img_0
Ảnh bởi
Raychan
trên
Unsplash
Cách đây vài năm, khi được bạn bè hỏi “Mày có ý định học lên tiếp không?”, mình chỉ cười xòa và lắc đầu: “Thôi học tới đây là đủ rồi mày ơi.”
Thật sự mình đã từng tin chắc như đinh đóng cột rằng, một khi tốt nghiệp và có việc làm ổn định, thì chuyện học hành, sách vở, trường lớp… sẽ được tống ngay vào quá khứ. 6 năm đi làm, sống một cuộc đời đúng nghĩa “9 to 5” – họp hành liên miên cả ngày, tối về mệt mỏi chẳng muốn động chân tay chứ chưa nói gì đến động não, cuối tuần thì chỉ muốn enjoy trong khi thầm ước ngày chủ nhật đừng bao giờ kết thúc.
Nhưng rồi đến một lúc, mình bắt đầu thấy mệt không chỉ vì công việc, mà vì chính cái cảm giác vòng lặp chẳng có gì mới mẻ trong cuộc sống. Mỗi ngày trôi qua đều có một chút gì đó sai sai, thiếu thiếu, không đủ tệ, nhưng cũng không đủ đầy. Và sau rất nhiều lần vật lộn trong đầu, mình quyết định… quay lại học.
Tự dưng nhớ tới câu mà dân mạng hay đùa “Khi công việc bế tắc thì đi học thạc sĩ, MBA.” Nhưng mình lại khác một chút, mình không học lên, mà chọn học lại từ đầu. Từ dân chuyên ngành kinh tế, mình rẽ sang một ngành hoàn toàn mới - tâm lý học.
Vậy là ở tuổi mà bạn bè mình đã có vài đứa lên sếp, vài đứa mua nhà, vài đứa đã có chồng con, mình lặng lẽ trở lại trường một lần nữa, như một sinh viên năm nhất.

1. Mang theo “tâm thế đi làm” để đi học

Điều thấy rõ nhất là mình học với một tâm thế rất khác hồi 18 tuổi. Không còn là kiểu “làm bài cho xong môn”, mà là mỗi bài tập, mỗi lần thuyết trình, mỗi buổi họp nhóm đều được mình nhìn nhận như một task công việc thật sự.
Cái mindset đi làm khiến mình quen với việc chuẩn chỉnh, hiệu quả, đảm bảo deadline, nên môn nào mình cũng lên kế hoạch từ sớm, phân bổ theo timeline rõ ràng, chứ không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy” như xưa. Điều này giúp mình tự giác, có trách nhiệm hơn, tránh việc trì hoãn nhưng đôi lúc mình lại tự hỏi “không biết mình có hơi overthinking không ta”, bởi nhìn sang mấy bạn học trẻ hơn thì lại nhẹ nhàng “làm chill chill, deadline tới đâu lo tới đó” nên trong thoáng chốc mình cũng muốn “go with the flow” theo tụi nó luôn. Lẽ nào đây cũng là sự khác biệt thế hệ chăng?
Ngoài ra, mình dần biết cách điều chỉnh tiêu chuẩn, chấp nhận rằng không phải cái gì cũng cần hoàn hảo. Đôi khi một bài nhóm đòi hỏi sự tham gia của tất cả thành viên còn quan trọng hơn so với việc cố gắng ôm đồm mọi thứ một mình chỉ để dễ kiểm soát.

2. Lần đầu tiên thấy việc học có ý nghĩa thật sự

Hồi xưa đi học, mình thường tự hỏi “học mấy cái này làm gì, ra trường có xài được đâu”, nên nghe chữ lọt chữ mất, nhiều môn học xong rồi thì quên sạch “như chia hề lướt qua đời nhau”.
Nhưng bây giờ, khi mình học với sự tò mò thật sự, mình thấy kiến thức “nảy mầm” mọi lúc, dù là một bài đọc lý thuyết hay một đoạn chia sẻ nhỏ của thầy cô. Tất cả bỗng trở thành chìa khóa để hiểu điều mình từng trải qua khi đối chiếu lại với “kho tư liệu sống” của đời mình.
Có lần mình đọc về khái niệm “cognitive dissonance” rồi thầm thốt lên: “À hóa ra cái hồi mình ghét việc cũ mà vẫn cố làm thêm một năm là do vậy hả?” Đó là một cảm giác dễ chịu, như kiểu vừa được giải mã bản thân, vừa nhận ra không phải mình bất thường mà điều mình trải qua đã được nghiên cứu và lý giải cả rồi.
Học ở tuổi này, mình thấy không chỉ để "biết", mà để hiểu – hiểu người khác, hiểu chính mình, và hiểu vì sao mình từng hành xử như vậy. Và điều đó, đối với mình, vừa là một loại chữa lành, vừa là một thứ vũ khí tinh thần để vững vàng hơn mỗi khi đời ném cho vài “cú tát” vào mặt.

3. Thời gian không chờ đợi ai

Đi học lúc cận kề tuổi 30 có một đặc điểm lớn: bạn biết thời gian là hữu hạn.
Hồi còn sinh viên, mỗi học kỳ trôi qua thật dài, và mình chỉ mong “học nhanh nhanh để còn đi làm kiếm tiền, sống cuộc đời tự do tự tại”. Bây giờ thì ngược lại: mỗi ngày trôi qua, mình lại thấy không đủ thời gian để đọc, để học, để suy ngẫm. Cứ thế, mỗi tuần lướt nhanh như một cái chớp mắt. Cảm giác thời gian trôi nhanh khiến mình muốn học nhiều hơn, nhanh hơn, không phải vì bị thúc ép, mà vì muốn tận dụng tối đa từng giờ.
Hơn nữa, học khi đã đi làm cũng đồng nghĩa với việc xung quanh mình có nhiều trách nhiệm hơn, từ công việc, tài chính đến gia đình. Không phải lúc nào cũng có thể "toàn tâm toàn ý" như sinh viên tuổi đôi mươi. Có những ngày mình vừa họp online xong là phải bật camera học nhóm, hay có những đêm cày đến 2h sáng vì tiếc thời gian ngủ trong khi còn quá nhiều thứ để “mần”.
Lúc đó bạn mới thấy, học không còn là chuyện “lên trường”, mà là một cam kết sống: học xen giữa deadline công việc, học song song với chuyện cơm nước, học trong lúc bạn bè đang gửi thiệp cưới hay khoe hình con đầu lòng.
Đó là sự đánh đổi thực sự, và cũng là lúc bạn buộc phải học kỹ năng quản lý thời gian và năng lượng, không thì burnout là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

4. Cái đầu tuy già, nhưng vẫn học tốt

Một trong những nỗi sợ lớn khi đi học lại là: “Mình có học nổi không? Mình có còn đủ nhanh nhạy để theo kịp?”
Và câu trả lời là: có. Nhưng theo một cách khác.
Mình cũng từng sợ như vậy, nhất là khi tiếp xúc với kiến thức hoàn toàn mới. Nhưng rồi mình phát hiện: não mình tuy không còn “nhanh” như hồi sinh viên, nhưng lại “sâu” hơn, thực tế hơn. Mình phân tích tốt hơn, phản biện có hệ thống, liên hệ kiến thức với đời sống, và biết cách tra cứu khi không hiểu – những điều mà ngày trước mình không có được.
Trong lớp, có những anh chị hơn mình cả chục tuổi, nhưng vẫn học rất chăm, rất nghiêm túc. Họ khiến mình nhận ra: tuổi không phải rào cản học tập, mà là một chiếc kính lúp, giúp ta thấy được điều mà ngày xưa mình thường bỏ sót.

5. Không bao giờ là trễ, nhưng không dễ

Người ta hay nói “không bao giờ là quá muộn để bắt đầu”. Nghe thì truyền cảm hứng, nhưng sự thật là rất vất vả.
Nó đồng nghĩa với việc bạn tự rút khỏi vùng an toàn của chính mình – rời bỏ một công việc ổn định, từ chối những thăng tiến có thể đến, và thừa nhận rằng: “Tôi cần học lại từ đầu.”
Bạn có thể thấy mình thua kém bạn bè đồng trang lứa. Bạn có thể bị hoang mang, lạc lõng giữa những người bạn học gen Z, vì không bắt kịp trend, và đôi khi không thể nào chia sẻ thật sự với ai cùng lứa. Và nhất là, bạn phải đối diện với nỗi sợ thất bại trong chính lựa chọn của mình "Mình có đi đúng không?", "Lỡ học xong vẫn không làm được thì sao?".
Nhưng chính trong những lúc như vậy, mình càng tin vào điều này: Sự trưởng thành có thể không đến từ việc bạn giỏi bao nhiêu, mà từ việc bạn dám đối diện với điều mình thực sự muốn.
Mỗi người có một múi giờ riêng, và hành trình của mỗi người không cần phải giống bất kỳ ai khác.
Nếu bạn sợ không kịp, sợ không giỏi, sợ không còn đủ sức… để bắt đầu lại một việc gì đó, thì hãy biết rằng bạn không cô đơn trong cảm giác ấy đâu.
Bắt đầu lại bất cứ điều gì ở tuổi không còn “trẻ trung vô ưu” chưa bao giờ là dễ. Nhưng có thể chính sự khó đó mới làm cho hành trình này đáng nhớ.
Biết đâu, giữa một đêm deadline, một buổi họp nhóm rối ren, hay một trang sách khiến bạn choáng váng, bạn sẽ bắt gặp lại một phiên bản rất khác của mình: một người vẫn còn tò mò, vẫn còn thiết tha với tri thức, và vẫn dám tin rằng cuộc sống này còn nhiều điều chờ đợi mình khám phá.
P.S: Hôm nay ngày 1/6 lại nhắc mình về những đứa trẻ vẫn đang sống bên trong mỗi người. Nếu bạn đang học lại, sống lại, hay bắt đầu lại một điều gì đó thì có thể, bạn đang nắm tay đứa trẻ ấy và đi cùng nó thêm một đoạn đường.