Toilet, một thứ mà ngày nào ai ai trong chúng ta cũng cần phải dùng đến. Ngày nay, người người, nhà nhà dùng toilet, mọi người đều cần đến thứ công cụ đắc lực này để giải quyết những ''vấn đề hệ trọng'' của cá nhân.
Có lẽ, bởi vì tính phổ biến dễ tiếp cận, cộng thêm với một phần sự nhạy cảm trong công dụng, mà đa phần chúng ta lại quên đi tầm quan trọng của chúng. Chúng ta dường như quên rằng cái thứ nhỏ bé mà ta ngồi lên hằng ngày lại chính là một trong những công cụ vĩ đại có sức ảnh hưởng lớn đến đời sống của nhân loài.
<i>Photo by Giorgio Trovato on Unsplash</i>
Photo by Giorgio Trovato on Unsplash
Theo ước tính, 1 người bình thường có thể ''nặng'' ra 130g shit mỗi ngày và thậm chí có thể gấp đôi nếu ta ăn đồ ăn nhanh hoặc đồ cay nóng. Giả sử, 8 tỷ người đang sống trên hành tinh này đồng loạt cùng ''đi nặng'' thì sẽ ra sao? Không cần miêu tả quá kỹ lưỡng, chắc bạn cũng hình dung được rằng khi đó thế giới sẽ ngập tràn trong những ''đồng bằng'' shit nếu không có sự ra đời của những hệ thống nhà vệ sinh tuyệt vời.
Khi không có hệ thống bồn cầu để xử lý các chất thải, và rồi người dân phải ''tiễn đưa'' những bé shit ấy trực tiếp ra môi trường bên ngoài thì sẽ kéo theo sự trổi dậy của nhiều căn bệnh nghiêm trọng. Ví dụ một số các bệnh truyền nhiễm như tả, kiết lị, tiêu chảy... Việc mất vệ sinh không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng mà nếu mở rộng hơn, điều này cũng sẽ kéo theo sự suy giảm của nền kinh tế, môi trường và chất lượng sống của người dân trong một khu vực nhất định. Vậy nên, có thể thấy sự ra đời của chiếc bồn cầu đã giúp giải quyết rất nhiều vấn đề nan giải của con người.
Vậy thì rốt cuộc vị cứu tinh vĩ đại của nhân loại này đã được hình thành như thế nào? Bây giờ hãy cùng mình lên cỗ máy thời gian đế quay ngược dòng lịch sử nhé.
<i>Photo by Curology on Unsplash</i>
Photo by Curology on Unsplash
Trở lại về thời điểm xa xưa, khi những tổ tiên đời đầu của chúng ta vẫn còn xa lạ với những thứ như bồn cầu, hay thậm chí vào thời điểm này cha ông ta không hề biết đến việc cần phải xử lý những chất thải. Khi đó, con người đều ''hành sự'' và ''gửi gắm'' trực tiếp những chất thải của mình ra môi trường bên ngoài, hoặc tiên tiến hơn thì những ''bé'' shit ấy sẽ được chôn vùi dưới lòng đất.
Tuy nhiên, bản thân là một loài sinh vật sở hữu sự ưu việt trong trí tuệ, tổ tiên của chúng ta ắt hắn nhận ra những mối nguy hiểm tiềm tàng có thể phát sinh nếu không sớm tìm cách xử lý những đống shit kia. Có lẽ vì lý do đó, con người mới bắt đầu có những cách thức cơ bản để ''che giấu'' những đống shit của chính mình.
Những tàn dư đầu tiên của nhà vệ sinh được cho là bắt nguồn từ 3.000 năm trước Công nguyên trong các khu định cư thời kỳ đồ đá mới ở Scotland. Những túp lều bằng đá nguyên thủy này có hệ thống thoát nước được xây dựng nối với các hốc tường, đi xuyên qua các bức tường và đổ ra không gian phía sau các túp lều.

I. Thời kỳ cổ đại

Trong các ngôi nhà của nền văn minh Lưỡng Hà cổ đại cũng đã có phòng vệ sinh riêng và toilet. Các toilet bấy giờ thường có cấu trúc bằng đất sét để ngồi xổm. Những chiếc toilet sơ khai này được kết nối với đường ống để chuyển chất thải vào các mương nước chảy đến các bể chứa trên đường phố. Cơ sở hạ tầng nước như thế này phát triển mạnh vào thời kỳ đồ đồng và ở một số vùng của thung lũng Indus. Gần như mọi ngôi nhà đều có nhà vệ sinh kết nối với hệ thống nước thải toàn thành phố. Đến khoảng năm 1700 trước Công nguyên, người Hy Lạp cổ đại bắt đầu xây dựng những nhà vệ sinh đầu tiên trong lịch sử với hệ thống thoát chất thải bằng nước mưa. Những nhà vệ sinh thời cổ đại thường được làm bằng gạch và ghế ngồi bằng gỗ, họ có máng vận chuyển chất thải xuống cống rãnh trên đường phố. Không những thế người Ai Cập cổ đại còn sáng tạo ra lỗ vệ sinh hình chìa khóa nhằm tăng sự thoải mái khi "hành sự". Sáng tạo này của người Ai Cập đã có sức ảnh hưởng lớn đến đặc điểm của những toilet về sau, đặc biệt là với các thiết kế toilet ngồi xổm.
Trong những thế kỷ tiếp theo, vào thời kỳ của người La Mã cổ đại, họ đã đưa hệ thống toilet trở thành công trình trọng điểm trong các đô thị. Vào năm 315 sau Công nguyên, chỉ riêng ở Rome đã có hơn 144 nhà vệ sinh công cộng, cùng với đó là một hệ thống cống thoát nước dẫn ra sông. Những nhà vệ sinh công cộng này thể chứa đến 20 người cùng một lúc. Trong những căn phòng thế này có hệ thống ghế ngồi cao hơn hệ thống thoát nước và thường được xây dựng trên những con sông - nơi có một dòng chảy để rửa trôi chất thải. Những căn phòng này có những bức tường được lót bằng những chiếc ghế đá có khoét lỗ, đây là nơi những người La Mã sẽ tụ tập trò chuyện, kết tình anh em trong lúc cùng nhau giải quyết ''nỗi buồn'' cá nhân.
<i>Mô hình nhà vệ sinh công cộng của người La Mã cổ đại. Những cây cọ nằm ngổn ngang trên sàn chính là những dụng cụ để vệ sinh  mông sau khi ''hành sự'' </i>
Mô hình nhà vệ sinh công cộng của người La Mã cổ đại. Những cây cọ nằm ngổn ngang trên sàn chính là những dụng cụ để vệ sinh mông sau khi ''hành sự''
Tuy nhiên, mặc dù có những cải biến trong thiết kế nhà vệ sinh, cũng như ý thức của người dân về việc giữ vệ sinh cũng đã phần nào được cải thiện, nhưng nhìn chung việc giữ gìn vệ sinh của người cổ đại vẫn còn thấp nên sự mất vệ sinh kéo theo sự sinh sôi của dịch bệnh vẫn diễn ra thường xuyên và còn kéo dài đến tận thời kỳ trung đại.

II. Thời kỳ trung đại

Thời kỳ dài và vất vả này trong lịch sử châu Âu bắt đầu với sự sụp đổ của Đế chế La Mã vào năm 467 sau Công nguyên.
Sự sụp đổ của Đế chế La Mã đã đưa vệ sinh công cộng vào thời kỳ đen tối. Ở thời kỳ trung đại, xã hội Châu Âu nổi lên với sự ra đời của nhiều lâu đài, đây là lãnh địa của các lãnh chúa phong kiến. Song tưởng chừng đi kèm với sự phát triển kinh tế xã hội, sẽ kéo theo sự đi lên của việc đầu tư cải thiện cho chiếc toilet, thế nhưng ''không''. Sự phát triển của toilet bị chững lại, các thiết kế để cải biến toilet không còn được áp dụng, thậm chí còn bị xói mòn dần.
Những lâu dài châu Âu dẫu bề ngoài hiện lên vô cùng nguy nga, tuy nhiên hệ thống xử lý chất thải của họ lại vô cùng lạc hậu. Trong các lâu đài đó, một thiết kế nhà vệ sinh thú vị đã trở nên khá phổ biến trong công trình xây dựng. Nhà vệ sinh này là một căn phòng nhỏ được xây thành một chiếc buồng nhô ra khỏi bức tường lâu đài. Sẽ có một chiếc ghế đá có một cái lỗ thông ra bên ngoài, và những người ở trong lâu đài sẽ đi vệ sinh qua cái lỗ này. Một phần lý do vì sao thiết kế nhà vệ sinh này được xây dựng rất cao là vì để tránh kẻ thù đột nhập vào những ''không gian riêng tư'' như thế này.
Có một số thiết kế khác nhau trong việc dẫn chất thải ở các tòa lâu đài. Các trục chất thải của một số nhà vệ sinh được thiết kế chạy dọc bên ngoài pháo đài để đổ thẳng chất thải xuống các con hào hoặc sông, trong khi những cái khác được thiết kế với các kênh dẫn chất thải vào những hố ga. Và rồi, vào ban đêm, những người dọn vệ sinh sẽ gom những chất thải ấy, đẩy những xe chất thải và đổ ra bên ngoài tạo thành các vô số các bãi phân bốc mùi. Trong một số trường hợp những đống shit này có thể được nông dân địa phương thu gom để tái sử dụng làm phân bón.
Nhược điểm lớn nhất của nhà vệ sinh thời trung đại là hầu như không có cách thức lâu dài để tránh mùi hôi thối. Không phải lúc nào các nhà vệ sinh cũng được đặt trong các phòng riêng có cửa sổ, trong trường hợp đó, quá trình tạo hương thơm phải cần đến các loại thảo mộc.
Đó là cách xử lý chất thải trong những lâu đài nguy nga của các lãnh chúa phong kiến. Còn trong những ngôi nhà dân, lúc bấy giờ thậm chí không có hệ thống thoát chất thải, người dân phải giải quyết bằng bô, thau, xô, chậu rồi xả luôn ra đường phố, cống rãnh. Cách quản lý chất thải không hợp vệ sinh này ở châu Âu vẫn tồn tại trong nhiều thế kỷ kế tiếp.

III. Thời kỳ phục hưng

Khi thế giới bước vào kỷ nguyên cận đại, trong thời kỳ phục hưng, nhà vệ sinh có thể xả nước đầu tiên được mô tả vào năm 1596 bởi Sir John Harington, một cận thần người Anh và cũng là con đỡ đầu của Nữ hoàng Elizabeth I. Ông là người đưa ra ý tưởng và là người lắp đặt mô hình bồn cầu xả nước hiện đại đầu tiên trong cung điện của Nữ hoàng Elizabeth, mô hình này được gọi là Ajax.
Truyền thuyết kể rằng, trong thời gian bị nữ hoàng lưu đày, Sir John đã xây dựng ngôi nhà của riêng mình, và ông đã phát triển một nhà vệ sinh với một bể chứa nước được nâng lên để chứa nước dùng xả vào bồn cầu. Khi Nữ hoàng Elizabeth cuối cùng đã tha thứ cho ông và đến thăm ngôi nhà mới xây của ông, bà đã thử nhà vệ sinh của ông và thích nó đến mức đã yêu cầu ông xây dựng một cái cho bà trong cung điện ở Richmond!
Thiết bị của Harington bao gồm một cái bể lớn hình bầu dục sâu 2 foot được chống thấm bằng hắc ín, nhựa và sáp. Một hệ thống tay cầm, đòn bẩy để đổ nước từ bể chứa vào. Việc xả nước cần 7,5 ga-lông nước - một lượng nước khá lớn trong thời đại khi chưa có hệ thống ống nước trong nhà.
Tuy nhiên, thiết bị này đã bị công chúng từ chối vì nó đắt tiền để chế tạo. Đồng thời phát minh của Harrington vẫn còn hạn chế do không thể ngăn được mùi hôi của chất thải, cũng như còn phát tiếng ồn quá lớn khi hoạt động. Vậy nên đây có thể là lý do mà phát minh của ông đã không được chú ý trong hơn 200 năm. Mặc dù không được đón nhận, thế nhưng phát minh của ông là một trong những phát minh quan trọng có sức ảnh hưởng to lớn đến kết cấu của chiếc toilet hiện đại thời bấy giờ.

IV. Từ thế kỷ 18

Mãi cho đến khi một thợ máy người Anh tên là Alexander Cummings phát triển phiên bản bồn cầu Harrington thì mô hình toilet xả nước này mới trở nên dần phổ biến. Cải tiến lớn nhất của Cummings là đường ống hình chữ S bên dưới bể sử dụng nước nhằm tạo ra một lớp bịt kín ngăn khí thoát ra từ bồn cầu. Năm 1775, ông đã nhận được bằng sáng chế cho chiếc bồn cầu của mình.
Đến cuối thế kỷ 19, Thomas Crapper đã sản xuất một trong những dòng bồn cầu xả nước thành công rộng rãi đầu tiên. Ông đã được trao 9 bằng sáng chế để cải tiến công nghệ nhà vệ sinh vào cuối những năm 1800, ba trong số những phát minh đó bao gồm những cải tiến đối với bồn cầu xả nước. Chính Thomas Crapper cũng là người cải tiến đoạn uốn cong trong ống thoát nước để giữ nước và hạn chế mùi hồi từ dạng chữ S thành dạng chữ U, và mô hình này vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.
Tiền đề cơ bản của nhà vệ sinh hiện nay không thay đổi nhiều so với nhà vệ sinh Crapper của những năm 1880, và thậm chí cũng không có nhiều sự khác biệt so với thiết kế ban đầu từ Ajax của Sir John Harrington. Khi nhiều chủ nhà bắt đầu lắp đặt nhà vệ sinh trong nhà của họ, các nhà thiết kế đã tìm ra cách kết hợp bể chứa nước vào phía sau nhà vệ sinh, loại bỏ sự cần thiết của hộp nước trên cao. Năm 1994, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua Đạo luật Chính sách Năng lượng tạo ra quy định về lượng nước mà nhà vệ sinh có thể xả, quy định lượng nước tối đa mỗi lần xả là 1,6 gallon.

Kết

Có thể thấy cái toilet đơn giản mà ta dùng hằng ngày cũng có một lịch sử phát triển vô cùng lâu đời. Từ những ngày đầu khi chúng ta không hề có một cách thức nào để xử lý chất thải, cho đến khi hệ thống thoát nước được đặt bên ngoài nơi ở và rồi là công cụ xả nước bồn cầu được đặt ngay trong bồn về sinh. Tất cả đều cho thấy sự nỗ lực và cải tiến không ngờ của rất nhiều thế hệ đi trước.
Bồn cầu hiện nay xuất hiện dưới rất nhiều hình thức như bồn cầu ngồi, bồn cẩu ngồi xổm hoặc bồn cầu xả dùng lực hút được dùng trên máy bay hay trên các con tàu vũ trụ. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay, vẫn còn tình trạng cứ 3 người thì lại có 1 người không có khả năng tiếp cận được với bồn cầu vệ sinh. Theo một báo cáo được Tổ chức Y tế Thế giới và UNICEF công bố vào tháng 6/2022, khoảng 2,4 tỷ người, tương đương một phần ba dân số thế giới - vẫn không được sử dụng nhà vệ sinh phù hợp, đa phần những người dân này sẽ phải đi vệ sinh ngoài trời và tình trạng này phần lớn vẫn còn xảy ra ở khu vực Nam Á và châu Phi cận Sahara.
Vậy nên, có thể nhận thấy vẫn còn rất nhiều khu vực trên thế giới đang phải đương đầu với những vấn đề liên quan đến xử lý chất thải.
Từ năm 2013, Liên Hợp Quốc cũng đã tuyên bố ngày 19-11 hằng năm là Ngày Toilet Thế giới. Đây là ngày giúp mọi người trên thế giới nhớ đến tầm quan trọng của một hệ thống nhà vệ sinh cũng như để truyền cảm hứng cho hành động giải quyết cuộc khủng hoảng vệ sinh toàn cầu.
Mong rằng qua bài viết này các bạn có thể có cái nhìn rõ hơn về nguồn gốc hình thành của thứ vẫn đặt dưới mông mỗi ngày, cũng như qua đó chúng ta có thể nhìn chúng bằng một con mắt trân trọng hơn nữa nhé.
Cảm ơn mọi người đã đọc ạ.