“Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt
Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”
Chúng ta khi sinh ra đều ít nhất một lần ước mơ được sống “huy hoàng”, được đón nhận những điều tuyệt vời nhất bởi những gì mình đã cống hiến và bỏ ra, đều muốn được một lần nếm trải cảm giác mãn nguyện sau những gì bản thân cố gắng. Thế nhưng sự thật rằng, tại sao vẫn luôn có những người vẫn chấp nhận “buồn le lói suốt trăm năm”. Hay nói cách khác, tại sao chúng ta vẫn lựa chọn quanh quẩn trong chiếc vòng tròn an toàn bao bọc lấy mình mà không dám bước qua khỏi nó, dù chắc hẳn nó không phải “buồn” như cách nói ẩn dụ trên. Thậm chí mặt khác, nó còn cho người ta cảm giác ấm áp như hình ảnh người đàn ông trong bức tranh của Pawel Kuczynski.
"Self Made" (2014) - Paweł Kuczyński
"Self Made" (2014) - Paweł Kuczyński
Thoạt nhìn bức tranh, chúng ta thấy được 2 không gian khác hẳn nhau: một phần là lòng đất, chiếm đa số khung cảnh, còn lại là bầu trời trong xanh. Hai khung cảnh ấy nối với nhau bằng một chiếc thang - cách duy nhất để đưa người đàn ông thoát khỏi lòng đất. Thế nhưng anh ấy đã không hề sử dụng chiếc thang ấy như chính những giá trị mà nó đem đến, ngược lại, anh ta nhìn nó như những thanh củi và cưa ra để sưởi ấm, phục vụ cho nhu cầu trước mắt. Khi chiếc thang trở nên vô dụng, chỉ còn là những cành củi thì nó cũng có nghĩa là anh ta đã khước từ đi cơ hội được sống, được nhìn ngắm bầu trời bao la, rộng lớn bên ngoài và chấp nhận cuộc sống tăm tối trong lòng đất.
Nếu chỉ mang ý nghĩa như vậy thì điều gì tạo nên giá trị của bức tranh, khiến nó có sức mạnh “đánh thức con người” như những gì các nhà phê bình đã nói về tranh của Pawel Kuczynski? Quả thật, nếu như đưa nó đối chiếu với cuộc sống đang tiếp diễn, chúng ta dễ nhận thấy rằng lòng đất thể hiện cho những gì đang bao chứa con người, và chiếc thang kia khiến người đàn ông cảm thấy an tâm, ổn thỏa, vì nhờ đốt nó lên sẽ mang đến sự ấm áp về thể xác. Ngược lại với bầu trời trong xanh và đẹp đẽ mà anh ta không biết có điều gì ngoài kia, anh ta không chắc được đó là một cánh đồng bất tận, một cuộc sống mới tươi đẹp hay là những hiểm nguy đang rình rập. Và nếu hiểu theo hướng ấy, thì chiếc thang là cách phản ánh suy nghĩ và góc nhìn của người đàn ông về cuộc sống, đó là cơ hội nhưng anh ta lại không thể nhìn thấy, hoặc có thể anh ta từ chối nó. Qua đó, chúng ta thấy được một trong những lý do ngăn cản người ta bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân, đó chính là những suy nghĩ, thiếu tầm nhìn, sự lo sợ và thích cảm giác che chở ấm áp. Thế nhưng nó cũng là con dao hai lưỡi nhấn chìm họ dần dần, bởi khi anh ta đốt hết cái thang, anh ta cũng sẽ chết trong bóng tối bởi sự lạnh lẽo, sự cô độc vì khó ai nhìn thấy. Cuộc đời của những người không dám bước ra thế giới cũng sẽ như vậy, họ sẽ không nhìn ra được những năng lực tiềm ẩn của mình, và những năng lực ấy nếu không được rèn rũa, thể hiện cũng sẽ biến mất theo thời gian, và sau này hối hận cũng đã muộn.
Vùng an toàn vẫn luôn là một từ khóa hot từ khi tâm lý học bắt đầu phát triển và nó còn được nhắc đến nhiều hơn khi việc sử dụng mạng xã hội ngày một phổ biến, gọi tên những loại “bệnh” tâm lý như trầm cảm, rối loạn lo âu,... Đương nhiên sống trong vùng an toàn thì không nguy hiểm như những căn bệnh ở trên, thế nhưng nó lại được quan tâm bởi ai cũng có những vùng an toàn của bản thân, có thể do cuộc sống sắp đặt hoặc do chính họ tạo ra. Và bước khỏi vùng an toàn ấy là một thử thách lớn bởi chiếc vòng ấy có thể được tạo bởi những tư tưởng, định kiến hay cả văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng truyền thống từ lâu đời và nó định hình suy nghĩ, góc nhìn của con người. Cùng là tục đa thê, nhưng với đạo Hindu ở ấn độ thì đó là cách để những người đàn ông được tôn trọng và lên thiên đàng, trong khi với những quốc gia khác thì đó là hành vi sai trái trong hôn nhân và người đàn ông khi có nhiều vợ sẽ bị chịu sự chỉ trích của xã hội, những người xung quanh. Hay ngay cả với bức tranh của Pawel Kuczynski thì có thể thời gian sống dưới bóng tối đã khiến anh ta không nhìn thấy giá trị của cái thang mà chỉ đơn thuần biết đến nó như là những cành củi khô. Bên cạnh đó, tâm lý trông chờ vào người khác cũng là một trong những nguyên nhân tạo nên vòng an toàn. Điều này không chỉ dễ thấy ở một số người được sinh ra và lớn lên trong sự bao bọc, đầy đủ mà còn có thể thấy ở cả những người có hoàn cảnh khó khăn và trở thành căn tính. Chúng ta đều biết Châu Phi là một lục địa gắn liền với sự kém phát triển già cỗi, nghèo đói của những người dân bản địa, thế nhưng tại sao không như Dubai, nằm trên một sa mạc Sahara rộng lớn vẫn có thể phát triển thành vương quốc xa hoa, giàu có phát triển nhất? Phải chăng bởi lẽ Châu Phi nằm ở nơi khí hậu nóng ẩm, gần xích đạo, nên cây cối, muông thú phát triển, và người dân ở đây dễ dàng kiếm được cái ăn mà không phải bỏ quá nhiều sức lao động, thỏa mãn nhu cầu sinh tồn? Nếu nhìn theo khía cạnh này, thì chúng ta có thể thấy được rằng, tâm lý trì trệ, chây lười cũng là một trong những lý do khiến chúng ta khó vượt qua được những rào cản. Và nếu như chọn cách buông xuôi, không hành động, người ta sẽ thường tìm những lý do để bao biện cho nó, để che lấp nỗi sợ đang hình thành ngày càng lớn trong mình. Thậm chí, khi nỗi e ngại lớn dần, nó sẽ dần đi sâu vào tiềm thức và nhấn chìm bạn trong sự vô nghĩa. 
Trên kênh Youtube Rachel Yurkovich có chia sẻ một video thí nghiệm luộc ếch khá nổi tiếng. Cùng một con ếch khi cho vào nồi nước sôi, chúng sẽ thấy nóng mà nhảy ra ngay lập tức. Nhưng nếu cho nó vào nồi nước lạnh rồi đun sôi từ từ, ếch sẽ dễ dàng thích nghi và trở thành ếch luộc. Như vậy, cảm giác thoải mái chính là cách đánh lừa bạn đi đến sự bỏ lỡ. Con ếch kia vì cảm giác thoải mái dần mất đi khả năng nhảy ra ngoài. Chúng ta không chỉ bỏ lỡ khả năng của bản thân mà còn bỏ lỡ những cơ hội đáng lẽ phải thuộc về mình giống như hình ảnh người đàn ông trong bức tranh. Và thử nghĩ xem, khi cưa hết cái thang cũng sẽ chết đi mà chưa một lần nhìn ngắm bầu trời. Không chỉ là những bức tranh, ngay trong thực tế, khi cuộc sống và thời gian thì quá đỗi khắc nghiệt với con người, chỉ trong từng ngày, xã hội lại đi lên, những phát minh mới được ra đời, nếu không phá vỡ sự thoải mái, bao bọc thì chúng ta đã chấp nhận là người thua cuộc, và bị tụt lại ở phía sau. Trong kinh doanh cũng vậy, sự chậm thay đổi hoặc thiếu linh hoạt sẽ dần dần khiến cho doanh nghiệp trở nên tụt hậu trong thị trường hoặc trở nên kém cạnh tranh so với đối thủ. Khi hài lòng với mức độ tăng trưởng ổn định, một công ty ít có sự cải tiến, đột phá. Điều này theo thời gian sẽ khiến công ty khó có thể phát triển trong một thị trường sôi động và thay đổi liên tục. Ngay khi Chat GPT ra đời, Alphabel - công ty mẹ của Google đã phải bật “báo động đỏ” để nhanh chóng sản xuất, thử nghiệm AI sao cho theo kịp với tốc độ phát triển của Open AI, đồng thời cắt giảm một số nhân sự trong công ty. Và không chỉ Google, ngay cả đội ngũ  Facebook hay Microsoft, Amazon cũng lập tức hành động để giữ vững vị thế của mình, thậm chí tạo ra một làn sóng đại sa thải các nhân viên công nghệ trên thế giới. Thế mới thấy rằng, cuộc sống này quá khắc nghiệt và nhiều biến cố, nếu cứ mãi ẩn mình trong sự thư thái, chúng ta sẽ ở trong trạng thái bị động khi khó khăn ập tới. 
Vậy nên làm gì để nắm bắt được cơ hội, nhảy vọt khỏi vòng xoáy an toàn? Trước hết, khi bắt nguồn từ bức tranh, chúng ta thấy được rằng, cơ hội được lấy từ những điều bình dị, nhỏ bé và gần gũi nhất. Nếu đặt mình vào người đàn ông ấy, thì cơ hội đến từ những cành củi sưởi ấm. Người ta hay nói trong cái khó ló cái khôn, bất kể dù đó là điều nhỏ nhất, hãy luôn dốc hết sức mình, làm hết khả năng của bản thân, coi đó như một cách để mài giũa khả năng của mình. Và đó cũng chính là cách bản thân tự tạo cơ hội cho mình tỏa sáng, bởi tất cả những điều lớn lao đều bắt nguồn từ những thứ nhỏ bé. Họa sĩ tài ba Picasso khi còn là một họa sĩ nghèo vô danh, sống chật vật với miếng cơm manh áo ở trên căn gác mái của một tòa nhà cũ trong lòng thành phố Paris. Lúc ấy những bức tranh ông vẽ đem ký gửi ở cửa hàng chẳng ai ngó ngàng tới khiến Picasso xoay sở đủ cách cũng không thoát khỏi cảnh nghèo. Một ngày kia, khi trong túi chỉ còn có 15 đồng, ông quyết định đánh canh bạc cuối cùng. Picasso ghi lại hết địa chỉ của tất cả các cửa hàng bán tranh ở Paris rồi dùng hết số tiền cuối cùng của mình thuê một đám sinh viên đến tất cả các cửa hàng bán tranh theo danh sách ông đưa và chỉ hỏi một câu duy nhất: “Ở đây có bán tranh của Picasso không?”. Chưa đầy một tháng sau, đơn đặt hàng của các cửa hàng tranh tới ông ngày một nhiều khiến tên tuổi ông lan nhanh như một làn sóng khắp Paris và sau này là cả thế giới. Qua đó, ta thấy được không chỉ tự tìm kiếm cơ hội cho mình ở những điều nhỏ bé nhất mà để thoát khỏi vòng an toàn, ta phải chấp nhận hy sinh lợi ích trước mắt để tiến về lợi ích xa hơn kể cả dù chúng có nguy hiểm thế nào. Người đàn ông kia có thể hy sinh một chút ấm áp để đổi lấy một cuộc sống khác hay Picasso đổi 15 đồng cuối cùng trong tay, đó có thể bằng một bữa ăn, một cái áo ấm… và trước khi bỏ 15 đồng ấy ra, ông không hề biết được rằng, liệu số tiền ấy có khả năng nuôi sống bản thân cả một đời hay không. Cuộc sống luôn thử sức con người bằng những thất bại, những hoàn cảnh éo le. Cũng giống như nếu ta muốn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa, đôi khi khó khăn lại là dấu hiệu cho thành công, bởi vậy chúng ta cần biết hy vọng, tin tưởng vào những điều tốt đẹp để bước đi, hành động thoát khỏi vòng tròn đang kìm kẹp chính mình. Bởi khi nhìn và vượt khỏi nỗi sợ, đó cũng là một bước đi ngoạn mục bước khỏi vùng an toàn.
Liệu có sự khác biệt giữa vùng an toàn và sự thận trọng, bởi lẽ, chúng đều nói đến việc không hành động và sự dừng chân. Thế nhưng vùng an toàn là không dám nghĩ, không dám làm, trong khi sự thận trọng lại là điều cần thiết khi hành động bởi trước khi quyết tâm thực hiện một hành động nào, chúng ta đều phải suy nghĩ thật kỹ. Giống như trước những quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp, một dự án, những người có kinh nghiệm thường sẽ dành một khoảng thời gian để phân tích tính mạo hiểm và lợi nhuận được hay mất.  Bên cạnh ấy, ham muốn hành động và bứt phá nếu không đúng thời điểm sẽ dễ vấp ngã và thất bại, thì chính sự thận trọng suy nghĩ sẽ có khả năng kiềm chế lòng tham và cái tôi của con  người, chúng ta đôi khi nhầm lẫn giữa việc hành động mạo hiểm với việc bước ra khỏi vòng xoáy an toàn. Bởi đôi khi đó chỉ là những suy nghĩ nhất thời, mong muốn trước mắt bởi con người thường dễ bị dẫn dụ bởi dục vọng, tham lam và mong muốn có được danh dự, sự tôn trọng. 
Trái lại, trong xã hội cũng có một số bộ phận những người có sẵn cơ hội nhưng không biết tận dụng, để chúng tuột khỏi tầm tay. Bởi vậy vấn đề xóa đói giảm nghèo vẫn luôn là vấn đề nan giải, khi những người nghèo được chu cấp tiền mà sau một thời gian vẫn hoàn nghèo và không hề có gì thay đổi. Vậy đứng trước những người như vậy, liệu chúng ta có nên tạm ngưng việc cung cấp tiền hay cơ sở vật chất cho họ? Có lẽ đây là câu hỏi khó có lời giải đáp, thế nhưng thay vì trao cho họ chiếc cần để họ không sử dụng, thì chúng ta cũng có thể dạy họ cách sử dụng chiếc cần câu ấy. Hay nói cách khác, chúng ta cần tập trung phát triển song song giữa giáo dục và vật chất. Giữa cái trước mắt và cái lâu dài, đó cũng chính là mục đích mà những tổ chức từ thiện như UNICEF hay The Good Neighbour… hướng đến để khuyến khích, trao cho các em cơ hội được đi học. Hay đó cũng là hình ảnh của các thầy cô giáo lặn lội biết bao cây số, trèo đèo lội suối từ thành thị đến thôn bản, vùng sâu vùng xa để khuyến khích các bạn học sinh đi học. Đó chính là việc đầu tư vào con người, đầu tư vào phát triển nhận thức và kiến thức lâu dài, và nước Nhật cũng chính là một trong những tấm gương phản chiếu rõ nhất. Một cường quốc đi lên từ sự nghèo nàn tài nguyên, từ sự tàn phá khủng khiếp của hai quả bom nguyên tử chỉ bằng việc phát triển nhân lực, giáo dục cho học sinh, người dân.
Chỉ bằng những nét vẽ giản đơn, những hình ảnh nhỏ bé, nhưng Pawel Kuczynski đã mang đến cho chúng ta những thông điệp về nhân sinh, về cuộc đời đầy giá trị và quý giá. Để ta có thể thấy rằng, bước ra khỏi vùng an toàn là cả một hành trình thay đổi gian nan từ nhận thức cho đến hành động. Qua đó, ta thêm thấu hiểu được giá trị của sự nỗ lực, của những “phút huy hoàng rồi chợt tắt”.