Gần đây nổi lên ý kiến đề xuất chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "tiên học lễ, hậu học văn" vì nó dẫn đến tính thụ động của học sinh, sinh viên Việt Nam, chấm dứt sử dụng khẩu hiệu này khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, đồng thời, chống việc nhồi nhét kiến thức, chống việc học thuộc lòng. Nhưng có vẻ khái niệm Lễ ở đây đã bị hiểu lầm một cách nghiêm trọng.
Lễ mà trong bài nhắc đến là lễ nằm trong hệ thống Nho giáo.
Chu Thiên Cầu, Thủy Tiên Đồ
Chu Thiên Cầu, Thủy Tiên Đồ
1, Lễ không đơn giản chỉ là nghi thức hay phép tắc
Nói đến Lễ, chắc cái ta nghĩ đến đầu tiên sẽ là lễ hội, các nghi thức hay là các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử. Đứa trẻ nào có những hành vi không phù hợp, hỗn láo, thường sẽ bị mắng cho là vô lễ. 
Hiện tại, "học lễ" bây giờ thường được hiểu là học cách cư xử, tôn trọng người khác, hay là trở thành một con người có đạo đức. Thậm chí, có người còn hiểu "Lễ" chính là sự phục tùng, tuân theo.
Nhưng thực tế, hiểu về Lễ như vậy là sai lầm. Trong hệ thống Nho giáo, thì Lễ sẽ rộng hơn rất nhiều. Không chỉ bao hàm nghi thức, phép tắc, các khuôn mẫu ứng xử, Lễ còn bao hàm và đi sâu vào mọi vấn đề của đời sống xã hội.
Tôn Long, Hoa điểu thảo trùng sách
Tôn Long, Hoa điểu thảo trùng sách
Nói một cách đơn giản và khái quát, Lễ bao gồm bốn nội dung chính:
Thứ nhất là: Nghi tiết. Lễ bắt đầu từ các nghi tiết trong việc thờ cúng quỷ thần. Rồi từ đó mới bắt đầu có các nội dung phái sinh, mở rộng như: 
Thứ hai, Lễ là: Hệ thống điển chương chế độ. Chính là thiết chế, chế độ chính trị, hệ thống quan lại. Và việc vận dụng Lễ vào việc cai trị được gọi là Lễ trị.
Thứ ba, Lễ là: Các chuẩn tắc, quy phạm trong các mối quan hệ xã hội. Ai muốn hiểu được cách các mối quan hệ vận hành và tồn tại được trong đó, thậm chí điều hành nó, thì không thể không biết Lễ và thực hành được Lễ trong đời sống.
Và cuối cùng, Lễ là hệ thống các quy phạm đạo đức.
Tôn Long, Hoa điểu thảo trùng sách
Tôn Long, Hoa điểu thảo trùng sách
2, Không phải ai cũng bị Lễ ràng buộc
Có đúng vấn đề cách cư xử, đi đứng, nói năng sao cho phải phép thôi nghe đã khó rồi, bây giờ Lễ lại còn phức tạp hơn nữa, đã thế lại có cả chính trị các thứ, thế thì sao mà học rồi làm theo nổi?
May quá, "Lễ bất hạ thứ nhân", tức là dân thường không bị áp đặt bởi Lễ.
Muốn đứng được trong đời, thì phải biết Lễ và làm theo được Lễ, câu này chỉ dành cho giới quý tộc, hoặc là những ai tham gia vào hệ thống nhà nước mà thôi. Còn đối với dân thường, theo được thì tốt, không theo được cũng không có vấn đề gì cả.
Tại sao lại vậy?
Lục Trị, Ngọc điền đồ
Lục Trị, Ngọc điền đồ
Vì hai lý do: 
Thứ nhất, không cần thiết. Bạn không tham gia vào hệ thống chính trị, không nằm trong tầng lớp lãnh đạo, thì đâu cần phải hiểu một cách sâu sắc về hệ thống đâu. 
Thứ hai, không có khả năng. Không có khả năng ở đây có hai mặt, 1 là không có khả năng, điều kiện để được học tử tế và bài bản, chủ yếu là do không có thời gian và không có tiền; 2 là không đủ khả năng để theo được.
Ví dụ như theo đúng Lễ, thì khi cha mất là phải để tang ba năm. Mấy vị quý tộc không phải đi làm kiếm sống, cũng có nhiều tiền bạc, của cải thì mới có thời gian và điều kiện để tang ba năm được, chứ kẻ dân thường còn phải bận đi làm (cũng còn phải sản xuất để nuôi đám quý tộc nữa) thế thì sao mà để tang ba năm được?
Thế thì may quá, mình là dân thường mà, tha hồ mà "vô lễ".
3. Lễ có cái thay đổi được, có cái phải cố định
Xem phim Trung Quốc, ta sẽ hay gặp kiểu: "Đây là phép tắc tổ tiên truyền lại, không thể thay đổi được". 
Các bạn đừng tin, đó là lời của mấy ông mà có quyền lợi gắn liền với hệ thống cũ đang lôi ra làm bình phong để bảo vệ cho chính mình mà thôi. Nếu quyền lợi mà mâu thuẫn với hệ thống xem, các vị đó lại đòi thay đổi luôn đó.
Nói vui vậy.
Quách Hủ, Thanh oa thảo điệp đồ
Quách Hủ, Thanh oa thảo điệp đồ
Quay trở lại với Lễ, thì Lễ phải tuỳ thời và tòng xứ, tòng tục. Tức là Lễ không những biến đổi theo thời gian, mà còn biến đổi theo cả không gian. Khi Lễ được đem sang vùng khác, thì cũng phải thay đổi lễ đi sao cho phù hợp với tục của vùng đó, có vậy Lễ mới phát huy được.
Gần như mọi thứ của Lễ đều có thể thay đổi được cho phù hợp với từng hoàn cảnh, thời đại hay địa phương.
Nhưng có bốn nguyên tắc cố định, nhất quyết không thể thay đổi.
Lễ xuất phát từ việc thờ cúng thần linh. Mà thờ cúng, thì phải kính cẩn, muốn kính cẩn được, thì phải ước thúc và kiềm chế được bản thân. Thần cũng có nhiều loại, nhiều bậc, người cũng có thứ bậc, đâu thể cứ thế mà cào bằng rồi cư xử như nhau được. Chính vì thế mà phải có phân biệt cho rõ ràng, rạch ròi. Có phân biệt rõ ràng thì mới có những cách ứng đối phù hợp, xã hội đi vào nề nếp.
Bốn nguyên tắc không thể thay đổi trong Lễ:
1, Thân với người thân (cha - con)
2, Tôn bậc tôn kính (vua - tôi)
3, Coi trọng trưởng bối (anh - em)
4, Nam nữ có phân biệt
Đây chính là gốc của Lễ. 
4. "Nam nữ thụ thụ bất thân", cũng có cái lý của nó
Nguyên tắc thứ 4 là quan trọng nhất và làm nền tảng cho ba nguyên tắc còn lại.
Vì sao lại vậy?
Trần Thuần, Viên lâm hoa hủy đồ
Trần Thuần, Viên lâm hoa hủy đồ
Hãy nhớ lại mục 2, tại đó mình có nói, Lễ không áp đặt với thứ dân, nhưng lại là yêu cầu bắt buộc với những người trong tầng lớp lãnh đạo. Ở đây xin nêu thêm 1 ý, nếu tầng lớp lãnh đạo không giữ được Lễ, thì nước sẽ loạn.
Thời quân chủ theo chế độ cha truyền con nối, thì chuyện của các gia tộc lãnh đạo, cũng liên quan đến sự hưng vong của cả quốc gia. Ông vua vừa là cha, nhưng cũng vừa là sếp của con mình (đây cũng là lý do tại sao Nho giáo cực kỳ đặt nặng vấn đề hiếu, vì hiếu với cha, mà cha mình cũng là sếp mình, thì cũng là trung thành với người lãnh đạo, có thế thì mới không có biến loạn).
Có năm mối quan hệ xã hội chính: vua - tôi, cha - con, anh - em, bạn bè, vợ - chồng. 
Trong một xã hội mà quyền lực chính trị dựa trên vấn đề huyết thống, thì vợ chồng là mối quan hệ mở đầu cho bốn mối quan hệ còn lại. 
Con chắc chắn là con của mẹ, vì mẹ đích thân sinh ra mà. Nhưng làm sao để biết chắc chắn đó là con của ông đó, chứ không phải là ông khác? Bây giờ có ADN nên đây không phải là vấn đề. Nhưng thời xưa thì sao? Chính vì vậy, nam nữ phải biệt, Lễ phải nghiêm thì mới không có chuyện lộn xộn. Người cha có niềm tin chắc chắn đó là con mình, thì mới một lòng thương yêu đứa con đó, mà chuyện nhà thông với chuyện nước, từ đó thì chính trị mới ổn định. 
Giữ nghiêm được Lễ không phải chuyện dễ dàng gì, mà việc này cũng chỉ có ý nghĩa khi áp dụng với giới quý tộc, lãnh đạo - nơi chuyện của một gia tộc ảnh hưởng đến vận mệnh của cả một quốc gia, còn thứ dân thì đâu có ảnh hưởng được gì, nên các cụ cũng không bắt thứ dân phải làm theo cho bằng được. 
Chỉ tiếc là, những kẻ vốn là đối tượng của Lễ, lại dùng Lễ làm con bài để đàn áp, hành hạ người khác, cốt thu lấy cái lợi về cho mình. Người nay nhìn lại, thì chỉ thấy đám vua quan dùng Lễ để bức hại dân thường, rồi từ đó hiểu sai ý của các bậc thánh hiền. Vậy chẳng phải đáng buồn lắm sao?!