Sáng đầu tuần hôm đó, nắng lên oi ả từ rất sớm. Rơm rạ khô rang, mùi khét lẹt. Để tránh tình trạng giật lag điên cuồng từ chiếc Iphone tội nghiệp, mình phải cày bài tập cho lẹ làng trước khi nhiệt độ đạt đỉnh điểm, mà giờ cũng không nhớ là hôm đó đã viết bài gì nữa. Tóm lại là lúc ấy đang rất hăng cày, bỗng dưng có một loạt tiếng người lọt thỏm vào làm đứt đoạn mạch cảm xúc của mình. Họ là ai? Mình chịu!
Vội gác điện thoại qua một góc, nằm đàng hoàng lại với áo xống chỉnh tề, mình phô ra một bộ mặt ngơ ngác để đón chào họ, trong đầu lơ mơ đoán già đoán non. Chỉ có bác Năng là người duy nhất trong đoàn mà mình quen, vì bác vừa là người y sĩ bán thuốc cho gia đình mình như cơm bữa, vừa ở cùng thôn, lại làm việc trong xã, thì còn lạ gì nữa, có chăng là lạ ở một chị đeo kính nói giọng bắc đang đi kề cận bên bác. Mới thoáng tự hỏi chị này là ai, thì chị đã tự giới thiệu luôn:
“Chào em, hôm nay đoàn của bọn chị về khảo sát các trường hợp khuyết tật để có dữ liệu phục vụ một dự án…”
Thế là thôi rồi, nghe đến chữ đoàn mình liền ngó quanh ra sân hè một phát thì quả nhiên thấy cả một đoàn người đang ùn ùn tiến vào, nam có nữ có, và người đứng tuổi là chủ yếu.
“Ấy chà, mệt rồi đây, mấy bác cán bộ chắc lại phỏng vấn bay mất một buổi rồi…,” mình nghĩ thầm.
“Dạ, dạ, dà..,” rồi mình chỉ biết ậm ừ như vẹt sau mỗi câu giới thiệu của chị trẻ duy nhất trong đoàn.
Không rõ là chị ấy giới thiệu cái gì, mình chẳng tập trung nghe nổi khi cứ mải nghĩ tới viễn cảnh bị hỏi cung suốt buổi.
“Dạ, con chào cô chú…,” trong vô thức mình đưa tay lên chắp trước ngực và chào đoàn người vừa bước vào.
Một chú đeo kính dáng người đậm đà có lẽ đã ngoài tứ tuần chạy lại nối gót chị trẻ giới thiệu tiếp một mạch:
“Chào con, hôm nay…,” lời giới thiệu gần như lặp lại.
“Dạ, dạ..”
Điều kinh khủng không phải là trả lời phần phỏng vấn, mà là bác Năng là người duy nhất mình quen biết đã rút lui nhanh gọn lẹ sau khi hoàn thành khâu dẫn đường. Vậy là rốt cuộc mình phải đơn lẻ tự tiếp đón cả một đoàn gần chục người!
“Ba mẹ con đâu?” bác Năng hỏi.
“Dạ, ba mẹ con đi làm hết rồi bác.”
“Ờ, vậy gọi điện thoại cho ba mẹ về đi, nói là có đoàn khảo sát người khuyết tật tới nghen. Bây giờ bác phải đi dẫn đường cho nhóm khác đây!”
Dĩ nhiên là mình cũng ráng gọi điện đi. Nhưng má thì không thể về khi đang lỡ cỡ trên trụ tiêu, còn ba lại càng không thể vì đã là công nhân cho một công ty đàng hoàng thì chẳng thể tùy tiện muốn đi đâu thì đi như vậy. Bác Hai dâu là người gần nhất tuy nhiên từ sáng sớm bác đã rời khỏi nhà để đi thăm người chị của bác. Anh hai mình thì lại ở tận Sài Gòn. Nên thôi, thế là thôi. Họ đành bắt đầu buổi phỏng vấn mà không có bất kỳ một phụ huynh nào ở nhà.
Tuy rất hồi hộp, nhưng dù sao mình cũng cảm thấy ở những người trong đoàn này toát ra mấy phần thân thiện, thành thử bản thân cũng thêm mấy phần tự tin là sẽ hoàn thành suôn sẻ cuộc thẩm vấn. Đúng vậy, dù gì cũng đằng đằng là đấng nam nhi sắp đủ 18 tuổi, vậy thì phải vững vàng lên, phải tự lực lên, đâu thể mãi ỉ vào cha mẹ được!
Đột nhiên, có một cô với dáng vẻ cũng rất chi là đậm như chú đeo kính lại bên mình hỏi một câu hết sức ngoài lề:
“Con có người yêu chưa?”
Câu hỏi như xát muối vào nỗi niềm lạc lõng trong tâm trí mình lúc bấy giờ, phải, mình càng tỏ ra cứng cỏi bên ngoài thì càng lạc lõng bên trong, mình lại nhớ nàng, và mình ước gì có nàng trong đoàn người này thì tuyệt vời biết mấy, chỉ mỗi nàng cũng đủ khiến mình bớt lạc lõng giữa biển người xa lạ…
“Dạ chưa!”
Ít nhất cô đó đã khơi chuyện lòng của mình tới 3 lần trong buổi sáng ấy. Không biết cô có trắc trở gì không mà bị ám ảnh từ khóa người yêu đến thế.
“Thôi giờ hổng có ba mẹ thì con trả lời các câu hỏi cho mấy cô chú có được hông?”
“Dạ được ạ!” dồn hết tự tin, mình đáp.
“Ừ, vậy giỏi đó. Cảm ơn con nghen.”
Đoàn người kéo nhau ngồi bệt xuống đất bao quanh mình gần như từ mọi hướng. Trong đoàn có 2 người nói giọng bắc, gồm chị trẻ đeo kính và một cô lớn tuổi mà mình ước chừng là một nhân vật “cộm cán” sắp về hưu, còn lại tất cả là người nói giọng Bình Định.
Thế rồi họ lôi ra mỗi người một máy tính bảng để phục vụ cho công việc, nhãn hiệu nào thì không rõ nhưng mình để ý thấy chúng có hình thức bề ngoài y hệt nhau. Và sự hiện diện của chị trẻ có lẽ chỉ vì một mục đích là hướng dẫn cách sử dụng những thiết bị công nghệ này, tại mấy cô chú bác cán bộ trong đoàn thực tình trông cũng hơi lúa, không mấy ai rành rọt về chuyện phần mềm phần cứng cả, có cảm tưởng như họ đang làm việc đồng áng thì bị bắt đi làm quan viên vậy.
Mình chợt nghĩ sao họ không dùng giấy bút cho khỏe?
Mừng cái là mấy cô chú bác trong đoàn rất chân chất mộc mạc chứ không có vẻ gì phô trương chức quyền. Tuy nhiên liệu đó có phải là tổ chức phi chính phủ hay không, bởi nhìn cái khí khái dân dã ấy ai nghĩ họ là người thuộc cơ quan nhà nước được.
Cả đoàn túm tụm lại đã lâu mà vẫn chưa bắt đầu màn phỏng vấn, đa phần mọi người đều cố chọt quẹt một cách rất lung để mở một phần mềm gì đó, chưa bao giờ mình thấy việc sử dụng đồ công nghệ lại căng thẳng đến như vậy. Nghe đâu họ xài 4G mà vẫn chậm, nên đôi lúc mình muốn nói:
“Nhà con có Wifi nè, cô chú xài đi cho nhanh!”
Nhưng thôi, mình nghĩ nếu họ đã chuẩn bị 4G rồi thì không nên tài lanh ý kiến ý cò làm gì.
Chẳng biết bao nhiêu phút trôi qua, chị trẻ cứ xoắn xuýt chạy ngang chạy dọc hướng dẫn cho từng người, song mấy cái máy tính bảng thì vẫn lì lợm, chúng khởi động hết sức ì ạch, tưởng chừng như chúng đang muốn nghỉ hưu vậy.
Chờ, chờ hoài. Mình bắt đầu mòn mỏi, cơ thể cứng đờ với mấy tư thế mà cho là đàng hoàng nhất. Muốn nghiêng muốn ngả, duỗi tay co chân thật thoải mái cũng không dám, cứ như sợ mất đi cái uy nghi thần thái nào đó khi động đậy vậy. Hết chống cằm, lại đan tay, hết đan tay lại khoanh tay, mồ hôi lần lượt rướm ra, đầu óc dần rơi vào một vùng trũng của cô đơn. Thu sự phân tán tư tưởng về một mối, mình từ từ quan sát hơi thở của chính mình thay vì quan sát xung quanh, vừa làm vậy vừa chờ tới khi mọi người bắt đầu cuộc phỏng vấn, nhờ đó mình thấy thoải mái hơn phần nào.
Ví dụ mình là người đi khảo sát, mình sẽ không để trạng thái lạc lõng hay hoang mang xảy đến với những người khuyết tật, bởi trước giờ mình cũng thấm thía rất nhiều cảm xúc tâm lý tương tự rồi, phải nói là những thứ cảm xúc ấy sẽ khiến người khuyết tật càng khép kín, càng khó hòa nhập với xã hội hơn, vì vậy nên tránh những nguy cơ gây tâm lý bất ổn đó.
Được biết đoàn này đang làm một dự án gì đó cho người khuyết tật, kiểu như mở một trung tâm phục hồi chức năng rồi đưa người bệnh vào. Khi nghe tới đó, mình tự biết ngay dự án này chẳng mấy thiết thực với bản thân, bởi bị xương thủy tinh thế này mà phục hồi cái gì, phục hồi rồi có mà ít bữa sau xuống lỗ sớm ấy chứ!
Nói chung trong cả buổi đó mình cảm thấy rất mù mờ, mù mờ về dự án ấy, đoàn người ấy, màn phỏng vấn ấy, tất cả đều không rõ ràng, thậm chí tên dự án là gì mình còn chẳng biết rõ.
“Được rồi, bây giờ cô chú hỏi, con biết gì thì trả lời nghen.” cuối cùng màn phỏng vấn bắt đầu.
“Dạ.”
“Con tên gì?”
“Dạ, Lê.. Anh.. Xuân..”
“Lê Anh Xuân.”
“Lê Anh Xuân.”
“Lê Anh Xuân…”
Thực sự thì chỉ có một bảng câu hỏi đó thôi, nhưng lại đi tới cả đoàn. Và cũng chỉ có mỗi câu trả lời của mình thôi, nhưng lại mất tới 6 – 7 người để chép đi chép lại. Điều ấy làm mình hơi thắc mắc “như vầy có phải tốn nhân lực, vật lực, và tài lực không?” Cách tổ chức và vận hành này có những phần quá khó hiểu đối với mình.
Sau đó, người ta hỏi ngày tháng năm sinh, quê quán, số điện thoại, rồi phụ huynh tên gì bao nhiêu tuổi… cứ toàn mấy câu y như điều tra lý lịch, hầu như nó đã trở thành miếng trầu mở chuyện không thể thiếu trong văn bản phỏng vấn ngày nay, nên đoạn ấy cũng chẳng khó hiểu gì. Chỉ có điều, đoạn mở đầu dài ơi là dài mà mình không thấy câu hỏi về khuyết tật ở đâu.
“Con học tới lớp mấy?”
“Dạ con hổng đi học.”
“Ờ, cũng phải, bị vầy mà đi sao được. Vậy để mù chữ há.”
“Mà con có biết chữ hông?” một người khác hỏi.
“Dạ có.”
“Đọc được viết được hết đúng hông?”
“Dạ đúng rồi.”
“Vậy làm sao để mù chữ được.”
“Nhưng mà nó hổng có đi học lớp nào hết thì phải để mù chữ chứ?”
“Không, trường hợp này phải ghi chú là ‘Không đi học nhưng biết chữ.’ mới được,” bác cộm cán trông lớn tuổi nhất đoàn lên tiếng.
“Ời, vậy đi!”
“Con biết làm toán hông?” câu này chẳng có trong máy tính.
“Dạ biết.”
“Ví dụ toán lớp mấy?”
“Toán đơn giản thì con làm được thôi.”
Mãi vẫn chưa có câu hỏi về khuyết tật.
“Anh hoặc chị đang làm nghề nghiệp gì?” một bác bê nguyên câu hỏi trong máy ra lặp lại.
“Thì nó ở không chứ làm gì được. Phải không con?” chú đeo kính chen vào.
“Dạ.”
“Vậy thì đề thất nghiệp.”
“Tình trạng hôn nhân của anh hoặc chị hiện giờ? Có vợ hoặc chồng hay không?”
“Chưa phải hông con?”
“Dạ,” mình cười cười trả lời.
“Anh hoặc chị đã có con hay chưa?”
“Thì đương nhiên là chưa rồi, chưa vợ mà con đâu ra,” một người khác nói.
“Thì vẫn có người nuôi con đơn thân đấy thôi.”
“Câu hỏi gì đâu vầy…” mình thầm nghĩ trong lúc chờ câu hỏi về chủ đề chính.
“Thì chưa mà, phải hông con?”
“Dạ..”
Những câu hỏi về khuyết tật cuối cùng cũng tới.
“Con bị bệnh là bẩm sinh hay từ lúc nào?”
“Dạ bẩm sinh.”
“Tức là từ lúc sinh ra khỏi bụng mẹ đã vậy?”
“Dạ.”
“Con đi được hông?”
“Dạ hông.”
“Ngồi được hông hay nằm im?”
“Dạ ngồi thì phải có người giúp đỡ.”
“Vậy là để bị liệt đi.”
“Liệt à?”
“Nhưng thằng bé vẫn co duỗi tay chân được mà.”
“Vậy thì liệt nhẹ.”
“Hay là liệt mềm?”
“Nó bị yếu cơ chứ…”
“Không đâu, tay chân nó cử động được nhưng lại mềm quặp…”
Kỳ lạ là không ai hỏi thân chủ một câu rằng “con bị bệnh gì?” mà ai cũng tranh nhau suy đoán, rồi còn đích thân bóp nắn vào tay chân mình thử, cứ như nó là mô hình vô tri vô giác để thực nghiệm vậy. Cơ mà mình đã quen với việc bị mọi người xem là thú lạ từ nhỏ rồi, thành ra cũng không khó chịu lắm. Từ thân bằng quyến thuộc, hàng xóm láng giềng, đến phóng viên nhà báo, người lạ người quen gì, ai cũng không tha cho mấy cái tay cái chân của mình, chỉ là có người thì nhẹ nhàng, có người thì mạnh bạo xem xét thôi. Và những người trong đoàn này, thuộc nhóm người thứ hai, họ không buồn lo ngại về hành động kiểm tra xương khớp của họ có gây chấn thương cho thân chủ hay chăng, mà trong khoảnh khắc họ chỉ đăm đăm thẩm định cái mức độ khuyết tật. Mặc dù xương mình đã cứng cáp hơn xưa đôi phần, song mình làm sao không toát mồ hôi hồi hộp cho được, trong khi họ cứ hết bẻ trái rồi lại bẻ phải những tay chân để coi nó mềm tới đâu. Tim mình vào lúc đó đập cực kỳ dữ dội, nhưng bề ngoài thì mình ráng bình tĩnh hết cỡ. Nếu giây phút sau đấy họ vung tay quá sức làm gãy vài cái xương của mình, thì không biết mình có hét toáng lên không nữa!
Nhưng may mà sau tất cả, mấy cô chú ấy đã biết điểm dừng, và đã không có cái xương nào bị gãy hay mếch. Chỉ hy vọng sau này họ sẽ kiểm tra một cách êm thấm hơn với những trường hợp khác.
Mà dù đã kiểm tra tới vậy, rốt cuộc họ vẫn tranh luận mãi về chuyện thân chủ đang ở tình trạng nào. Không muốn kéo dài thời gian nữa, mình quyết định chen vào cuộc hội đàm đang có nguy cơ đi vào ngõ cụt.
“Dạ thật ra thì con bị hội chứng xương thủy tinh nên không có đi đứng được từ nhỏ.”
“À, bị xương thủy tinh.”
“Thế thì không thể để là liệt mềm được, phải ghi trực tiếp chứng bệnh vào luôn đi.”
“Ờ, vậy là hội chứng xương thủy tinh hén.”
“Hội chứng gì nữa, là bệnh!”
“Câu hỏi tiếp theo, mắt con có vấn đề gì hông, như cận thị, viễn thị, hay loạn thị gì hông?”
“Dạ hông, mắt con bình thường.”
“Còn tai con?”
“Dạ cũng bình thường.”
“Đi vệ sinh con có cảm giác hông?”
“Làm gì tới nỗi đấy chú ơi,” mình nghĩ trong bụng, nhưng vẫn ráng trả lời dõng dạc “Dạ có ạ!”
“Con có trợ cấp xã hội hông?”
“Dạ có.”
“Bao nhiêu?”
“Dạ tám trăm mười ngàn.”
“Con có xe lăn xe lắc gì hông?”
“Dạ có xe lăn.”
“Nhà tự mua, hay ai cho con?”
“Dạ có người cho.”
“Tổ chức hay cá nhân, ý là người cho thuộc tổ chức chính quyền hay là tư nhân?”
“Dạ tư nhân.”
“Cho lâu chưa?”
“Dạ mấy năm rồi.”
“Xe còn dùng được hông?”
“Dạ còn dùng được.”
Có khi mình lại gặp những câu rất lạ lùng.
“Lần gần nhất con đi bệnh viện là khi nào, ví dụ trong vòng một năm qua con đi bệnh viện mấy lần.”
“Dạ một năm qua con hổng có đi bệnh viện.”
“Nghĩa là một năm qua con hổng có bị đau ốm gì hả?”
“Đâu, con vẫn đau chứ, mà con hổng có đi bệnh viện.”
“Đau mà con hổng cần uống thuốc à?”
“Hông, con uống thuốc chứ, nhưng mà tự mua thuốc uống.”
“À, à…”
“Con có tự di chuyển trong nhà được hông?”
“Dạ được.”
“Vậy con có tự lên giường xuống giường được hông?”
“Kiểu đó chắc con tan xương nát thịt quá,” mình lại nói trong bụng.
“Dạ hổng được.”
“Vậy lên xuống xe lăn?”
“Dạ cũng càng hổng được, phải có người đưa lên đưa xuống mới được.”
Ít phút sau, bác Hai xuất hiện, vậy là thân chủ cuối cùng cũng có người giám hộ bên cạnh.
Từ đó tới 10 giờ, tức là lúc họ rời đi, có vô số câu hỏi loằng ngoằng được đưa ra, đa phần là xoay vòng quanh về những chuyện dùng xe lăn, chuyện vận động như thế nào, chuyện phụ huynh chăm sóc ra sao, vân vân và vân vân.
Nếu được, thà để mình tự liệt kê ra các chương trình sinh hoạt trong vòng một ngày, có lẽ sẽ rõ ràng, sát sao, thực tế, và dễ hiểu đời sống của một người khuyết tật hơn là trả lời cả một bảng câu trắc nghiệm như vậy.
Sinh hoạt trong ngày của mình cũng không có gì phức tạp dài dòng lắm đâu. Chỉ đơn giản thế này thôi:
Mình ăn uống, ba má phục vụ. Mình súc miệng rửa mặt, ba má phụ. Mình đi vệ sinh, ba má giúp. Mình đi ngủ, ba má soạn chỗ. Muốn làm gì, ba má lo. Máy quạt làm mát mình, ba má mở. TV mình coi, ba má bật. Pin điện thoại mình xài, ba má sạc. Sách mình đọc, ba má lấy. Áo quần mình mặc, ba má giặt. Tóc mình bù xù, ba má hớt. Móng tay chân mình dài, ba má cắt. Cơ thể mình lâm bệnh, ba má chăm. Người mình bẩn, ba má tắm rửa. Cần ra ngoài, ba má đón đưa. Thích mua cái chi, ba má mua giùm. Và tùm lum chuyện khác.
Tóm lại là, tất tần tật mọi việc trong ngày, hầu như 99% đều có bàn tay ba má hoặc nhiều người xung quanh nhúng vào thì mình mới ổn được.
Nói vậy để thấy rõ hơn, các sinh hoạt của một người khuyết tật vận động là như thế nào. Tuy chưa chi tiết nhất, nhưng vẫn đủ để chính mình hiểu rằng, nếu mà không có ai giúp đỡ, thì đảm bảo giờ này mình đã chẳng còn ở đây. Dù đối với mình, tình trạng không hề nặng như những người bị liệt toàn thân, tuy nhiên đã phải phụ thuộc nhiều vậy rồi, thì thử hình dung những người nặng hơn mình như thế, mà bị bỏ rơi thì sẽ ra làm sao?
“Nếu như được hỗ trợ, thì con thích được hỗ trợ về mặt vật chất, hay tinh thần?” họ hỏi câu mới.
“Dạ, tinh thần!” mình quyết đoán.
“Vậy là chỉ cần được thăm hỏi động viên thì con đã hài lòng phải hông.”
“Dạ đúng rồi ạ.”
“Nhưng nếu được người ta thăm hỏi động viên rồi, mà có quà cáp vật chất nữa thì con vui chứ?”
Nói không thì mình giả tạo, nói có thì cũng không đúng với lòng. Riêng mình vào thời điểm hiện tại, thực sự không có ham hố vật chất gì, nhưng giả sử là được tặng quà, dĩ nhiên mình vẫn vui, còn việc có nhận chúng hay từ chối, thì phải xem xét lại bản thân có cần chúng không.
“Dạ.. vui.”
“Nói chung là thằng bé vẫn thích sự thăm hỏi động viên hơn, thế thì chọn vào phương án ba đi.”
“Vậy là thằng em nó bị như vầy thì không thể nào mà điều trị hết bệnh được rồi, hỗ trợ phục hồi chức năng lại càng không thể, giờ chỉ có nước nằm vậy thôi.”
“Ừ, nó vận động khó khăn quá mà, di chuyển thì gần như toàn bộ phải có người trợ giúp.”
“À, mà con tự di chuyển trong nhà được chứ, con thử thử cho mấy cô chú coi đi.”
“Dạ…”
Như buồn ngủ gặp chiếu manh, đang mỏi tay mỏi chân không biết phải làm sao thì lại nhận được lời đề nghị ấy nên mình rất vui lòng thực hiện ngay tức khắc, chỉ cần điều khiển các cơ và xương một chút, mình đã nhích qua nhích lại cái rẹt gọn ơ.
“Thôi thôi, được rồi đó con.”
Nhưng vì đã biết mình bị gì, họ lo lắng không cho mình di chuyển thêm, giống như là sợ xương mình sẽ gãy đôi gãy ba chỉ sau vài động tác đó.
“Ở nhà con thường làm gì?”
“Dạ con chơi không,” mình không muốn kể chuyện viết lách.
“Ờ, chắc ở nhà chỉ biết coi Tivi với lên mạng chứ làm gì phải hông con.”
“Dạ.”
“Nhà nó có mạng à?”
“Thì đấy, hổng thấy sao?” chú nọ hướng mắt về phía cục phát WiFi và trả lời người hỏi.
“Có mạng thì hay đó, con lên mạng tìm người yêu đi,” lại là cô lúc nãy.
“Thôi cô ơi, con có rồi!” mình bất lực nói trong đầu.
Tiếp theo họ hỏi bác Hai một vài chuyện đời thường của gia đình mình, như chuyện làm lụng, chuyện nhân khẩu…
“Thằng em có thường đi ra ngoài không cô?”
“Hông đâu, thỉnh thoảng có chuyện gì ba nó mới đẩy nó đi vô xã, hay lâu lâu má nó đẩy nó về chùa ở gần đây chơi, chớ hổng có thường đi đâu. Bỏ nó lên cái xe lăn ấy, rồi đẩy,” bác Hai nói.
Đoạn sau bác Hai dẫn người trong đoàn xuống dưới nhà kho để xem chiếc xe lăn đang bị chiếm dụng làm chỗ chất đồ đạc. Sau khi xem xong, chú đeo kính quay lên nói:
“Xe còn tốt đó.”
Khoảng 10 giờ, họ kết thúc buổi phỏng vấn, và lại một lần nữa cả đoàn phải quýnh quáng lên vì mấy cái máy tính bảng rề rà, chúng lưu dữ liệu một cách rất chậm chạp.
Sau cùng, họ bảo mình ký tên vô một tờ giấy gì đó để nhận tiền hỗ trợ cho buổi phỏng vấn, mình cũng ký ào, chẳng xem xét chi. Không phải do ham tiền tới mức mờ mắt, mà mình thấy họ cũng đang gấp, vả lại nếu mình lằng nhằng đọc hết tờ giấy thì họ sẽ nghĩ mình là Tào Tháo, nên thôi.
“Thôi cô chú về nghen. Mà đoàn đi thì con có buồn không?”
“Dạ hông!”
“Ời, chắc đi rồi con được khỏe nữa chứ buồn gì phải hông.”
“Dạ.. con bình thường…”
“Vậy thôi cô chú đi đây, con ở lại khỏe nha.”
“Dạ.”
“Nè, con nhớ tìm người yêu đi nhen!” cô mập lại nhắc.
“Trời ạ, người yêu người yêu làm gì chứ cô? Sao người lớn cứ thích rủ rê trẻ con dấn thân vào bể khổ vậy…” mình than thầm.
“Mà cu em, em thích ăn món gì?” một anh tuổi băm hỏi mình trước khi rời gót.
“Dạ, món gì em cũng ăn hết.”
“Nó thích ăn chay chứ hổng thích ăn gì hết á,” bác hai bồi thêm.
“Em ăn chay luôn à?”
“Dạ hông, em thích ăn luôn mà hổng được.”
“Ờ, bị bệnh như vậy thì ăn chay làm gì cho yếu người.”
“Đúng, ăn thịt cá cho nó khỏe mạnh.”
Tại sao ăn chay lại yếu? Tại sao ăn thịt cá lại khỏe mạnh? Cái này thành kiến thì nhiều hơn là thực tế. Người khuyết tật vẫn có thể ăn chay mà.
Cuối cùng mình cũng được thở phào nhẹ nhõm. Buổi sáng viết lách tuy đã bay mất, nhưng ít ra mình vẫn được giải phóng khỏi cảnh tù túng hồi hộp. Khi tất cả mọi người vừa cất bước khuất khỏi, mình lao ra ăn mừng, khua tay múa chân như điên như cuồng để giãn gân cốt. Và rồi mình hát, hát cho thật đã, hát tới khi má về. Chưa bao giờ mình thấy sảng khoái đến thế. Đời sống ẩn dật tiêu diêu tự tại đúng là thứ mình ưa thích nhất.
Cỡ mười ngày sau, một bác khác lại tới nhà hỏi lại mấy câu cơ bản để ghi chép, lúc này đã có anh hai và má ở nhà. Hóa ra qua lời bác kể, hôm trước chỉ là đoàn đi thực tập, còn bác mới là người chốt hồ sơ để nộp lên trên.