Hôm nay ba mẹ qua thăm bé Thỏ sau 1 đêm xa cách. Đối với ba, mẹ tôi thì sự kiện bé Thỏ sang nhà mới là một mất mát to lớn của tuổi xế chiều. Bởi vì đối với ông bà mà nói, thì con cháu, mà đặc biệt là cháu, chính là niềm vui to lớn, và có thể là duy nhất khi đã đi tới chân dốc của cuộc đời. Từ lúc trở về từ tiệc tân gia nhà bé Thỏ, cả nhà (gồm tôi, ba,mẹ) mang một không khí trống vắng vô cùng. Mọi người đều nhớ tiếng khóc của Thỏ mỗi sáng, tiếng Thỏ dí con chó chạy tụt quần quanh nhà, tiếng Thỏ gọi cô ba inh ỏi, cả tiếng cười giòn tan như nắng chiều hạ nữa...
Người ta thường nói, người ở lại luôn tổn thương và da diết nhiều hơn người đi. Tôi đã được nghe về câu này từ rất lâu rồi, nhưng tận bây giờ mới thực sự thấm.
Tôi hái hoa hồng mỗi sáng lại nhớ hình ảnh bé Thỏ níu tay nằng nặc đòi đi thăm cây hoa hồng lung lay, tôi đi trên dải mô đất chạy dọc hiên nhà thì nhớ bé Thỏ luôn thích bước đi từng bước ngắn và đòi tôi nắm tay đi song song, tôi dọn dẹp dải bong bóng cũ thì nhớ bé Thỏ rất thích thứ này...
Còn về mẹ, từ chiều hôm qua mẹ cứ rơm rớm nước mắt suốt, khi thì thấy mẹ vịn chiếc kệ dưới bếp đứng tần ngần hồi lâu, quay sang thì thấy mắt mẹ đỏ hoe, khi thì thấy mẹ khịt mũi lúc cho bầy cá cảnh của anh hai (ba bé Thỏ) ăn, khi lại thấy mẹ rớt nước mắt lúc tôi kể về bé Thỏ.
Tôi trước giờ vốn nghĩ mẹ là người trọng tiền bạc, vì mẹ luôn nhắc đến tiền, nhưng càng lớn lên tôi càng phát hiện, mẹ muốn tiền vì tiền sẽ giúp con mẹ ăn no, mặc đẹp, tiền giúp mẹ đỡ gánh lo cơm áo cho gia đình, cả trong những lúc bệnh hoạn ốm đau thì cũng sẽ là tiền. Có lần tôi nói, con học đại học xong sẽ đi Sài Gòn đi làm, gửi tiền về cho mẹ, có tiền thì mình sẽ không còncúi mặt trước bất kì ai nữa. Nhưng mẹ nói "tao không cần tiền, mày đừng nghĩ có tiền là có hết".
Cuối năm nay, tôi nghĩ là một khoảng thời gian bộn bề tâm tư đối với mẹ. Dịch dã làm ăn không được cũng đã lo toan một phần, tôi lại nói rằng sẽ không đi làm ở quê, tôi muốn lên thành phố để phát triển. Mẹ luôn khuyên tôi nên ở quê với mẹ, có lần mẹ nói "coi như tao năn nỉ mày đó, mày ở đây với tao đi". Mẹ nói câu này lúc tôi và mẹ đang rửa chén, mắt mẹ đỏ hoe.
Với vai trò là một người mẹ, mẹ buồn vì con trai cả ra riêng, để mẹ lại một mình trong căn nhà lớn đã xây sẵn phòng cho con cháu về ở. Mẹ kể, tao nhìn ra gian nhà thằng Hiếu nó ở hồi trước, mỗi ngày nó đi làm về nó ra đó ở,giờ tao thấy nó trống trơn, tao buồn.
Tôi kể với anh hai chuyện mẹ hay chăm sóc cho bầy cá cảnh, rồi nói anh hai để lại cho mẹ vài con, để mẹ chăm sóc cho khuây khoả tâm hồn. "Hai để lại cho mẹ mấy con đi, đảm bảo con cá vài bữa mập y như con cóc".
Còn với vai trò một người con, mẹ cảm thấy bản thân thật vô ơn vì không thể chăm sóc tử tế cho mẹ mình. Bà ngoại tôi mấy tháng trước cho mèo ăn bị té gãy chân, phải thay một khớp kim loại ở gối, gối còn lại thì lúc trước cũng té nên cũng không còn mạnh. Từ hồi mổ về, ngoại yếu dần vì ăn không nhiều, rồi bắt đầu quên mặt tất cả con cháu, ai vào bà cũng không nhận ra. Ngay cả con gái lớn vào chăm mà ngày nào bà cũng hỏi " cô là ai, giúp việc hả". Tôi qua ngoại cũng không nhận ra, ngày xưa mỗi lần tôi qua, ngoại nghe tiếng là đã cười tươi rói, lần này gặp ngoại chẳng cười, nhìn tôi như nhìn người dưng nước lã. Tôi cứ bắt chuyện, kể về cuộc sống mùa dịch, kể về những điều tôi thấy, tôi nghe trong lúc đi học đại học. Ngoại nghe rồi cười, ngoại hay cười lắm. Nhưng ngoại cứ nhắc việc tôi mặc cái quần cộc để muỗi cắn, ngoại cứ nhắc hoài, nhắc tận 3 lần. Không biết nhận ra tôi không nữa...
Hôm nay mẹ ngồi bóp chân cho ngoại, bắt chuyện một hồi thì ngoại nhớ ra mẹ, mẹ mừng quá, nói "má đừng có quên con nha má". Mà ngoại lãng tai, lúc nói chuyện phải nói lớn lắm ngoại mới nghe, thành ra mỗi lần ngồi nói là bà hàng xóm còn biết được nhà bên này đang bàn chủ đề gì. Thành ra cái câu đầy tính cảm động mẹ vừa thốt ra làm mọi người xung quanh đều thắt lòng, tôi đang bế bé Thỏ thì nghé đầu vào nhìn, dì hai thì vào đứng hỏi mẹ "chảy mũi nước hả bà?".
Chị Hồng lúc đang chùi tủ lạnh nhà mới thì nói " mốt bé Thỏ đi cưới chồng chắc chị buồn khóc đứt ruột quá, không biết bên nhà chồng đối xử nó ra sao". Tôi hỏi sao chị nói vậy, chị nói thì nghĩ về nhiều chuyện, thấy vậy. Chị nói tôi rằng, khi chưa làm mẹ thì chẳng thể nào hiểu được nỗi lòng người mẹ nặng tình ra sao. Tôi nghĩ thấy cũng đúng.
Còn về dì hai, chị ruột của mẹ. Không hiểu tình thương tích góp từ đâu, mà dì hai có thể yêu thương, lo lắng cho tất cả con cháu trong nhà như vậy. Nhớ có lần, tôi học cấp 3, thấy đôi giày tôi mang đã bạc màu gần hết, dì hai rút 4 trăm ra cho tôi mua giày mới, lúc đó tôi ngỡ ngàng không hiểu vì sao dì hai lại cho số tiền lớn vậy. Tôi đã không lấy, lý do thì tôi cũng không rõ.
Anh hai tôi, là người theo lời mẹ thì "nó hồn nhiên lắm". Anh tôi luôn sống thật thà thẳng thắn, đương nhiên rất nhiều phần thua thiệt. Sự kiện tôi ấn tượng nhất là khi mẹ kể về sự nghiệp nuôi cá cảnh của anh hai. Mẻ nào nuôi lớn lên mà không đẹp, là hai đổ xuống mương hết, tôi kiểu what the hell. Không bán giá cao thì bán giá thấp cũng được mà? Mẹ và chị Hồng luôn chửi anh hai xói tóc trán vì cái tật đó, nhưng chửi như không thôi...
Hôm nay qua thăm Thỏ tí thì tôi với mẹ về, anh hai tần ngần ra trước cửa đứng, tưởng hóng gió chiều, tại không thấy nói gì với tôi, ai dè lát thấy tôi dắt xe không nổi thì chạy ra đẩy giùm, người gì cứ im ỉm...
Còn ông Tám nhà kế bên, sáng nào bé Thỏ cũng qua nói chuyện líu lo, giờ bé Thỏ đi, ổng bùi ngùi y như cả nhà tôi. Ổng nghe con nít nhà hàng xóm khóc ré, ổng chạy qua nhà tôi nói " tui nghe nhà bên đây con nít khóc ré tui nhớ con Thỏ quá, nó ở đây la hét riết, giờ đi thấy buồn". Rồi ổng nhìn qua con Gấu, ổng hỏi " nó đi mày thấy buồn không?". Tôi nói chắc nó mừng lắm, thường ngày con Thỏ dí nó chạy vòng vòng tụt quần. Rồi trưa trưa con Gấu lững thững qua nhà ổng, ổng hỏi " con Thỏ đi rồi mày buồn không..."
Hôm nay chị Oanh bưng một ca đá dầm qua, tôi hỏi gì vậy. Bã nói là dừa sáp. Mẹ tôi đó giờ chưa ăn dừa sáp bao giờ, mà cả nhà cũng vậy. Nên bu vào ăn thử, thì nói chung là nó béo béo bùi bùi hơn dừa thường thôi ạ. Nhưng vấn đề làm tôi quan tâm chính là chị Oanh hay chia sẻ đồ ăn lắm, còn tôi và gia đình tôi thì kiểu ít khi chia sẻ. Và tôi thi có quan niệm cái gì phải ngon, phải nhiều mới đem chia sẻ được, không thì người ta nói cho gì mà có tí, không biết phép tắc. Nhưng sau chuyện này, tôi trực tiếp là người được cho, tôi cảm nhận được rằng không nhất thiết món đồ đó phải quý giá hay ngon lành bậc nhất, mà đơn giản là mình chia sẻ những thứ mình có thì niềm vui sẻ lớn hơn. Sự chia sẻ nói chung, sẽ giúp lòng ta nhẹ nhõm, và lòng người hân hoan
(Đây là trải nghiệm về lĩnh vực chia sẻ, không áp dụng cho các lĩnh vực liên quan khác)