Tác giả của một cuốn sách, cần đến nhiều năm, thậm chí nhiều lần 10 năm để học hỏi, nghiên cứu. Kiến thức của họ được bao quát lại trong vòng vài trăm trang giấy. Nghĩa là bạn có thể có được lượng kiến thức khổng lồ trong vòng một vài tuần. Vậy nên, "Đọc sách hiệu quả" là một trong những siêu năng lực đang bị "underrated" so với sức mạnh thật sự của nó. Là một người yêu sách, mình có vài chia sẻ hi vọng giúp con đường đọc sách của các bạn trở nên bớt gồ ghề đi, nói cách khác là nâng cao hiệu quả trong việc đọc của bạn.

3 bước trước khi mua bất kỳ một cuốn sách nào:

Bước 1: Xác định một agenda/plan/mục đích cụ thể cho việc đọc một cuốn sách nào đó.
Nhiều người trẻ, bao gồm cả cá nhân mình, từng là một con người kém trong khoản quản lý tài chính. Đối với sinh viên, từ quê lên thành phố và lần đầu tự do quản lý tiền bạc và chi tiêu, mình dễ dàng sa vào vòng lẩn quẩn mang tên "mất tiền ngu". À, đối với những bạn thừa tiền, nhà có điều kiện thì mình không bàn tới nhé. Vậy nỗi đau hiện tại của mình đang là: làm thế nào để quản lý tiền của mình một cách có tính toán và "học thức" hơn trước?
Tiền bạc luôn là "ám ảnh" đổi với những bạn trẻ xài tiền lãng phí và không có sự cân nhắc nhất định.
Tiền bạc luôn là "ám ảnh" đổi với những bạn trẻ xài tiền lãng phí và không có sự cân nhắc nhất định. |
Ảnh bởi
Michael Longmire
trên
Unsplash
Xuất phát từ nỗi đau này, nhu cầu cho một cuốn sách về Tài Chính Cá Nhân xuất hiện như một lẽ tự nhiên. Và mong đợi của bạn sau khi hoàn thành cuốn sách sắp tới sẽ là: cải thiện khả năng quản lý tài chính của mình.
Cũng có những trường hợp kế hoạch của bạn lại mập mờ, không định trước. Đó là khi bạn vô tình biết được, thấy được một cuốn sách hay trong cửa hàng, thu hút sự chú ý từ bạn. Vẫn ổn thôi, miễn là bạn có "lý do" giữ bản thân bạn và cuốn sách lại với nhau.
Những lợi ích của việc tìm một kế hoạch và mục đích cho việc đọc một cuốn sách: + Giúp bạn tránh những cuốn sách không phục vụ cho mục đích của bạn. Đó là những cuốn sách khả năng cao mua về bạn cũng sẽ cho đi bám bụi. + Giúp bạn dừng lại khi mục đích của bạn đã được đáp ứng. Nghĩa là, bạn cảm thấy mình đã học "đủ" cho nhu cầu cá nhân của mình. Bạn tiết kiệm được thời gian so với đọc cả cuốn sách một cách đâm đầu, không chủ đích. + Việc có định hướng cũng giúp cho việc đọc của bạn "đầu xuôi", trơn tru và nhiều động lực để tiếp tục hơn. Như con tàu có người chỉ huy vậy! Bạn biết điểm đến của mình là gì.
Bước 2: Tìm những cuốn sách theo đúng nhu cầu của bạn
Với Google, thông qua vài từ khóa bạn có thể tìm được hàng trăm cuốn sách theo đúng chủ đề mà các bạn quan tâm:
Việc tìm kiếm những cuốn sách theo chủ đề được thực hiện dễ dàng với chỉ vài giây.
Việc tìm kiếm những cuốn sách theo chủ đề được thực hiện dễ dàng với chỉ vài giây.
Bước 3: Chọn ra 1 đến 2 cuốn sách tốt nhất
Từ list những cuốn sách được đề xuất, chọn ra vài cuốn sách nổi bật hơn cả. Các trang mạng xã hội, những tóm tắt nội dung sách từ các trang web, videos, reviews từ các nhà sách online, những người mua trước,... vân vân là hàng tá các tiêu chí (đáng tin cậy hay không thì tùy vào nơi bạn tham khảo) để bạn vin vào mà đưa ra lựa chọn của mình. Đôi khi, như một hình thức marketing, tác giả còn tổ chức những buổi diễn thuyết trình bày một cái nhìn thoáng qua về nội dung cuốn sách của mình. Hoặc, những bên truyền thông sẽ có những cuộc nói chuyện, phỏng vấn ngắn với tác giả về những khía cạnh chưa được khai thác, hoặc một sự hiểu sâu hơn về các câu chuyện xoay quanh cuốn sách. Đó là những nguồn tham khảo uy tín đáp ứng được trông chờ của bạn, mặc dù sẽ mất thêm ít thời gian. Chẳng hạn như bên dưới là một podcast nơi chủ của nó chọn ra một cuốn sách thú vị, đặt ra 3 câu hỏi mấu chốt cho tác giả và gói gọn giá trị cho bạn trong vòng trên dưới 20 phút:
Một cách hiển nhiên khác mà các bạn có thể làm, là tìm bản đọc thử của cuốn sách. Tuy nhiên rõ ràng không phải bản đọc thử của cuốn sách nào cũng dễ tìm, cũng như ngày nay người ta thường dựa vào reviews của đa số người đã trải nghiệm để tăng tính khách quan cho lựa chọn. Một lưu ý nhỏ khi chọn tìm sách, đó là hãy chú ý đến văn phong của tác giả sử dụng trong cuốn sách. Sẽ có các cuốn sách với kiến thức bao quát ở tầm chuyên sâu, đòi hỏi những hiểu biết nhất định về lĩnh vực. Hoặc đôi khi, cách viết của tác giả quá học thuật, sử dụng nhiều từ ngữ và cách hành văn phức tạp, không thân thiện với bạn đọc phổ thông. Những cuốn sách quá "triết học" và ít dẫn chứng là những cuốn bạn nên suy nghĩ lại, và những cuốn sách với nhiều ví dụ, nhiều câu chuyện, một phần sẽ thể hiện lên năng lực giải thích và đơn giản hóa vấn đề của người viết, minh chứng cho khả năng tương tác với độc giả. Đó chắc hẳn là những cuốn sách bạn nên đặt nhiều chú ý hơn.
Một khi bạn đã có những hiểu biết nhất định về thứ mình sắp đọc, bạn sẽ tự tin xuống tiền mua cuốn sách, với sự đảm bảo rằng mình đang mua một thứ sẽ trả lại một giá trị tương xứng sau này.

Sau khi đã mua sách, đây là 5 mẹo giúp quá trình đọc sách của bạn năng suất hơn:

Mẹo 1: Đọc sơ qua về mục lục của cuốn sách
Xem trước mục lục đôi khi là một việc bị người đọc sách xem thường, đặc biệt đối với những bạn đọc mới tập tành, thiếu kinh nghiệm. Việc bỏ qua mục lục, đối với một số thể loại sách đơn giản (truyện, tiểu thuyết...) thường là không mấy ảnh hưởng, nhưng với những loại sách đặc thù, nơi các phần được trình bày một cách tương đối rời rạc và mối liên hệ giữa chúng mập mờ, khó phát hiện thì việc đọc của các bạn sắp tới sẽ dễ bị "rối tung", càng đọc càng không hiểu mình đang đọc gì. Tưởng tượng việc bạn vào các trung tâm thương mại hoặc các tòa nhà lớn mà không có bản đồ xem? Vậy, dễ thấy, việc nắm bắt một cách tương đối các phần lớn (main segments) của cuốn sách giúp bạn hình dung trong đầu cấu trúc chínhs, về mối liên hệ qua lại giữa những con chữ mà mình sắp đọc. Kiến thức từ đó sẽ được tiếp thu một cách có logic và dễ hiểu hơn.
Mẹo 2: Ở mỗi phần, chỉ cần đọc đến khi nào bạn thấy đủ, không cần đọc hết nội dung cả cuốn sách.
Trước đây, mình thường có thói quen đọc sách là phải đọc cho hết từ trang đầu đến trang cuối. Nhưng thực sự thì điều đó không cần thiết và trong tình huống xấu nhất, nó tước đi của bạn hàng tấn thời gian quý báu. Ở mỗi chương, nếu như bạn cảm thấy rằng mình đã đọc đủ, nắm bắt trọn vẹn hết những điều tác giả muốn truyền tải, vậy hãy tự tin nhảy sang chương tiếp theo. Đôi khi, việc tác giả kéo dài lan man nội dung cuốn sách là để cho người đọc với nhiều background khác nhau, ai cũng có thể tiếp cận được với kiến thức được truyền tải. Nói cách khác, người A ở châu Á có thể hiểu được ví dụ B và C; còn ví dụ D và E sẽ phù hợp hơn với người châu Âu với một nền văn hóa tương đối khác biệt... Mặt khác, bạn sẽ thoát khỏi tình trạng mắc kẹt và phát chán, giết chết hứng thú đối với những phần tiếp theo, đồng thời bạn còn tiết kiệm được hàng đống thì giờ mà sắp thì bị lãng phí.
Mẹo 3: Thực hiện hành động, áp dụng những gì học được
Ở mỗi chương, tác giả sẽ cố gắng gửi đến bạn đọc một bài học nhất định. Bạn sẽ là người áp dụng những bài học đó trong trường hợp cụ thể của bản thân, để trở thành một con người mới tốt hơn. Bạn vừa đọc một chương về cơ thể người và những tác động của chế độ dinh dưỡng và ăn uống đến sự vận hành đó, tốt hay xấu đi. Bạn nhận thức được những lỗi sai trong cách ăn uống trước đó của bản thân. Bạn sẵn lòng thay đổi, bằng cách chú ý hơn về từng bữa ăn hàng ngày của mình. Bạn không còn là một người đọc sách rồi quên nó đi nữa. Bạn đã có thể sử dụng kiến thức đó, biến nó thành của mình, thậm chí thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống thường nhật. Đó chẳng phải là cách đọc sách mà mọi đọc giả đều hướng đến?
Mẹo 4: Luôn mang theo một cây bút chì.
Bút chì có thể giúp bạn làm những việc hữu ích sau: + Gạch chân những phần mà bạn thấy tâm đắc để cho vào SỔ TAY CÁ NHÂN. + Note những "key words" mà bạn cảm thấy hữu ích cho việc học, việc làm hoặc nghiên cứu của mình, lên trên phía trên bên phải cho việc tìm kiếm trong tương lai. Chẳng hạn, bạn đọc được một case study về chiến lược marketing của Apple, bạn có thể lưu lại như phía dưới để tham khảo nếu cần đến.
Note lại keyword ở góc trên bên phải cho việc tìm lại trong tương lai.
Note lại keyword ở góc trên bên phải cho việc tìm lại trong tương lai.
Và đây là cách bạn sẽ tìm lại chúng ^^
Và đây là cách bạn sẽ tìm lại chúng ^^
Mẹo 5: Tránh xa điện thoại và những thứ xao nhãng một khi đã bắt đầu đọc.
Tạo một safe-zone cho chính bản thân mình khỏi những cám dỗ từ mạng xã hội hoặc những thứ linh tinh khác. Dành 100% chú ý vào người bạn ngay trước mặt mình. Khi bạn dành toàn bộ sự tập trung cho việc đọc sách, vi diệu thay, hàng trăm ý tưởng sẽ tuôn ra. Tin mình đi, đó là thứ bạn sẽ hiếm khi có được nếu đọc một cách xao nhãng và không có hứng thú.
Ý tưởng tuôn trào chỉ khi bạn thật sự suy nghĩ về những gì mình đang đọc, và phản chiếu nó lên cuộc đời của mình.
Ý tưởng tuôn trào chỉ khi bạn thật sự suy nghĩ về những gì mình đang đọc, và phản chiếu nó lên cuộc đời của mình.
Biết đâu, một trong số chúng là những ý tưởng có thể thay đổi cả cuộc đời bạn?
P/s: Đây là bài viết đầu tiên của mình tại Spiderum, cảm ơn các bạn đã đọc. Hi vọng nhận được những góp ý mang tính xây dựng của mọi người ở phần comment ạ.