Một số vấn đề của "Sống Xanh"
Trong những năm gần đây, khái niệm “sống xanh” trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Tuy nhiên, “sống xanh” có những vấn đề của nó mà (hình như) chưa ai nói đến. Trong bài viết này, hãy điểm qua 4 vấn đề lớn của sống xanh.
[Bài viết phỏng theo infographic đã từng đăng tại @just.another.rant]
Cụm từ “Sống xanh”, xuất hiện ở Việt Nam đầu những năm 2010 và được sử dụng rộng rãi từ giữa thập niên 2010, dùng để chỉ lối sống hướng đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Trong những năm gần đây, khái niệm “sống xanh” trở nên phổ biến hơn rất nhiều trong đời sống và trên mạng xã hội. Lối sống này được thúc đẩy và hưởng ứng nhiều nhất bởi giới trẻ, đặc biệt là ở các thành phố lớn như TP. HCM và Hà Nội. Tuy nhiên, “sống xanh” có những vấn đề của nó mà (hình như) chưa ai nói đến. Trong bài viết này, hãy điểm qua 4 vấn đề lớn của sống xanh
1. Sự mỹ học hóa của "Sống xanh"
Nếu tìm kiếm từ khóa “sống xanh” trên Facebook, Instagram, bạn sẽ thấy những bài post, chiếc ảnh xinh đẹp, những đĩa thức ăn “healthy”, các quảng cáo ống hút inox,... trên tông màu tối giản hoặc xanh lá. Sống xanh, như nhiều thứ khác trên mạng xã hội, đã bị mỹ học hóa (aestheticized).
Sự mỹ học hóa “sống xanh” thúc đẩy suy nghĩ rằng lối sống bền vững thì PHẢI xinh xắn, đẹp đẽ dẫn đến việc đặt hình thức lên trên thực hành.
Thật vậy, mạng xã hội đã biến các nỗ lực tiến đến phát triển bền vững thành một aesthetic. Trong thực tế, việc giảm thiểu tiêu thụ, tái chế, tái sử dụng, sống một lối sống hướng đến phát triển bền vững không phải lúc nào cũng xinh xắn như thế và lắm khi là ngược lại. Việc biến lối sống bền vững thành một phong cách mỹ học (aesthetic) tạo ra những tiêu chuẩn, mong đợi không thực tế cho những người mới bắt đầu và tạo cho họ áp lực là phải mua chiếc hộp cơm bằng tre dễ thương này, chiếc ống hút bằng inox xinh xắn nọ,... thì mới là "bảo vệ môi trường".
Các bài post “sống xanh” trên mạng xã hội còn gián tiếp (và đôi khi trực tiếp) thúc đẩy việc tiêu thụ những sản phẩm “thân thiện với môi trường” không cần thiết, dẫn đến người xem dễ trở thành nạn nhân của greenwashing.
2. Vấn đề giai cấp
Lối sống “sống xanh”, như được thể hiện trên MXH ngày nay, không thực tế với giai cấp lao động mà chỉ với tầng lớp trung lưu (thành thị). Nhóm người "sống xanh" - chủ yếu là người trẻ trung lưu thành thị - có nhiều điều kiện về văn hóa-kinh tế và nhờ đó mới được biết đến, được giáo dục và có khả năng thực hành “sống xanh”.
Việc hiểu rằng những đặc quyền ấy không phải ai cũng có, là rất quan trọng. Thế mà điều này không bao giờ được thừa nhận và nhiều người lại cho rằng những người (thường thuộc tầng lớp lao động và lớn tuổi) đơn giản là ý thức kém.
Một bạn mang túi tote, xài ống hút inox và hộp bã mía, tự nhiên sẽ được nhìn nhận là có ảnh hưởng tích cực lên môi trường nhiều hơn 1 người tầng lớp lao động trung bình nào đó đang xả rác trên đường. Trong khi khả năng cao là điều ngược lại mới đúng.
Những người thuộc giai cấp lao động luôn bị dè bỉu về ý thức bảo vệ môi trường kém tuy nhiên lại là những người đóng góp ít nhất vào ô nhiễm môi trường bởi họ là những người tiêu thụ ít nhất, tái sử dụng và tiết kiệm nhiều nhất, sử dụng phương tiện giao thông công cộng nhiều nhất, hiếm khi đi máy bay nhất,... Đây là chưa kể việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ảnh hưởng giai cấp lao động nặng nề nhất.
Những sự thật trên chả bao giờ được nhìn nhận bởi vì “sống xanh” đã bị mỹ học hoá quá nhiều và vì thế đã đặt hình thức lên trên thực hành và không nhìn nhận tính chất giai cấp của vấn đề môi trường.
3. Không nhắm đến mục tiêu thay đổi hệ thống
Thay đổi lựa chọn cá nhân là một cách cực kỳ hiệu quả để tiếp cận với vấn đề môi trường, nhưng nó sẽ không bao giờ đủ bởi thực tế, những người gây ra ô nhiễm, phá hoại môi trường nhiều nhất không nằm trong chúng ta. Những thay đổi của cá nhân chúng ta thật sự quá nhỏ so với những thiệt hại họ gây ra. Những người giàu nhất, có khả năng quyết định nhiều nhất phải là những người đầu tiên thay đổi và chịu trách nhiệm.
Tuy nhiên, họ sẽ không thay đổi nếu không có sự ép buộc chính trị và để đạt điều đó, làn sóng “sống xanh” cần phải chính trị hóa và hướng đến mục tiêu hệ thống, vượt lên trên những thay đổi cá nhân.
4. Văn hóa ăn kiêng
Ngày nay nhiều thương hiệu, công ty đã lợi dụng “sống xanh” và biến nó thành greenwashing (tẩy xanh, quảng cáo xanh), một hình thức marketing mà trong đó một công ty khiến người tiêu dùng nghĩ họ bảo vệ môi trường nhưng thực tế thì không.
Điều này đặc biệt đúng với các thương hiệu, công ty thực phẩm bởi “sống xanh” ngày nay thường đi liền với “ăn sạch”. Sử dụng greenwashing, các công ty này thúc đẩy văn hóa ăn kiêng ở người tiêu dùng núp bóng các khẩu hiệu “sống xanh”, “bảo vệ môi trường”, “ăn sạch”,... Một ví dụ điển hình là thương hiệu Xanh Lá, chuyên các loại sữa hạt.
Trên Dân trí, 14/4/2020, trong bài báo “Sống xanh không phải trào lưu, mà là một lựa chọn cho lối sống bền vững”, Xanh Lá được miêu tả như 1 thương hiệu đại diện cho việc thực hiện đúng sống xanh. Bài báo, ngoài những câu trả lời… đáng nghi vấn của Xanh Lá, nêu ra những quan điểm thích hợp về sống xanh.
Tuy nhiên, khi tìm hiểu kỹ hơn, mình nhận ra công ty đang thúc đẩy văn hóa ăn kiêng núp bóng 2 chữ “sống xanh”, với bằng chứng rõ nhất là các liệu trình detox và đặc biệt là "Liệu trình Detox cần tây".
“Liệu trình Detox cần tây” được phổ biến vào năm 2019 bởi Anthony William (còn được gọi là Medical Medium), một người tự cho mình là có khả năng giao tiếp với linh hồn để xin họ các bài thuốc chữa bệnh. Và như chúng ta đều biết, các vong hồn, từ xưa đến nay luôn là những người thầy thuốc giỏi nhất.
Mặc dù không hề có 1 gram kiến thức khoa học nào, ông cho rằng việc uống 16oz (gần 500ml) nước ép cần tây mỗi sáng khi bụng đói sẽ có tác dụng chữa bệnh và giải độc. Vì theo ông, cần tây có chứa những dưỡng chất mà vẫn chưa được khoa học khám phá.
Tính phản khoa học của liệu trình detox này, mặc dù đã được nói và giải thích rất nhiều bởi các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng, nhưng vấn chưa đến tai của Xanh Lá
Chỉ với hơn 1 triệu 6, trong vòng 10 ngày, bạn có thể uống 2 chai nước cần tây mỗi ngày (tương đương 1.1 kg cần tây).
Xanh Lá check mọi tiêu chí của greenwashing và là minh chứng của việc “sống xanh” rất dễ bị lợi dụng bởi các doanh nghiệp thực phẩm để thúc đẩy văn hóa ăn kiêng.
Kết luận:
Phong trào "Sống Xanh" bộc lộ những điểm yếu quan trọng: sự thiếu tập trung vào thay đổi hệ thống, cách tiếp cận vấn đề theo hướng cá nhân mang màu sắc tân tự do (neo-liberalism), sự ủng hộ và/hoặc thiếu phê phán xã hội tiêu dùng tư bản, không nhìn nhận vấn đề giai cấp, sự thiếu tính giao thoa (intersectionality) với các vấn đề/phong trào xã hội khác (nữ quyền, chủ nghĩa xã hội, giải thuộc địa, đấu tranh loại bỏ phân biệt chủng tộc,...).
Những điểm yếu đó, trong bối cảnh hệ thống chính trị hiện tại, là nguyên nhân của nhiều vấn đề, bao gồm 4 vấn đề trong bài này. Đó là những vấn đề mình muốn được nghe bàn đến nhiều hơn trong các cuộc thảo luận về "sống xanh" hay bảo vệ môi trường nói chung.
Infographic các bạn có thể xem ở đây
Nguồn tham khảo:
Camille de Guerry de Beauregard. The Aesthetic of Sustainability: https://www.wearecauli.com/post/the-aesthetic-of-sustainability
tiffanyferg, Sustainability Issues We Don't Talk About Enough: https://youtu.be/Q21-efJs7yE
Aditi Murti, Instagram Has Diluted Zero‑Waste Living to an Aesthetic: https://theswaddle.com/instagram-has-diluted-zero-waste-living-to-an-aesthetic/
Aime Maggie, Poor people are not causing climate change... Classism in Sustainability: https://youtu.be/MV4Ol7ZOG10
Ryan Garay, #Eco-friendly: The aestheticization of sustainability on social media: https://www.dailycal.org/2021/04/22/eco-friendly-the-aestheticization-of-sustainability-on-social-media/
Dr. Mike Answers: Is Drinking Celery Juice Actually Healthy? | SELF: https://youtu.be/T4lUnyDyFYQ
Arwa Mahdawi, Stalk of the town: the shaky science behind the 'global celery movement': https://www.theguardian.com/food/2019/apr/09/anthony-william-medical-medium-green-celery-juice
Trường Thịnh, Sống xanh không phải trào lưu, mà là một lựa chọn cho lối sống bền vững: https://dantri.com.vn/suc-khoe/song-xanh-khong-phai-trao-luu-ma-la-mot-lua-chon-cho-loi-song-ben-vung-20200413102740464.htm
Website của Xanh Lá: https://xanhla.vn/
Xanh Lá, Detox Cần Tây: https://xanhla.vn/collections/lieu-trinh-detox-can-tay
Unnatural Vegan, Debunking the Medical Medium & His Celery Juice Cleanse: https://youtu.be/guda8E4C6_8
Quan điểm - Tranh luận
/quan-diem-tranh-luan
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất