Bài viết sẽ bắt đầu bằng một từ trong tiếng Nhật, đó là Ikigai
Thuật ngữ Ikigai được ghép từ ikiru – có nghĩa là sống, và kai – là thấy được hy vọng. Ikigai được hiểu là “lẽ sống” (hay “lý do để thức dậy mỗi sáng”). Với người Nhật, họ nghĩ rằng ai cũng một Ikigai ẩn dấu. Để tìm ra nó, đó có thể là hành trình sâu rộng, và kéo dài.  
Bạn thử nghĩ về điều này nhé. Mỗi ngày, bạn dùng một phần ba thời gian để ngủ. Trong 16 tiếng còn lại, thì khoảng 8 tiếng bạn học tập và làm việc. Tức là, sự học hay sự nghiệp sẽ chiếm tầm một nửa cuộc-đời-đang-thức của bạn. Nên việc tìm ra Ikigai thật sự có ý nghĩa. Nó gần như là một nửa đời sống (lúc thức) của bạn cơ mà. 
Dan Buettner, nhà báo, tác giả của nhiều cuốn sách nổi tiếng đã đi khắp thế giới để tìm hiểu vùng “Blue Zone". Đó là tên gọi chung cho những nơi có người dân sống thọ nhất thế giới. Đảo Okinawa, Nhật Bản là một trong số đó. Ông tự hỏi, tại sao người dân Okinawa nói riêng và người dân Nhật nói chung có tuổi thọ cao như thế? Trong bài chia sẻ tại hội nghị TED, ông nói về chủ đề "Làm sao để sống trên 100 tuổi". Và Ikigai là một trong số yếu tố chủ chốt để trả lời điều đó.
Ikigai tóm lại bằng hình ảnh sau:

Dựa trên niềm tin, trình độ và giá trị theo đuổi, mỗi người sẽ có những lý do khác nhau để sống, học tập và làm việc. Để tìm được Ikigai, chúng ta cần trả lời bốn câu hỏi sau:

1. Mình yêu thích điều gì?
2. Mình giỏi điều gì?
3. Thế giới cần gì?
4. Mình có thể được trả tiền để làm gì?

Theo sơ đồ Ikigai, bạn thấy

- Giao thoa giữa điều yêu thích và điều làm giỏi chính là đam mê
- Giao thoa giữa điều yêu thích và điều xã hội cần chính là sứ mệnh
- Giao thoa giữa điều thế giới cần và điều có thể làm để kiếm sống là công việc
- Giao thoa giữa điều làm giỏi và điều có thể làm để kiếm sống là chuyên môn
- Giao thoa của đam mê, sứ mệnh, công việc và chuyên môn là Ikigai

Ban đầu, bạn hãy thử nghiền ngẫm và tự tìm hiểu xem trong các vùng giao thoa, bạn có thể làm nghề gì. Rồi sau đó:

1. Tìm hiểu những nghề này qua mạng
2. Gặp gỡ và nói chuyện với những người làm trong ngành nghề đó để hiểu về nó một cách thực tế
3. Tìm môi trường để trải nghiệm công việc đó thật sự, như đi học kỹ năng liên quan đến nghề, thực tập, thử việc, nhờ người làm nghề đó hướng dẫn hoặc giao việc cho mình làm, nhận dự án liên quan…

Bạn càng thử, càng làm, càng trải nghiệm thì vùng nghề và cơ hội của bạn càng mở rộng. Ikigai có thể thay đổi theo thời gian, khả năng, lựa chọn và giá trị sống mình theo đuổi. Dần dần tấm bản đồ sẽ ngày một rõ hơn, lối đi sẽ ngày một sáng. Rồi một hôm đẹp trời nào đấy, mình bắt gặp Ikigai của mình.

Chúc bạn vững vàng và kiên nhẫn.

Nguồn tham khảo:
- Bài chia sẻ của Dan Buettner trong hội nghị TED
- Bài viết Ikigai của cô Nguyễn Phi Vân
- Bài hướng dẫn về hướng nghiệp của Career Camp
- Thông tin hướng nghiệp của VVOB và một số trang báo trực tuyến khác