Bài viết có spoil nhẹ một vài chi tiết ở đầu truyện.
Vốn không có mấy kinh nghiệm với thể loại trinh thám hay giật gân, tôi chỉ tình cờ thấy và lựa chọn cuốn sách này, vì nó rẻ. Tôi thậm chí còn chẳng thèm nhìn tiêu đề hay cái bìa minh họa có một cô gái đang ôm cái xác của nhân vật chính nữa cơ, về đọc mới giật mình nhận ra.
Cuốn sách khá ngắn, chỉ vẻn vẹn khoảng 150 trang và gồm 2 câu chuyện là ‘Mùa hè pháo hoa và xác chết của tôi’ và ‘Yuko’.
Ở đây, tôi sẽ chỉ nói về câu chuyện ở nửa đầu cuốn sách: ‘Mùa hè pháo hoa và xác chết của tôi’, vì tôi nghĩ, nếu bạn thích câu chuyện này, truyện ngắn ‘Yuko’ sẽ không làm bạn thất vọng được, ngược lại còn khiến bạn cảm thấy hứng thú hơn nhiều. Tôi không rõ lắm về tác giả Otsuchi này, nhưng theo những thông tin trong sách thì đây là tác phẩm đầu tay của ông, được đăng tải năm ông 17 tuổi, tức là ông chắp bút viết nên câu chuyện này vào khoảng độ tầm 16 tuổi gì đấy. Với một tác phẩm đầu tay, thì phải nói tác giả này đã làm quá tốt, cả về mặt nội dung lẫn câu từ miêu tả. Sự sáng tạo được thể hiện ngay từ cách tác giả chọn ngôi kể cho câu chuyện: ngôi thứ nhất, nhưng mà là của một xác chết.
Câu chuyện diễn ra tại một vùng nông thôn của Nhật vào những năm 80, với nhân vật chính của câu chuyện là cô bé Satsuki, học lớp 3. Trong một buổi chiều cùng cô bạn thân Yayoi vào rừng, do bất cẩn mà vô tình ngã từ trên cây xuống, và chết. Nội dung xuyên suốt câu chuyện là hành trình 4 ngày của Yayoi cùng anh trai mình, Ken, tìm cách giấu xác của Satsuki đi để ém nhẹm mọi chuyện vào dĩ vãng.
Để nói về nội dung, thì phải nói là tác giả này viết khá chắc tay. Những từ ngữ, hình ảnh được tác giả Otsuchi sử dụng để miêu tả rất độc đáo và gợi cảm, khiến tôi dễ dàng liên tưởng tới khung cảnh được tả chỉ bằng vài câu văn ngắn ngủi. Về cốt truyện, thì nó đáp ứng đủ tiêu chí của một câu chuyện theo phong cách giật gân: những tình tiết được sắp xếp rất hợp lí và logic; những chi tiết xuất hiện trong truyện không có cái nào bị thừa; đều liên kết một cách chặt chẽ với câu chuyện được kể; plot twist, dĩ nhiên phải có, dù khá dễ để đoán do hệ thống nhân vật trong câu chuyện cũng không phải là nhiều cho lắm, dẫu thế nhưng vẫn đủ để người đọc được một phen bất ngờ dù đã phần nào đoán trước được tình tiết câu chuyện.
Dĩ nhiên, để hoàn thiện một tác phẩm hay thì những yếu tố trên là chưa đủ, vì nếu nhân vật xây dựng hời hợt thì những thứ kia dù có cao siêu như thế nào thì cả câu chuyện cũng sẽ chỉ là một đống từ ngữ trộn lẫn vào nhau, chỉ là những lời kể mà thôi, và cá nhân tôi thấy tác giả Otsuchi đã làm khá ổn ở phần này. Hai nhân vật mà câu chuyện chủ yếu xoay quanh là hai anh em nhà Tachibana, Ken và Yayoi. Hai anh em được tác giả xây dựng trái ngược nhau hoàn toàn. Với Yayoi, thì đúng như một đứa trẻ ở tuổi ấy, rất ngây thơ, và bị cái chết của Satsuki tác động lớn nhất. Âu cũng là dễ hiểu với một đứa trẻ mà thôi, tự nhiên bạn mình lăn đùng ra chết trước mắt, người lớn còn hoảng loạn, huống chi là một đứa trẻ 9 tuổi như Yayoi chứ? Trái ngược với Yayoi là nhân vật người anh trai, Ken. Xuyên suốt câu chuyện, cậu ta hiếm khi bộc lộ sự mất bình tĩnh như em gái mình, mà ngược lại, tỏ vẻ rất thản nhiên. Nghe chừng có vẻ hơi vô lí ở một đứa trẻ tuổi đó, nhưng nó lại hợp lí vô cùng nếu ta đặt mình vào vụ trí của Ken và suy nghĩ giống cậu, vì cậu ta biết em gái mình không làm gì sai cả, và cái chết của Satsuki chỉ là do tai nạn, nên tuyệt nhiên không có gì mình phải thấy tội lỗi cả. Nhưng sự thản nhiên đó cũng có phần hơi quá đà, khi cậu vẫn vô tư nói về việc Satsuki mất tích trước mặt mẹ Satsuki, như thể việc ấy chẳng có can hệ gì tới mình. Một đứa trẻ 11 tuổi mà có thể lãnh cảm tới mức độ ấy mà không mảy may tỏ ra một chút gì lo lắng, với tôi nó có phần hơi bất thường, và khiến tôi bắt đầu hơi nghi ngờ về nhân cách của cậu Ken này. Cả hai anh em được xây dựng như hai mảnh ghép khớp nhau, luôn luôn hỗ trợ nhau khi cần nhất. Trong những tình huống bất ngờ nhất xảy đến trong quá trình giấu xác Satsuki của hai anh em, Ken thường luôn là người sẽ tỏa sáng để giải quyết vấn đề, là người sẽ bày đầu ‘diễn kịch’ và nghĩ ra giải pháp khi Yayoi hoảng loạn không biết phải nói hay làm gì. Nhưng không vì thế Yayoi trở nên thừa thãi, vì nếu không có Yayoi hỗ trợ thì Ken cũng không thể nào thoát ra mà không có vấn đề gì được, nên có thể nói là hai anh em này bù trừ cho những điểm mù, điểm yếu của người kia một cách vô cùng trơn tru.
Có một sự bất thường của dàn nhân vật không nằm ở hai anh em kia. Nó nằm ở nhân vật được sử dụng làm ngôi kể - tức Satsuki, giờ đã là một cái xác lạnh ngắt. Ngay từ lúc đọc phân đoạn miêu tả cái chết của Satsuki, tức tự kể tự miêu tả lại cảnh mình chết, tôi đã cảm thấy có một sự kì lạ như tơ vò mắc vào trong lòng.Thông thường, cái chết sẽ được miêu tả gắn liền với sự sợ hãi tột cùng, vì thế nếu trong khi miêu tả có pha vào chút sợ hãi, là điều bình thường. Và cũng chính vì thiếu vắng sự sợ hãi ấy, tôi càng cảm thấy có diều gì đó bất thường. Trong lúc rơi xuống, có một chút biểu lộ rằng Satsuki khá đau đớn, nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy sự sợ hãi nào cả. Vì Satsuki chết tức thì, do đập vào tảng đá phía dưới mặt đất, nên nếu xét theo khía cạnh ấy mà bảo là ‘Satsuki chưa kịp sợ hãi thì đã chết’, nghe cũng hợp lí, nhưng cá nhân tôi lại không chấp nhận được lời giải thích ấy chút nào, vì sự xuất hiện của câu văn sau đây:
“Va phải một cành cứng, tôi nghe tiếng răng rắc đâu đó trong người, thân thể oặt hẳn đi nhưng vẫn tiếp tục rơi, miệng hét không ra lời, lòng rất buồn phiền vì giữa chừng một chiếc xăng đan yêu quý tuột đi mất.”
Tôi cảm thấy thật sự rất quái lạ từ khúc ‘buồn phiền vì chiếc xăng đan’. Một cái chết bất đắc kì tử diễn ra khi nạn nhân chưa kịp hiểu gì để mà sợ hãi, nhưng lại có thời gian lo cho chiếc xăng đan bị rớt? Nghe kiểu gì cũng thấy có vấn đề. Và vấn đề chưa dừng lại ở đó. Như đã nói, ngôi thứ nhất được tác giả sử dụng là của Satsuki, một người đã chết.Điểm quái lạ thứ hai nằm ở ngày thứ nhất, khi hai anh em giấu xác Satsuki dưới đường cống. Đặc điểm chắc chắn cần phải tuân theo khi sử dụng ngôi thứ nhất để miêu tả, đó chính là chỉ tả những gì nhân vật ấy nghe, và những gì nhân vật ấy thấy, tóm gọn lại là sử dụng ‘điểm nhìn’ của nhân vật ấy, và chỉ duy nhất ‘điểm nhìn ấy’ thôi (Hãy cứ xem Youjo Senki là ngoại lệ đi, vì tôi thỉnh thoảng chẳng phân biệt là Tanya hay cái gã chuyển sinh thành Tanya đang nói cả). Ừ thì đúng là cái xác chết thì làm gì đảo mắt dóng tai được, nhưng mà đã bị giấu xuống dưới đường cống bị che lấp, thì điểm nhìn chắc chắn sẽ bị cố định tại đó, nhưng thay vì tả cảnh dưới cống tối đen như mực thế nào vào buổi đêm, thứ ta thấy là khung cảnh gia đình Tachibana sinh hoạt (!?).  Ngoại trừ những lúc Satsuki nói về cái xác của bản thân và gọi ‘anh Ken’, tôi không thấy có điểm khác biệt nào đáng kể giữa ngôi kể của Satsuki là ngôi thứ nhất, với ngôi thứ ba được dùng để tả bao quát mọi thứ cả. Từ những đặc điểm bất thường trên, tôi cho rằng ngôi kể được sử dụng là ‘linh hồn’ của Satsuki, chứ không phải cái xác. Tôi cũng không dám chắc lắm về việc này bởi vì điểm nhìn của Satsuki không có vẻ giống một linh hồn bay lơ lửng cho lắm, mà giống như một người quan sát hơn. Vì bản thân không chắc chắn về giả thiết hồn ma mình đưa ra, nên tôi sẽ chọn góc nhìn của nhà văn Ono Fuyumi được viết trong phần ‘Cảm nhận’ cuối cuốn sách, rằng sau khi chết, Satsuki đã trở thành một vị thần, và cuốn sách là góc nhìn của vị thần ấy.
Dẫu cho có vài điểm kì lạ đến quái đản, nhưng tôi sẽ không xem nó là sạn, vì bản thân tôi dù có những thắc mắc như thế nhưng tôi vẫn dễ dàng đọc hết và thưởng thức tác phẩm. Theo tôi thấy, cái sự quái dị ấy góp phần làm nên sự bí ẩn cho câu chuyện thêm phần hấp dẫn và cuốn hút hơn nhiều. Nếu thiếu đi những yếu tố kì dị này, tôi không chắc câu chuyện nó sẽ thực sự truyền tải được thế giới quan của tác giả, và sẽ mất đi sự hấp dẫn vốn có. Vì thế, nếu bạn muốn tìm một thứ gì đó mới lạ, hay đơn giản là chỉ thích sự giật gân và những quả plot twist muốn gãy cổ, thì hai câu chuyện trong cuốn sách ‘Mùa hè pháo hoa và xác chết của tôi’, chắc chắn sẽ làm bạn hài lòng.