Trong Terrace House, chương trình truyền hình thực tế của Nhật yêu thích của tôi, Tupas - một thành viên của mùa 5 đã nói thế này: “Khái niệm Love yourself nghe rất là sáo rỗng. Một người biết yêu không phải tự bản năng anh ta sinh ra đã biết yêu, mà anh ta cảm nhận được tình yêu từ những người xung quanh và từ đó học cách để yêu. Nếu như tuổi thơ anh ta chưa bao giờ được yêu thương thì khi trưởng thành làm sao anh có thể biết được thế nào là yêu và làm sao để yêu?”

LOVE YOURSELF
Những lời nói đó, kể từ đó in sâu vào trong tâm trí tôi mỗi khi tôi nghĩ về tình yêu, những câu nói khác về tình yêu trước đó, tất cả coi như chưa từng tồn tại.
Bạn có thể phản biện ngay rằng, quan điểm như vậy về tình yêu là rất tiêu cực. Chúng ta được học là nếu như chúng ta không biết yêu bản thân mình thì làm sao những người khác có thể yêu mình được. Như những người khác, khi biết về love yourself, tôi cũng cho rằng, đấy là triết lý đúng đắn và chỉ cần tin tưởng cũng như áp dụng nó vào cuộc sống, tôi chắc chắn sẽ có được tình yêu. Tình yêu là thứ dễ dàng nếu như chúng ta mở lòng với vạn vật xung quanh. 
Nhưng tôi đã không xem xét một khía cạnh để cấu thành nên triết lý “love yourself’, đó là yếu tố địa lý. Đúng vậy, địa lý là yếu tố quan trọng để định hình cách chúng ta hiểu “love yourself”. Địa lý ở đây, chính là sự khác biệt về văn hóa, ở đây là giữa văn hóa phương Tây ( trong trường hợp này Mỹ sẽ là thước đo) và phương Đông nói chung. Nếu bạn từng đọc cuốn American ways (tác giả Gary Althen) - từ điển bách khoa căn bản về văn hóa Mỹ thì bạn có thể dễ dàng nhận ra individualism (chủ nghĩa cá nhân) là một trong những giá trị cơ bản mà người mỹ tôn thờ. Sự thể hiện của độc lập được biểu hiện trong cách người ta tôn trọng cuộc sống cá nhân, sự nghiệp, người ta nói về tương lai thay vì quá khứ: “Chúng ta là ai không quan trọng, quan trọng là chúng ta muốn là ai?” nghe quen chứ? Chính những giá trị về cá nhân hay chủ nghĩa độc lập của người Mỹ đã làm cho “love yourself được coi là triết lý đúng đắn trong văn hóa của họ, là bản chất của tình yêu. 
American ways
Trong bộ phim Dạ cổ hoài lang, Tammy (Tâm) đã thể hiện sự bối rối và sợ hãi khi ông nội dành sự quan tâm đặc biệt cho cô, cáu gắt khi tự ý bỏ Nursing Home (viện dưỡng lão của Mỹ), và không ngần ngại đe dọa sẽ gọi cảnh sát đến bắt ông vì ông tự ý mượn chiếc bánh cô làm tặng bạn trai để cúng đám giỗ cho bà nội cô.

Ngược lại, văn hóa Á Đông của chúng ta nảy nở từ mối quan hệ cộng đồng (collectivism). Một người sống nằm trong sự bảo bọc và quan tâm của những người xung quanh người đó: “một người vì mọi người, mọi người vì một người”. Tình yêu, từ đó, lại không thể nào mà “love yourself”. Chính vì chúng ta sống bị ảnh hưởng và chi phối bởi cộng đồng thế nên sự hình thành của tình yêu cũng không ngoại lệ, phải xuất phát từ cái gốc ấy. Có lẽ vì thế mà tôi vẫn luôn cảm thấy có gì đó sai khi tin tưởng vào “love yourself”, và đột nhiên cảm thấy sự liên hệ mạnh mẽ khi nghe những lời nói của Tupas. Đúng vậy, tình yêu phải xuất phải từ sự cảm nhận về việc mình được yêu thì chúng ta mới biết mình đang yêu và học cách để yêu. Những đứa trẻ bắt đầu yêu sớm là vì chúng cảm nhận được về sự hiện hữu của tình yêu từ những ngày còn nhỏ, rồi chính nhờ sự nhận thức đấy, chúng nhen nhóm tình yêu của mình dành cho người khác. Chỉ cần bạn chăm xem phim Việt là đủ hiểu, những nhân vật chính giàu tình yêu phải là những người con với tình yêu vô bờ bến của gia đình (một túp lều tranh, những trái tim vàng, và nhân vật phụ là những kẻ ích kỷ, luôn khát khao tình yêu nhưng rốt cuộc thì kết phim sẽ chẳng có được tình yêu). Vậy còn những đứa trẻ ngỗ nghịch, yêu sớm rồi không chú tâm học hành thì sao, chẳng phải hầu hết những đứa đó xuất phát từ những hoàn cảnh gia đình thiếu tình thương sao? Đấy chỉ là sự nổi loạn để khỏa lấp sự thiếu thốn về tinh thần vì rốt cuộc, những cái kết chẳng phải là màu hồng.
Khi hiểu ra điều này thì tôi nhận ra những lời khuyên kiểu “hãy love yourself” đôi khi lại rất gây tổn thương. Nếu như bạn nói lời này với một người từng chịu đau đớn tận cùng khi tìm kiếm bản thân thì nó không khác gì con dao cứa vào trái tim họ cả. 
Tình yêu nào đâu dễ dàng nhỉ? Yêu không phải là một bản năng, nó là quá trình học hỏi và nỗ lực mỗi ngày để được yêu. Vì thế, nếu như bạn là người biết yêu thì hãy dịu dàng hơn với những người chưa biết cách yêu hoặc yêu sai cách bởi vì đơn giản, chẳng ai dạy họ cách để yêu.