Văn hóa dân gian và đại chúng của Mỹ trong phim "The ballad of Buster Scruggs"
Tạm bỏ sang một bên sự thành công và tài năng không thể chối cãi của anh em đạo diễn Joel Coen và Ethan Coen; bỏ qua yếu tố về cái...
Tạm bỏ sang một bên sự thành công và tài năng không thể chối cãi của anh em đạo diễn Joel Coen và Ethan Coen; bỏ qua yếu tố về cái chết, bạo lực vốn là thứ sẵn có trong phim của họ, bỏ qua cả hình ảnh Old West - miền viễn tây nước Mỹ và hình ảnh cao bồi vốn đã được nghệ thuật và lãng mạn hóa qua rất nhiều bộ phim và cuốn truyện, mình chỉ muốn nói kỹ hơn về một vài chi tiết nhỏ mà chắc ít người để ý sau khi xem xong sáu câu chuyện nhỏ của phim. Đó là những chi tiết nhỏ không ảnh hưởng mấy tới mạch phim nhưng lại là những chi tiết thú vị, gắn liền với văn hóa dân gian của miền viễn tây hoặc văn hóa đại chúng của Mỹ mà mình có thể nhận ra được.
Câu chuyện thứ nhất: The ballad of Buster Scruggs
1. Phụ kiện đồ da.
Trang phục của nhân vật chính trong phần một (Buster Scruggs) là trang phục kinh điển của những chàng cao bồi viễn tây với full set đồ bằng da bò cùng chiếc bánh răng đặc trưng ở gót giày. Phụ kiện bằng da của nhân vật chính (giày, thắt lưng, đai súng dài và bao quanh đùi như một chiếc quần) được làm từ da bò veg-tan và được chạm khắc theo phong cách Sheridan:
- Da veg-tan (vegetable-tanned) được thuộc bằng tanin (hay tannin, tanning). Tên gọi tanin (xuất phát từ tanna, trong tiếng Đức cổ có nghĩa là cây sồi) để chỉ việc sử dụng tanin gỗ từ cây sồi trong việc thuộc da, cũng chính vì thế ở Việt Nam da veg được gọi là da mộc. Tấm da giữ được nguyên màu gốc, thường là màu trắng ngà hoặc màu be sáng. Phụ kiện bằng da trên người của Buster có màu trắng, chính là màu nguyên bản của tấm da. Da mộc thích hợp cho việc nhuộm thủ công, điêu khắc, chạm trổ trên da và làm bao đựng cho dao, súng, rìu cũng như nhiều vật dụng khác. Chính vì thế nó được người Mỹ, nhất là những vùng phía Tây ưa thích.
- Da mộc được chạm khắc họa tiết theo phong cách Sheridan: Tới giờ chắc không nhiều người biết là có thể chạm khắc được trên da thuộc đúng không? Sheridan là phong cách chạm khắc cổ điển trên da mộc, trong đó được ưa chuộng nhất là hình hoa, lá và các họa tiết theo dạng cong tròn…với những quy tắc khá khắt khe và dụng cụ để thực hiện cũng rất đặc thù.
2. Phá vỡ bức tường thứ 4:
“Bức tường thứ tư” là thuật ngữ xuất phát từ sân khấu kịch, với ba bức tường bao quanh ba phía của sân khấu, phía còn lại là nơi khán giả đang xem vở kịch. Vì không có bức tường thực sự nào giữa khán giả và sân khấu nên bức tường thứ tư ở đây là ám chỉ một bức tường vô hình ngăn cách giữa tác phẩm và diễn viên trên sân khấu với khán giả, Những nhân vật, những tình tiết, những câu thoại của vở kịch sẽ không bao giờ biết đến hay thừa nhận sự có mặt của khán giả. Khi một diễn viên trên sân khấu có hành động cũng như lời thoại mang tính tương tác với khán giả, đó là họ đang phá bức tường thứ tư.
Hành động phá vỡ bức tường thứ tư này không hay được dùng trong phim nhưng khá quen thuộc với các fan của truyện tranh, khi nhân vật nhận thức được mình chỉ là một nhân vật, một thứ hư cấu. Hành động này được thể hiện thông qua việc Buster trò chuyện với khán giả ở phần đầu của phim.
3. Năm lá bài “Dead man's hand” của Hickok:
Năm lá bài trong ván poker mà Buster lật lên từ người chơi trước đó (vốn đã bỏ cuộc) gồm môt đôi át (ách) đen, một đôi 8 đen và một lá J rô. Đó là năm lá bài nổi tiếng được gọi là “bộ bài của người chết”- “dead man's hand”, cũng là năm lá bài cuối cùng được một nhân vật có thật trong lịch sử nước Mỹ: cảnh sát trưởng James Butler Hickok (còn được gọi là "Wild Bill" Hickok) chơi trước khi bị bắn chết từ phía sau lưng ngay trên bàn bài. Việc lật đúng lá bài đó cũng có thể coi là một điềm gở, báo trước về cái chết của Buster.
Bộ bài ban đầu được coi là chỉ có bốn lá được lật là đôi át đen và đôi tám đen, lá còn lại bị úp, không rõ là lá gì. Một phiên bản cũng được chấp nhận khác thì cho rằng lá úp là lá J rô. Theo như một người bạn của mình thì 5 lá bài của Buster không hẳn là quá xấu, có hai đôi, trong đó có đôi át nên chưa chắc đã thua.
Một điều cũng khá thú vị là bộ bài tây vốn có nguồn gốc là 52 lá ẩn phụ trong bộ bài Tarot. Lá J rô của bài tây tương ứng với lá Knight of Pentacles trong bài Tarot, có hình ảnh là chàng kỵ sỹ trên lưng ngựa (khá giống hình ảnh cao bồi). Trong một trải bài Tarot, lá Knight of Pentacles để ngược nói lên sự bảo thủ, cảm giác bị mắc kẹt trong một thói quen hoặc một hành vi quá lâu. Buster đã chiến thắng quá lâu và quá dễ dàng, để rồi sau đó phải trả giá cho sự tự phụ của mình bằng cái chết (mặc dù chẳng chủ động gây sự với ai bao giờ). “You can't stay top dog forever" (bạn không thể ở trên đỉnh cao mãi được, như lời chính Buster đã nói.
Khi tìm từ khóa “dead man's hand” trên Google, dễ thấy nhất là hình ảnh bốn lá lật, một lá úp có dính một giọt máu. Theo như lời kể dân gian thì một người bạn có mặt trong quán rượu đã mang năm lá bài đấy về trao lại cho con trai của Hickok, mặt sau của một lá còn dính máu của ông.
"Wild Bill" Hickok là một anh hùng dân gian của miền tây nước Mỹ. Có một phim được công chiếu năm 2017, cũng mang tên Hickok luôn. Hickok cũng được cho là người khai sinh ra kiểu đấu súng solo 1-1 ở Mỹ, vốn cực kì nổi tiếng trên phim ảnh.
4. Pha bắn súng nhìn gương
Pha bắn súng nhìn gương của Buster là một pha biểu diễn khó, thường được các đoàn xiếc rong hoặc những người bắn súng biểu diễn thực hiện để kiếm tiền và thể hiện tài năng của họ. Một trong những người thực hiện pha bắn súng kiểu này mà mình muốn giới thiệu đến mọi người là Annie Oakley- nữ xạ thủ huyền thoại của miền viễn Tây, người từng đề xuất thành lập trung đoàn xạ thủ nữ trong Thế chiến thứ nhất nhưng đề xuất cuối cùng đã bị bác bỏ.
Lần đầu Buster soi gương là để giết chết kẻ khác, lần tiếp theo thì là để thấy cái chết của chính mình, châm biếm phết.
5. Whiskey không phải là whisky, thời kì cấm rượu và sự ra đời của cocktail.
Có một phân cảnh ở đầu phim khi Buster bước vào quán rượu và gọi một ly whiskey, chủ quán đã nói rằng bang đó đang cấm rượu. Chi tiết này gợi nhớ đến một giai đoạn cấm rượu ở Mỹ. Bắt đầu ở một số bang vào đầu thế kỷ 19, khi những nhiều nơi lo ngại về các tác động bất lợi của việc uống rượu (thì rõ là trong các bộ phim, các ông ý toàn đấm với bắn nhau trong quán rượu) và sau đó là lệnh cấm rượu trên toàn quốc kéo dài hơn chục năm cho tới tận năm 1933.
Lệnh cấm rượu có hiệu lực đã tạo điều kiện cho việc nhập lậu rượu qua biên giới trên bộ từ Canada (chủ yếu là rượu Whisky), từ Mexico (rượu Tequila), qua đường biển từ các quốc gia thuộc vùng vịnh Caribe (rượu Rum/Rhum), những loại rượu mùi, rượu thảo mộc từ châu Âu. Cũng chính nhờ sự có mặt của rất nhiều loại rượu từ khắp nơi và lệnh cấm rượu, người Mỹ đã tạo ra rất nhiều công thức cocktail- những món đồ uống pha trộn giữa nhiều loại rượu và các thành phần khác, như trái cây chẳng hạn và có bề ngoài nhìn y như một ly nước trái cây, dễ gây lú cho người nào đến kiểm tra :v.
Và khi nhắc đến rượu đặc trưng của Mỹ, người Mỹ sẽ viết là Whiskey chứ không viết là Whisky. Rượu Whiskey của Mỹ được tạo ra từ quá bán (51% trở lên) từ ngô, nổi tiếng nhất là dòng Whiskkey của Kentucky - Bourbon (loại rượu mà nhân vật sát thủ John Wick luôn uống ấy). Whisky thì lại được tạo ra từ lúa mạch/mạch nha, có xuất xứ chủ yếu từ Scotchland, Nhật, Canada chứ không phải Mỹ.
6. Yippee ki yi yay/ Yippee ki-yay
Cụm từ xuất hiện trong bài hát cuối câu chuyện đầu tiên là một cụm từ cổ, biểu hiện sự cảm thán của các cao bồi thời xưa. Mọi người xem các phần phim Die Hard do Bruce Willis đóng vai chính chưa? Câu nói quen miệng của nhân vật chính là: Yippee ki-yay, mother f***ers! :v
7. Hạt sạn: mọi thứ trên bàn còn nguyên.
Nếu để ý bạn sẽ thấy sau cú đạp bàn của Buster, ở một góc quay từ trên cao xuống, các lá bài trên bàn bị đổi vị trí và cái ly rượu vẫn còn nguyên trên cả hai thanh gỗ sát nhau của cái bàn. Rõ là một điều vô lý sau một cú đạp như thế.
Câu chuyện thứ hai: Near Algodones
8. Lần đầu à?
Đây là một hình ảnh trong phim, sau đó trở thành một meme nổi tiếng được chế đi chế lại và xuất hiện trong rất nhiều comment trên mạng. Trên giá treo cổ, nhân vật chính thấy một gã đang run sợ, rồi quay sang nhìn gã đó với một ánh mắt trịnh thượng và nói câu “lần đầu à?”. Gã kia thấy khó hiểu, thì đúng thôi, làm quái gì có ai bị treo cổ hai lần trong một ngày như ông nhân vật chính cơ chứ :v
9. Pan shot- Pubg game
Nếu đã từng chơi game Pubg thì bạn sẽ biết cho dù bạn mặc áo giáp một hay áo giáp ba thì bạn vẫn có thể bị bắn mất máu đến chết, riêng dùng chảo thì lại có thể đỡ được đạn và còn sống nhăn răng, y như ông lão trong phần này, thế mới dị.
Câu chuyện thứ ba: Meal Ticket
10. Các gánh hát rong, xiếc biểu diễn
Gánh xiếc xong trong phần 3 làm mình liên tưởng tới gánh xiếc của cụ Vitalis với cậu bé Remi và các con thú trong cuốn Không Gia Đình của Hector Malot.
Các gánh xiếc rong là loại hình giải trí phổ biến và được ưa chuộng tại Mỹ vào thế kỷ 19. Các gánh xiếc này sống chủ yếu dựa vào các tiết mục thể hiện kĩ năng đặc biệt của người diễn: nâng vật nặng, dùng đầu dập vật cứng, huấn luyện thú hoặc sự dị thường về hình dáng của người diễn: song sinh gắn liền, thừa hoặc thiếu chi, mắc chứng nhiều lông, có đuôi, quá cao hoặc quá thấp…
Các đoàn xiếc rong thường rong ruổi trên những chiếc xe ngựa để biểu diễn ở khắp nơi. Một trong những loại hình dễ thấy là đoàn xiếc “một toa”, gồm chủ gánh xiếc và một số ít thành viên, di chuyển chỉ trên một chiếc xe ngựa như trong phần ba này. Có một điều đắng lòng là tuy kiếm được miếng cơm trong thời kỳ khó khăn nhưng rất nhiều người biểu diễn, nhất là những người khuyết tật đã bị mua đi bán lại giữa các đoàn xiếc như một món đồ vật, một món hàng hóa.
Câu chuyện thứ tư: All gold canyon
11. Cơn sốt vàng
Phần phim gợi đến cơn sốt vàng tại Mỹ, bắt đầu từ năm 1848 tới 1855, khoảng thời gian mà người Mỹ, sau đó là cả người Mỹ Latin, người châu Á, châu Úc, châu Âu phát rồ vì vàng ở vùng California (người Trung Quốc có mặt ở Mỹ từ rất sớm, nhiều người lao động Trung Quốc đã được đưa sang các mỏ vàng để làm việc). Chính cơn sốt vàng này là cú hích khiến vùng này trở nên phát triển sầm uất cũng như sự biến mất dần dần của nền văn hóa người da đỏ bản địa do nhiều người da đỏ bị tàn sát và bị đuổi ra khỏi nơi sinh sống để người da trắng lấy chỗ đào vàng.
Tên của phần này cũng là tên một truyện ngắn của nhà văn Jack London (tác giả của Tiếng gọi nơi hoang dã và Nanh Trắng), bản tiếng Việt dịch là Khe núi toàn vàng.
12. Chim thì đếm được đến đâu chứ!
Câu nói của ông lão đào vàng ám chỉ việc ông chủ gánh xiếc ở câu chuyện thứ ba đã mua một con gà sau màn biểu diễn "biết làm phép tính" của nó. Con gà làm quái gì biết đếm chứ, cũng như con chim mà thôi.
Câu chuyện thứ năm: The gal who got rattled
13. Đường mòn Oregon
Lộ trình của các nhân vật trong phần 5 chính là The Oregon Trail – Ðường mòn Oregon. Đó là một hành trình di dân kéo dài từ bang Illinois đến bang Oregon ngày nay, theo chiều ngang của nước Mỹ từ những năm 1840.
Đường mòn Oregon đã giúp nước Mỹ thực hiện thuyết Manifest Destiny – Vận mệnh hiển nhiên, để mở rộng lãnh thổ quốc gia từ Đại Tây Dương đến Thái Bình Dương. Những cũng chính vì quãng đường quá dài, nhiều đoạn hiểm trở, thời tiết khó chịu, bị người đa đỏ tấn công cướp bóc và thiếu thức ăn, khoảng 20.000 người đã thiệt mạng dọc đường trong suốt cả quãng thời gian di dân, khiến người Mỹ gọi đường mòn Oregon là nghĩa trang dài nhất nước Mỹ.
14. Tổng thống Pierce:
Đó là tên con chó của nhân vật nữ chính và cũng là tên của một vị Tổng thống có thật trong lịch sử nước Mỹ: Franklin Pierce- vị Tổng thống thứ 14.
Ông này số nhọ miễn bàn: có ba người con nhưng họ đều chết từ khi còn rất trẻ, vợ ông sau đó mắc chứng trầm cảm. Ông được cho là một trong vài Tổng thống kém cỏi nhất trong lịch sử nước Mỹ, không cống hiến được gì nhiều cho đất nước, thậm chí về sau ông ấy còn trở thành người nghiện rượu. Đại ý là số phận không may mắn nên có một cuộc sống gia đình khá nghiệt ngã và sự nghiệp không có gì ấn tượng.
Nếu để ý thì trong phim con chó mang vận đen này có ba người chủ, và cả ba người đều chết khá là…oái ăm (một người chết không lý do, một người chết do dịch tả, một người chết do tự sát), cũng là ba người.
15. Người da đỏ không như thế.
Một trong những điều khiến bộ phim bị chê đó là bộ phim khắc họa hình ảnh người da đỏ bản địa là những người máu lạnh, đánh giết người da trắng như ngóe để cướp bóc trong khi chính họ mới là những người bị người da trắng giết hại và cướp bóc.
Nếu tìm trên google, mọi người sẽ thấy nhiều bài viết về những cuộc thảm sát người da đỏ do người Mỹ thực hiện. Một trong những vụ thảm sát nổi tiếng nhất là Thảm sát Wounded Knee xảy ra vào ngày 29 tháng 12 năm 1890. Trung đoàn kị binh số 7 của người Mỹ đã tiêu diệt gần 300 người da đỏ, bao gồm cả trẻ em, người già và phụ nữ. Nhiều chỉ huy và lính của trung đoàn này sau đó đã được trao Huân chương danh dự cho hành động đốn mạt này. Năm 2001, nhiều người đã yêu cầu Chính phủ Mỹ tước Huân chương danh dự nói trên, nhưng yêu cầu của họ bị từ chối.
Nếu các bạn cũng theo dõi bộ phim Watchmen như mình (mình thích phim này vãi xoài luôn), trong phần 2, một phản diện của phim là nhóm người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng gọi là Seventh Kavalry, chính là lấy cảm hứng từ tên của Trung đoàn kỵ binh số 7 ở trên. Chi tiết trên cũng cho thấy tác giả đã coi sự kiện Wounded Knee là một hành động cực kỳ đáng khinh.
16. Lột da đầu
Trong phim có hình ảnh những chiến binh da đỏ dùng dao lột bỏ phần da đỉnh đầu kèm tóc của nạn nhân và mang đi. Thật ra đa phần các bộ tộc người da đỏ không làm như vậy. Còn những bộ tộc làm như vậy không phải để cho vui mà được coi là hành động đáp trả lại hành động xúc phạm nào đó của kẻ thù. Nhưng qua nhiều phương tiện truyền thông của người da trắng, hành động lột da đầu này bị gán cho tất cả người da đỏ, được tuyên truyền rằng họ làm thế để mua vui và lưu giữ lại như một chiến tích.
Trong bộ phim ảo lòi và mang hơi hướng thẩm du tinh thần của người Mỹ: Inglourious Basterds (có trên Netflix đấy), nhân vật Trung úy Aldo Apache (do Brad Pitt thủ vai) cũng nói với biệt đội của mình rằng anh ta là hậu duệ của Jim Bridger, tức là có dòng máu người da đỏ. Biệt đội của Aldo sẽ chiến đấu như người Apache (một trong vài nhóm bộ tộc thổ dân da đỏ lớn ở Mỹ) và mỗi người trong biệt đội nợ anh ta 100 mảnh da đầu của bọn Đức quốc xã.
17. Cao bồi không như thế.
Phần lớn những hình ảnh về miền viễn Tây mà chúng ta thấy qua phim, truyện là được truyền cảm hứng từ show biểu diễn Wild West show của Buffalo Bill. Chương trình biểu diễn này tái hiện lại (kèm theo một chút phóng đại, hư cấu) cuộc sống viễn Tây ngày xưa với các cảnh người da đỏ tấn công, cao bồi bắn súng, kỵ binh cưỡi ngựa... Chương trình của Buffalo Bill bắt đầu từ năm 1883 và kéo dài đến 1913, rất nổi tiếng và đã đi lưu diễn khắp nước Mỹ, châu Âu.
Phần 6 mang tính siêu thực hơi cao nên mình không thấy có chi tiết nhỏ nào có thể moi ra mà viết cả. Nên thôi, mình chịu, viết được đến đây thôi.
---Khi đăng lại bài viết ở một nơi khác, vui lòng ghi rõ tác giả: Thành Ỉn---
Phim
/phim
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất