Chắc hẳn ai trong số chúng ta cũng có những người bạn hoặc ngay chính bản thân ta, nhìn ngoài có vẻ khá lạnh lùng vô cảm, nhưng có lẽ sâu trong họ lại là một tâm hồn yếu đuối, mỏng manh. Họ rụt rè, chẳng biết từ chối người khác bao giờ, dễ bị tổn thương và quá mức để ý đến ý kiến, cái nhìn của mọi người mà quên đi cảm nhận của bản thân. Những người như vậy, chúng ta thường gọi họ là người có tâm hồn nhạy cảm.
Vậy thì nhạy cảm là gì?
Nhạy cảm hiểu theo cách đơn giản đó là sự nhạy bén trong việc nắm bắt cảm xúc của người khác. Bản chất của sự nhạy cảm là việc thu nhận thông tin nhanh, đưa ra phản ứng nhanh để từ đó biết cách cư xử phù hợp nhất trong hoàn cảnh đó. Đây là một trong những yếu tố, khả năng sinh tồn quan trọng của con người. Nhạy cảm có tốt không? Có chứ! Việc nắm bắt và thấu hiểu cảm xúc người khác một cách nhạy bén mang lại cho ta rất nhiều lợi thế trong giao tiếp, giúp bạn trở thành một người tinh tế, biết quan tâm người khác và có những tư duy sâu sắc hơn. Nó sẽ trở thành thế mạnh nếu bạn biết tận dụng. Vậy ta thấy, nhạy cảm là tốt nhưng nhạy cảm quá thì không tốt.
Nhạy cảm quá sẽ ảnh hưởng đến cảm xúc tinh thần của chúng ta. Nó khiến ta bị dày vò, sâu xé nội tâm. Lâu dần, ta cảm thấy nó thật phiền toái và mệt mỏi. Nó khiến ta bị stress, rối loạn lo âu hay nặng hơn là các bệnh tâm lí như trầm cảm...Những phản ứng thái quá về cảm xúc, về một vấn đề sẽ dễ dàng làm ta bị tổn thương. Nó không chỉ có hại đối với bản thân mình mà còn đối với những người xung quanh.
Bạn có phải là một người nhạy cảm?
Nếu bạn có một trong những biểu hiện sau thì bạn có thể là một người nhạy cảm.
- Bạn có bao giờ cố gắng hết sức mình để trở thành một phiên bản mà mình không mong muốn chỉ để làm vừa cái "nhìn" của người khác
- Bạn có bao giờ nghĩ rằng những thái độ bực tức hay những story mỉa mai nào đó đang hướng về mình? Để rồi tự hỏi bản thân rằng: "Mình đã làm gì sai để bị đối xử như thế?"
-Bạn có bao giờ suy nghĩ rất kĩ trước khi nhắn tin, trò chuyện vì sợ người khác sẽ hiểu sai ý mình
- Bạn có bao giờ đặt mình vào hoàn cảnh người khác vì sợ lời nói, hành động của mình sẽ khiến người khác không thoải mái
- Bạn có bao giờ muốn thể hiện quan điểm bản thân, cảm xúc của mình nhưng lại thôi vì sợ bị đánh giá, chỉ trích
- Bạn có bao giờ để ý đến những tiểu tiết rất nhỏ, thứ mà không ai để ý tới để rồi suy nghĩ về nó hoài và tự làm mình buồn
- Bạn có bao giờ muốn nhờ người khác làm việc gì đó nhưng vì ngại làm phiền người ta nên thôi. Khi người khác nhờ bạn việc gì bạn lại không biết từ chối vì sợ nếu từ chối người ta sẽ nói này nói nọ mình
- Bạn có bao giờ chơi trong một nhóm bạn nhưng luôn cảm giác mình là người dư thừa
- Bạn có bao giờ chỉ vì một câu nói, câu mắng của người khác mà buồn rồi suy sụp suốt mấy ngày trời
Sau khi đọc những biểu hiện trên, bạn thấy có mình ở trong đó không? Nếu vậy thì bạn có thể là một người cực kì nhạy cảm đấy!
Người nhạy cảm được sinh ra với những xúc cảm tinh tế và mãnh liệt hơn người khác: dễ khóc, dễ cười, dễ đồng cảm với người khác. Họ đôi khi thích thu mình, đôi khi lại muốn hòa nhập cùng mọi người, suy nghĩ về nhiều thứ, dễ cảm thấy lạc lõng, chỉ một kích thích nhỏ cũng khiến tinh thần bất ổn…Khó khăn nhất đối với họ đó chính là việc kiểm soát cảm xúc. Cũng bởi vậy mà đôi khi người nhạy cảm cao trở thành những kẻ lập dị trong mắt mọi người, dễ bị người khác hiểu nhầm là kiểu người thái quá, giả tạo, và bị số đông xa lánh. Họ thường gặp vô số thiệt thòi trong xã hội như các vấn đề về việc là nạn nhân trong các vụ bắt nạt ở trường học. Xã hội có xu hướng coi đó là một điểm yếu và gán cho những người này những cái mác như mong manh hoặc quá khích. Tự mình chấp nhận mình đã khó rồi mà những người này còn bị xã hội xa lánh, quả thật điều này rất khó khăn cho họ.
Nhưng mà nghe này, cho dù bạn là một người nhạy cảm, không có gì đáng để bạn quá phải tự ti và buồn về bản thân cả. Bạn không phải kẻ lập dị! Bạn cũng chẳng phải kẻ giả tạo, mong manh hay quá khích! Bạn đơn giản chỉ là bạn mà thôi! Đừng quá cảm thấy có lỗi và tự ti khi bản thân là một người nhạy cảm, bởi nó cũng một món quà giúp bạn trở nên tinh tế và tốt đẹp hơn, giúp bạn tạo nên giá trị của riêng mình.
Vậy làm cách nào để bớt nhạy cảm?
Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề của một người nhạy cảm đó là chấp nhận bản thân. Thay vì cứ để ý đến thái độ của người khác, bạn hãy thấu hiểu và coi trọng cảm xúc cá nhân của mình hơn. Đôi khi chúng ta cứ tự ti, nghĩ rằng mình thật tệ, mình không tốt, mình không giỏi hơn bất cứ ai nhưng đối với mọi người họ lại suy nghĩ rất khác. Những ý kiến của bạn họ lại cảm thấy hay. Trong mắt họ có thể bạn lại rất đáng yêu chứ không xấu xí, đáng ghét như bạn nghĩ. Những lời phát biểu sai của bạn- thứ làm bạn cảm thấy xấu hổ, họ lại chẳng mấy quan tâm. Chúng ta đang tự mình làm quan trọng hóa mọi vấn đề lên để rồi tự đau khổ, tự buồn bã.
Bình tĩnh với mọi vấn đề, bạn cần kiểm soát sự nhạy cảm của mình để không phản ứng thái quá với những việc hằng ngày trong cuộc sống. Bạn có thể tham gia các hoạt động thể thao để cải thiện tâm trạng. Đặc biệt, việc đơn giản hoá cuộc sống, sắp xếp các lịch trình giúp người nhạy cảm có cuộc sống thoải mái hơn. Quan trọng là bạn thấy thoải mái, nhẹ nhõm, tin tưởng vào chính mình thì khi ấy việc điều khiển cảm xúc bản thân cũng sẽ dễ dàng hơn. Chúng ta cần phải thoát khỏi những vòng vây tiêu cực của cuộc sống và việc có thoát khỏi nó hay không là nằm ở bản thân bạn.