn học. 
Phân cảnh buồn nhất và cũng làm mình khóc rất nhiều đó là phân cảnh trong lớp học ở gần cuối phim. Khi đó cô giáo trả bài luận văn và bài của cô chị được điểm cao và xuất sắc nhất. Cô chị đọc bài luận văn trước lớp “Chiếc áo dài mà tôi và em tôi thay phiên nhau mặc đi học hàng ngày là kỉ niệm của bố mẹ. Bố mẹ tôi người làng Hà Đông, di cư vào Đà Nẵng năm 1954. Khi vào đây mẹ tôi chỉ mang theo mỗi chiếc áo dài lụa trắng, nó không phải là chiếc áo dài bình thường mà nó là chiếc áo dài cưới bố đã tặng cho mẹ trước khi vào Nam. Mẹ tôi kể rằng sau khi sống từ làng này đến làng kia, cuối cùng bố mẹ tôi dừng chân ở Hội An vì lúc ấy mẹ tôi đang có mang tôi, rồi khi tôi sinh ra để kỉ niệm quê hương thứ hai của bố mẹ, bố tôi đặt cho tôi cái tên Nguyễn Thị Hội An. Ba đứa em kế tiếp tôi lần lượt sinh ra bên con sông Thu Bồn thôn Cẩm Nam. Nơi mà năm nước sông có khi dâng lên cả mái nhà. Nhà tôi nghèo lắm, để nuôi bốn chị em tôi khôn lớn, bố mẹ tôi phải thức khuya dậy sớm khổ cực cả ngày cào hến trên sông Thu Bồn đem ra chợ bán kiếm tiền. Mùa nước lớn, bố mẹ tôi không cào được hến, cả nhà tôi phải ăn cháo hoặc ăn khoai, đôi khi còn ăn cả ngô nữa. Có lúc bố mẹ tôi còn phải nhịn ăn để chị em chúng tôi được ăn no. Dù cực khổ đến đâu, mẹ tôi cũng không muốn chị em tôi phải nghỉ học.
Mẹ tôi thường bảo con gái là phải sống trong nhung trong lụa, tôi chẳng hiểu sống trong nhung trong lụa là như thế nào nhưng tôi nghĩ chắc là sướng lắm nên mẹ tôi mới nói thế. Tôi chỉ biết mẹ tôi cực khổ là để chúng tôi lớn lên không phải sống vất vả như mẹ”. 
Cô chị cả đang chuẩn bị đọc bài luận văn
Cô chị cả đang chuẩn bị đọc bài luận văn
Và rồi chiếc áo dài đó đã bị đổ mực bẩn nhem nhuốc, hai chị em thấy rất có lỗi và sợ bị mẹ mắng nên làm rất nhiều cách để làm sạch chiếc áo nhưng càng cố giặt thì nó lại càng bẩn. Tuy nhiên người mẹ không mắng hai chị em mà ân cần sửa sang lại chiếc áo để cho con có đồ mặc đi học. 
“Hôm nọ, em tôi làm đổ mực vào áo, nó sợ quá, nó khóc làm tôi cũng khóc theo. Không phải chị em tôi khóc vì sợ mẹ tôi đánh mà khóc vì sợ mẹ tôi buồn. Kể từ nay chị em tôi đã không còn là con gái đoan trang của mẹ tôi nữa. Thế là mẹ tôi phải khổ nhọc cả chiều hôm đó xuống sông giặt áo cho chị em tôi. Mẹ tôi giặt đi giặt lại nhiều lần mới giặt hết vết nhựa mít. Chỉ vì sợ mẹ tôi buồn mà chị em tôi vô tình làm cho chiếc áo bẩn thêm. Tôi hối hận vì đã không giữ sạch được áo dài mà mẹ mang tận Hà Đông vào đây. Tuy nó không đẹp bằng những chiếc áo dài của các bạn trong lớp vì mẹ tôi không phải thợ may nhưng nếu có bạn nào trông thấy mẹ tôi thức mấy đêm liền bên ngọn đèn dầu cho đến lúc là váy, khâu từng vạt áo lại với nhau để chị em tôi vẫn được ngồi dưới mái nhà trường như hôm nay thì đây là chiếc áo dài đẹp nhất, đẹp nhất thôn Cẩm Nam và không có gì sung sướng hãnh diện hơn là được mặc áo dài cưới của mình đi học. Chiều hôm ấy chị em tôi ngồi nhìn mẹ giặt áo dưới sông mà không một lời quở mắng chúng tôi. Tôi thương mẹ tôi nhiều lắm. Dù cực khổ đến đâu, chị em tôi vẫn hãnh diện là con của bố mẹ, chị em tôi cố gắng chăm học để khỏi phụ công lao của bố mẹ và riêng tôi để đền bù lại tình thương và sự cực khổ của mẹ tôi cho chị em tôi có ngày hôm nay tôi ao ước lớn lên sẽ trở thành một thợ may giỏi để có thể tặng mẹ áo dài…”
Và rồi những tiếng bom vang lên, tàn khốc biết bao nhiêu. Cả trường Trung học Hội An bị ném bom, tất cả trường họcbị phá hủy, các em học sinh đã ra đi, một khung cảnh không thể nào khốc liệt, xót xa hơn. Tội ác của đế quốc không thể tha thứ, những học sinh đâu làm gì nên tội mà phải chịu như vậy. Mình đã rất sốc khi xem đến cảnh này, thật sự mình chưa bao giờ có thể tưởng tượng rằng chiến tranh lại tàn khốc và ác liệt như vậy. 
Người mẹ khi biết tin đã chạy đến tìm đứa con của mình, nỗi đau ấy có lẽ không một từ nào có thể diễn tả. Người tóc bạc tiễn người tóc xanh. Khi đưa người con về nhà và chuẩn bị chôn cất, phân đoạn này làm mình khóc rất nhiều, khóc nghẹn vì thương. Các diễn viên đã diễn rất đạt và truyền cho người xem cảm xúc. Những tiếng gào thét của cô em thật sự rất xót xa, đau đến nghẹn lòng. Mình nghĩ rằng ai xem đến đoạn phim này cũng sẽ rơi lệ và cảm động bởi nỗi đau mất người thân có lẽ là nỗi đau lớn nhất của đời người. Một người con, một người chị đã cũng nhau chung sống trong một mái nhà, yêu thương lẫn nhau, cùng nhau trải qua bao nhiêu thăng trầm mà nay đã ra đi, còn bao nhiêu ước mơ chưa thực hiện được. 
Sự xót xa lại càng thêm nặng khi sự mất tích của người mẹ vào hôm mưa giông, hai vợ chồng đi vớt củi nhưng vì mưa to quá nên người vợ không thể bơi vào bờ. Căn nhà đã trống nay lại càng trống thêm. 
Một lần nữa đế quốc lại ném bom khiến cả khu phải di tản. Cả nhà kia cũng đi nhưng họ chợt nhớ ra chiếc áo dài nên đã quay trở lại lấy. Đây là một kỉ vật quan trọng nhất đối với gia đình họ.
Hình ảnh chiếc áo lụa Hà Đông ở cuối phim
Hình ảnh chiếc áo lụa Hà Đông ở cuối phim
Xuyên suốt bộ phim là hình ảnh chiếc áo lụa Hà Đông, chiếc áo là minh chứng cho tình yêu, tình mẫu tử thiêng liêng và sự hiếu thảo. Dù đó không phải vật có giá trị lớn đối với người ngoài nhưng đối với gia đình này thì đó là vật có giá trị nhất, dù thế nào nó cũng là một vật rất quan trọng cần phải lưu giữ. 
Bên cạnh đó còn là hình ảnh Chiến tranh thật tàn khốc khi nó đã khiến biết bao nhiêu người phải hi sinh, bao gia đình thiếu thốn, đất nước bị chia cắt và tội ác của những kẻ đi xâm chiếm nước khác không thể tha thứ được. 
Bộ phim đã cho một người thế hệ trẻ biết được cuộc sống xưa rằng mặc dù nghèo khó, thiếu thốn về mặt vật chất nhưng tình cảm luôn luôn đủ, tình yêu vượt lên trên tất cả. Hơn thế nữa là tình mẫu tử thiêng liêng, hình ảnh người mẹ Việt Nam sớm hôm tảo tần nuôi con khôn lớn, hình ảnh người vợ đảm đang, hiền dịu lo toan cho gia đình, hình ảnh người cha vất vả mưu sinh vì con cái, người chồng hết lòng yêu thương vợ. 
Hình ảnh gia đình trong phim
Hình ảnh gia đình trong phim
Sau khi xem xong bộ phim, mình đã có một vài suy nghĩ về thực trạng cuộc sống ngày nay. Nó thật khác so với cuộc sống xưa. 
Mặc dù bây giờ cuộc sống đã phát triển và văn minh hơn xưa rất nhiều nhưng vẫn còn đâu đó rất nhiều người có lối sống không lành mạnh. Về tình yêu, thực tại có rất nhiều người chấp nhận yêu nhau vì vật chất, thậm chí hiện nay còn nổi lên phong trào “sugar baby - sugar daddy” đang gây hại đến giới trẻ nghiêm trọng. Hiện nay cũng có rất nhiều gia đình bắt ép con em một cách quá mức khiến con trẻ phải chịu nhiều nỗi đau về mặt tinh thần và đó là nguyên nhân của các vụ tự tử ngày càng tăng. Điều đó cho thấy phụ huynh không hiểu con cái của họ, luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên con em để rồi chúng không cảm nhận được tình yêu thương hay sự cảm thông mà dẫn đến những hành động đáng tiếc như vậy. 
Mình rất mong mọi người hãy thay đổi suy nghĩ và hành động để cuộc sống và xã hội tốt lên từng ngày. Mong rằng các bạn hãy tìm đến một tình yêu chân chính, vì nhau, tôn trọng lẫn nhau. Những gia đình, các bậc phụ huynh hãy yêu thương con của mình hơn, lắng nghe các em nhiều hơn. Ai cũng biết rằng là cha mẹ thì ai cũng đều lo lắng và yêu thương con của mình nhưng hãy yêu thương đúng cách để các em cảm nhận được tình yêu thương thực thụ. 
Cảm ơn mọi người đã đọc bài viết của mình. 
Mình rất mong nhận được những lời góp ý của mọi người để có thêm kinh nghiệm cho những bài viết sau.