Đấy là năm ngoái, tôi theo một bà chị đi buôn 200 chậu hoa bán tết từ vùng hoa Ninh Hòa (Khánh Hòa).
 
 Chị Phương
Ninh Hòa năm đó mới trải qua một mùa bão, khung cảnh vẫn còn vương tàn tích. Mấy cái ao sen năm trước còn đẹp phơi phới, nay chỉ còn là ao bùn. Ấy thế mà hoa vẫn lên cao, nở đều kịp đón xuân. Chị chủ vườn hoa cúc tên Phương - tuổi độ U40. Chị lái cái xe máy cọc cạch, trơ hết khung sườn. Ở một đoạn dốc, chị Phương chở theo cái chậu hoa, rín hết ga. Hai đứa con gái chúng tôi - những "nhà buôn", cũng phải lao vào đẩy xe cho chị qua được dốc.
Chị Phương kể, ngày còn là thiếu nữ, chị sinh ra trong một gia đình khá giả ở Nha Trang. Thế rồi 20 tuổi, chị phải lòng một anh chàng nhà nghèo ở Ninh Hòa. Bố mẹ cấm cản, nhưng chị quyết lấy anh bằng được. Hai vợ chồng khi ấy lấy nhau chẳng có gì, được người ta cho ở ké cái khu đất ....gần nghĩa địa. Rồi chị sinh đứa con đầu lòng, trong một căn nhà xiêu vẹo, cũng ở cái khu đất đấy.
Thời gian đầu làm kinh tế, chị Phương không trồng hoa. Nghề đầu tiên chị làm là đánh bắt cá ở đầm ven biển. Cuộc sống lênh đênh trên nước nhiều hơn trên cạn, thế là chị đổi sang nuôi lợn. Đổi nghề rồi, ấy vậy mà trớ trêu thay, những năm đầu tiên "tăng gia sản xuất", lợn của chị lại gặp phải dịch "lở mồm long móng". Chị lỗ cả trăm triệu. Thế rồi, chị lại phải vay vốn người ta, tiếp tục duy trì đàn lợn. Bao nhiêu lần "đập đi xây lại", cuối cùng chị cũng có được vốn liếng: một ngôi nhà ấm cúm và một cái vườn hoa trồng mùa Tết.
Chị Phương mời chúng tôi vào nhà, cả chủ cả khách dọn ra mâm cỗ cúng: gà luộc, xôi, miến... Nhữn món này, khổ chủ đã hạ hương từ hôm qua mà chưa kịp ăn. Kể mấy câu chuyện trên, chị Phương nói qua Tết này sẽ lên Đà Lạt, xem thử có giống hoa nào đẹp, thịnh hành, sẽ lấy về trồng xen vụ.
Nói về tương lai, tôi thấy mắt chị hấp háy ánh sáng. Đoạn, chị Phương chỉ lên tấm bằng khen trên tường. Chị khoe, con trai chị năm nay 19 tuổi, học đại học Khoa Học Tự Nhiên, mới nhận được giải thưởng “Sáng tạo khoa học kỹ thuật” với một thiết bị cho người khuyết tật. Chị kể: "Giải thưởng đâu đến 20 triệu. Nó bảo cho mẹ một phần, một phần con dẫn bạn đi khao".
Anh lái xe
Nói về lần "đi buôn" này, cũng có nhiều chuyện đáng nhớ khác.
Hoa tết, sau khi đã được chọn lựa - đánh dấu bằng cách túm lại với một sợi dây ni-lông, sẽ được bốc xếp lên xe.  200 chậu bông được xếp hai tầng trên một chiếc xe tải 14 tấn, dài 10 mét. Chiếc xe này, vốn không phải của tài xế, mà là của chủ xe. Tài xế cũng làm theo thời vụ, “gọi đâu đi đấy”. Xe xuất hành từ xế chiều, dự kiến sẽ đi trong đêm để hoa không bị héo.
Hôm đấy là lần đầu tiên tôi ngồi trên một chiếc xe tải to như vậy. Chặng đường thì dài, qua núi, qua đèo. Thỉnh thoảng đang đi giữa đường nghe tiếng gió phần phật phía trên mà run sợ chậu hoa bị rơi, vỡ, cả ba người ngồi trên xe lại phải xuống kiểm tra, vác mấy cục đá lên chèn lại. Chiếc xe đi xuyên qua màn đêm.
Anh tài xế, người thấp bé, ốm nhom, trên bắp chân có xăm hình cá chép. Anh còn rất trẻ, nhưng tự tin đã có 10 năm kinh nghiệm lái xe container khắp Bắc Nam, chở hàng sang tận Trung Quốc. Ấy vậy mà, ngồi cùng cabin với hai đứa con gái, anh vẫn rất rụt rè. Trong đêm tối, chiếc xe tải như kẻ độc hành. Thỉnh thoảng có trên đường le lắt ánh sáng – những chốt cảnh sát kiếm tra. Nhưng còn lại là những đoạn đường xung quanh chỉ có núi vây quanh, không một ánh đèn. Nhìn trước mắt, chỉ có con đường dài bị hút vào bóng tối. Tôi tự hỏi: "Những chặng đường này, có bao giờ anh ta cảm thấy cô đơn?"
Sinh năm 1990, “anh tài” thích nghe nhạc trẻ. Trong list nhạc có cả những bài “hit” thế giới như "Faded" và cả nhạc Sơn Tùng MTP. Âm nhạc vang lên, không ai buồn ngủ nhưng màn đêm làm lòng người trở nên tĩnh mịch. Anh nói: "Nghe nhạc vì muốn nghe một tiếng người.”
 
Chị Thảo
Chị Thảo đi cùng tôi, 26 tuổi, vốn là một người mẹ đơn thân. Đã vài mùa tết qua, năm nào chị cũng phụ giúp “bà ngoại” đánh một chuyến hoa để đón Tết. “Nếu may mắn, chuyến buôn có lời, thì cái Tết cũng đầy đủ hơn.” – chị nói vậy.
Chị đến Ninh Hòa lấy hoa, thỏa thuận với chủ vườn từ hôm 20 âm lịch. Trước mấy hôm bốc hoa, tôi và chị rủ nhau xuống Nha Trang chơi. Chị hẹn một người bạn cũ, hai người đi bộ dọc bờ biển, tối mới về. Hôm sau, chị lại phóng xe máy từ Nha Trang lên làng hoa ở Tuy Hòa, tất bật với công việc chọn bông, thuê xe, thuê người bốc xếp.
Chị Thảo lặn lội vào làng hoa, lặn lội vào tận vườn trong của chủ nhà, tự mình chọn ra những chậu bông đẹp nhất. Bởi cúc không cao, không nở to thì người ta sẽ không mua. Mùa hoa Tết ai nấy đều tất bật, chủ xe không những giao xe trễ mà còn mang tới một cái xe tải tầm trung – khác với thỏa thuận. Chị Thảo lao vào nhà chủ xe làm gắt, “nói chuyện phải quấy” cho bằng được cái xe tải 14 tấn thì thôi. Ấy vậy mà, lúc bốc hoa lên xe, gặp “phu bốc vác” - đa phần là thanh niên 18-25 tuổi, chị Thảo lại nói chuyện, cười đùa “lả lơi”, bắt tay với họ như “đồng chí”. Chị nói phải “giao tiếp”, cốt sao cho hoa được xếp lên xe cẩn thận, mọi việc thuận lợi.
Mùa hoa tết năm ấy, đi đường gió to, xe dỡ hàng xuống, 200 chậu đã vỡ gần chục, nhiều chậu hoa xiên vẹo. Về đến nhà, một “đội quân bốc xếp tại gia” của nhà chị Thảo đã chuẩn bị sẵn, hì hục mang hoa xuống. Gần một tuần, nhà chị thay phiên nhau cử người bán ở chợ hoa. Mặc cho đêm xuống, cái lạnh thấu xương, mọi người vẫn phải ngủ lại để trông hoa. Sáng sáng, lại tưới hoa, chăm sóc hoa.
 Năm ngoái, kinh tế có phần khó khăn, hoa bán không chạy, còn dư đến cả vài chục chậu. Qua tết, chị Thảo đem cắt, bó lại từng bó… thành hoa cúng để bán. Trừ vốn liếng, hư hao, vậy là Tết ấy lỗ, chị Thảo cười xuề: “Ôi dời, năm nay lỗ thì năm sau lời”.

 
Summer Soltice