Một món ngon miền Nam.
Nhắc đến ẩm thực Việt Nam, có lẽ phần lớn mọi người trên thế giới đều biết đến món phở và bánh mì của đất nước hình chữ S. Sự đặc sắc...
Nhắc đến ẩm thực Việt Nam, có lẽ phần lớn mọi người trên thế giới đều biết đến món phở và bánh mì của đất nước hình chữ S. Sự đặc sắc của món phở đã giúp nó được định nghĩa tại từ điển oxford còn bánh mì với phong cách riêng biệt cũng đang trở thành một món ăn được giới thiệu rộng rãi mà bất cứ du khách nào ghé thăm Việt Nam đều muốn trải nghiệm. Tuy nhiên, với nền ẩm thực phong phú của mình, hai món ăn được đề cập trên đây chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng những món ngon tại Việt Nam. Thật vậy, ngoài phở và bánh mì, có rất nhiều món ăn ngon đang được người Việt giới thiệu ra thế giới, trong đó có món cơm tấm.
Món cơm tấm thường phổ biến ở các vùng miền Nam hơn là miền Bắc, dạo quanh một vòng Sài Gòn, người ta có thể dễ dàng bắt gặp nhiều quán cơm đang phục vụ cho thực khách. Món ăn được đặt tên theo loại nguyên liệu chính dùng để nấu cơm là gạo tấm, đây là những mảnh vụn của gạo được thu lại trong quá trình xay sát. Do chỉ là những mảnh gạo vụn nên ngày trước, món cơm tấm là món ăn phổ biến cho tầng lớp dân nghèo bởi chỉ có người nghèo mới phải ăn loại gạo thứ phẩm này. Theo nhiều tờ báo ghi lại, khoảng năm 1945, nhà văn Sơn Nam (1926 – 2008) đã viết: “Cơm lúc ban đầu là sáng kiến của người Hải Nam, làm đầu bếp cho người Âu, áp dụng cho giới bình dân.”. Về sau, dù cuộc sống có phần thoải mái và dư dả hơn, nhưng nhiều người vẫn quen và yêu thích món ăn bình dân này nên người ta vẫn mở quán phục vụ và có một số thay đổi cho phù hợp với khẩu vị của người dùng.
Để nấu được cơm tấm ngon, người ta phải kỳ công nhiều bước bởi tấm là thứ hạt nhỏ, chỉ cần sơ suất trong bất kỳ công đoạn nào cũng khiến nồi cơm không được như ý muốn. Sau khi vo gạo cho sạch đi những bụi bẩn, người ta phải ngâm gạo tấm trong khoảng hai mươi đến ba mươi phút để cơm được mềm và dẻo hơn khi nấu. Trước khi bắt đầu nấu, phải canh nước cho thật cẩn thận để lượng nước vừa đủ, tránh tình trạng hạt tấm bị quá khô hoặc quá nhão mà mất đi vị ngon của cơm, thông thường, để hạn chế việc cơm tấm bị nhão, người ta sẽ hấp cơm thay vì nấu trực tiếp. Sau khi chín, để đảm bảo cơm tấm được tơi, xốp, thường phải ủ cơm thêm khoảng mười đến mười lăm phút, sau đó mới mở nắp để xới cơm.
Có cơm ngon rồi thì món ăn kèm cũng phải thật tương xứng. Thông thường cơm tấm sẽ ăn kèm với sườn nướng, bì, chả hoặc trứng, về sau, để đáp ứng nhu cầu cho thực khách, người ta còn làm thêm nhiều món ăn kèm, nhưng khi nói về cơm tấm thì những món ăn kèm được đề cập trên đây là phổ biến và nguyên bản nhất. Sườn ăn cơm tấm là loại sườn heo, được tẩm ướp thật kỹ, tốt nhất là ướp qua một đêm để hương vị có thể thấm vào miếng thịt. Miếng sườn ngon phải vừa có nạt vừa có mỡ để miếng thịt được mềm, không quá khô khi nướng. Việc nướng thịt cũng đòi hỏi phải được nướng bằng than hoa và người nướng phải nướng thật cẩn thận để miếng thịt vừa chín đều hai mặt, vừa giữ được hương vị do tẩm ướp mang lại nhưng phải vừa phảng phất một chút mùi khói than. Chả trứng cũng là một món ăn kèm đặc trưng của cơm tấm, được làm từ trứng vịt, thịt xay, thịt cua, bún tàu và nấm mèo trộn đều, sau đó hấp thành bánh, khi ăn thì cắt thành lát. Để có được một miếng chả trứng thơm ngon, người làm phải cân đo đong đếm lượng nguyên liệu sao cho thật hợp lý để chả khi hấp xong thì kết nhờ lượng trứng vừa đủ, khi ăn nghe được mùi thơm của thịt, của cua và không bị quá nhạt do cho nhiều bún tàu và nấm. Bì dùng ăn kèm cơm tấm là bì heo, trộn với vài miếng thịt nạc cắt sợi, với thính và gia vị cho vừa ăn. Trứng thường là trứng ốp-la được chiên chín tái, vừa nóng hổi, vừa thơm phức mà lại béo ngậy hương vị lòng đỏ trứng gà.
Nổi tiếng với việc sử dụng nhiều loại gia vị, nước chấm trong quá trình chế biến và thưởng thức món ăn, Việt Nam thuộc một trong số ít những nước sử dụng nước mắm, nhưng nước mắm lại là linh hồn cho nhiều món Việt ví như bún chả, bánh cuốn, bánh lọc... Nước mắm dùng ăn cơm tấm cũng vậy, dù đã có một đĩa cơm ngon với những món ăn kèm xuất sắc nhưng nếu hương vị nước mắm ăn kèm không phù hợp cũng khiến cho mọi sự kết hợp đều trở nên không còn giá trị. Việc pha chế không thể tùy tiện mà cần phải hài hòa giữa vị mặn của mắm, vị ngọt của đường, không được quá mặn hoặc quá ngọt vì sẽ làm ảnh hưởng đến vị của sườn và chả. Sự hài hòa của vị mặn và vị ngọt cũng nền tảng để từ đó thực khách có thể nêm thêm tí ớt nếu thích ăn cay, tí chanh nếu muốn thêm vị chua.
Sau khi hoàn thành mọi công đoạn, cơm tấm được bày biện sao cho thật ngon mắt trên đĩa, được phục vụ đi kèm bộ muỗng, nĩa để thực khách tiện dùng món.
Tuy là món ăn bình dân nhưng hiện nay cơm tấm đã trở nên thân thuộc với mọi người bất kể tầng lớp, với việc các món ăn Việt Nam đang ngày càng được giới thiệu trên quy mô rộng và nhận được sự đón nhận tích cực từ thế giới, hy vọng một ngày không xa, cơm tấm cũng trở nên phổ biến rộng rãi và được nhiều người biết đến như món phở miền Bắc vậy.
Sáng tác
/sang-tac
Bài viết nổi bật khác
- Hot nhất
- Mới nhất