Một sự ra đi nhưng bất giác cả triệu sự soi chiếu
Tôi nói đến sự ra đi ở đây chắc hẳn ai là người Việt Nam cũng sẽ biết đó là sự kiện gì. Những ngày qua chúng ta ngập tràn trong sự...
Tôi nói đến sự ra đi ở đây chắc hẳn ai là người Việt Nam cũng sẽ biết đó là sự kiện gì. Những ngày qua chúng ta ngập tràn trong sự tiếc thương và tri ân đến vị lãnh đạo xuất chúng, kiên trung và giản dị nên tôi không muốn xoáy sâu vào điều này nữa. Điều mà tôi nhìn thấy được sau sự ra đi của Cố Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và sau đây tôi xin phép gọi bằng cách gọi gần gũi nhất, thân thương nhất - Bác Trọng, chính là giá trị của con người đang đặt ở đâu.
Ngay khi tin Bác từ trần, trên không gian mạng ngập tràn tin tức và chúng ta cũng thấy muôn vàn cách ứng xử khác nhau từ nhiều con người thuộc nhiều nhiều tầng lớp khác nhau. Đúng sai, chuẩn mực hay đạo đức, mọi người cũng đều đã đánh giá và có những biện pháp xử lý phù hợp. Nhưng đằng sau đó là câu chuyện danh dự, giá trị của con người đang đặt ở đâu trong xã hội này, rằng chúng ta hay những người kia đang coi trọng cái gì trong cuộc sống và cuộc đời. Tôi đã nghĩ đến lợi ích bản thân, lợi ích vật chất, nhưng chợt nhận ra ai cũng đang sống vì những điều đó mà. Nên tôi đã nghĩ đến quy chuẩn và thước đo cho những lợi ích đó của mỗi người như thế nào? Phải chăng một bộ phận đang đặt lợi ích cá nhân bên ngoài những giá trị nền tảng, tưởng chừng như quá đỗi hiển nhiên tại chính nơi họ sinh ra và trong chính dòng máu chảy trong người họ, để theo đuổi những cái gọi là hợp thời và văn minh.
Và từ những suy nghĩ ấy, tôi bất giác nhìn lại bản thân mình. Liệu sau từng ấy năm ít ỏi được sống, lựa chọn và thay đổi, tôi có đang đặt giá trị của mình trên những quy chuẩn và thước đo gì? Từng đứng trong hàng ngũ của lực lượng bảo vệ an ninh an toàn xã hội và hay được ví như lá chắn, thanh bảo kiếm bảo vệ Đảng, Nhà Nước, và Nhân dân nhưng đã bao giờ tôi dám nghĩ lớn và nghĩ xa về trọng trách của mình. Hình như là có rồi nhưng những suy nghĩ ấy lướt qua rất nhanh và thực tại ập vào tôi rằng tôi khó có thể làm được điều đó. Từ đấy tôi có muôn vàn lý do cho sự không làm được và không phù hợp của mình. Và kết quả tôi đã bước ra khỏi vùng “không phù hợp” đó để đi tìm cái mà tôi cho là phù hợp. Nhưng sâu thẳm tôi nhận ra mình không đủ mạnh mẽ để đảm đương trọng trách bảo vệ người khác, nên tôi lựa chọn bảo vệ bản thân mình trước. Và những ngày qua nghe về Bác, tôi tự nhiên xấu hổ đến lạ. Không phải vì tôi làm sai gì mà vì tôi thật nhỏ bé và ích kỷ trước Bác. Và rồi tôi nhận ra, Bác đã đồng nhất lợi ích của bản thân với lợi ích của dân tộc, để đến tận cuối đời, Bác vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Bác đã lấy danh dự để làm thước đo cho giá trị của con người chứ không phải giá trị vật chất, và với Bác, danh dự là được tận hiến vì sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng con người, để cuộc đời của Bác không sống hoài, sống phí. Vậy danh dự của tôi đang để ở đâu, chỉ nhỏ bé là được sống cho trọn với cuộc sống của mình hay sao. Không được như Bác, tôi lựa chọn âm thầm và lặng lẽ giúp từng người tôi có duyên gặp bằng tất cả những gì tôi có. Tôi luôn muốn mọi người nhìn ra được họ đang có những gì để phát triển bản thân hơn, nhưng những gì tôi làm thật sự vẫn đang đơn lẻ và nhỏ bé. Có phải đến lúc tôi cần nghĩ lớn hơn ?
Đó là những phút tôi thấy bản thân mình thật nhỏ bé, nhưng sau cùng tôi cũng vẫn tự hào và biết ơn vô cùng không phải vì tôi mà vì cộng đồng, xã hội tôi đang sống vẫn luôn giữ giá trị cốt lõi của dân tộc. Hàng ngàn người từ khắp nơi đổ về, tinh thần tương thân tương ái và vô vàn bài học từ phổ thông đang được hiện thực ngay trong những khoảng khắc này. Và tôi càng hiểu vì sao người Việt luôn giữ được bản sắc và giá trị dù 1000 năm Bắc thuộc, trải qua muôn vàn cuộc xâm lăng và bị chiến tranh tàn phá nặng nề. Bởi vì người Việt chưa bao giờ quên gốc rễ của mình, bàn thờ tổ tiên chưa bao giờ nguội lạnh và tinh thần đồng bào luôn luôn là cái gì đó gắn kết tất cả dù cho có việc gì xảy ra. Và cũng qua sự kiện này, tôi nhìn ra được ai thực sự còn giữ cốt người Việt, ai còn giữ giá trị truyền thống chảy trong máu để từ đó tôi biết mục đích thực sự của những gì họ làm có vì cộng đồng người Việt hay không.
Bác Trọng ra đi đầy tiếc thương nhưng giá trị Bác để lại không đơn giản chỉ là sự cống hiến tận tuỵ mà còn là cả một hệ tư tưởng về giá trị con người và khiến cho từng người nhìn lại bản thân mà biết tương lai mình sẽ phải làm gì để không “sống hoài sống phí”.
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất