(Do hiện tại spiderum không cho phép sửa bài viết sau khi đăng, nên nếu có cập nhật gì, mình sẽ ghi lại đường link ở phần comment)
Đây là phần viết, mình dùng cho 2 tập bài giảng của thầy Thích Thanh Từ là: - Tu là dừng, chuyển và sạch nghiệp. - Tu trong bận rộn Tuy nhiên, cũng có thể áp dụng cho các sách trong đạo Phật được viết bởi các thiền sư (các học giả thì phong cách viết hơi khác 1 chút).

Đôi lời tự bạch

Đợt vừa rồi mình có ghé qua Thiền viện Trúc Lâm Tây Thiên, lúc về không biêt lấy gì làm quà, liền mua mấy tập sách này. Đây nguyên là những bài giảng của thầy Thích Thanh Từ, được đóng thành những cuốn sách dạng bỏ túi mỏng. Trước đây, mình từng được tặng sau một khóa tu. Đến nay, đã đọc đi đọc lại không biết đã bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc đều thấy như hiểu thêm ra được một điều gì, cảm giác thật rạng rỡ, sáng tỏ, trong lòng cũng được yên ổn, thanh bạch, tựa hồ như chạm tay vào một dòng nước trong trẻo, mát lành. Nên mới nảy ra ý định, bao giờ quay lại, sẽ mua một ít tặng bạn bè.
Tuy nhiên, mình lại lo một lẽ, bởi những điều được viết ra trong sách - thật ra rất là bình thường (có vẻ còn tầm thường nữa - với một số người), vì không nhằm gì đến những triết lý uyên áo, vi diệu nào. Nên, những người quyen dùng trí thông minh, xét đoán e sẽ thấy nhạt nhẽo, vô vị. Lại thêm tiêu đề có phần 'chuyên môn' nữa, dường như chỉ dành cho các nhà tu hành, quanh năm xoay mặt vào bức vách, đôi mắt lim dim mà thôi, rồi sẽ khiến cho bọn người thế tục cảm thấy xa lạ và chán nản mất. Như con người mình cách đây 15 năm có lẽ cũng như vậy. Nên mình liền vội vã, liều lĩnh viết thêm mấy dòng này, hi vọng như 1 lời chỉ dẫn cho ai đó hữu duyên, có thể nhận được giá trị ở trong sách. Khi viết, mình cảm giác như viết cho bản thân mình cách đây 15 năm vậy.
Trong này mình sẽ cố gắng viết thật ngắn gọn, và - cố gằng, cố gắng - không để lộ ra những nội dung trong sách ^_^!

Đọc lúc nào đây?

"Chu Dịch nhất bộ thư, khả nhất ngôn nhi tế chi viết thời" "Toàn bộ Chu Dịch có thể tóm một lời là chữ Thời mà thôi." - Chu Dịch
Gạo nếu chưa nấu chín thì mai vẫn có thể ăn, nhưng nếu đã nấu lên rồi thì dù no thì cũng phải cố ăn, mà rồi vừa tức bụng, lại chẳng ngon lành gì. Phở thì nên ăn vào mùa đông, nóng hổi trong gió bấc thổi. Cốm thì nên ăn vào mùa thu, thơm tho lúc buổi sớm mát lành. Những cuốn sách này cũng thế, chỉ nên đọc vào những thời điểm thích hợp.
Trước hết là những lúc không nên đọc: Ấy là khi mình ngập trong công việc và chỉ tiêu, một ngày phải đọc được bao nhiêu trang? Bao lâu phải đọc xong 1 cuốn sách? Thế thì chưa nên đọc, cứ tạm cất trong ngăn bàn cái đã. Đến khi nào mình cảm thấy thật thong dong, như thể cả cuộc đời còn lại chỉ cần đọc mỗi quyễn sách này thôi, ấy là lúc thích hợp.
Khi mình đi làm về mệt mỏi, rã rời, đầu óc nặng nề - cũng chưa nên đọc. Khi mọi việc đều thuận lợi, phơi phới như thủy triều lên, khi mình sốt sắng với những dự định và tương lai. Lúc ấy cũng chưa nên đọc. Vì sao ư? Vì lúc ấy mình như chén trà đã đầy, rót thêm cũng chỉ chảy ra ngoài mà thôi.
Khi mình mong mỏi 1 triết lý cao siêu, mầu nhiệm, 1 lý thuyết mới mẻ, vượt trên tất cả. Ấy cũng chưa nên đọc.
Vậy lúc nào là thích hợp, một buổi sáng yên tĩnh, vắng vẻ, một ngày nghỉ rảnh rang, những lúc trong lòng yên ắng lạ thường. Ấy là lúc đọc được, như mặt hồ tĩnh lặng, ánh trăng trong sáng mới có thể hiện lên.
Khi mình có những nỗi buồn, có sự thất vọng, lúc ngột ngạt vì giận dỗi, ... ấy cũng là lúc có thể đọc được, vì đấy là lúc mà chén trà của mình đã vơi đi rất nhiều.

Về những điều giản dị

"乾坤盡是毛頭上,日月包含芥子中" " Càn khôn tận thị mao đầu thượng, Nhật nguyệt bao hàm giới tử trung." "Càn khôn hết thảy đều ở trên đầu một sợi lông, Mặt trời, mặt trăng tất cả chứa đựng bên trong hạt cải." - Thiền sư Khánh Hỷ
Một cây đa to lớn, tán rộng bao phủ mấy căn nhà. Quả của nó chỉ nhỏ như ngón tay út. Tuy chỉ bằng ngón tay út, mà chứa đựng năng lực che chở cho cả mấy nóc nhà. Những điều trông có vẻ tầm thường đôi khi lại là cội nguồn của những sức mạnh phi thường.
Cuốn sách không viết về những lý lẽ uyên áo, những tư tưởng trừu tượng, cùng hệ thống khái niệm phức tạp. Chính ngay ở những nơi giản dị mà chân thực, gần gũi, cuốn sách đi thẳng đến chỗ cốt lõi của Phật giáo (cũng như căn bản của thiền phái Trúc Lâm mà Sư ông đã dành trọn đời để cố công khôi phục).
Phật giáo nói chung và Thiền Tông nói riêng như một dòng sông vĩ đại, đỏ nặng phù sa, nuôi sống không biết bao nhiêu thế hệ con người. Nhưng cũng nơi này, nơi kia, dòng sông ấy cũng bị tắc nghẽn, bồi lấp. Đó là khi đạo Phật bị hiểu lầm, bị thế tục hóa bằng những mong cầu của bản ngã nhỏ nhoi, hay che mờ trong những phép mầu bí hiểm. Bản thân ta, từ bao giờ cũng đã đi từ chỗ có an nhiên, vô tư, theo thời gian đi đến nơi có nhiều buồn khổ. Tập sách nhỏ này, cũng như 1 phần cuộc đời thiền sư, đã khơi lại dòng chảy bị tắc nghẽn ấy, chiếu soi lại chỗ mờ mịt, tối tăm, phá bỏ những kiến chấp sai lầm đã che phủ bấy lâu. Chính ở nơi những nguyên lý căn bản của đạo Phật, xuất phát từ kinh nghiệm bản thân, bài giảng của thiền sư như một cây cầu nối liền giữa Lý và Sự, giữa chỗ hiểu và hành, đem đến những giá trị chân thực, gần gũi với cuộc sống.
"Có nhiều người cứ nghĩ đi chùa mới tu, tụng kinh nhiều mới tu, nên bỏ công ăn việc làm , chạy vô chùa gõ mõ tụng kinh hoài, mặc chồng con ở nhà rằn ri, rầy rà. Bị rầy rà thì phiền não, rồi than rằng tôi phát tâm tu mà chồng con làm khó , không giúp cho tôi tu. Chẳng những nói chồng con làm khó mà có khi lại nói tôi mới phát tâm tu mà bị quỷ phá, nó không cho tôi tu. Như vậy, mình tu mà thấy người thân mình là quỷ hết trơn! Thấy vậy là niệm ác chứ đâu phải niệm thiện."
Với mình, bài giảng đã đánh động đến những ảo tưởng, được dẫn dắt bởi ánh hào quang thế gian, để trở về soi chiếu thứ ánh sáng chân thật, trong sáng, đầy đủ sẵn có nơi bản thân mình.

Vô tự kinh - Đọc sách không có chữ

"Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc" "Xem xét lại chính mình là việc bổn phận, không phải từ nơi khác mà được" - Tuệ Trung Thượng Sĩ (link)
"Đọc sách đến mức cao thâm, là đọc sách không phải để tìm hiểu cái ngoài ta, mà để tìm hiểu cái người thật của ta. Sách vở, đối với ta, sẽ chỉ là cái nguồn khêu gợi mà thôi" - Nguyễn Duy Cần - 'Tôi tự học'
Một giáo sư nông nghiệp chưa chắc đã biết thưởng thức hương vị của hạt gạo bằng một anh ăn mày. Mà đôi khi học nhiều, ăn cũng không được ngon nữa là khác. Các sách của đạo Phật thường được các thiền sư viết ra bằng thứ chữ mà không có hình, được nói ra bằng những âm mà không có tiếng, thế thì làm sao mà đọc đây?
Vậy thì, có lẽ, trước hết hãy học theo người ăn mày - tức ăn chỉ để mà ăn.
Đừng đọc sách với tâm xét đoán, chỗ này đúng, chỗ kia sai, ở đây sâu sắc, chỗ nọ tầm thường, người này nói ngược, người khác nói xuôi ... Suy luận, biện bác, phân định, ... những vũ khí sắc bén ấy, mình nên tạm cất vào bao, để nó được nghỉ ngơi. Chương đầu tiên trong cuốn "Đường xưa mây trắng" của thiền sư Thích Nhất Hạnh có tên 'Đi chỉ để mà đi', cũng như thế - Đọc chỉ để mà đọc thôi.
Đọc mà không cầu nhớ, không cần nhớ mà lại còn sợ thuộc nữa là khác.
Khi trong lòng không còn những đợt sóng tư duy nào, theo từng con chữ, mình sẽ thấy bản thân mình trong những lời giảng của thiền sư, ấy là lúc chiếu soi ánh sáng vào tự thân để tìm thấy nguồn sáng sẵn có nơi mình, từ lâu đã bị bỏ quyên, khiến mình chìm sâu trong tối tăm và lạnh lẽo.
"Nói tới từ bi chúng ta thấy rất khó. Tại sao? Vì ở đời có người ăn nói dễ thương, có người ăn nói khó thương ... nên mình cũng khó thương. Bây giờ từ bi là phải thương tất cả, thì làm sao mà thương đây? "
Có thể trong sách có những chỗ chưa hợp với quan điểm riêng của ta, điều đó có hề gì. Hãy để giọng văn có nhiều sự thảnh thơi, từ bi và chân thành ấy, đưa mình đi. Con đường thì có nhiều, nhưng chân lý thì chỉ một, những chỗ khác biệt ấy cứ để nó trôi qua. Chỉ cần nương theo ngón tay, có thể sẽ trông thấy được mặt trăng

Về nội dung

"道 可 道 非 常 道. 名 可 名 非 常 名." "Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh." - Lão Tử - "Đạo đức kinh"
Mình rất muốn viết gì đó về nội dung trong sách, nhưng rồi lại cố gằng tiết chế lại. Một phần vì chẳng đủ tự tin, nhưng hơn cả là không nói có khi lại hay hơn.
Khi ta thấy 1 bát cơm, ta khó có thể nói cho người khác nó ấm nóng, ngon dẻo thế nào. Vì nếu khi ta chưa thực biết gì về mùi vị bát cơm ấy, thì người kia mới có cơ hôi thực biết. Còn nếu mình thực biết hết rồi, thì còn đâu cơm cho người kia biết nữa.
Vẻ đẹp của văn minh phương Đông, không phải vẻ đẹp của một hình mẫu hoàn thiện nào, mà là ở chỗ đi tìm vẻ đẹp sẵn có trong mỗi con người. Giống như hương vị của trà - thứ biến nó thành một thứ đạo - không phải ở chỗ 'nhất thủy, nhị trà, tam pha, tứ ấm' như người ta đồn thổi - đó chỉ là chất dẫn mà thôi. Ấy là ở ngay sự chuyên tâm, minh tĩnh, sâu lắng và an ổn trong nội tâm người thưởng thức.
Vì vậy, nếu như trong sách có những chỗ mình chưa thấy hết mọi lẽ, cũng không sao. Đôi khi, nó lại là cánh cửa để mở ra con đường đi tìm chân lý của mỗi chúng ta. Ví như Đạo đức kinh, 1 cuốn sách chỉ vẻn vẹn có mấy trăm chữ đã tồn tại đến nay suốt hai mấy thế kỷ, là một đặc sắc trong tư tưởng phương Đông. Há không phải ở chỗ nói ngược, khó hiểu, một cách tài tình hay sao?
Thật ra, con đường đi tìm Đạo ấy chính là Đạo vậy.
Như một đoạn trong sách, trích lời đáp của thiền sư Ô Sào:
"Ngài trả lời: "Phải, con nít tám tuổi cũng thuộc, nhưng ông già tám mươi làm cũng chưa xong !"
Thanh Phong - 11/09/2023