Là một bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ tim mạch, chứng kiến quá nhiều sự ra đi khiến bản thân gần như lãnh cảm với sự sống và cái chết. Nó là một cái gì sẽ phải xảy ra, chỉ là sớm hay muộn thôi. Thế nhưng, 1 tháng vào chống dịch ở Sài Gòn, dù là một người sắt đá bao nhiêu cũng phải lấy tay gạt nước mắt. Tôi điều trị ở tháp điều trị cuối cùng, phòng bệnh toàn bệnh nhân thở máy, những người mà ở ranh giới giữa sự sống và cái chết nó mỏng hơn sợi tóc, 8 tiếng làm việc liên tục, cứ quanh quẩn trong bệnh phòng, vì tôi sợ 1 phút chủ quan của mình đủ để tiễn một người ra đi. Mặc dù những người tôi điều trị dường như quá nặng để có một tia hy vọng, nhưng tôi không muốn là người tiễn bệnh nhân đi, bởi cái chết trong thời đại dịch là một cái chết rất đau đớn, đau khổ với cả người ở lại và người ra đi.... cái chết cô đơn, lẻ loi.... ra đi mà không được gặp người thân 1 lần cuối.
Tôi nhớ từng bệnh nhân của mình, có một cô bệnh nhân còn khá trẻ, cô là bệnh nhân duy nhất tỉnh táo trong cái bệnh phòng nặng nề vậy. Mỗi ngày tôi đến, chào cô hỏi thăm và nói cố gắng lên, sắp về nhà rồi, cô là bệnh nhân có hy vọng cai máy thở, có hy vọng sống, ấy vậy mà khi đang ngồi nhâm nhi cốc cà phê sau buổi trực mệt nhọc, điện thoại kêu lên :" thông báo BN ***** tử vong giờ thứ ***". Có ai tin vào số kiếp không? tôi từng không tin, nhưng đối mặt với những cái chết đầy đau thương có lẽ tôi tin rồi.
Lại một bệnh nhân nữa khi tôi chuyển sang điều trị phòng nhẹ hơn. Cụ gần 80 tuổi, nhưng thể trạng khá tốt, tôi nhìn cụ chắc chắn cụ sẽ sớm khỏe mà về nhà thôi. Tôi đến gặp cụ thăm khám, cụ nhìn tôi:" cho ông về nhà". Tôi nói:" ông ở đây con điều trị cho mấy ngày rồi về ". Rồi vừa bước ra chị điều dưỡng đã đến gọi tôi, cụ giật đường truyền rồi, tôi chạy vào dỗ dành cụ, rồi cụ cũng cho đặt lại, rồi vài giây sau cụ lại giật đường truyền và rất nhiều lần như vậy, máu cụ khó cầm nên máu chảy khắp giường. Nhìn con số huyết áp 220/120 trên màn monitor vừa lo, vừa bực. Tôi quyết định làm một việc khá tàn nhẫn mà tôi không hề muốn làm với bệnh nhân mình là cố định tay chân cụ lại để giảm huyết áp cụ trước tính sau. Sau một hồi vùng vẫy bất lực, cụ nhìn tôi với ánh mắt cứu tôi với, tôi đến cạnh cụ hỏi tại sao cụ lại không muốn điều trị, cụ nhìn ra cửa bệnh phòng nói:" vợ tôi và con gái tôi gọi", cụ bị rối loạn lo âu và trầm cảm nên những câu nói vô lý đó chỉ khiến tôi buồn cười. Rồi một vài ngày sau điều trị, tâm lý cụ đã ổn hơn, cụ ngồi tâm sự với tôi:" ông có bị thiêu không? Con gái và vợ ông bị thiêu ở đây rồi ". Bất chợt là một làn gió lạnh sống lưng chạy qua, sau đó là cảm giác bi thương, bi thương cho cả đời người, còn gì đau đớn khi kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, còn gì đau đớn khi một gia đình đang hạnh phúc bỗng chốc trở thành kẻ cô đơn trên cõi đời....