[Feb 12th 2018] 
Vài ngày trước mình có cơ hội được nói chuyện với một nhà sản xuất phim. Qua đó, mình với anh ấy cùng chia sẻ một cảm nhận với sự thiếu thốn của những cộng đồng làm phim (dù đang tăng) và đồng thời là sự thiếu thốn của việc đào tạo và thực hành điện ảnh ở miền Bắc. Đây cũng là lần đầu tiên mình dám chia sẻ cảm nghĩ này với một người xa lạ, bởi kết quả học tập của mình ở trường điện ảnh rất tệ, đọc bảng điểm, ai cũng có thể nói rằng thằng này không có đam mê thì không thể làm phim được đâu. Mình chưa bao giờ được tiến gần tới những hiện trường phim, mình xa lạ với máy móc, và mình phát ngợp khi tưởng tượng mình phải điều phối đoàn phim và diễn viên nào đó (mình học đạo diễn). Có thể nói, cho đến nay, mình là một thất bại của trường điện ảnh Hà Nội.
Pascha (2013)
Mình vẫn đi ca tụng rằng các bạn nếu muốn học điện ảnh thì hãy vào Sân Khấu Điện Ảnh Hà Nội đi. Đơn giản là với Hà Nội, đây là trường tốt nhất - không còn nơi nào khác có thể cung cấp một chương trình điện ảnh bài bản hơn và rẻ hơn. Nhưng sự thật là mình luôn có cảm giác mình khó lòng có thể thuộc về nơi này và hiểu được những con người ở đây. Mình thậm chí còn không thể ép mình tin được những gì mình được dạy ở trường, chỉ bởi vì phần lớn môn học không thể cung cấp được những khái niệm bằng tiếng Anh đề sinh viên có thể tự nghiên cứu, hay một giáo án và phương pháp luận có thể hiểu được. Hoạt động ngoại khóa của trường quá nghèo nàn so với một trường nghệ thuật đúng nghĩa, mình không tìm thấy cine club, nhóm nghiên cứu, triển lãm nghệ thuật, giao lưu văn hóa... mà có sự tham gia đa dạng của tập thể sinh viên, giảng viên và người ngoài. Ngay cả sinh viên trong trường dường như vẫn chưa thoải mái trong việc bàn luận các vấn đề điện ảnh, giữa các lớp với nhau vẫn còn nhiều khoảng cách. Trong khi theo mình, đáng ra trường nên trở thành một không gian sáng tạo - đa dạng và tự do - từ lâu rồi.
Nếu cách đào tạo của trường là đúng thì sự đúng đó không bao hàm mình. Và mình thì không tin rằng mình không hợp với nghệ thuật hay điện ảnh, chỉ là mình chưa tìm được cách học phù hợp mà thôi. Mình vẫn lén lút đọc các giáo trình làm phim, các nghiên cứu về điện ảnh, triết học, mỹ thuật và tự sự...một cách mông lung và mày mò, để tìm cho mình và những người như mình một con đường.
Một số trường đào tạo điện ảnh Hà Nội, thường thiên về một trong hai hướng: Kĩ thuật hoặc Cảm xúc
Đến đoạn này thì cuộc trò chuyện giữa mình và anh sản xuất đi hai hướng: Mình đăm chiêu với việc đọc và nghiên cứu kỹ cho đến khi mình tự tin để làm phim, còn anh ấy thì thúc giục là không có cách nào ngoài việc bắt đầu làm phim thôi, làm phim ngay. Thế nhưng tại sao không thể là cả hai?
Tại sao không thể gieo một sự vững chắc ngày càng tăng một cách đồng thời và ổn định trong cả lý thuyết lẫn thực hành, tại các môi trường điện ảnh ở Hà Nội? - Đây là một câu hỏi quan trọng đối với mình trong những ngày qua, và mình bắt đầu hành trình nghiên cứu về các hệ thống đào tạo điện ảnh ở các trường danh tiếng. Câu trả lời vẫn còn xa, nhưng mình có cảm giác vấn đề nằm đâu đó ở sự thiếu thốn nguồn lực, sự phân bổ nguồn lực đó một cách lãng phí và bất hợp lý, sự kém tinh gọn trong hệ thống, và sự chậm chạp trong việc phát triển các triết lý giáo dục...Tất cả những vấn đề đó đều thuộc về cấu trúc và điều kiện khả thể, mà muốn thay đổi nó, ta cần sự tác động từ cả ngoại sinh lẫn nội sinh.
Có thể cho đến cùng, mình vẫn không thể trở thành một nhà làm phim đáng kể. Nhưng dẫu sao mình vẫn thèm được đóng góp gì đó cho một môi trường nghệ thuật - hay một điều kiện khả thể phù hợp cho mình và những người như mình phát triển.
Mình hi vọng mình không cô độc. Dù bạn là ai: sinh viên điện ảnh / người mơ học điện ảnh / người trong nghề / nghệ sĩ / người lớn / học sinh / ... nếu cùng có những chia sẻ với mình, xin hãy để lại comment hoặc inbox (và tag hoặc chia sẻ nếu bạn biết ai đó). Rồi nếu bạn hứng thú và có chút sức lực, chúng ta hãy thử làm gì cùng nhau, và cùng xem nó có thể đi xa đến đâu.
Kiếm