Benjamin Franklin (Trích từ Tự truyện)

Cũng khoảng thời gian này, ta ấp ủ một kế hoạch táo bạo và đầy cam go để tiến đến sự hoàn thiện về phẩm hạnh. Ta mong ước mình có thể sống mà không phạm vào lỗi đạo đức nào, bất kì lúc nào. Ta muốn chế ngự tất cả những lỗi lầm mà xu hướng tự nhiên, thói quen hay những hành vi cộng đồng khiến ta có thể mắc phải. Vì ta biết, hoặc ta cho là mình đã biết, điều gì đúng và điều gì sai, ta không thể hiểu được tại sao ta lại có thể không làm một điều gì đó và tránh làm những điều khác. Rồi ta sớm nhận ra rằng mình đã bắt đầu một công việc khó khăn hơn những gì ta có thể lường trước rất nhiều. Khi tập trung để tránh mắc một sai lầm, ta lại vô tình mắc phải những lỗi khác do thói quen. Những lỗi mắc phải do thói quen thường quá dai dẳng để có thể suy nghĩ. Ta kết luận rằng, cuối cùng, sự tự nhận thức tội lỗi chỉ là mối quan tâm của chúng ta để có đạo đức tốt một cách trọn vẹn nhưng vẫn không đủ để ngăn chúng ta không phạm sai lầm nữa. Những thói quen ngang ngược phải bị loại bỏ, và những thói quen tốt phải được luyện tập và hình thành trước khi chúng ta có thể phụ thuộc vào một tư cách đạo đức vững vàng, kiên định và đúng đắn. Với mục đích này, ta nghĩ ra một phương pháp như dưới đây.
Trong nhiều bảng liệt kê đức hạnh mà ta đọc được, ta nhận thấy thường số lượng các đức tính có thể chênh lệch, bởi các tác giả khác nhau có thể mở rộng hay thu hẹp các khái niệm trong cùng một đức tính. Đức tính Chừng mực chẳng hạn, theo một vài tác giả thì chỉ giới hạn trong việc ăn uống, một số khác thì mở rộng ra với ý nghĩa phải tiết chế khoái lạc, lòng tham muốn, sự thôi thúc hoặc niềm say mê thể chất lẫn tinh thần, và cả tính hám lợi và tham vọng. Ta đề ra cho bản thân ta, với mục đích rõ ràng, là nên phân biệt rạch ròi, thu hẹp các khái niệm và nên thêm số lượng các đức tính hơn là giới hạn số lượng trong khi khái niệm về mỗi đức tính lại quá rộng. Ta đưa ra tất cả là mười ba đức tính mà hiện tại ta cảm thấy cần thiết và mong muốn có được, kèm theo mỗi đức tính là một lời huấn thị ngắn, diễn đạt đầy đủ nghĩa cho từng đức tính.
Mười ba đức tính, kèm theo lời huấn thị bao gồm:
1. CHỪNG MỰC. Không ăn đến chán; không uống quá nhiều.
2. YÊN LẶNG. Chỉ nói những gì có lợi cho người khác hoặc bản thân; tránh những chuyện vặt vãnh không đâu.
3. TRẬT TỰ. Sắp xếp mọi thứ theo trật tự, và phân chia công việc theo thời gian dành riêng.
4. KIÊN ĐỊNH. Quyết tâm làm điều phải làm, và đã làm thì làm cho bằng được.
5. TIẾT KIỆM. Không tiêu pha gì khác ngoài những thứ tốt cho bản thân hoặc kẻ khác; tỉ như, không hoang phí bất cứ thứ gì.
6. SIÊNG NĂNG. Không phí hoài thời gian vô ích; luôn sử dụng thời gian vào những việc hữu ích và loại bỏ những việc làm không cần thiết.
7. THÀNH THẬT. Không sử dụng mánh khóe để hại người, suy nghĩ ngay thẳng, công bằng và nói đúng những gì ta nghĩ trong đầu.
8. CÔNG BẰNG. Không làm điều xấu với bất cứ ai, giúp đỡ người khác là bổn phận của bản thân.
9. ĐIỀU ĐỘ. Tránh sự thái quá, hãy chịu đựng những tổn hại chừng nào vẫn còn cho đó là đủ.
10. SẠCH SẼ. Giữ gìn sạch sẽ bản thân, phục trang và nơi ở.
11. THANH TỊNH. Không bị phân tâm hay lo âu bởi những điều vặt vãnh, hoặc những rủi ro thông thường hoặc bất khả kháng.
12. THỦY CHUNG. Điều tiết sinh dục, chỉ để duy trì sức khỏe và nòi giống, không vì chán nản, yếu đuối, hoặc làm tổn hại đến sự yên bình và thanh danh của bản thân và kẻ khác.
13. KHIÊM NHƯỜNG. Noi gương Chúa Giê-su và Socrates.
Dù ý định của ta là đạt được thói quen tốt dựa trên tất cả các đức tính kể trên, ta cho rằng không nên xao nhãng bản thân bằng việc cố đạt được tất cả cùng một lúc mà thay vào đó chỉ rèn luyện từng đức tính riêng biệt. Sau khi đã rèn luyện thành công một đức tính, ta sẽ rèn luyện đức tính tiếp theo cho đến hết cả mười ba đức tính. Vì khi rèn luyện thành công vài đức tính, nó sẽ giúp cho việc đạt được một vài đức tính khác dễ dàng hơn, do đó ta đã sắp xếp chúng theo thứ tự như trên. Chừng mực xếp đầu tiên vì đức tính này sẽ giúp ta có được sự bình tĩnh và tỉnh táo cần thiết để duy trì việc đề phòng và tự bảo vệ trước những tật xấu dai dẳng và trước ảnh hưởng của cám dỗ liên tục của các tật xấu này. Nếu điều này cần được duy trì và thiết lập, Yên lặng sẽ dễ dàng đạt được hơn. Vì mong muốn lĩnh hội kiến thức cùng lúc với việc rèn luyện thành công các đức tính và xét thấy kiến thức chỉ có thể được lĩnh hội trong các cuộc trò chuyện bằng việc dùng tai lắng nghe hơn là dùng miệng để nói, ta mong muốn bỏ thói quen nói chuyện tầm phào, chơi chữ, và nói đùa, điều này chỉ thích hợp cho việc kết bạn với những kẻ tầm thường. Do đó, ta xếp Yên lặng ở vị trí thứ hai. Tiếp theo là Trật tự, đức tính này sẽ giúp ta có nhiều thời gian để tập trung vào dự án và học tập hơn. Kiên định, một khi đã trở thành thói quen, sẽ giúp ta mạnh mẽ và nỗ lực hơn để đạt được tất cả đức tính bên dưới. Tiết kiệmSiêng năng sẽ giúp ta trả hết các món nợ còn lại và đem đến sự sung túc và độc lập, điều này sẽ hỗ trợ cho việc rèn luyện Thành thậtCông bằng trở nên dễ dàng hơn. Với quan niệm việc đánh giá mỗi ngày là cần thiết, quan niệm mà Pythagoras đã từng khuyên trong cuốn Golden Verses (Những vần thơ vàng), ta đã nghĩ ra một phương pháp để tiến hành việc đánh giá này.
Ta làm một cuốn sổ nhỏ, trong đó mỗi đức tính được dành riêng một trang. Ta kẻ bằng mực đỏ một bảng có bảy cột ở mỗi trang, tượng trưng cho mỗi ngày trong tuần, và đánh dấu mỗi cột bằng chữ cái đầu tiên của ngày trong tuần. Và kẻ mười ba hàng ngang cũng bằng mực đỏ, đánh dấu đầu mỗi dòng bằng chữ cái đầu tiên của mỗi đức tính. Mỗi ngày, ta sẽ xem xét và đánh dấu hoa thị cho mỗi lỗi ta mắc phải ở cột đức tính và ngày tương ứng.
Ta quyết tâm dành một tuần để rèn luyện cho mỗi đức tính theo thứ tự trong danh sách. Do đó, trong tuần đầu tiên, ta cố gắng không phạm phải một lỗi nhỏ nào đến đức tính Chừng mực, và tạm chưa quan tâm đến các đức tính bên dưới. Ta chỉ xem xét và đánh dấu vào sổ các lỗi vào mỗi buổi tối. Nếu tuần đầu tiên ta có thể giữ cho dòng đầu tiên Chừng mực, không bị đánh dấu, thì ta tin rằng những thói quen phù hợp với đức tính ấy đã được cải thiện đáng kể, và những thói quen xấu ngược lại với đức tính trên sẽ dần bị loại bỏ. Do đó, ta mạnh dạn tập trung rèn luyện đức tính này và đức tính tiếp theo, trong tuần tiếp sau đó, cả hai dòng này đều không bị đánh dấu. Cứ tiếp tục như vậy, ta đã hoàn thành một đợt đầu tiên trong mười ba tuần, và ta sẽ làm bốn đợt như vậy trong một năm. Giống như kẻ phải nhổ cỏ trong vườn, không cố gắng nhổ cho bằng hết cỏ dại trong một lần, việc này ắt là quá sức, nhưng chỉ cố hoàn thành mỗi lần ở một khoảnh đất trong vườn, và sau khi đã nhổ xong ở khoảnh đất đầu tiên, sẽ tiếp tục ở mảnh thứ hai. Vì vậy, ta nên, và hy vọng rằng, cảm thấy vui mừng và khích lệ khi quan sát thấy tiến bộ mỗi ngày của ta trên trang giấy: đó là xóa dần đi những dấu sai phạm, cho đến cuối cùng, sau rất nhiều nỗ lực và thời gian, ta sẽ hạnh phúc khi nhìn cuốn sổ không có dấu hoa thị nào, khi tự đánh giá chặt chẽ mỗi ngày sau mười ba tuần.
HÌNH DẠNG CÁC TRANG SỔ
KHÔNG ĂN ĐẾN CHÁN; KHÔNG UỐNG QUÁ NHIỀU
Cuốn sổ nhỏ bé này của ta sử dụng những dòng trích từ vở kịch Cato của Addison làm đề tựa:
“Nơi đây ta sẽ chứng kiến.
Nếu có một quyền năng của đấng bề trên
(Và bằng hết những tiếng gọi của tự nhiên rền vang
Trong tất cả các tạo hóa của người),
Kẻ ấy phải ham mê đức hạnh;
Và điều hắn ham mê cũng phải hạnh phúc.”
Và một đoạn khác của Cicero,
“Hỡi triết lý, kim chỉ nam cuộc đời! Hỡi kẻ kiếm tìm đức hạnh, kẻ xua đuổi xấu xa! Chỉ cần một ngày sống tốt và theo đúng những giảng huấn của người, vẫn còn hơn miên mãi trong sai lầm.”
Và một câu nữa trong Châm ngôn của Vua Solomon dạy về trí khôn ngoan hay đức hạnh:
“Tay hữu là sự trường thọ,
Còn trong tay tả, có sự giàu có và vinh hiển.
Các nẻo nó vốn là nẻo khoái lạc,
Và tất cả các lối đều bình an” iii. 16, 17
Và khi đã xem Thượng đế là suối nguồn của sự khôn ngoan, ta cho rằng ấy là cần thiết và đúng đắn phải van nài sự trợ giúp của ngài để đạt được nó; theo đó ta đã viết nên câu kinh cầu khiêm tốn sau đây, đã được thêm vào bảng tự đánh giá của ta để hằng ngày cầu nguyện:
“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu! Lạy Chúa Cha hào phóng quảng đại! Lạy Đấng soi đường từ bi! Hãy tăng thêm sự khôn ngoan đã khám phá niềm ham thích chân thực nhất trong con. Hãy làm tăng quyết tâm của con để thực hiện điều mà khôn ngoan sai khiến. Hãy chấp thuận những giúp đỡ của con đến với các con chiên khác của Người như sự trả ơn duy nhất của con đối với ân sủng liên tiếp Người đã dành cho con.”
Lời huấn thị của Trật tự đòi hỏi mỗi công việc của ta phải được sắp xếp thời gian, do đó ta dành một trang trong cuốn sổ nhỏ để viết ra thời khóa biểu 24 giờ của một ngày thường nhật như sau:
Buổi sáng. Câu hỏi: Hôm nay ta sẽ làm gì?
Từ 5 – 7h: Thức dậy, làm vệ sinh và cầu nguyện câu “Đức Chúa Trời Toàn Năng”. Lên kế hoạch cho công việc trong ngày và thực hiện những ý định đề ra cho ngày, tiếp tục việc học và ăn sáng.
Từ 8 – 11h: Làm việc. Buổi trưa.
Từ 12 – 1h: Đọc, xem qua sổ sách và ăn trưa.
Từ 2 – 5h: Làm việc. Buổi tối. Câu hỏi: Hôm nay ta đã làm được những gì?
Từ 6 – 9h: Sắp xếp mọi thứ vào vị trí. Ăn tối. Nghe nhạc hoặc giải trí, hoặc trò chuyện. Xem xét và đánh giá việc rèn luyện đức tính trong ngày.
Từ 11 – 4h: Ngủ.
Ta bắt đầu thực hiện thời khóa biểu trên để tự đánh giá, thỉnh thoảng tạm ngừng và tiếp tục thực hiện. Ta đã rất sửng sốt trước số lượng quá nhiều lỗi mà ta mắc phải, nhưng tạm hài lòng khi thấy số lượng này giảm dần. Để tránh phiền toái trong việc cứ phải xóa các dấu sai phạm đã đánh vào sổ sau một thời gian để chừa chỗ cho đợt rèn luyện khác, ta đã chuyển bảng đức tính cùng những lời huấn thị sang những tờ giấy màu ngà trong một cuốn sổ ghi nhớ. Trên những trang giấy màu ngà này, ta lại kẻ bảng bằng mực đỏ ít phai, và trên những ô đó, ta đánh dấu lỗi của mình bằng bút chì, những dấu bút chì này sẽ dễ chùi bằng một miếng bọt biển ướt. Sau một thời gian, ta chỉ cần rèn luyện mỗi năm một đợt, và sau đó một đợt trong vài năm, cho đến cuối cùng ta có thể bỏ hẳn. Dù bận rộn với những chuyến công tác nước ngoài và vô số việc cản trở, ta vẫn mang theo quyển sổ nhỏ này bên mình.
Kế hoạch thực hiện nguyên tắc Trật tự gây cho ta nhiều khó khăn nhất. Và ta nhận ra rằng, mặc dù hoàn toàn có thể sắp xếp thời gian làm việc của một người, ví dụ là thời gian của một thợ in, nhưng việc bắt một ông chủ hay phải đi đây đó gặp gỡ mọi người theo thời khóa biểu của khách hàng và phải tuân thủ nghiêm ngặt là không khả thi. Trật tự, trong nghĩa sắp xếp mọi thứ, giấy tờ ngăn nắp, thì ta cảm thấy rất khó có thể thực hiện được. Ta đã không sớm quen với điều này, và với việc sở hữu một trí nhớ tốt, ta đã không nhận ra tầm quan trọng của việc phải có phương pháp để đạt được đức tính này. Do đó, đức tính này khiến ta khổ sở vô cùng trong lúc rèn luyện và những lỗi ta mắc phải liên tục khiến ta hết sức bực mình. Ta đã không cải thiện tình hình được mấy và việc thường xuyên lặp lại các lỗi này khiến ta gần như buông xuôi và chấp nhận sự thiếu sót này trong đức tính của mình. Việc này làm ta nhớ đến chuyện về một người khi mua một chiếc rìu từ người thợ rèn, hàng xóm của ta. Ông này yêu cầu toàn bộ bề mặt của chiếc rìu phải sáng như phần lưỡi. Người thợ rèn đồng ý mài cái rìu theo yêu cầu của ông ta với điều kiện ông phải giúp quay bánh răng trên máy mài. Người này phải quay bánh răng trong khi người thợ rèn ấn phần mặt rìu mạnh xuống phiến đá mài, điều này khiến việc quay bánh răng trở nên khó khăn và mệt mỏi. Người đàn ông mua rìu chốc chốc lại đến xem người thợ rèn làm đến đâu, và cuối cùng, người mua rìu đành chấp nhận với cái rìu của mình và từ bỏ ý định mài sáng bề mặt lưỡi rìu ban đầu. “Không,” người thợ rèn lên tiếng, “quay đi, quay nữa đi, dần dần nhất định chúng ta sẽ mài được bề mặt lưỡi rìu sáng, bây giờ thì chỉ lốm đốm thôi”. “Ừ,” người mua rìu trả lời, “nhưng tôi nghĩ tôi thích một lưỡi rìu lốm đốm hơn.” Và ta tin rằng đây là trường hợp xảy ra với rất nhiều người đã từng ao ước có được những cách thức mà ta đã áp dụng, và khi gặp phải khó khăn trong việc đạt được những thói quen tốt, loại bỏ những thói xấu trong đức hạnh, đã từ bỏ việc rèn luyện và tuyên bố rằng “một chiếc rìu lốm đốm là tốt nhất.” Với một vài nguyên nhân ngụy biện đôi khi gợi cho ta suy nghĩ rằng việc khắt khe đòi hỏi ở bản thân mình bấy lâu có thể là một dạng thích khoe mẽ đức hạnh. Điều này nếu được loan ra ngoài, hẳn sẽ khiến ta trở nên rất lố bịch, rằng một nhân cách hoàn hảo sẽ bị soi mói bởi sự ganh tỵ và ganh ghét; trong khi một kẻ rộng lượng thì nên cho phép bản thân có vài sai phạm, để khiến bạn bè có thể ủng hộ và chấp nhận hắn.
Sự thật là ta thấy bản thân mình vô phương cứu chữa trong việc rèn luyện Trật tự. Và bây giờ khi đã cao tuổi, trí nhớ suy giảm nhiều, ta lại thấy rõ tầm quan trọng để đạt được đức tính này. Nhưng trên hết, mặc dù ta không bao giờ đạt đến sự hoàn hảo mà ta mong muốn và thất bại trong việc đạt được đức tính này, nhờ vào nỗ lực hết mình, ta đã trở nên tốt hơn và hạnh phúc hơn so với việc ta không cố gắng thực hiện điều này. Giống như trường hợp của những người tập trung vào việc rèn chữ viết cho giống với những mẫu chữ điêu khắc, mặc dù họ không bao giờ đạt được sự hoàn hảo vốn có của mẫu chữ kia, nhưng chữ viết của họ đã được cải thiện nhờ vào nỗ lực hết mình và tạm chấp nhận với nét chữ đẹp và dễ đọc.
Những thế hệ sau của ta nên nhớ rằng với mẹo này, cùng với sự phù hộ của Chúa, cha ông chúng đã đạt được hạnh phúc thường trực trong cuộc sống đến tận năm 79 tuổi, năm viết cuốn sách này. Điều bất hạnh có đến hay không phụ thuộc vào quyền phán quyết của Chúa Trời nhưng nếu điều này có xảy đến, việc suy ngẫm lại những phút giây hạnh phúc đã qua sẽ cho ta sự nhẫn nhịn để chịu đựng bất hạnh. Sức khỏe dẻo dai mà cha ông có được là nhờ vào sự Chừng mực, và những gì còn lại là một thể trạng tốt. Sự thoải mái và giàu có có được là nhờ vào Tiết kiệm và Siêng năng. Với tất cả kiến thức đó đã giúp cha ông chúng trở thành một công dân hữu dụng và đạt được danh tiếng ở mức độ nào đó trong giới những người có học thức. Thành thật và Công bằng đã giúp ta được đất nước này tin tưởng và vinh danh. Nhờ vào sự ảnh hưởng của tất cả các đức tính đó, ngay trong hoàn cảnh khó khăn, cha ông chúng vẫn có thể đạt được tất cả sự bình tĩnh và vui vẻ trong các cuộc trò chuyện, điều mà những người đối thoại và ngay cả những người người trẻ tuổi đều thấy dễ chịu. Do đó, ta hy vọng các thế hệ sau có thể noi theo những bài học đó và thu nhận được ích lợi từ nó.

Inamori Kazuo (Trích sách "Tuổi 20 hiên ngang bước vào đời")

6 phép tịnh tiến để khai sáng con đường của bản thân
1. Nỗ lực không thua bất cứ ai
Bước đầu là “Nỗ lực không thua bất cứ ai”. Nói cách khác, phải cố gắng hết mình mỗi ngày. Đồng thời, một yếu tố quan trọng nữa để sống cuộc đời hạnh phúc và tuyệt vời là phải làm việc nghiêm túc mỗi ngày.
Tôi nghĩ nếu không sở hữu tinh thần làm việc hết mình, bạn không thể thành công trong công việc cũng như cuộc sống. Ngược lại, nếu bạn làm việc hăng say quên mình, công việc sẽ thuận lợi dù suy thoái kinh tế ập đến hay nghịch cảnh xảy ra. Chỉ cần cố gắng hết mình, chắc chắn bạn có thể vượt qua những khó khăn ấy.
Mọi người thường nói trong công việc, quan trọng là chiến lược và chiến thuật Nhưng tôi lại cho rằng ngoài cố gắng hết sức, không có con đường nào khác dẫn đến thành công.
2. Khiêm tốn, không kiêu ngạo
Tôi luôn nghĩ, khiêm tốn là tư chất quan trọng nhất hình thành nhân cách con người.
Nếu cố gắng làm việc không quản ngại vất vả, linh hồn ta sẽ được gột rửa, nhân cách ta được nâng lên tầm cao mới, hay nói cách khác, đức khiêm nhường sẽ tự nhiên đến bên ta. Tôi tin tư chất khiêm nhường này vô cùng quan trọng.
3. Tinh thần tự hoàn thiện con người mình mỗi ngày
Sau khi kết thúc công việc, trước khi đi ngủ, tôi luôn mường tượng một ngày đã qua và nhìn nhận lại bản thân. Chẳng hạn, hôm nay mình có khiến ai đó thấy khó chịu không? Mình có thân thiện hay không? Có kiêu căng, ngạo mạn hay hành động đê tiện không? Liệu có phát ngôn hay hành động ích kỷ chỉ biết nghĩ cho bản thân hay không? Việc tự xét lại mình mỗi ngày là vô cùng cần thiết.
Nếu phải hối lỗi về hành động và phát ngôn của bản thân, dù chỉ một chút thôi, bạn phải thay đổi điểm chưa tốt đó. Việc làm này sẽ khiến cả nhân cách và linh hồn của bạn được gột rửa. Đồng thời, nhìn nhận lại bản thân mỗi ngày là điều kiện tiên quyết để có một cuộc đời tuyệt vời.
4. Lòng biết ơn cuộc sống
Con người tuyệt nhiên không thể sống một mình. Chúng ta nhận được sự hỗ trợ từ môi trường bao quanh bản thân, từ không khí, nước, lương thực cho đến gia đình, đồng nghiệp, nhân viên, và xa hơn nữa là cả xã hội. Như vậy, nếu bạn “được sống” khỏe mạnh, thể hiện lòng cảm tạ cũng là lẽ đương nhiên. Bạn sẽ cảm nhận được hạnh phúc đến với cuộc đời mình. Nhờ cảm giác hạnh phúc đó, bạn có thể biến cuộc đời mình thành bức tranh tuyệt vời, đủ đầy và trọn vẹn hơn nữa. Tôi tin như vậy.
5. Tích lũy việc thiện, hành động vị tha
Người Trung Hoa xưa có câu: “Gia hành thiện, ắt nhận báo đáp,” tức là gia đình nào tích lũy nhiều việc thiện ắt gặp được điều tốt. Gia đình nào có tổ tiên hành thiện sẽ mang lại hậu vận hạnh phúc cho con cháu. Người Trung Hoa tin như vậy.
Trước nay, tôi vẫn luôn tâm niệm thế gian này có luật nhân quả, báo ứng và truyền đạt điều đó với mọi người. Thời trẻ, tôi từng đọc cuốn sách Vận mệnh và lập mệnh của Yasuoka Masahiro. Tôi cảm kích sâu sắc cuốn sách này:

Ai cũng có vận mệnh.
Con người sống dựa vào vận mệnh,
Trong cuộc đời, suy nghĩ nhiều thứ và làm nhiều thứ.
Suy nghĩ lương thiện dẫn đến việc hành thiện, hoặc là
Suy nghĩ độc ác dẫn đến việc làm điều xấu,
Từ đó, vận mệnh đổi thay.
Vận mệnh không phải không thay đổi được.

Mặc dù sống dựa vào vận mệnh nhưng trong cuộc đời thực ra tồn tại luật nhân quả, báo ứng. Nếu suy nghĩ hướng thiện và làm điều tốt, vận mệnh sẽ chuyển sang hướng tích cực; nếu suy nghĩ tồi tệ và làm điều xấu, vận mệnh sẽ chuyển sang hướng tiêu cực.
Từ xưa, người Nhật đã có câu nói: “Tình thương không phải vì người khác.” Làm việc tốt cho người khác thì chắc chắn may mắn sẽ quay về với mình. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp vì đối xử tốt với người khác lại khiến bản thân gặp rắc rối, bị tổn hại. Ví dụ, bạn thân của bạn lâm vào tình cảnh khổ sở, muốn tìm người đồng bảo lãnh để vay tiền. Vì thực sự muốn giúp nên bạn đồng ý, rốt cuộc bạn gặp rắc rối và mất toàn bộ tài sản.
Xét từ khía cạnh này, sự giúp đỡ người khác chia thành hai loại. Thứ nhất là tiểu thiện và thứ hai là đại thiện.
Tiểu thiện là khi bạn bè gặp khó khăn, cần người đồng bảo lãnh để vay tiền, bạn cảm thấy cậu ấy đáng thương nên đồng ý. Khi bạn hỏi thử tại sao cậu ấy cần nhiều tiền, thực ra cậu ấy mở công ty dịch vụ tang lễ, vì sống bất cần, không suy tính nên rơi vào tình trạng hiện tại. Việc bạn đồng ý cùng bảo lãnh ngược lại khiến người bạn đó đi theo chiều hướng xấu hơn. Lúc này, bạn có thể bị cho là vô tâm nếu từ chối, nhưng đó mới là đại thiện. Khi tích lũy việc thiện hay đối xử tốt với người khác, tôi phải phân biệt rõ tiểu thiện và đại thiện. Ngay ở hiện tại, tôi vẫn không ngừng suy nghĩ như thế. Chẳng hạn, nếu nuông chiều con quá mức thì cuộc đời đứa trẻ mai sau sẽ không thể thuận buồm xuôi gió. Muốn ngắm nhìn vẻ đáng yêu của trẻ, muốn dành điều tốt đẹp cho con thực ra là tiểu thiện. Vì đã quen với tiểu thiện nên đứa trẻ ấy không thể trưởng thành một cách tuyệt vời. Đó là lý do người ta nói: “Tiểu thiện giống đại ác.” Đừng nuông chiều con cái mà phải dạy dỗ nghiêm khắc. Người xưa có câu: “Để đứa trẻ đáng yêu rời xa vòng tay bao bọc.” Bạn vẫn yêu thương trẻ nhưng hãy để trẻ tự bước đi trên hành trình vất vả, dạy dỗ trẻ nghiêm khắc trên đường đời. Có thể chung quanh buông lời chỉ trích: “Để đứa trẻ non nớt như thế ra ngoài xã hội, đúng là bà mẹ tàn nhẫn. Cậu bé đó đúng là đáng thương.” Nhưng ngược lại, việc dám để trẻ trải nghiệm khổ cực mới khiến chúng nên người, trở thành cá thể tuyệt vời của xã hội. Đó chính là đại thiện.
Với tầm nhìn hạn hẹp, đại thiện dường như tàn nhẫn; nhưng nếu biết nhìn xa trông rộng, tiểu thiện chính là đại ác.
6. Không buồn phiền theo cảm tính
Đừng phiền muộn vì chuyện đã xảy ra, hãy nhìn nhận và kiểm điểm lại bản thân, để suy nghĩ tích cực bao trọn tâm hồn, thẳng thắn hướng đến hành động sáng tạo – đây mới là điều quan trọng. Khi thất bại, bạn phải xem xét nguyên nhân và quan trọng là phải thề với bản thân tuyệt đối không lặp lại thất bại tương tự. Đổi mới tâm hồn bạn, thề nguyền với trái tim sẽ cố gắng hết mình vì tương lai.


John Wooden (Trích từ bài phát biểu của ông trên TED)

7 nguyên tắc sống của John Wooden
1.      Hãy thành thật với chính mình.
2.      Làm cho mỗi ngày kiệt tác của bạn.
3.      Giúp đỡ người khác.
4.      Uống sâu từ những cuốn sách tốt, đặc biệt là Kinh thánh.
5.      Làm cho tình bạn là một nghệ thuật tốt.
6.      Xây dựng một nơi trú ẩn chống lại một ngày mưa.
7.      Cầu nguyện để được hướng dẫn và cảm ơn cho phước lành của bạn mỗi ngày.  

Tôi đã thắng? Tôi đã thua? Đây là câu hỏi sai. Câu hỏi đúng: Tôi đã nỗ lực hết khả năng của tôi?
Thành công là sự bình yên trong tâm trí, kết quả từ sự hài lòng về bản thân khi bạn biết mình đã nỗ lực để trở thành người giỏi nhất bạn có thể trở thành. Đó là điều quan trọng nhất.