Một thời đã xa: Những trái bình bát đem giấu khạp gạo
Ảnh: Google Thuở còn khốn khó, bọn con nít trong xóm tui thường bẻ cây trái quanh nhà, quanh ruộng hay trên đường đi học để bỏ...
Thuở còn khốn khó, bọn con nít trong xóm tui thường bẻ cây trái quanh nhà, quanh ruộng hay trên đường đi học để bỏ bụng. Nói chung ở đâu có cây trái ăn được là ở đó có tụi tui. May quá không có đứa nào bị sao, tụi tui vẫn lớn lên một cách bình thường. Thỉnh thoảng, tụi tui còn chui vô vườn nhà của người ta để lượm cóc rụng. Tính đi tính lại thì là ăn cắp chứ còn gì nữa! Dù ăn cắp có thiện lương không dám bén mảng đến mấy chùm cóc lúc lỉu trên cây nhưng mà nói chung cũng là đánh cắp đồ của người ta chứ gì. Nhưng rất tiếc, người ta không bắt, chứ thôi thì, có mấy cái roi đang đợi sẵn ở nhà.
Hùi đó, tui cũng hay kéo bè kéo cánh, lập hội lập phường đi lùng sục mấy thứ quả đồng nội. Chúng tui bơi xuồng men theo con kênh nước lớn thấy bình bát chín là tấp vào hốt liền. Mỗi lần đi ruộng với tía má, tui cũng tia qua tia lại hai bên bờ kênh! Cứ thấy ươm vàng lấp ló ở mấy bụi cây là kêu hới hới tía má lủi vô ngay. Có khi hái tận mấy trái đem về ăn dần.
Bình bát chín thì thơm nức luôn. Nó cùng họ với mãng cầu ấy nhưng mọc dại ở mấy chỗ gần nước. Lá cũng na ná mãng cầu dai. Trái thì nhỏ nhỏ tròn, thịt màu vàng cam cam, ăn nhả hột, nuốt hột cũng không sao. Nhưng có 2 lý do mà thời đó tụi tui không tống luôn cái hột vào bụng đó là vì thứ nhất, bọn trẻ con rất sợ cây mọc trong bụng. Tía má đứa nào cũng nói như thế. Lý do thứ hai là vị hột nó to quá, mình nhả được không cần nuốt. Nhớ có lần mình nuốt nhỡ nuốt cái hột mận, thế là, lo lắng cả ngày hôm đó, không biết có cây nào mọc lên trong bụng mình không. Rồi những niềm vui con trẻ đổ xô nhau ập đến, mình quên luôn câu chuyện khủng khiếp đó.
Bình bát đem về, có trái chín mềm thơm, chỉ cần tét ra, rồi cạp ngay luôn. Nếu mà có thời gian bình tĩnh không bị cơn chết thèm dày vò thì ngồi cạo vỏ, tách ra từng miếng nhỏ rồi cho bình bát vào ly, bỏ đi cái cùi ở giữa, cho đường vào, trộn qua trộn lại cho đến khi đường hòa quyện với bình bát, xách cái ly ra ngồi cửa nhà, rồi vừa ăn, vừa hóng gió, vừa nghĩ ngợi chuyện thế thái nhân tình cho đến khi bị má cầm cây chổi phang vô đầu thì mộng vừa sực tỉnh.
Cũng có khi, bình bát chưa chín tới, mới vàng nhè nhẹ thôi, thì nghe lời truyền dạy của thân mẫu, chạy te te vô khạp gạo, giấu xuống dưới mấy lớp gạo, đợi nó chín mềm rồi lấy ra xơi thôi. Nhưng cái khoảng thời gian từ lúc nó còn ươm ướp đến chín mềm, thì còn chạy ra chạy vô bao nhiêu lần nữa để “thăm” coi nó chín tới đâu rồi. Thăm riết mà thấy chán luôn á nhưng trái bình bát vẫn chưa chín mềm! Buồn nhiều chút…
Sáng hôm sau, hôm sau nữa, nghe mẹ gọi ới ơi lúc còn ngái ngủ, trái bình bát bữa đó đã thơm mùi phưng phức. Hộc tốc quăng mền quăng gối, chạy vô trong bếp bưng ra làm món điểm tâm sáng ngon lành.
Rồi cái thời đi ruộng cùng tía má cứ xa ra, xa ra, rồi mấy lũ bạn ở quê cứ lớn lên, lớn lên, à quên không chỉ tụi nó, tui cũng lớn chứ đâu thể nào bé mãi được, rồi mấy cái bụi bình bát cứ mất dần, mất dần theo năm tháng. Xong rồi cái, đâu còn ai nhớ nữa. Nó chỉ xuất hiện phảng phất trong câu chuyện bé tí ti mẹ thường hay nhắc lại lúc nằm võng sau nhà. Mẹ đã kể những câu chuyện rất cũ, kể đi kể lại, mỗi lần cả nhà bàn về cái thuở hùi xưa đó. Thỉnh thoảng, cha tôi cũng mang về ít quả, chúng nằm lăn lóc trên nền nhà sau nhưng chẳng ai thèm đoái hoài nữa. Kể cả tôi!
Quá khứ dần nằm lại ở đó. Không động đậy. Không dịch chuyển nữa…
Truyền cảm hứng
/truyen-cam-hung
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất